Đạo diễn NSƯT Phạm Thanh Phong: Tạng của tôi là vậy

Thứ Năm, 09/12/2010, 14:25
...Đạo diễn Phạm Thanh Phong khác hẳn các đạo diễn, các nhà làm phim luôn ăn to nói lớn, thậm chí là... chửi bậy liên miên trước những áp lực công việc. Nói về điều này, đạo diễn Phạm Thanh Phong chỉ cười bảo: "Mỗi người một kiểu, tạng của tôi: "Im lặng là vàng".

Có lẽ, bất cứ ai khi gặp đạo diễn Phạm Thanh Phong cũng sẽ ngạc nhiên tự hỏi, tại sao người đạo diễn của một loạt phim truyền hình như "Chuyện phố phường", "đất và người", "Tìm chồng", "Dương tính", "Khoảnh khắc cuộc đời", "Gió qua miền tối sáng", "Cảnh sát hình sự", "Ghen", "Cửa hàng Nôva"... và chủ nhân của nhiều giải thưởng phim Truyền hình Cánh diều vàng, Liên hoan điện ảnh trong các kỳ Liên hoan lại có thể từ tốn, nhẹ nhàng đến vậy. Anh khác hẳn các đạo diễn, các nhà làm phim luôn ăn to nói lớn, thậm chí là... chửi bậy liên miên trước những áp lực công việc. Nói về điều này, đạo diễn Phạm Thanh Phong chỉ cười bảo: "Mỗi người một kiểu, tạng của tôi: "Im lặng là vàng".

- Thưa đạo diễn Phạm Thanh Phong, xin được bắt đầu cuộc trò chuyện với bộ phim được nhắc đến gần đây "Huyền sử Thiên đô", một bộ phim dã sử dài tập đầu tiên của Việt Nam (70 tập) do anh và đạo diễn Tất Bình thực hiện sẽ được đưa lên sóng truyền hình trong thời gian tới. Dù được ra mắt báo giới trong khoảng thời gian khá lâu nhưng cho đến nay, bộ phim vẫn đang trong giai đoạn làm hậu kỳ. Dường như Đoàn làm phim có vẻ gặp nhiều khó khăn với bộ phim truyền hình dài tập khởi đầu cho dòng phim dã sử Việt Nam?

+ Bản thân tôi đã làm hàng trăm tập phim truyền hình, nhưng khi làm phim truyền hình về lịch sử thì đúng là gặp phải nhiều vấn đề nan giải. Khó khăn lớn nhất là chúng ta không có bối cảnh. Chúng tôi đã sang 2 trường quay lớn của Trung Quốc là Vô Tích (ở tỉnh Giang Tô) và Hoàng Điếm (ở tỉnh Triết Giang), nơi có một Tử Cấm Thành thu nhỏ với tỉ lệ 8:10 và cũng là nơi đã quay những bộ phim lịch sử lớn của Trung Quốc như "Xích Bích". Sau khi xem xét, dù biết rằng nó sẽ cho ra những thước phim đẹp nhưng chúng tôi quyết định không quay ở đó nữa vì sẽ rất…Trung Quốc, trong khi chúng tôi lại muốn làm một bộ phim thuần Việt, từ màu sắc của phim, đến phong cách của phục trang đạo cụ, diễn xuất của diễn viên… Điều này đồng nghĩa với việc chúng tôi sẽ phải làm việc gấp 3, gấp 4 lần, chẳng hạn như phục trang, chúng tôi chủ trương dùng chất liệu thô thay chất liệu bóng, phải nghĩ mẫu mã rồi đặt may theo kiểu mà các vua quan triều đại xưa vẫn mặc…

Chúng tôi chọn cảnh ở Cổ Loa, Mộc Châu, Hoa Lư, Huế với bối cảnh chính gồm: Cố đô Hoa Lư, Hoàng cung nhà tiền Lê, nhà của các đại thần thành Đại La, vùng chiến trận… Đấy là chưa kể sự vất vả trong quá trình quay của đoàn vào thời điểm đầu tháng 5, đúng lúc miền Bắc phải chịu đợt nắng nóng gay gắt với nhiệt độ ngoài trời lên tới hơn 40oC. Trong trường quay còn nóng hơn vì chịu nhiệt của mái tôn được phủ bạt kín, cộng hưởng thêm sức nóng của mấy cái đèn chiếu sáng, rồi máy móc… Giờ nghĩ lại, tôi và anh em đoàn làm phim vẫn thấy… sợ!

- Chặng đường nhiều gian nan này có lẽ hứa hẹn cho khán giả sẽ có một bộ phim hay trong thời gian tới trên sóng truyền hình?

+ Chúng tôi nỗ lực và cố gắng hết sức mình, và tin rằng sẽ được khán giả đồng cảm, ủng hộ. Chẳng hạn, trong thời tiết 40oC, những người khác có thể cởi trần, mặc quần đùi thì các diễn viên chính phải mặc một lúc mấy lớp quần áo dày. Diễn viên Công Dũng (vai vua Lý Thái Tổ) phải mặc trên người cả hai bộ trang phục: võ phục và áo giáp được làm bằng các chất liệu: vải, da, sắt, nặng tới gần 10kg. Bộ giáp khiến diễn viên nằm không được mà ngồi cũng khó nên chỉ có thể đứng, sau một tháng đóng phim thì Công Dũng sụt mất 3kg. Nhiều hôm, các diễn viên vào vai quan quân đứng trên cổng thành phơi mình giữa nắng nóng, rồi các nữ diễn viên trong vai các kỹ nữ, mặc trang phục áo yếm hát múa, không được che chắn bất cứ thứ gì, mà cảnh này phải quay đi quay lại cả chục lần, nhìn mà thương họ quá. Người trang điểm hết một đúp lại phải chạy đến dùng khăn chấm mồ hôi, trang điểm lại son phấn. Hai diễn viên nữ phía Nam tham gia bộ phim này là Hà Xuyên và Giáng My sau hai tuần quay hình lại phải nghỉ một tuần để lấy lại sức.

Thời gian gần đây, khi trời mát mẻ, dịu hơn thì lại có những sự cố khác, chẳng hạn, khi quay ở thành Cổ Loa, đến cảnh một nhân vật bị lên đoạn đầu đài trước sự chứng kiến của dân chúng, Thật lạ là anh ta cứ lên sâu khấu thì trời… đổ mưa. Đã hóa trang, đeo gông cùm, mời hàng trăm vai quần chúng đến  mà trời mưa không ngớt. Đến hôm sau, chuẩn bị bấm máy thì trời lại sầm sập đổ mưa. Ba lần liền như thế mới quay xong cảnh ấy. Ngay gần đây, đang quay gấp rút những cảnh cuối để xong bối cảnh ở Mai Châu, cô đóng vai Giáng Bình (do Bi Bi Phạm, siêu mẫu châu Á đóng) trong lúc diễn cảnh dắt ngựa đi dạo đã bị ngựa giẫm gãy một ngón chân và phải nghỉ mấy tuần để về Mỹ chữa trị.

- Đạo diễn Phạm Thanh Phong từng được nhắc đến với các bộ phim đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng người xem như "Đất và người" (chuyển thể từ tiểu thuyết "Mảnh đất lắm người nhiều ma" của nhà văn Nguyễn Khắc Trường), "Chuyện phố phường", "Cha dượng"… Hẳn là anh còn lưu giữ nhiều kỷ niệm đẹp về những bộ phim của mình?

+ Về phim “Chuyện phố phường” thì tôi và nhà văn Phạm Ngọc Tiến đã ngồi không biết bao nhiêu buổi, uống hết bao nhiêu rượu bia mới xây dựng xong kịch bản. Có một kỷ niệm hồi làm phim "Đất và người" mà tôi không bao giờ quên: Thời điểm đó, bố tôi ốm nặng và tôi đã viết kịch bản phân cảnh phim "Đất và người" bên giường bệnh của ông. Đang trong thời kỳ gấp rút nên hầu như đêm nào tôi cũng thức trắng để viết mà quên béng việc những người bệnh xung quanh cần bóng tối để ngủ. Ấy thế mà chẳng ai nhắc nhở tôi phải tắt đèn, cả bệnh nhân lẫn bác sĩ. Sau này tôi mới nghĩ rằng, có thể, vào thời điểm ấy, trên kênh Truyền hình Hà Nội đang chiếu phim về ngành y của tôi "Lời thề Hippocrates" nên ngay cả bác sĩ cũng nhân nhượng hơn chăng (cười)!

- Anh còn là một trong những đạo diễn đầu tiên của loạt phim truyền hình "Cảnh sát hình sự". Tại sao lâu nay anh không tham gia làm phim hình sự nữa?

+ Cảnh sát hình sự do rất nhiều đạo diễn làm, vì thế loạt phim này có rất nhiều màu sắc, nhiều phong cách khác nhau. Thực ra, trước khi bắt tay vào seri phim "Cảnh sát hình sự", năm 1989, tôi đã chuyển thể kịch bản "Người không mang họ" cho đạo diễn Long Vân. Hồi đó, tiểu thuyết vốn chỉ có hai tập nhưng sau khi dựng thành công hai tập phim, thấy nội dung khá nên Cục trưởng Cục Công tác Chính trị Trần Lâm và Giám đốc Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu yêu cầu tôi viết tiếp tập 3. Đến năm 1995, kỷ niệm ngày thành lập Điện ảnh Công an nhân dân, tôi được mời làm phim về nữ chiến sĩ công an hộ khẩu "Giá như yêu được một người". Phim Cảnh sát hình sự là một trong những đề tài khiến tôi say mê và làm việc cật lực. Chúng tôi quay thâu đêm là bình thường. Có lần đi quay phim ở Thanh Hóa, lãnh đạo Công an thị xã Sầm Sơn đã cử cho chúng tôi một tiểu đội Cảnh sát hình sự để đóng phim và hỗ trợ ôtô, vũ khí… để quay. Đến 12h đêm vẫn chưa xong, tôi hơi ái ngại nên nói với các đồng chí Công an, nếu  làm cho xong thì muộn, hay là nghỉ sớm và ngày mai lại cảm phiền các đồng chí thêm một buổi nữa. Các đồng chí ấy rất bận rộn nên chấp nhận sát cánh với chúng tôi đến 4h sáng. Vì quay ở biển nên hễ nước thủy triều lên cao là phải tìm lại bối cảnh. Thấy vậy, các đồng chí công an lắc đầu bảo, làm phim về hình sự còn vất vả hơn các anh đi đánh chuyên án thật

- Phạm Thanh Phong là một đạo diễn phim rất đặc biệt, anh thường… ngồi ở nhà chỉ đạo. Anh có nghĩ rằng, nếu đồng hành cùng Đoàn làm phim thì sẽ có những cảnh quay đạt chất lượng hơn?

+ Mỗi người có một cách làm việc. Tôi coi trọng tính tổng thể và viết kịch bản phân cảnh theo cách riêng để cảm xúc, ý tưởng của mình truyền đạt đến cả ê kíp làm phim một cách đầy đủ nhất. Đến khâu hậu kỳ, tôi sẽ tiếp tục chỉnh sửa về âm thanh, ánh sáng... Tôi nghĩ, đối với một đạo diễn, điều quan trọng là tính hiệu quả của công việc, chứ không phải là cách anh nói thật to, chỉ đạo thật hùng tráng... Đôi khi, sự im lặng và nhẹ nhàng lại có một ma lực khó đoán định nổi.

- Anh từng nói rằng, điện ảnh đối với anh như một mối duyên trời xui, nhưng có lẽ đó là một sự xui khiến rất hợp lý?

+ Năm 1982, tôi tốt nghiệp khoa Văn - Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn Hà Nội). Đến cuối năm đó, tôi theo học lớp đạo diễn tu nghiệp khóa I. Sau khi tốt nghiệp, tôi được nhận công tác tại Xưởng phim truyện Việt Nam, một thời gian sau thì về Trung tâm Sản xuất phim Truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam. Cho đến nay, chưa bao giờ, tôi cảm thấy thất vọng về con đường mình theo đuổi. Tôi nghĩ, nghề nào cũng có sự vất vả riêng, đã xác định gắn bó với nghề, mình phải yêu nghề và theo đuổi đến cùng.

-Xin cảm ơn đạo diễn Phạm Thanh Phong

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.