Danh có chính, ngôn mới thuận

Thứ Ba, 25/08/2009, 16:15
Từ điển "Thành ngữ và tục ngữ Việt Nam" do nhóm tác giả Vũ Dung, Vũ Thúy Anh, Vũ Quang Hào biên soạn (NXB Văn hóa ấn hành quí I năm 2000) đã định nghĩa về câu thành ngữ "danh chính ngôn thuận" như sau: "Được thừa nhận có đủ tư cách đứng ra giải quyết công việc hoặc nhận một trọng trách nào đấy".

Thật ra, về câu thành ngữ này, trong dân gian còn có cách hiểu hơi khác một chút, xin diễn giải nôm na là: Một người có được danh hiệu do một tổ chức chính thống nào đó thừa nhận thì khi nói mới dễ được người ta nghe. Trái với thông lệ này có thể bị người đời xem thường, cho là "không đủ tư cách phát ngôn".

Tuy nhiên, nói vậy song trong thực tế đời sống hiện nay, không phải cứ có danh hiệu là nói người ta nghe. Cũng không phải là tất cả những ý kiến xuất phát từ phía "vô danh" thảy đều bị gạt đi, không người đoái hoài, chú ý. Người ta chỉ không chú ý (thậm chí vất vào sọt rác) những ý kiến lấy cớ là để "góp ý xây dựng" song lại sặc mùi kích động, đả phá cá nhân, và người viết dù vào hàng có tuổi có tên song vẫn thích chơi bài... ẩn danh, cứ đứng trong bóng tối mà chửi vọng ra ngoài ánh sáng. Với những trường hợp như thế, sao họ không nghĩ cho là: Chính cái sự "danh" không "chính" ấy đã khiến "ngôn" của họ không "thuận" (chứ không phải vì người đời "bàng quan", "vô cảm" trước những "ý kiến tâm huyết" của họ).

Cuốn sách và dòng định nghĩa về thành ngữ "danh chính ngôn thuận".

Cũng có thể có người biện giải cho những trường hợp ẩn danh này, rằng thì người viết chưa muốn xuất đầu lộ diện vì còn "cấn cá" điều này điều khác, thậm chí còn vì sợ bị trù úm, trả đũa. Đành rằng không phải cuộc sống không có lúc xảy ra điều đáng buồn ấy, nhưng nói gì thì nói, một khi đã mang danh là trí thức, là muốn "góp tiếng nói xây dựng cho đời" thì cách "đấu tranh ẩn danh" nói trên vẫn cứ khiến người đọc, người nghe có cảm giác không... đàng hoàng. Chẳng gì thì chúng ta cũng đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin và sự dân chủ đang ngày một được cải thiện, nâng cao.

Hãy xem, tại diễn đàn Quốc hội những kỳ họp gần đây, không hiếm ý kiến phản biện gay gắt đã được đưa ra. Thậm chí, trước một ý kiến có phần thái quá về vai trò điều hành của Chính phủ, đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lên tiếng giải trình và mỉm cười nhận xét về ý kiến của vị đại biểu nọ trước toàn thể Quốc hội: "Nói vậy thì tội (nghiệp) cho Chính phủ quá".

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, trong lần trả lời chất vấn gần đây thôi, cũng bị một đại biểu dồn vào thế bí với câu hỏi liên quan tới một nhận định của ông về thị trường chứng khoán năm 2008. Nhưng rồi, chính cách trả lời sắc sảo và hóm hỉnh của ông đã khiến cả nghị trường rộ lên tiếng cười vui vẻ. Nhiều đại biểu đã cho thấy họ hài lòng với cách trả lời của Phó Thủ tướng (tất cả những điều này đều được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam).

Nói vậy để thấy, chẳng ai có định kiến với những người lên tiếng phản biện vì mục đích xây dựng. Điều ấy thêm lần chứng minh chân lý: Vấn đề không phải là anh phát biểu "khen" hay "chê", "nặng" hay "nhẹ" thế nào, mà là anh nói với ai, ở đâu và với động cơ, mục đích ra sao.

Tất nhiên, để có được điều ấy trước hết là do người tham gia phản biện đã tạo được trong tâm thức người bị đối chất một niềm tin. Dẫu gì thì họ cũng là người đại biểu của nhân dân. Nghĩa là họ "danh chính" nên "ngôn thuận". Còn những người vì lý do này lý do khác vẫn tiếp tục viết bài "góp ý" và tiếp tục ẩn danh trên các trang web cá nhân thì việc những ý kiến của họ  có "tới" hay không "tới" được những người có trách nhiệm là điều mà không ai dám đoan chắc. Bởi một lẽ đơn giản: Muốn biết một sự góp ý là sai hay đúng, mục đích của người góp ý là xây dựng hay không xây dựng, có những lúc các cơ quan chức năng cũng cần phải biết thêm về nhân thân của họ.

Nói cho tới cùng thì không phải sự "ẩn danh" nào cũng xuất phát từ sự... yếu bóng vía, sợ bị trù úm. Cái chính vẫn là: Cái "danh" mà ta đang nói ấy từ lâu họ đã để ít nhiều bị hoen ố. Nó trở nên không "thiêng", thậm chí còn có thể gây cho những trang viết, trang "góp ý", "phản biện xã hội" của họ một sự phản cảm nơi người đọc. Thật vậy, làm sao người đọc có thể tin vào những lời "phân tích", "bình luận", kể cả "hô hào" kia khi "tác giả" của chúng từng có thời hoặc bị sa thải, hoặc bị tù giam bởi những tội danh hoàn toàn mang tính hình sự .

Tất nhiên, trong những trường hợp như vậy, họ không dám dùng tên thật, phải để ẩn danh âu cũng là điều dễ hiểu. Và như vậy, đòi hỏi "danh chính ngôn thuận" cũng là một đòi hỏi chính đáng...

Trần Thiên Lương
.
.