Đằng sau "7 chuyện"

Thứ Ba, 22/07/2008, 14:15
Cuộc triển lãm "7 chuyện" của 6 phóng viên Việt Nam và Mỹ đã diễn ra thành công ngoài sự mong đợi. Bởi đây là lần đầu tiên phóng sự ảnh báo chí tại Việt Nam được tập hợp lại thành triển lãm và ngoài sự mới lạ, đầy thú vị đối với người xem, nó còn là thông điệp yêu thương của 6 nhà nhiếp ảnh gửi tới những cảnh đời cơ cực.

6 phóng viên ảnh trẻ Việt Nam và Hoa Kỳ tuy cách xa nhau nửa vòng trái đất nhưng họ đã có cơ hội gặp gỡ nhau, làm việc với nhau tại Việt Nam. Và quan trọng hơn cả là họ gặp nhau ở một điểm: Phát hiện ra những điều đáng chú ý, đầy tính nhân văn ẩn sâu trong những góc khuất rất đời thường.

Mỗi phóng viên tham gia triển lãm đều mang trong mình một cái nhìn rất riêng về cuộc sống. Phóng viên người Mỹ Justin Maxon đã mang tới triển lãm câu chuyện về "Tình yêu trong cảnh nghèo khó" của hai mẹ con chị Mùi và bé Phả.

Chị Mùi là một người bị mắc bệnh tâm thần nhẹ và bị nghi nhiễm HIV từ người chồng đã chết vì căn bệnh AIDS. Hai mẹ con sống lang thang ở khu vực quanh cầu Long Biên - Hà Nội. Dù cuộc sống ở tận cùng của sự bần cùng, đau khổ nhưng hai mẹ con họ vẫn dành cho nhau những cử chỉ yêu thương ngọt ngào, sự quan tâm, gắn kết của tình mẫu tử.

Chứng kiến tình cảnh của mẹ con chị Mùi, Justin Maxon đã dành hẳn một quãng thời gian gần một tháng để đi theo mẹ con chị, lang thang ở khu cầu Long Biên. Kết quả thu được từ sự miệt mài ấy là những bức ảnh ghi lại khoảnh khắc cảm động trong cuộc sống thường nhật của mẹ con chị Mùi (trong đó bức ảnh  mẹ con chị Mùi tắm cho nhau ở bãi giữa sông Hồng đã đoạt giải nhất trong cuộc thi ảnh báo chí Thế giới). Đây là một trong những giải thưởng danh giá mà bất kỳ phóng viên nào đam mê với nghề cũng đều mơ tới.

Chị Nguyễn Thị Hồng (Hà Nội) đã thốt lên khi nhìn những bức ảnh của Justin Maxon: "Cảm ơn Justin Maxon, tình yêu thương con người và niềm đam mê nghệ thuật của anh đã đem lại cho tôi và chúng ta một cái nhìn nhân văn sâu sắc. Anh đã nhìn ra một khía cạnh rất người ở những con người không bình thường. Nếu không có trái tim yêu thương hẳn người ta sẽ phải sợ khi nhìn những cảnh đó".

Còn Justin Mott thì lại góp cho triển lãm những bức ảnh về "Di chứng của nỗi kinh hoàng". Nhân vật trong những bức ảnh của Justin Mott là những em bé bị di chứng chất độc da cam tại Trung tâm chăm sóc Trẻ em ở Ba Vì. Có lẽ hình ảnh những em bé không thể đoán được tuổi tác nằm la liệt trong những căn phòng của Trung tâm đã ám ảnh tâm trí của Justin Mott khiến anh đã phải trở đi trở lại nơi đó nhiều lần để chụp được những bức hình đặc tả nhất, qua đó giới thiệu cho thế giới biết về những nạn nhân bé nhỏ, ngây thơ phải chịu đựng, cho dù cuộc chiến tranh đã qua từ lâu.

Người đưa ra ý tưởng cho cuộc triển lãm và cũng là người góp tới 2 phóng sự ảnh cho cuộc triển lãm này là phóng viên ảnh Na Sơn. Hai câu chuyện mà tác giả Na Sơn mang đến cho người xem là "Ngôi nhà mới cho tuổi xế chiều ở Hà Nội" và "Vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ".

Khác với những gì chúng ta vẫn thường nghĩ về Viện dưỡng lão, rằng đó chỉ là nơi tá túc của những cụ già neo đơn không nơi nương tựa thì trong phóng sự ảnh này, Na Sơn đã gửi đến chúng ta một cái nhìn hoàn toàn mới mẻ: Các cụ già đã tìm thấy ngôi nhà thứ 2 của mình bên cạnh những bạn bè cùng lứa tuổi, giúp vơi bớt đi những cô quạnh của tuổi xế chiều. Đây cũng chính là một góc phản ánh một xu thế đang phát triển ở Việt Nam hiện nay, giúp ta có cái nhìn cởi mở hơn về các trung tâm dưỡng lão…

Một phóng sự ảnh khác đầy đau thương và nước mắt của Na Sơn là "Vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ". Chúng ta khó có thể cầm lòng khi nhìn vào những ánh mắt tuyệt vọng của người nhà nạn nhân trong vụ sập nhịp dẫn cầu ấy. Bạn Hoàng Thị Thu (Trường Đại học Ngoại Ngữ) đã viết trong cuốn sổ lưu niệm để ở phòng triển lãm: "Anh Na Sơn ơi, em đã không thể không khóc khi nhìn vào bức ảnh "Giá để dày dép của công nhân trong vụ sập nhịp dẫn cầu". Mấy chục ô để giày dép đều trống huếch trống hoác, chỉ còn sót lại vài ba đôi. Qua một ngày thôi mà mọi sự đã khác quá rồi. Chỉ một bức ảnh đó cũng đủ để chúng ta thấy sự mất mát lớn lao đến nhường nào".

Điểm chung nhất dễ nhận thấy trong các phóng sự ảnh tham dự triển lãm "7 chuyện" là sự quan tâm của mỗi tác giả tới những con người, những số phận cụ thể. Và đó thường không phải là những khoảnh khắc ngẫu nhiên mà tác giả may mắn ghi lại được.

Như Phóng viên Nguyễn Trọng Tùng, để có được phóng sự ảnh "Thư gửi bố mùa thi" anh đã phải bỏ ra 3 tuần lễ tìm hiểu cuộc sống của cô học sinh Nguyễn Thị Dạ Thương (tỉnh Hải Dương) lên Hà Nội trọ học để ôn thi đại học. Trọng Tùng đã theo chân Dạ Thương đến lò luyện thi, đi chợ mua rau, đến phòng trọ để hiểu được nỗi vất vả của học sinh ngoại tỉnh sống xa nhà. Bộ ảnh này lần đầu tiên được đăng trên Báo Gia đình và xã hội đã gây được sự chú ý của bạn đọc cũng như được đồng nghiệp trong giới đánh giá cao.

Là một phóng viên trẻ của tờ Tin tức (Thông tấn xã Việt nam), mặc dù rất bận rộn với công việc hàng ngày nhưng Lâm Khánh vẫn dành thời gian cho đam mê nhiếp ảnh của mình. Bộ ảnh góp mặt trong triển lãm này của anh là câu chuyện về "Những đứa trẻ nhỏ trên con sông lớn".

Khung cảnh là phía Bắc cầu Long Biên, ven sông Hồng, có một làng chài nhỏ với hơn hai chục ngôi nhà nổi trên sông. Đây là nơi cư ngụ của hơn 10 gia đình từ nông thôn lên thành phố, làm nghề lao động chân tay. Hầu hết các gia đình đều nghèo khó, lại thêm không có hộ khẩu ở Hà Nội nên những đứa trẻ ở đây không thể đi học. Chúng sống trong những điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, thậm chí đường mà chúng đi hàng ngày đầy những chiếc kim tiêm do các con nghiện ma túy vứt ra. Và cuộc đời sẽ chẳng biết đi về đâu nếu không có những lớp học tình thương. Nhờ lớp học Nhân ái ở 15 Ngô Văn Sở (Hà Nội), các bé đã được đi học. Bé Hà, một nhân vật chính năm nay 11 tuổi, học lớp 2. Dù học muộn so với bạn cùng lứa nhưng Hà cũng như nhiều đứa trẻ khác rất hào hứng.

Phóng sự ảnh cuối cùng trong triển lãm "7 chuyện" này là của phóng viên Trọng Chính. Anh cũng là phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam. Thông điệp mà anh gửi tới chúng ta là sự cảm thương sâu sắc tới những con người đang là "Thợ làm thép thủ công tại Bắc Ninh". Đây là một nghề nặng nhọc và nguy hiểm. Thép giúp người Đa Hội Bắc Ninh giàu lên nhưng cũng khiến cho người thợ thép phải sống chung với những hiểm nguy và bệnh tật.

Trọng Chính kể lại, để có được phóng sự ảnh này anh đã phải rất kỳ công. Không chỉ quay đi quay lại làng Đa Hội nhiều lần mà anh còn phải trực tiếp vào lò luyện thép trong những ngọn lửa rừng rực hàng nghìn độ và buổi trưa còn ở lại ăn cơm cùng với những người thợ luyện thép để hiểu hơn về những vất vả mà họ phải chịu.

Bức ảnh được đánh giá cao nhất của anh chính là khoảnh khắc anh ghi lại được khi một người thợ thủ công vô tình cởi chiếc áo ra. Trên người anh ta chi chít những vết sẹo, đó chính là di chứng của những lần bị những thanh thép nóng va vào người. ở làng Đa Hội ai cũng biết nghề luyện thép thủ công là nghề nặng nhọc và nguy hiểm nhất trong hàng trăm thứ nghề. Tất cả họ đều nhận thấy mình đang tự "bán phổi cho khói, bán xương cho than hồng" nhưng chưa bao giờ họ nghĩ tới chuyện loại nghề luyện thép ra khỏi kế mưu sinh của mình.

Cuộc triển lãm "7 chuyện" đã kết thúc và buổi bán đấu giá những bức ảnh đẹp nhất cũng đã được tổ chức vào hồi 15 giờ ngày 29-6. Toàn bộ số tiền thu được sẽ được chuyển tới các trung tâm chăm sóc trẻ em nạn nhân chất độc màu da cam ở khu vực Hà Nội… Sự thành công của triển lãm không chỉ vì những bức ảnh có tính nghệ thuật cao mà còn vì các phóng viên trẻ đã mang tới cái nhìn rất nhân văn từ những góc khuất khó nhận ra nhất trong cuộc sống đời thường

Ngọc Anh
.
.