Đạo diễn, NSƯT Lê Quang Phú: Một đời cho một nghề

Thứ Tư, 19/05/2010, 10:48
Nhắc đến anh không thể không nhắc tới những thước phim tài liệu từng được Điện ảnh Công an nhân dân dàn dựng như: "Chúng con mãi mãi bên Người", "Đồng chí Phạm Hùng", "Đồng chí Trần Quốc Hoàn", "Ảo tưởng một chân trời", "Điệp viên nhảy dù", "Người vượt giới tuyến", "Mật danh Ares"...

Trong hơn 20 năm làm nghề, đạo diễn, NSƯT Lê Quang Phú đã rong ruổi cùng Đoàn làm phim trên khắp mọi miền của Tổ quốc để có được những thước phim tư liệu chân thật, sống động. Hiện nay anh là Giám đốc Điện ảnh Công an nhân dân...

- Thưa NSƯT Lê Quang Phú, trong những ngày cả nước hướng tới Lễ kỷ niệm  120 năm Ngày sinh nhật Bác, nhiều người vẫn nhớ đến phim "Chúng con mãi mãi bên Người" của Điện ảnh Công an nhân dân do anh làm đạo diễn. Riêng với anh, kỷ niệm mà anh nhớ nhất trong thời kỳ làm bộ phim này là gì?

- Đây là bộ phim dài 36 phút thể hiện tình cảm sâu sắc của toàn thể cán bộ chiến sĩ Công an Việt Nam với Bác Hồ kính yêu, là lời tuyên thệ son sắt trước lời dạy thiêng liêng của Người. Nhất là trong thời kỳ đầu Bác Hồ về nước chỉ đạo toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền… Để hoàn thành được bộ phim này, tôi nhớ chúng tôi đã phải gặp gỡ, phỏng vấn nhiều nhân chứng lịch sử ở cả hai miền Nam - Bắc để tìm lại những dấu tích, những sự kiện, tài liệu lịch sử có giá trị và phải mất tới mấy tháng tôi mới hoàn thành xong bộ phim.

Tôi nhớ, có một cảnh quay cuộc hành quân vào ban đêm ở rừng Pắc Bó. Chúng tôi đã thuê cả một đại đội cầm đuốc đi qua suối, những ánh lửa bập bùng phản chiếu qua làn nước trong xanh tạo nên không gian đẹp và hùng tráng. Tôi quay cảnh này với hàm ý, Bác đã nhen lên trong lòng tất cả những người chiến sĩ nói riêng và cả dân tộc Việt Nam nói chung tinh thần đoàn kết, nhen nhóm ngọn lửa đấu tranh để giành lấy tương lai… Khi cảnh quay hoàn tất, chúng tôi đóng máy thì mọi người vội vàng trở về đại bản doanh để ăn bữa tối muộn vì quá... đói. Đang ăn cơm, tôi chợt giật mình nghĩ, không biết khi về có ai quên không dụi tắt các ngọn đuốc không nhỉ? Nếu không, dầu hỏa tẩm đầu ngọn đuốc có thể âm ỉ cháy và gây cháy rừng như chơi. Vậy là tôi bỏ bữa vội chạy lên rừng. Quả nhiên, có vài ngọn đuốc vẫn đỏ lửa. Tôi được một phen… hú hồn!

Đạo diễn Lê Quang Phú làm việc với các nhân vật trong phim "Điệp viên nhảy dù".

- Nói về những thước phim tài liệu của Lực lượng Công an, nhiều người vẫn nhớ đến những bộ phim mà anh vừa là đạo diễn kiêm biên kịch như "Mặt trận"(Phim đoạt giải thưởng Liên hoan Phim lần thứ XI), Phim "Điệp viên nhảy dù" (2 tập - Giải thưởng Liên hoan Phim lần thứ XII), Phim "Mật danh Ares"… Trong quá trình xuyên suốt đề tài "người thật việc thật", anh gặp những khó khăn, thuận lợi gì?

- Thuận lợi là chúng tôi có thể xin sử dụng được những hình ảnh tư liệu "độc" mà ngành vẫn lưu giữ và những cảnh đó sẽ tạo nên sự hấp dẫn riêng của bộ phim… Tuy nhiên, khó khăn là nhiều người trong số họ đã không còn sống đến thời điểm hiện tại để cho chúng tôi được nghe, được ghi lại hình ảnh trong một chuỗi thời gian xuyên suốt.

Chẳng hạn, khi làm phim "Điệp viên nhảy dù" xoay quanh sự kiện trở về Tổ quốc của 7 chiến sĩ cộng sản Việt Nam bị giặc Pháp giam cầm trên đảo Madagascar (châu Phi). Cuộc trở về của họ gắn liền với những sự kiện lịch sử của những năm 1940 - 1945, đặc biệt là giai đoạn tiền khởi nghĩa và trải rộng đến ngày kháng chiến thắng lợi (1954). 7 chiến sĩ đó  gồm Lê Giản, Hoàng Đình Dong, Hoàng Hữu Nam, Trần Hiệu, Nguyễn Văn Ngọc, Dương Công Hoạt, Nguyễn Văn Minh. Sau đó, họ bị đưa sang Ấn Độ và bị thuyết phục ở lại làm việc cho Đài Phát thanh của quân Đồng Minh, nhưng tất cả đều xin về hoạt động tại đất nước. Quân Anh đành phải cho họ tham gia một lớp huấn luyện tình báo rồi đưa trở về Việt Nam với danh nghĩa là điệp viên của Đồng minh. Tốp 1 gồm các ông Lê Giản, Hoàng Đình Dong, tốp 2 gồm Dương Công Hoạt và Hoàng Hữu Nam nhảy dù xuống Cao Bằng cuối năm 1944 (mỗi tốp cách nhau 1 tháng); tốp 3 gồm Nguyễn Văn Ngọc, Trần Hiệu, Nguyễn Văn Minh nhảy dù xuống chùa Trầm (Hà Nội). Tuy nhiên, khi về nước, các ông đã nhanh chóng bắt liên lạc được với Cách mạng và với danh nghĩa hoạt động cho Đồng minh, họ đã tranh thủ được sự giúp đỡ về vũ khí và trang bị.

Trong phim này, lần đầu tiên chúng tôi công bố những thước phim tư liệu quý quay cảnh nhảy dù của các chiến sĩ xuống Cao Bằng, cảnh ta cứu thương viên trung úy phi công Mỹ, cảnh Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tập bắn súng tại căn cứ… Sau Cách mạng Tháng 8 thành công, 7 "Điệp viên nhảy dù" đều trở thành những cán bộ chủ chốt của ngành Công an. Tuy nhiên, khi chúng tôi làm phim này thì 3 trong số 7 người đã mất. Bộ phim về họ thực sự hấp dẫn người xem.

Tôi còn nhớ sau khi bộ phim thành công, các cụ đã thết đãi Đoàn làm phim một bữa… thịt chó. Cụ Lê Giản thì bảo con trai mang biếu tôi một…  quả mít chín cây ở nhà cụ. Khi tôi đến thăm, cụ còn mở một chai rượu Tây mời tôi uống. Cũng có cụ, khi hoàn tất được bộ phim một thời gian thì mất vì tuổi cao sức yếu. Kỷ niệm nhớ nhất là sau đó mấy năm, có những người dân tìm đến tôi chỉ để ký vào giấy chứng nhận với địa phương là thời kỳ ấy, họ có nuôi cán bộ cách mạng, nuôi những người nhảy dù trong bộ phim nói trên. Vì cho đến nay, ngoài những thước phim chúng tôi đã quay thì họ không có gì để… làm chứng với cán bộ xã cả…

- Hồi đó, anh còn làm bộ phim tài liệu nói về những người vượt biên trái phép rất được dư luận quan tâm. Nó là một tiếng chuông cảnh tỉnh những người đi tìm hư danh ở một chân trời ảo mộng nhưng cuối cùng lại gặp phải sự trớ trêu, khổ nạn?

- Đó là phim "Ảo tưởng một chân trời" (3 tập) gồm: "Cuộc hành trình phiêu lưu", "Đất khách quê người" và "Trở về". Đó là một trong những bộ phim mà tôi dành nhiều tâm sức trong suốt nửa năm trời ròng rã. Để có được những hình ảnh vừa chân thực, vừa giàu tính thuyết phục, đoàn làm phim đã đi khắp chiều dài đất nước, từ vùng mỏ Quảng Ninh đến tận Mũi Cà Mau, sang tận Hồng Công, Đài Loan để vào các trại tị nạn của người Việt gặp gỡ và quay phim. Ở đó, chúng tôi bắt gặp những cảnh đời rất thê lương. Bởi vì, khi giao phó tính mạng cho con thuyền lênh đênh trên biển, những người vượt biên không hiểu được rằng, phía trước họ là một ngõ cụt. Số liệu về bọn hải tặc cũng như số liệu về những nạn nhân vùi thân dưới đáy biển sâu khiến chúng tôi bàng hoàng.

Trong bộ phim đó, tôi còn phỏng vấn ca sĩ Ngọc Tân, người từng vượt biên và gặp nạn. Hồi đó, anh đã ngỏ ý hối hận và đang tìm thấy niềm vui chẳng ở đâu xa mà ngay trên mảnh đất Việt Nam mình. Từ đó anh tiếp tục mang lời ca, tiếng hát để phục vụ quê hương, đất nước.

- Ngoài làm phim tài liệu vụ án, anh còn làm phim tài liệu chân dung. Bộ phim chân dung "Một đời cho một nghề" nói về nhà văn Lê Tri Kỷ được coi là cuốn phim tài liệu video đầu tiên của Lực lượng Công an và được đánh giá cao. Với người thầy, người đồng nghiệp Lê Tri Kỷ, anh có kỷ niệm nào tâm đắc?

- Bộ phim này làm khi anh Lê Tri Kỷ đã mất, đó là một nén nhang tưởng niệm một người đàn anh trong nghề. Kỷ niệm về anh thì có nhiều lắm. Tôi nhớ, anh là người điềm đạm, dễ chịu, cẩn trọng tới từng dấu phẩy trong trang bản thảo giống như người viết giấy khen. Chân dung về anh là chân dung một nhà văn, một cán bộ lão thành đã tham gia Lực lượng Công an ngay từ ngày đầu Cách mạng. Cho đến cuối đời, anh dành toàn tâm toàn lực cho việc sáng tác và xây dựng đội ngũ sáng tác trong Lực lượng Công. Phim "Một đời cho một nghề" của tôi đã đoạt giải thưởng Điện ảnh (giải B) năm 1997 do Hội Điện ảnh Việt Nam trao tặng. Đó là một lời tri ân tôi muốn gửi tới người anh, người đồng nghiệp của mình.

- Điện ảnh Công an nhân dân đang có đà để đi lên trong tư thế của một "cơ ngơi" nhiều tiềm lực. Tuy nhiên, xét trong tương quan với những thành tựu đã có của lớp cha anh đi trước, thì hiện nay Điện ảnh Công an nhân dân chưa thực sự phát huy hết khả năng của mình. Với tư cách là một người quản lý, trong thời gian tới, liệu các anh có chiến lược gì để Điện ảnh Công an nhân dân sẽ để lại những dấu ấn trong lòng khán giả?

- Thực ra, xưa nay chúng tôi chưa có một chiến lược để cụ thể hóa những tiềm lực của mình. Lý do thì có nhiều lắm, chủ quan, khách quan đều có cả. Tuy nhiên, tới đây, với sự chỉ đạo của đồng chí Thiếu tướng Hữu Ước, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng - Công an nhân dân, chúng tôi đang có một chiến lược lâu dài để phát triển. Song song với đào tạo con người, chúng tôi sẽ cho ra đời kênh Truyền hình Công an nhân dân để phát sóng rộng rãi trên toàn quốc.

Tất nhiên, nói gì thì nói, cái quan trọng nhất vẫn là niềm say mê của những người làm nghề. Năm vừa rồi, tôi được cử sang Lào để làm giúp nước bạn bộ phim về An ninh Lào. Trong vòng 3 tháng đó, tôi đã mất 2 người mẹ (mẹ đẻ và mẹ vợ). Nói thế để thấy rằng, có những lúc đau buồn phải nén lại dồn cho công việc. Cho đến giờ tôi vẫn tâm huyết với bộ phim về nhà văn Lê Tri Kỷ, bởi vì ông đã nói hộ những người yêu nghệ thuật chúng tôi: "Một đời cho một nghề"… Có những con người làm nghề, yêu nghề và sẵn sàng hy sinh cho nghề thì sẽ có những giá trị ở lại lâu dài trong lòng công chúng!

- Vâng, xin cảm ơn anh!

Nhật Huy (thực hiện)
.
.