Đặng Thuỳ Trâm đã trở thành đề tài của nhạc và thơ...

Thứ Năm, 26/01/2006, 08:21

Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm đã đi vào nhạc, vào thơ, trở thành nhân vật của kịch bản phim truyện, của sân khấu… Đặc biệt, nhiều người trong số tác giả của những bài thơ, bản nhạc ấy là những nghệ sĩ không chuyên.

Sự xuất hiện hai cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và liệt sĩ Đặng Thùy Trâm đã trở thành một trong những sự kiện văn hóa nổi bật trong năm 2005. Chuyện người con gái hy sinh khi tuổi còn thanh xuân để lại một cuốn sách “có lửa” khiến một con người từng là kẻ thù, người của bên kia chiến tuyến đã lưu giữ suốt hơn 30 năm đã làm xúc động hàng triệu trái tim yêu hòa bình. Càng xúc động hơn, khi người con gái bé nhỏ bình dị ấy đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo mãnh liệt cho các nghệ sĩ. Họ tha thiết muốn được tâm sự, thậm chí là được tôn vinh chị bằng nhạc và thơ - thứ ngôn ngữ cao quý nhất của tiếng nói con người. Điều đó càng khẳng định sức mạnh của những giá trị chân thực, của những yêu thương có thật trong đời sẽ mãi là mạch nguồn nuôi dưỡng những cảm xúc sáng tạo nghệ thuật.

Căn nhà nhỏ giản dị của gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm trong năm vừa qua đã trở thành địa chỉ ghé thăm của biết bao người sau khi cuốn nhật ký của chị ra mắt độc giả gây chấn động dư luận. Xúc động hơn, gia đình liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã nhận được hàng ngàn lá thư chan chứa tình cảm mến yêu trân trọng của độc giả từ khắp mọi miền Tổ quốc gửi về. Trong hàng ngàn lá thư ấy, có rất nhiều lá thư người viết đã trân trọng làm những bài thơ với những vần điệu mộc mạc, đơn sơ gửi tới anh linh liệt nữ Đặng Thùy Trâm, gửi tới bà Doãn Ngọc Trâm - người mẹ Việt Nam đã sinh thành, dưỡng dục được một người con gái có đôi bàn tay dịu hiền và trái tim nhân hậu.

Trong câu chuyện với tôi, đại diện cho gia đình là chị Doãn Kim Trâm cho biết: “Để tri ân những tấm lòng của các nhà thơ và những người yêu thơ, gia đình tôi dự định sẽ xuất bản một tuyển tập gồm những bài thơ của các tác giả gửi tặng cho gia đình. Sau đó, gia đình sẽ gửi tặng mỗi tác giả một quyển để thay lời cảm ơn. Chúng tôi cho rằng, đó chính là lời cảm ơn chân thành nhất mà ở nơi thiêng liêng, chị Thùy của chúng tôi hẳn sẽ cảm thấy vui lòng. Đã có gần hai trăm bài thơ của các tác giả gửi về, song gia đình vẫn muốn chờ thêm một thời gian nữa để có thể có được một tuyển tập dày dặn hơn, ghi dấu được nhiều cung bậc cảm xúc hơn nữa”. Quả đúng như vậy, làm sao có thể không xúc động khi vừa đọc nhật ký của Thùy Trâm xong chúng ta lại được đọc những vần thơ như thế này: “Ôi bàn tay như muôn triệu bàn tay/ Rất bình dị nhưng vô cùng thánh thiện/ Sống chết với chị: Niềm tin và dâng hiến/ Muôn năm sau thắp lửa mãi cho đời…” (Bàn tay thắp lửa).

Tác giả của bài thơ là cô giáo Nguyễn Thị Phương Vân, quê ở Đức Phổ (Quảng Ngãi) - mảnh đất anh hùng mà khốc liệt trong chiến tranh, nơi liệt sĩ Đặng Thùy Trâm của chúng ta đã chiến đấu và hy sinh anh dũng. Có lẽ chính bởi vậy mà cô giáo Vân đã làm được một bài thơ với những tình cảm hết sức chân thực, đằm thắm và đây cũng chính là  một trong những bài thơ khiến gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm hết sức xúc động.

Tác giả Lê Ngọc Quang - một cựu chiến binh ở phố Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội) còn dành tâm huyết làm cả một bản trường ca có nhan đề “Dâng mẹ  Doãn Ngọc Trâm” gồm hơn 500 câu thơ mộc mạc, chân thành. Anh Quang tâm sự: “Tôi là một người lính, từng cùng đồng đội vào chiến trường trong bom đạn dữ dội và từng chứng kiến những mất mát, hy sinh. Vì vậy, đọc xong “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, trong lòng tôi cảm xúc dâng tràn và tôi nung nấu ý nghĩ phải viết một bản trường ca để ngợi ca người con gái ấy. Tôi viết trong 3 ngày với 2 buổi tối thì xong. Tôi có gửi cho gia đình mẹ Trâm, cho bạn bè, đồng đội của tôi, cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp và rất vui khi nhận được sự chia sẻ…”.

Nói rồi anh đọc liền cho tôi nghe một trường đoạn mà anh thuộc làu. Khi đọc đến đoạn mà chúng tôi trích đăng sau đây, tôi thấy anh rưng rưng nước mắt: “Hy sinh tuổi độ đang xoan/ Trắng trong như ngọc lòng son sắt thề/ Ai về Đức Phổ thì về/ Thùy Trâm chị vẫn tràn trề sức xuân/ Về đây hồn chị linh thiêng/ Truyền cho sức mạnh gan bền dạ son/ Truyền cho ý chí ngoan cường/ Quyết tâm giải phóng nước non mới về…”.

Quả đúng vậy, Thùy Trâm đã được tái sinh từ chính sức mạnh của chị, từ trái tim chan chứa yêu thương mà chị đã sống. Hàng trăm bài thơ là hàng trăm cung bậc tình cảm, là hàng trăm trái tim đang ngân điệu hát thiết tha từ sâu thẳm trái tim mình. Khác với thơ, nhạc là “lãnh địa” tương đối khó với nhiều người bởi để ghi lại xúc cảm của mình, ta không thể không biết nhạc lý. Với bộ môn nghệ thuật này, gần như ưu thế tuyệt đối thuộc về các nhạc sĩ, nhất là với các nhạc sĩ đã có thời gian chiêm nghiệm sáng tác qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

Không lâu sau khi “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” được phát hành, nhạc sĩ Lê Việt Hòa đã có ngay bài hát “Tuổi thanh xuân” với lời ca tha thiết: “Hàng triệu con tim đang rung lên vì nhật ký Đặng Thùy Trâm. Có bao nhiêu con tim đang rung lên từ nước Mỹ. Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã minh chứng về tội ác chiến tranh đã hủy diệt bao nhiêu mầm xanh trên quê hương miền Nam…”. Ngay sau đó, nhạc sĩ Lê Việt Hòa đã thực hiện phối khí thử nghiệm ba lần với phần thể hiện của ca sĩ Kim Tiến. Mỗi lần phối khí xong, ông lại ghi băng và mang đến mở cho gia đình Thùy Trâm nghe. Các chị em gái của Thùy hết sức cảm kích trước tấm lòng và sự nhiệt tình của ông nhạc sĩ của “Chiếc nón bài thơ” này. Còn nhạc sĩ Lê Việt Hòa thì tâm sự: “Thói quen lớp nhạc thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam chúng tôi ngày xưa là có phản ứng nhạy bén với thông tin nóng để kịp cho ra đời những bài hát động viên tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân và dân ta. Đặng Thùy Trâm xứng đáng là một biểu tượng nghệ thuật. Tôi viết bài hát này để tặng cho những người Cộng sản mà tôi kính phục từ tận trái tim. Tôi thấy Thùy Trâm thực sự là một người Cộng sản. Tôi muốn  lấy tấm gương này ca ngợi những người Cộng sản - một con người được một người từng xem là “kẻ thù không đội trời chung” bên kia chiến tuyến ngợi ca, kính phục”.

Dù chưa thật phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, song những bài hát về liệt sĩ Đặng Thùy Trâm cũng đã được một số báo đăng tải, đó là các bài “Đặng Thùy Trâm” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, “Bông huệ trắng” của Linh Dũng, “Ngọn lửa tuổi hai mươi” của Thanh Bình… Trong bài hát “Đi về phía mặt trời” của tác giả An Hạ có một điệp khúc rất xúc động: “Người con gái đó vẫn đi về phía mặt trời, vẫn mãi mơ về một ngày, một ngày yên vui, mơ về ngày thanh bình, mơ về làng vui mùa mới, mong sao đêm thôi đợi chờ…”. 

Bên cạnh đó, vẫn có những tác giả không chuyên: người là giáo viên, người làm nhân viên bưu điện, người công tác trong ngành điện lực… bằng vốn kiến thức về âm nhạc của mình vẫn sáng tác được khá nhiều bài hát về một con người, một trái tim, một nhân cách, một lý tưởng sống đẹp đẽ, cao cả. Tác giả Nguyễn Hữu Nghĩa ở miền Nam còn phóng tác câu chuyện về liệt sĩ Đặng Thùy Trâm thành một bài vọng cổ - một loại hình âm nhạc đã ăn sâu vào tiềm thức những con người miền Nam. Còn tác giả Nguyễn Đức Chữ thì lại chuyển thể câu chuyện thành bài dân ca Nam Bộ mang tên “Chị lại về”… Những tình cảm đáng trân trọng ấy, những câu chuyện cảm động về những tấm lòng đến từ khắp mọi miền đất nước đã khiến cho sức sống từ câu chuyện về liệt sĩ Đặng Thùy Trâm được một lần nữa nhân lên và lan tỏa. Tôi tin, chính những tình cảm ấy, những lời nhắn nhủ trong mỗi bài thơ, mỗi bản nhạc ấy sẽ là những mạch nước ngầm ấm áp dịu dàng nuôi dưỡng tâm hồn, nuôi dưỡng sức mạnh tinh thần mỗi người trong cuộc sống hối hả, bận rộn hôm nay

Việt Hà
.
.