Danh hiệu và thước đo

Thứ Tư, 21/07/2010, 09:23
Chúng ta dễ nhất trí với nhau: Công chúng và thời gian - chỉ 2 yếu tố đó mới có thể minh định giá trị đích thực, lâu dài của một tác phẩm. Chỉ công chúng không thôi, chưa đủ. Vì trong thực tế, không ít tác phẩm lúc mới xuất hiện đã được một số người háo hức đón nhận, tung hô. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đã chìm vào quên lãng. Như vậy là phải có sự kiểm chứng thêm của thời gian. Thực tế đã chứng minh: Những tác phẩm thực sự có giá trị thì càng theo thời gian càng được khẳng định, phát huy.

Vậy nên tất cả mọi cuộc thi sáng tác để lựa chọn những tác phẩm tốt, trao giải thưởng đều chỉ là tương đối. Thứ nhất: Nó chưa được thử thách qua công chúng và thời gian. Thứ hai: Một nhóm người gọi là ban giám khảo không thể thay thế hai yếu tố trên. Họ là những người cụ thể có "gu" riêng, có nhận thức và trình độ hiểu biết, thẩm mỹ chưa hẳn đã là "khuôn vàng, thước ngọc". Chưa kể nhiều khi, họ thẩm định tác phẩm từ sự chi phối bởi những điều nằm ngoài văn chương, nghệ thuật.

Vừa qua, đã có một số người đưa ra ý kiến: Không nên tổ chức thi sáng tác cho tốn kém, ít tác dụng mà thay vào đó, nên xét thưởng thật hậu những tác phẩm đã được khẳng định qua hai yếu tố công chúng và thời gian. Rõ ràng, hình thức khen thưởng này sẽ đạt được độ chính xác cao vì bất cứ một hội đồng xét duyệt nào cũng không thể vin vào một lý do nào đó mà phớt lờ hai yếu tố đã nói để bỏ qua những tác phẩm xứng đáng. Từ đó, chắc chắn sẽ hạn chế được rất nhiều tình trạng một số người quá cay cú khi tác phẩm của mình bị loại khỏi cuộc thi, đến mức có những phát ngôn văng mạng, kém xây dựng, thậm chí như kẻ phá bĩnh. Hành xử của họ đã vô hình trung đánh giá quá cao cuộc thi, vai trò giám khảo, giá trị tác phẩm được giải trong khi phát ngôn thì chê bai, phủ nhận (do bất mãn).

Cũng như vậy, xin nói về việc gia nhập các hội văn học nghệ thuật. Năm nào các hội cũng tổ chức kết nạp hội viên một lần vào dịp cuối năm. Có một thực tế đang xảy ra: Nhiều hội viên lâu năm (và cả một số người chưa phải là thâm niên trong hội) thì không mấy mặn mà với hội, cả năm không lai vãng, mấy năm mới đến văn phòng Hội nộp hội phí một lần. Thậm chí có người còn không đến dự đại hội cơ sở (trước khi đại hội toàn quốc diễn ra). Trong khi đó thì người chưa phải hội viên lại háo hức tìm mọi cách vào hội cho oai, để được mang danh nhà này, sĩ kia (nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ…). Nên mới có dư luận, mà đã là dư luận thì có thể đúng, có thể sai, rằng muốn vào hội thì phải chạy (chạy chọt). Đã vậy thì không thể đàng hoàng. Người cần vào thì tìm mọi cách vận động, quan hệ, dùng cả những cách xa lạ với nghệ thuật. Người xét duyệt thì cửa quyền, gây khó, thiên lệch, ban ơn. Cho ai vào là do thích, ưu ái, với người dẫu có giỏi giang, xứng đáng mà không ưa thì cũng… hãy đợi đấy! Cho nên mới có những "nhà" nọ "nhà" kia mà tên lạ hoắc, đến ngay người trong giới cũng còn không biết, huống hồ công chúng, độc giả. Thế nên mới có một chuyện khôi hài:

Một nhóm văn nghệ sĩ được mời về thăm một cở sở để thâm nhập thực tế, viết bài. Trong nhóm có người nổi tiếng nhưng không phải hội viên. Và có người là hội viên mà tên tuổi lạ hoắc. Đến phần giới thiệu, cán bộ dưới cơ sở đã rất trân trọng giới thiệu vị nổi tiếng không là hội viên là "Nhạc sĩ…" rồi quay sang hỏi vị là hội viên mà tên tuổi xa lạ: "Xin lỗi, xin đồng chí cho biết tên, chúng tôi chưa được hân hạnh biết". Vị này đỏ mặt, đành phải tự xưng danh. Kể ra thì người giới thiệu cũng sơ suất và ít nhiều chưa lịch sự (lẽ ra phải tìm cách để biết tên người ta trước), nhưng câu chuyện trên cho thấy một sự thực: Giữa danh và thực không phải không có chỗ "vênh" nhau

Nguyễn Đình San
.
.