Đạo diễn, NSND Bạch Diệp: Phụ nữ làm đạo diễn cũng có… lợi thế

Thứ Năm, 10/01/2008, 14:30
Chúng tôi gặp NSND Bạch Diệp khi bà vừa từ Thụy Sĩ trở về được 3 ngày.  Công du ở đất nước Bắc Âu lạnh giá những hơn hai tháng không hề hấn gì, vậy mà vừa về đến nhà được một đêm, bệnh thấp khớp của bà lập tức tái phát khiến các khớp chân của bà sưng vù, đau nhức.

Lật chồng báo ra đọc, bà mới hay trong thời gian vắng nhà, nhiều văn nghệ sĩ cùng thời với mình đã ra đi. Nhắc đến họ, giọng bà trùng xuống: "Rồi một ngày kia là đến lượt mình thôi!". Ấy thế mà nhắc tới chuyện làm phim, bà lập tức hùng hồn, say sưa như cái thuở cầm loa gào thét chỉ đạo hàng trăm người giữa trường quay "Ngày lễ Thánh" hay "Trừng phạt" năm nào. Có lẽ đến giờ, biệt danh đúng nhất với bà vẫn  là... "Nữ tướng  trường quay"!

-Thưa đạo diễn, NSND Bạch Diệp, nếu như  bà cứ "an phận" làm một nữ nhà báo, thì cái tên Bạch Diệp có lẽ không được công chúng biết nhiều như vậy?

+ Năm 1954 tôi về báo Nhân dân, là "quân" của anh Hoàng Tùng, đến năm 1959 thì xin đi học lớp đạo diễn. Thực ra, bỏ nghề báo tôi cũng rất tiếc, nhưng điện ảnh là niềm đam mê từ thuở nhỏ của tôi, nên dù làm gì tôi cũng vẫn đau đáu với mong ước trở thành một đạo diễn.

Thế nên, ngay khi có lớp đào tạo đạo diễn đầu tiên của Việt Nam, tôi đã đăng ký theo học ngay. Có lẽ, đó cũng là cái duyên nghiệp, là số phận mất rồi. Việc được mọi người biết đến nhiều hay ít với tôi không quan trọng bằng được làm công việc mình say mê.

- Người trong giới gọi NSND Bạch Diệp là "Nữ tướng trường quay" chắc hẳn phải có căn nguyên sâu xa của nó?

+ (Cười vang). Tôi là người đã vào công việc thì rất nghiêm khắc và đúng giờ đến từng phút. Nếu ai trong đoàn sai giờ thường bị tôi nói rất mạnh và đôi khi không… tha thứ. Diễn viên của tôi mà không thuộc lời là không được nên tôi phải "khảo" lời trước khi bấm máy.

Thế mà có lần tôi xông lên suýt nữa... bóp cổ một diễn viên vì cô ấy diễn đi diễn lại hàng chục đúp mà vẫn nói sai lời. Lại có lần, cảnh quay là một tách cà phê nhưng bộ tách và cái thìa không đúng kiểu, tôi điên tiết quẳng ra vườn khiến sau đó anh em phải đi tìm mãi mới thấy để trả cho nhà chủ.

Lần khác, đang sẵn bối cảnh, tôi huy động anh em làm cả ngày với... hai bữa bánh mì chứ không kịp nghỉ để ăn cơm. Đến đêm, cảnh quay lại là cảnh ngày nên tôi phải cho bật hết đèn lên để giả ngày, bởi vì nếu để đến ngày mai dàn lại bối cảnh thì rất khó mà khổ. Anh em kêu trời, cũng có người phản ứng rất mạnh.

NSND Bạch Diệp trong xưởng phim

Họ bảo tôi độc đoán, tôi điên! Tôi bảo: "Tôi điên đấy, nhưng... hãy làm việc đi!". Vậy là họ bảo nhau: "Thôi, một khi Bạch Diệp đã lên đồng thế này thì chỉ có cách cố làm cho xong đi rồi nghỉ". Sự "lên đồng" của tôi đôi khi cũng khiến anh em gặp phiền toái.

Một lần, có diễn viên chạy đến khóc với tôi bảo: "Chị Diệp ơi, em không đóng phim với chị được nữa. Đêm qua chị bắt làm cả đêm, về nhà giải thích thế nào chồng em cũng không tin. Anh ấy bảo em đi chơi chứ có ai người ta làm phim cả đêm".

Thế là mình lại phải đến nhà giải thích, ông xã của nữ diễn viên ấy mới đồng ý cho vợ đi làm phim tiếp. Tôi là thế đấy. Có lẽ, chính từ sự quyết liệt trong công việc của tôi mà người ta đặt cho tôi cái biệt danh đầy… lửa ấy!

- Thưa NSND Bạch Diệp, bà được biết đến là người đã định làm gì thì làm cho bằng được, làm cho đến "phát ốm" mà vẫn chưa chịu thôi?

+ Đúng là như vậy. Khi tôi vừa vào học đạo diễn, một chuyên gia Liên Xô đã gặng hỏi: "Quyết định theo học nghề này, chị đã suy nghĩ kỹ chưa? Nghề này là nghề của đàn ông vì làm một bộ phim thường rất dài ngày và tốn nhiều sức lực, ngay cả trên thế giới cũng rất ít phụ nữ làm được nghề này!".

Thế nhưng tôi không nản chí và thế là thành nghề. Khi biết tôi làm phim "Ngày lễ Thánh", bạn bè lại bảo: "Diệp ơi, chọn đề tài công giáo là đâm đầu vào đá rồi đấy" lại càng khiến tôi quyết tâm làm cho kỳ được.

Tôi ngã bệnh, gục trên trang viết khi đang chuyển thể tiểu thuyết "Bão biển" của Chu Văn sang kịch bản điện ảnh. Ngay cả cái tên "Ngày lễ Thánh" cũng ra đời trong một giấc mơ đấy chứ. Sáng ngủ dậy tôi thấy cái tên này được viết nguệch ngoạc lên trên trang sách, chứ tôi không biết mình đã tỉnh dậy và viết lúc nào.

Lần quay phim "Trừng phạt" ở Đà Nẵng, tôi mải đi chọn cảnh suốt ngày, lại giữa mùa mưa nên bị cảm lạnh. Nếu ngày ấy không có Trà Giang sơ cứu, đổ cả một lọ dầu lên người thì có lẽ tôi đã... chết rồi!

- Trong những bộ phim của bà, hình ảnh người phụ nữ thường được khắc họa rất đậm nét và nỗi đau của họ thường được đẩy lên đến tận cùng như trong "Huyền thoại mẹ", "Ngày lễ Thánh", "Ai giận ai thương"... Chắc hẳn bà đã sử dụng những chất liệu sinh động từ cuộc sống mà bà quan sát được?

+ Là phụ nữ nên tôi rất nhạy cảm với nỗi đau của những người đồng giới. Khi còn tham gia công tác phụ nữ hồi sau Cách mạng Tháng Tám, tôi được chứng kiến nhiều cảnh đời rất lạ, nhiều bi kịch, nhiều nỗi đau... Có những cảnh đời ám ảnh tôi thường trực như cảnh chồng trói vợ quấn tóc vào cột để đánh, mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu…

Tôi rất muốn đưa những chi tiết ấy lên màn ảnh với mong muốn thay đổi nhận thức của con người, muốn cuộc sống hoàn thiện hơn. Với phim "Ai giận ai thương" có lẽ tôi là người Việt Nam sớm nhất lên tiếng bảo vệ những phụ nữ sinh con ngoài giá thú! (Cười). --PageBreak--

Phụ nữ vốn chịu nhiều thiệt thòi, phụ nữ Việt Nam càng thiệt thòi hơn vì họ sống trong một đất nước trải qua chiến tranh liên miên. Nỗi đau của người mẹ trong "Huyền thoại mẹ" thì có ai cân, đong, đo, đếm cho được mà chỉ có thể cảm nhận mà thôi.

Chả thế mà tôi đã nhiều lần rơi nước mắt trên trường quay. Khi chỉ đạo diễn viên Trà Giang hay Phương Thanh diễn cảnh nhân vật khóc, có khi diễn viên chưa khóc tôi đã khóc rồi. Cũng có khi diễn viên khóc xong, cảnh quay thành công thì tôi lại ngồi khóc!

- Mối nhân duyên của bà với nhà thơ tình nổi tiếng Xuân Diệu rất ngắn ngủi, sau đó bà nói rằng mình đã tìm được hạnh phúc đích thực bên người chồng thứ hai, ông Nguyễn Đức Tường. Chắc hẳn đây là một người đàn ông rất đặc biệt, thưa bà?

+ Ông ấy nguyên là Trưởng ty Công an Sơn Tây, nghe bạn bè kể ông là một chiến sĩ công an quả cảm. Tình cảm của ông ấy dành cho tôi khiến đoàn làm phim còn phải cảm động ấy chứ.

Có lần, đoàn đang quay ngổn ngang, tôi thì cầm loa, quát tháo gầm ghè như một… con hổ thì bỗng thấy mọi người vỗ tay rầm rầm. Thì ra ông ấy đến chơi, ôm theo một phích nước đầy cà phê pha sẵn và một hộp bánh cho anh em xả hơi.

Lần khác, đi quay ở tận Tây Nguyên mà ông ấy cũng đi theo. Quay xong cảnh đâm trâu, đoàn làm phim được dân làng chia cho... cái cổ toàn xương là xương. Anh cấp dưỡng bảo thôi vứt đi chứ làm thế nào chế biến mà ăn được.

Thế mà ông ấy ngồi tỉ mẩn lọc được bao nhiêu thịt để xào cho cả đoàn ăn, ai cũng khen ngon. Đặc biệt, ông ấy là người rất trân trọng công việc của vợ. Biết tôi có thói quen làm việc khuya, ông thường đi ngủ sớm để rồi khi tỉnh dậy lại ngồi đọc hết những trang viết của vợ và có những góp ý rất xác đáng.

Tuy đã có tuổi, nhưng Noel năm nào ông ấy cũng hỏi tôi muốn đi nhà thờ nào để đưa vợ đi. Thế đấy, ông ấy là người ít nói mà chỉ làm, sống chân thật, thô sơ nhưng tôi lại yêu cái chân thật thô sơ ấy. Vậy mà thấp thoáng đã vắng ông ấy ngót 20 năm rồi! Tôi có con mèo làm bạn, nhưng vừa rồi tôi đi Thụy Sĩ, nó nhớ tôi gào mãi.

Không thấy chủ, nó cũng bỏ đi mất rồi. Con vật nó cũng tình cảm lắm, mình yêu nó nó cũng biết đấy! Thế có thương không?

- Bà từng ấp ủ dự  định đứng ra tổ chức đêm nhạc Tử Phác - kỷ niệm mối tình đầu của mình với nhạc sĩ này. Vậy tại sao dự định tốt đẹp này lại bị gác lại?

+ Hiện nay tôi cũng vẫn còn ý định đó nhưng vì nhiều lý do mà chưa thực hiện được. Phải nói cho rõ là anh Tử Phác là người đầu tiên yêu tôi, chứ khi đó tôi mới 16 tuổi vẫn còn ngu ngơ lắm, đâu đã biết yêu đương là gì. Anh ấy có viết một số bài hát cho riêng tôi như bài "Lá reo", "Mưa bay"...

Về sau tôi và anh ấy còn có nhiều kỷ niệm, anh ấy còn dùng tên Tâm, là tên khai sinh của tôi đặt tên con gái mình. Tôi muốn làm một đêm nhạc tri ân những tình cảm ấy mà vẫn chưa làm được nên vẫn còn áy náy lắm!

- Thưa bà, cho đến giờ người ta vẫn nói rằng, đạo diễn là nghề độc quyền của đàn ông. Sau 40 năm lăn lộn với nghề, giờ đây bà có thấy ý kiến này là đúng?

+ Tôi thấy ý kiến này chỉ đúng một phần. Bởi phụ nữ làm đạo diễn có nhiều lợi thế: Nhiều người thấy mình là phụ nữ mà thông cảm và tạo điều kiện giúp đỡ nhiều.

Cái khó cũng là cái hạn chế - ấy là phụ nữ mất quá nhiều thời gian cho việc sinh con và nuôi dạy con. Nhưng hạn chế này sẽ được khắc phục nếu có người chồng biết chia sẻ và giúp đỡ. Còn về óc sáng tạo, phụ nữ và nam giới là như nhau. Giờ đây có những phụ nữ còn làm thủ tướng cơ mà.

Xin cảm ơn đạo diễn, NSND Bạch Diệp!

Việt Hà (thực hiện)
.
.