Đạo diễn Vũ Hồng Sơn: Phim hình sự gợi cho tôi những cảm hứng bất ngờ

Thứ Ba, 27/12/2005, 07:36

Năm nay, mùa đông dường như đến muộn hơn mọi năm. Đã là tháng 10 âm lịch mà nhiều người như vẫn chưa quen thu mình trong những cái áo khoác to xù. Tôi đến gặp đạo diễn Vũ Hồng Sơn ở Trung tâm Sản xuất phim Truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam. Đoàn làm phim “Chạy án” do anh làm đạo diễn đang ở giai đoạn nước rút (phải hoàn thành trước ngày 25/12), khiến anh phải tiếp tôi trong phòng dựng phim.

Từ khi còn nhỏ, cậu bé Hồng Sơn đã rất yêu thích điện ảnh, nên khi ở đâu, làm gì, cậu cũng rất hay để ý công việc của người đạo diễn. Thế nhưng, khi được cử đi học ở Nga, anh lại được phân vào chuyên ngành âm thanh. Trở về nước vào đầu những năm 1970, anh “đầu quân” vào Xưởng phim Quân đội, cũng vào ra chiến trường theo các đoàn làm phim như cơm bữa. Đến đầu những năm 1980, anh chuyển về Đài Truyền hình Việt Nam và thường xuyên làm trợ lý đạo diễn cho đạo diễn Khải Hưng (nay là Giám đốc Trung tâm sản xuất phim Truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam). Có lẽ, chính thời gian cùng làm việc với người đồng nghiệp giàu ý tưởng này đã thổi vào lòng anh một tình yêu mạnh mẽ với bộ môn nghệ thuật thứ bảy.

Cũng từ đó, anh bắt tay vào thử nghiệm với thể loại phim tài liệu mà anh quan tâm từ lâu. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đến năm 1995, phim tài liệu “Những người đi tìm huyền thoại” của anh đã đoạt giải tại Liên hoan phim Bỉ. Đó là nguồn động viên lớn với một đạo diễn mới bước vào nghề như anh. Anh cũng là người sớm bén duyên với Lực lượng Công an khi anh phối hợp với các đồng nghiệp của mình làm bộ phim tài liệu về chiến công của công an là “Vụ án CM13” được đánh giá cao về chất lượng cũng như phong cách thể hiện. Nhưng có lẽ, dấu ấn trong sự nghiệp của anh đối với khán giả được đánh dấu khi bộ phim thiếu nhi “Đội đặc nhiệm nhà C21” ra đời. Khi nói về bộ phim này, đạo diễn Vũ Hồng Sơn vẫn không giấu được niềm tự hào bởi cho đến nay, đây vẫn là một trong số không nhiều những bộ phim dành cho thiếu nhi được khán giả yêu thích.

Tiếp sau thành công đó, những phim anh làm như “Làng Thanh mở phố”, “Về quê ăn giỗ”, “Những ngọn nến trong đêm”... đều là những bộ phim truyền hình thu hút sự chú ý của khán giả. Năm 2001, giải Cánh diều bạc của Hội Điện ảnh được trao cho phim “Ranh giới” của anh, trở thành nguồn cổ vũ, động viên lớn để anh tiếp tục dấn thân vào con đường mà anh đã kiên trì theo đuổi.

Một cảnh trong phim "Chạy án".

Tuy đạo diễn Vũ Hồng Sơn bắt tay vào làm phim về đề tài hình sự muộn hơn những đồng nghiệp của mình ở Trung tâm Sản xuất phim Truyền hình nhưng anh vẫn thường xuyên theo dõi phim của các đồng nghiệp trong nước và có so sánh trong tương quan với phim hình sự nước ngoài. Anh biết rằng, Việt Nam không thể đủ điều kiện làm những phim quy mô như ở nước ngoài, nhưng nếu biết chọn cách đi phù hợp, vẫn có được những bộ phim hình sự hấp dẫn. Anh quan niệm: “Phim hình sự khác với các thể loại phim thông thường khác, đòi hỏi tính hấp dẫn, tiết tấu nhanh và cách quay cũng phải đặc biệt hơn. Chính vì thế, trong kịch bản của nhà văn Nguyễn Như Phong với 80% là cảnh nhân vật hồi tưởng, tôi đã tìm ra cho mình một cách đi riêng để độc giả không bị lẫn lộn giữa quá khứ và hiện tại, đặc biệt là không dùng tới một thủ pháp rất… lạc hậu của ta: ấy là dùng hình đen trắng cho những đoạn hồi tưởng của nhân vật”.

Có thể coi “Bí mật của những cuộc đời” là một bước thử nghiệm của đạo diễn Vũ Hồng Sơn. Nhưng ở gần 20 tập của bộ phim, người xem bắt gặp cách xử lý tình huống khá hấp dẫn, độc đáo. Chính diễn viên Nguyễn Hải của Đoàn kịch Công an nhân dân khi vào vai nhân vật Trần Hùng Lân cũng nói: “Anh Vũ Hồng Sơn là một đạo diễn rất có nghề. Anh luôn tạo điệu kiện thuận lợi cho diên viên diễn hết mình, sáng tạo hết mình để bộc lộ chiều sâu tâm lý nhân vật, phù hợp với những yêu cầu mà kịch bản đặt ra. Tuy làm phim hình sự chưa nhiều, nhưng anh Sơn là người làm việc hết sức nghiêm túc, nhiều sáng tạo. Thành công của “Bí mật của những cuộc đời” là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ý đồ của người viết kịch bản với đạo diễn và lao động của diễn viên”.

Đạo diễn Vũ Hồng Sơn cho biết thêm, khi nhận được kịch bản “Bí mật của những cuộc đời” của nhà văn Nguyễn Như Phong, anh rất thích thú và nó đã gợi cho anh nhiều cảm hứng sáng tạo bất ngờ. Quả thật, sau khi bộ phim “Bí mật của những cuộc đời” được phát sóng đã tạo ra một làn sóng dư luận và sự chú ý của khán giả. Tiếp theo sự thành công ấy, nhà văn Nguyễn Như Phong viết tiếp kịch bản phim “Chạy án” gồm 20 tập, một bộ phim hứa hẹn mang tới cho người xem những lát cắt của cuộc sống hiện đại với những nhân vật rất điển hình. Thêm một lần nữa, một kịch bản phim hình sự lại thử thách tài năng của đạo diễn Vũ Hồng Sơn.--PageBreak--

Để có được những khuôn hình khắc họa rõ nét tính cách, nội tâm nhân vật, có chiều sâu và gợi mở như khán giả được xem trên phim, đạo diễn Hồng Sơn đã phải đi thâm nhập thực tế ở một số trại giam của Bộ Công an. Ở đó, anh tìm hiểu cách ăn ở, sinh hoạt, tâm lý của phạm nhân cũng như các cán bộ quản giáo trong trại… Chính những ngày đó, anh càng thấu hiểu hơn sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ công an, chia sẻ với những khó khăn vất vả của họ và điều đó cũng được anh thể hiện khéo léo trong phim. Anh nói như tri ân với những cán bộ công an mà anh đã gặp: “Ngành Công an khi tuyển dụng thường đòi hỏi những điều kiện khá khắt khe, nhưng khi đi làm việc lại quá gian nan, vất vả. Các trại giam thì thường ở nơi xa xôi, hẻo lánh, công việc của họ ít được chia sẻ, sự hy sinh của họ thật lớn lao mà chỉ ai thực sự quan tâm mới hiểu hết được...”.

Chính nhà văn Nguyễn Như Phong cũng kể cho đạo diễn nhiều câu chuyện, những vụ án, những chất liệu sống chân thực mà ông có được trong quá trình tác nghiệp đã tạo cho anh một cảm quan về thế giới tội phạm cũng như về Lực lượng Công an, cố gắng để anh tạo ra những sắc thái chân thật nhất cho phim. Có lẽ, sự phối hợp khá ăn ý giữa tác giả kịch bản và đạo diễn đã mang lại những hiệu quả tích cực trong từng khuôn hình của phim “Bí mật của những cuộc đời” và “Chạy án” đang chuẩn bị ra mắt khán giả.

Đạo diễn Vũ Hồng Sơn cũng vui vẻ tiết lộ: “Từ ngày Bộ Công an “đánh” công văn xuống, cho hãng được mấy chục bộ quân phục cất vào kho đạo cụ, khi nào cần cứ việc vào kho lấy ra, chúng tôi cũng nhàn hơn nhiều vì không phải chạy đôn chạy đáo đi mượn quần áo giày dép nữa!”. Có lẽ chính niềm vui ấy đã cho anh sự hứng khởi trong công việc anh đang làm. Anh tâm sự: “Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của đất nước, tội phạm kinh tế ở Việt Nam trở nên tinh vi và ngoan cố hơn, nhiều vụ án kinh tế đã được Lực lượng Công an triệt phá. Tôi cũng là người theo dõi khá thường xuyên những vụ án, với những nhân vật cộm cán, vì lợi ích của riêng mình đã làm nhiều việc hại nước, hại dân. Những vụ án ấy đã trở thành chất liệu để các nhà văn viết tiểu thuyết cũng như kịch bản phim truyện và quả là tôi rất hứng thú khi bắt tay vào làm phim về đề tài này. Hiện nay, phim truyền hình Trung Quốc về vấn đề chống tham nhũng đang được làm rất mạnh và hay. Tôi hy vọng, Việt Nam cũng làm được nhiều phim có tính chiến đấu mạnh mẽ và hiệu quả như thế!”.

Nói về bộ phim “Chạy án” đang quay phần hai đạo diễn Vũ Hồng Sơn cho biết thêm về những khó khăn mà một bộ phim hình sự gặp phải: “Làm một phim “Chạy án” chúng tôi phải lang thang ở rất nhiều tỉnh như Hà Tây, Quảng Ninh, Nam Định... nhờ vả rất nhiều đơn vị của Bộ Công an, trong khi tôi cũng biết là công an các tỉnh kinh phí hết sức hạn hẹp. Vì thế, thường là chúng tôi chỉ xin phòng nghỉ, nhiều khi hai người một phòng, còn ăn thì anh em chiến sĩ ăn gì thì mình ăn nấy thôi. Trong khi đó, kinh phí cho anh em diễn viên chỉ có 10 triệu/1tập, mà phải chia cho biết bao nhiêu người!”. Tuy vậy, anh em trong đoàn làm phim thường động viên nhau cố gắng hơn trong công việc. Bởi có một thực tế là, dòng phim tâm lý vốn đã cuốn hút khán giả hàng chục năm lại đây, giờ đang trở nên nhàm chán với những môtíp quen thuộc. Vì thế khán giả đang gửi gắm vào dòng phim hình sự sẽ mang lại cho họ những thông điệp, hơi thở của cuộc sống hiện đại.

Mang trong mình nhiều dự định, nhiều cảm thông, nhiều day dứt bởi những việc mình làm được chưa nhiều, đạo diễn Vũ Hồng Sơn nói như chia sẻ: “Bạn bè tôi làm công an rất nhiều, tôi lại xuất thân từ quân đội nên cũng ít nhiều hiểu được những đặc thù công việc của ngành. Đến thời bình mà vẫn phải đấu tranh, vẫn phải hy sinh, mất mát và công việc của họ đầy rẫy những khó khăn, đụng chạm, cám dỗ. Để bảo vệ công lý, họ phải rất quả cảm. Cứ nghĩ về họ, tôi thấy sự bình yên của mình được đảm bảo. Chính vì thế, khi làm phim về những người công an, tôi cố gắng khắc họa hình ảnh của họ thật mềm mại, đáng yêu, thật đời thường, với những suy nghĩ, những ước mơ bình dị nhất!”
Nguyệt Hà
.
.