Dạo chơi qua “phố Trịnh”

Thứ Sáu, 25/01/2019, 14:00
Mới đó mà nhạc sĩ đã chia tay chúng ta 18 năm (2001). Và, xuân này cũng đánh dấu mốc tuổi 80 của Trịnh Công Sơn (28-2-1939). Nhưng thú thật, tôi vẫn thấy như ông còn thấp thoáng đây đó, ung dung, thanh thản, bên hàng ghế Nhà hát Lớn thành phố, như ngày nào. 


Tiết xuân lấp ló ghé bên hiên nhà. Một giai điệu văng vẳng nơi góc phố: "Những hẹn hò từ nay khép lại. Thân nhẹ nhàng như mây. Đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời. Như một lời chia tay...".

Những nhan sắc "Phố"

Có lần tôi rểnh rang mở kho tàng sưu tầm tư liệu, băng đĩa, sách báo về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chợt tìm ra tần số xuất hiện chữ "phố" khá nhiều trong ca khúc của anh. Những đường phố gắn với những bóng hồng hiện lên trong các bản ca khúc, những ký ức khó quên.

Chỉ tính riêng tuyển tập ca khúc "Trịnh Công Sơn - Những bài ca không năm tháng" (NXB Âm nhạc, 1995) do chính nhạc sĩ chọn lại 122 bài, với ba phần: "Bên đời hiu quạnh", "Trong nỗi đau tình cờ" và "Thuở ấy mưa hồng" thì tới 45 nhạc phẩm có chữ "phố", hoặc hình ảnh phố, đường phố. Tôi tò mò, với sự kỳ thú, đi dạo các con phố âm nhạc đó. Khi là con phố vui. Nào một phố buồn. Hoặc con phố chia xa… Lấp ló bên hàng phố là những hình bóng giai nhân mà nhạc sĩ mơ mộng. Từ đó những giai điệu cất lên, ám ảnh những khắc khoải, nỗi niềm.

Khai trương phố Trịnh Công Sơn ở Hà Nội (5-2018).

Huế kể chuyện rằng, có nàng Ph Th, em gái ca sĩ Hà Thanh đã làm rung động chàng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, thành viên ban nhạc Huế. Khi ấy chàng mới 20. Tình si đến độ ngẩn ngơ. Nhưng gương mặt xinh đẹp thánh thiện kia không hề biết tới. Nàng cũng chẳng có mảy may cảm tình với chàng. Một cuộc tình đơn phương. Ngưỡng mộ từ xa.

Đúng như các cụ nói "Yêu trộm nhớ thầm". Cho dù lúc đó chàng trai họ Trịnh đã rất nổi tiếng với ca khúc "Ướt mi". Nàng cứ ngoảnh mặt làm ngơ. Còn chàng lại mơ tưởng tới hương thơm tỏa ra từ nhan sắc lạnh lùng đó. Nhiều lúc còn say sưa nói với chúng bạn rằng, chẳng cần phải ngoái lại cũng biết người đẹp đang đến, bởi hương thơm đã tỏa lan chung quanh. Một không gian thơm bay từ làn da trắng tỏa nõn nà. Tuy tình yêu không được đáp lại, tình ngỏ ý lơ, nhưng Trịnh Công Sơn vẫn sáng tác tới ba bài hát để tặng nàng.

Những hình ảnh phố bắt đầu hiện lên từ đây. Nếu trong ca khúc "Nắng thủy tinh" lấp lánh con đường chồng mờ: "Em qua công viên mắt em ngây tròn" và "Ngàn cây thắp nến lên hai hàng", thì với ca khúc "Nhìn những mùa thu đi", nhạc sĩ đã khắc họa hè phố thật thi vị: "Chiều tím loang vỉa hè/ và gió hôn tóc thề". Người đẹp kiêu sa vô tình làm người nhạc sĩ lãng du, bơ vơ.

Bóng dáng nàng luôn nằm trong sự đeo đuổi ngẩn ngơ. Phố cũng lẩn khuẩn mơ mộng dưới hàng cây: "Hàng cây khô tình bơ vơ. Hàng cây đưa em đi về. Giọt nắng nhấp nhô" (Gọi tên bốn mùa). Có lẽ đó là ca khúc nhạc sĩ viết khi hay tin Ph Th đã đi lấy chồng. Nhạc sĩ trẻ ủ ê tâm trạng khá lâu. Một cuộc tình không tới. Nàng ra đi lại như một giải thoát. Ba tình khúc ấy được coi là mở đầu cho sự nghiệp, đậm chất hoang mang, với những cuộc tình huyền ảo trong cuộc đời Trịnh Công Sơn.

Tôi lại lần giở từng bức ảnh của những giai nhân mà nhạc sĩ đã mang nặng kiếp người. Ai cũng biết, ca khúc nổi tiếng "Diễm xưa" gắn với cuộc tình ban đầu đầy hiện thực của nhạc sĩ với người đẹp Ngô Thị Bích Diễm, ở Huế. Màu sắc của phố cũng ẩn chứa nỗi đau của sự xa vắng buồn rơi: "Mưa vẫn mưa bay trên hàng lá nhỏ. Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua. Trên bước chân em âm thầm lá nhỏ. Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu".

Khi ấy, gia đình đã chuyển về phố Nguyễn Trường Tộ (Huế-1961), nhạc sĩ ngồi trên tầng hai ngóng người đẹp đi qua con đường, xum xuê hàng lá nhỏ. Con đường hun hút ấy đã trở thành biểu tượng nỗi niềm đợi chờ, trao gửi và hy vọng ở tình yêu. "Diễm xưa" bất tử với sự mộng tưởng ấy. Cuộc tình trắc trở bất thành thì nhạc sĩ gặp cô em Dao Ánh, và chân dung những con phố lại rạo rực và da diết. Đầu tiên phấn chấn với "Mưa hồng".

Đường phố lại hiện lên xao xác tâm cảm: "Đường phượng bay mù không lối vào. Hàng cây lá xanh gần với nhau". Mối tình giữa hai người còn dai dẳng mãi tới sau này qua những bức thư, bởi cuộc chiến tranh đã xô đẩy Trịnh Công Sơn bật ra khỏi Huế. Đắm say. Giận hờn. Tan vỡ. Cuối cùng, người đẹp bỏ cuộc chơi đi lấy chồng, đi về xứ lạ. Trịnh Công Sơn lại bơ vơ đến khốn cùng trên đất đỏ Bảo Lộc, dạy học từ năm 1964 đến 1967. 

Vẫn còn đó những đường phố tình yêu

Tình yêu luôn nảy sinh. Những thân phận tình yêu gắn bó với những người nghệ sĩ như một định mệnh, trời cho. Ai cũng rõ, thời kỳ theo học Sư phạm ở Quy Nhơn, Trịnh Công Sơn đã lập ra ban nhạc. Họ hoạt động sôi nổi và gây dựng phong trào rất vang dội. Cho dù chỉ học có hai năm từ giữa năm 1962 đến giữa năm 1964, nhưng sáng tác của Trịnh Công Sơn đến thời kỳ nở rộ. Chẳng cứ những tình khúc mà nhạc sĩ còn viết cả trường ca cho hợp xướng nhà trường hát. Những con phố lại phảng phất những nỗi buồn trong những tình ca.

Phòng lưu niệm Trịnh Công Sơn ở phố Nguyễn Trường Tộ (Huế)

Nhất là "Biển nhớ", "Chiều một mình qua phố" hay "Tuổi đá buồn", đường phố nào cũng chan chứa nhịp đập xao xuyến của trái tim nhạc sĩ với những cuộc tình. Tôi nghe và thấm nỗi chia xa ngơ ngẩn trong tâm hồn thi nhân: "Ngày mai em đi, thành phố mắt đêm đèn vàng", hoặc đoản khúc: "Ngày mai em đi, đèn phố nghe mưa tủi hờn". Đó chính là cuộc tình cũng không tới của nhạc sĩ với ca sĩ Bích Khê trong đội văn nghệ. Cảm thông vừa bén rễ, hoa vừa đủ độ hương thì phải chia xa. "Biển nhớ" với "Cồn đá rêu phong tủi buồn" cũng trở thành một trong những "đỉnh" của tình khúc, vượt thời gian.

Lại nữa, "Chiều một mình qua phố, âm thầm nhớ nhớ tên em", một câu chuyện khác, nảy nở hồn nhiên trên phố núi, với một cô gái xóm đạo. Người đẹp thường kẹp bông hồng trên cuốn kinh mỗi khi đi qua nhà trọ của Trịnh Công Sơn để tới nhà thờ. Nghe nói tên người đẹp hút hồn ấy là Ngà.

Nhưng cũng chỉ là "Một mình" Sơn mà thôi. Nhưng còn "Tuổi đá buồn" nữa, nhạc sĩ đi đến tận cùng trong tâm tưởng và sự rung động của trái tim. Chàng viết: "Đóa hoa hồng cài lên tóc mây, ôi đường phố dài, lời ru miệt mài…".

Ngỡ cuộc dạo chơi qua phố Trịnh mệt nhoài. Nhưng khó cưỡng, bởi đây cũng là những đường âm nhạc, mà anh định hình. Vào quãng từ 1970 đến 1975, nhạc sĩ trở về Huế sinh sống và sáng tác. Trong thời gian này, người đẹp Minh Nguyệt, một nữ sinh Đồng Khánh ở thôn Vỹ đã làm nhạc sĩ mê mệt. Mỗi khi chạm tới nhan sắc là nhạc sĩ lại bối rối, trẻ thơ. Kể cả khi đến rồi đi. Quen rồi mất. "Nguyệt ca" cứ xôn xao như vậy: "Từ khi thôi là Nguyệt, tôi như đường phố nhiều tên".

Cũng giống như trong "Biển nhớ", nhạc sĩ lại lồng tên người mình yêu vào bài hát, ngọt ngào, bay bổng và hồn nhiên. Sau đó còn có phố "Quỳnh Hương", viết đúng tên, đúng người, với cảm xúc mênh mông: "Thôi chào em, về giữa phố xá thênh thang". Ấy là chưa kể tới "Hoa Xuân ca". Cũng là một nhan sắc tên Xuân, đẹp như hoa.

Phố ở Sài Gòn

Đó là một sự kỳ lạ trong những tình khúc của Trịnh Công Sơn. Sau này, khi vào lại Sài Gòn đầu thập niên 80, nhiều nhan sắc bủa vây ông. Những đóa hoa tình lại tỏa hương. Tôi bật ca khúc "Hoa vàng mấy độ" thì chính ông cất lên những câu: "Một thoáng hương bay bên trời phố lạ". Đó là hình ảnh đeo đuổi của hình bóng người đẹp Hoàng Lan từ năm 1981. Chia tay.

Thời gian trôi đi. Xuất hiện nàng DH, với vẻ đẹp lộng lẫy trong một cuộc dạo phố. Tình này đã ngỏ. Mắt này đã trao. Vậy mà chỉ ít lâu sau bạn trai cô ta xuất hiện. Tình gian dối bay đi. Nhạc sĩ lại cất lên bài ca: "Trong nỗi đau tình cờ", kể lại một cách thổn thức rằng: "Tôi đã đưa em qua nhiều phố, khi lá cây khô bay đầy ngõ".

Mãi sau này, cuộc gặp gỡ với ca sĩ Hồng Nhung, con phố mới được vui. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn coi đây là niềm an ủi cuối đời. Một cảm xúc vô thường về tình yêu. Không gọi tên. Nhưng phố lại cất tiếng, trong ba ca khúc viết tặng cho "Bống". Anh không bị mê hoặc mà thoát xác trong cõi hư vô. Viết tặng trong sự hân hoan chứ không có mộng tưởng.

Nhạc sĩ vui với hình ảnh yêu thương: "Bống nhảy lên bờ Bống đi chơi phố" (Bống không là bống). Tôi cùng hòa vào niềm vui cuối cùng của Trịnh. Như anh đã viết "Xin trả nợ người". Và, tôi đã đi qua những con phố cùng anh, miên man trong cõi tình yêu.

Vương Tâm
.
.