Đạo diễn - NSƯT Đặng Tú Mai: Người lữ hành bền bỉ

Thứ Năm, 19/09/2013, 08:00

Đạo diễn - NSƯT Đặng Tú Mai là người cởi mở, dễ gần, nhưng vào thời điểm này, để có được cuộc trò chuyện lâu lâu cùng bà thì chỉ có thể thu xếp vào ngoài giờ hành chính, ngay cả trong ngày nghỉ. Gần như cả ngày, bà "đóng chốt" trên sàn tập cùng các nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Việt Nam tất bật cho việc phục dựng tác phẩm "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" của nhà viết kịch nổi tiếng Lưu Quang Vũ...

1. Không còn lâu nữa, "Liên hoan các tác phẩm sân khấu được dàn dựng từ kịch bản của cố tác giả Lưu Quang Vũ" sẽ được tổ chức. Cũng như nhiều nghệ sĩ khác, thời điểm này, NSƯT Đặng Tú Mai đang dồn hết mọi thời gian, tâm sức cho việc phục dựng lại vở diễn được đánh giá là đỉnh cao trong sự nghiệp của Lưu Quang Vũ là "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" cho Nhà hát Kịch Việt Nam. Khi trò chuyện cùng chúng tôi, NSƯT Đặng Tú Mai không giấu được sự nuối tiếc. Bà kể, khi đoàn đã tập được 3 tuần, chuẩn bị chạy thử thì bất ngờ có quyết định thay diễn viên chính. Việc "thay ngựa giữa dòng" này kéo theo khá nhiều hệ lụy. Từ vai chính, một loạt vai khác cũng phải thay đổi và gần như cả đoàn phải tập lại từ đầu. Thời gian đến Liên hoan còn rất ngắn nên bà cùng ê kíp phải tập liên tục 3 buổi một ngày mới hy vọng kịp tiến độ. Bà bảo, không còn cách nào khác, mọi người đều phải căng mình ra, vượt qua khó khăn trước mắt để đạt kết quả tốt nhất.

Đạo diễn, NSƯT Đặng Tú Mai chia sẻ, khi nhận được lời mời làm đạo diễn vở "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" bà không hề ngần ngại bởi bà và gia đình tác giả Lưu Quang Vũ có mối thâm tình từ lâu. Đây có lẽ là mối nhân duyên sau nhiều lần kịch Lưu Quang Vũ và bà lỡ hẹn cùng nhau khi Lưu Quang Vũ còn sống. Và đây cũng là món quà bà tự trả hộ người bạn của mình sau lời hứa trước chuyến đi định mệnh: "Lần này về, Vũ sẽ viết vở mới cho Mai". Từng dựng "Nguồn sáng trong đời" (cũng kịch bản của Lưu Quang Vũ), bà tin mình đủ hiểu bạn để tiếp tục bắt tay vào dàn dựng "Hồn Trương Ba, da hàng thịt", dù trước đó, tác phẩm đã rất nổi tiếng với bản dựng của cố NSND Nguyễn Đình Nghi. Có một mối duyên giữa bà và tác phẩm này, đó là khi đoàn sang Liên Xô biểu diễn, giao lưu đúng vào thời điểm Đặng Tú Mai đang học tại Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Kiev. Lần ấy, Đặng Tú Mai được phân công đón đoàn, phiên dịch cho đoàn trong các buổi giao lưu, hội thảo. Cũng chính Đặng Tú Mai cùng với một người bạn Liên Xô nữa đã dịch trực tiếp trên sân khấu từ tiếng Việt sang tiếng Nga cho khán giả nước bạn xem. Là người đi sau nhưng Đặng Tú Mai không bị áp lực bởi cái bóng của thầy mình - NSND Nguyễn Đình Nghi. Bà tin mỗi nghệ sĩ có cách cảm nhận và cách thể hiện của riêng mình. Cái khó nhất vẫn là vượt lên được chính mình để không phụ lòng những khán giả yêu quý, ủng hộ.

Đạo diễn Đặng Tú Mai (ngoài cùng, bên phải) cùng ê kíp nghệ sĩ tham gia vở diễn “Chung cư hàng xóm”.

2. Là một trong số ít những nữ đạo diễn sân khấu Việt Nam nhưng tên tuổi của NSƯT Đặng Tú Mai có phần "khiêm tốn" hơn so với những đồng nghiệp của mình. Đó một phần bởi cách sống của bà. Ngay cả khi là diễn viên sáng giá của Nhà hát Kịch Việt Nam, 17 tuổi đã nổi tiếng với những vai chính trong các vở "Đôi mắt", "Chim sơn ca", "Bay trước mùa xuân", nhưng cứ mỗi khi báo chí, truyền thông nhắc đến mình là Tú Mai lại ngại, xấu hổ. Thế nhưng, những gì mà bà lặng lẽ cống hiến cho nghệ thuật sân khấu đều được các đồng nghiệp ghi nhận, trân trọng. Từ khi còn là một diễn viên trẻ, Đặng Tú Mai đã ấp ủ giấc mơ trở thành đạo diễn. Cứ mỗi khi tập hay xem vở mới, về nhà, Tú Mai lại tưởng tượng dựng lại vở theo cách của riêng mình. Năm 1980, Đặng Tú Mai may mắn được sang Liên Xô học đạo diễn tại Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Kiev. Bà chia sẻ, để quyết định đi học khi ấy là cả một sự đấu tranh tư tưởng rất lớn vì bà đã có gia đình và 2 con nhỏ. Nhưng, suy đi tính lại, đi học là con đường duy nhất để "giải thoát cho bản thân" như bà sau này vẫn nói. Không chỉ thỏa mãn khát khao tìm tòi, học hỏi mà học bổng khi ấy còn đủ để bà gửi về nuôi hai con ăn học.

Thông thạo ngoại ngữ, sự nhanh nhạy trong tư duy đã dẫn đạo diễn - NSƯT Đặng Tú Mai đến với những kịch bản nước ngoài. Và nhắc tới bà là người ta nhớ tới một loạt những vở kịch làm nên thương hiệu của Nhà hát Kịch Việt Nam như "Trái tim Luizi" (kịch Czech), "Người khách cuối cùng" (kịch Nga), "'Trăng soi sân nhỏ" và "Ca sĩ đười ươi" (kịch Trung Quốc)… Gần đây, vở kịch "Hàng xóm chung cư” của tác giả Thẩm Hồng Quang, từng được bà dàn dựng rất ăn khách đã được tái ngộ khán giả Thủ đô vào giữa trung tuần tháng 6. Với vở diễn này, một lần nữa khán giả lại được thưởng thức tài nghệ dàn dựng lồng ghép các tình huống chuyện đời với những tiểu tiết gây cười của đạo diễn Đặng Tú Mai. Những va chạm, mâu thuẫn, những xung đột trong cách sống tại 2 căn hộ được bà thể hiện nhẹ nhàng để tránh rơi vào trạng thái mô phỏng, cứng nhắc…Với đạo diễn Đặng Tú Mai, mang kịch bản nước ngoài về dựng trong nước không chỉ là một giải pháp trong tình hình kịch bản sân khấu ngày càng hiếm mà còn với mong muốn thông qua những tác phẩm sân khấu kinh điển, giới thiệu tinh hoa nhân loại với khán giả Việt Nam. Khi dàn dựng những vở kịch này, đạo diễn Đặng Tú Mai luôn tập trung vào nhân vật cũng như những vấn đề mà tác phẩm đề cập gần gũi với khán giả Việt Nam.

3. Nhỏ bé và bền bỉ, lặng lẽ nhưng cá tính, nữ đạo diễn Đặng Tú Mai cứ một mình vượt qua những khó khăn trắc trở của cuộc sống riêng tư và công việc để làm nghệ thuật. Dù được đào tạo bài bản ở nước ngoài, là nữ đạo diễn duy nhất có bằng đỏ trong tay, dù vẫn trong biên chế của nhà hát nhưng có giai đoạn bà không có việc làm. Đặng Tú Mai đã phải lăn lộn đủ các nghề để kiếm sống và nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật. Bà đi làm phim, dịch kịch bản, làm trợ lý các dự án phim nước ngoài… Cũng chính trong giai đoạn này, bà tự bỏ tiền túi ra dịch 4 kịch bản của nước ngoài (sau này trở thành những vở kịch ăn khách của Nhà hát Kịch Việt Nam như "Trăng soi sân nhỏ", "Ca sĩ đười ươi"…). Kịch bản "Đám cưới không chú rể" bà dành cho NSƯT Anh Tú là đồng nghiệp, người em thân thiết của mình sau này cũng rất thành công.

Giờ đây, khi tất cả đã qua, bà thầm cảm ơn thời gian khó khăn đó, thậm chí cảm ơn cả những người từng khắt khe, khó dễ với mình bởi nhờ đó, bà biết thêm nhiều lĩnh vực. Bà cùng với Hãng phim Truyện Việt Nam làm phim nhựa "Lời thì thầm của chiến tranh", tham gia huấn luyện diễn xuất cho diễn viên trong phim "Mùa hè chiều thẳng đứng" của Trần Anh Hùng, dựng Opera, dựng vở nhạc kịch "Mảnh đất tình người" cho Bộ đội Biên phòng và mang về giải Vàng trong Liên hoan ca kịch mới… Hiện tại, bà vẫn đứng tên Giám đốc hãng phim mà bà thành lập từ năm 2004 thường xuyên hợp tác với các dự án nước ngoài.

Trải qua những đổ vỡ trong chuyện tình cảm, những giai đoạn bế tắc trong công việc nhưng Đặng Tú Mai vẫn giữ một cái nhìn lạc quan, bao dung về cuộc sống. Khi được hỏi, tại sao trong những giai đoạn khó khăn nhất, bà không tìm một bờ vai để tựa vào, bà thú thật không dễ gì để tìm được tri kỷ với người phụ nữ cá tính, duy cảm như bà. Đôi khi tìm được thì lại gặp quá nhiều trở ngại để đến với nhau nên cứ làm bạn tâm giao của nhau vậy thôi. Hơn nữa, với bà, chọn cách sống độc lập là cách để bà dành toàn bộ tâm sức cho sân khấu - thánh đường của mình. Bà tìm thấy niềm vui trong sự trưởng thành của con cái và công việc chưa bao giờ ngơi nghỉ. Đã về hưu hơn 10 năm nhưng chưa lúc nào đạo diễn Đặng Tú Mai thôi làm việc. Thậm chí, nhiều bạn bè còn đùa rằng, về hưu, bà lại "đắt hàng" sân khấu hơn. Có thời điểm cùng lúc, bà là đạo diễn 2 vở cho hai nhà hát. Đã ngoài 60 tuổi nhưng chưa bao giờ Đặng Tú Mai thấy mệt mỏi bởi bà luôn giữ được nhịp sống của mình, thói quen làm việc từ trẻ đến giờ. Sân khấu với bà luôn là một tình yêu mãnh liệt và thuần khiết, chưa bao giờ có sự can dự của một mục tiêu danh vọng nào khác. Chính sự thoải mái ấy lại giúp bà trẻ trung, bền bỉ với nghề. Bà bảo: "Có lẽ bởi tôi không có nhu cầu nhiều về vật chất".

Dần mất đi những chỗ dựa về mặt tinh thần, bà lại càng thấy rõ sự quan trọng của tình cảm. Khi mẹ mất, Đặng Tú Mai đã chống chếnh mất một thời gian. Và gần đây, khi NSND, nữ đạo diễn Bạch Diệp thành người thiên cổ, bà lại thêm một lần buồn. Không chỉ là một người chị, người đồng nghiệp, với bà, NSND Bạch Diệp còn là người bạn tâm đầu ý hợp. Mỗi lần gặp nhau là hai người có thể hàn huyên từ công việc đến đời sống. Khi NSND Bạch Diệp trở bệnh, bà thường xuyên vào bệnh viện thăm nom. Bà chỉ tiếc thời gian gần đây, khi bà túi bụi với vở diễn mới, ít qua thăm được thì NSND Bạch Diệp qua đời...

Thảo Duyên
.
.