Đại tá, nhà văn Phùng Thiên Tân: Còn đó một thời "Sống để đời yêu"

Thứ Hai, 18/11/2013, 08:00
Nhân dịp NXB Công an nhân dân tái bản tiểu thuyết "Sống để đời yêu" - một tiểu thuyết rất đậm chất Công an và sâu lắng tình người của Đại tá, nhà văn Phùng Thiên Tân, phóng viên VNCA đã có cuộc trò chuyện với ông...

Đại tá, nhà văn Phùng Thiên Tân hiện là Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Công an nhân dân. Ông là một sĩ quan an ninh được đào tạo bài bản, chính quy, đến với văn chương một cách tình cờ, ở lại đó và đã có những đóng góp đáng kể vào dòng văn học về đề tài an ninh trật tự với các tiểu thuyết nổi tiếng như: "Hồ sơ chưa kết thúc", "Sống để đời yêu", "SBC xung trận", "Chuyện tình mù quáng" và các tập truyện ngắn "Một chiều mưa xưa", "Giây phút ấy đã qua". Ngoài ra, ông còn được các em thiếu nhi yêu mến qua các tập truyện: "Lũ trẻ ngã ba Bùng", "Lớn lên bên cảng Sài Gòn", "Vị chát đầu tiên ở đời". Nhân dịp NXB Công an nhân dân tái bản tiểu thuyết "Sống để đời yêu" - một tiểu thuyết rất đậm chất Công an và sâu lắng tình người, phóng viên VNCA đã có cuộc trò chuyện với ông.

- Thưa Đại tá, nhà văn Phùng Thiên Tân, cơ duyên nào khiến ông "rẽ ngang" để đến với văn chương?

+ Tôi đến với văn chương rất tình cờ. Trước khi vào khóa 3 Đại học An ninh, nay là Học viện An ninh, tôi học chuyên toán và có ước mơ trở thành một nhà toán học. Nhưng gia đình lúc bấy giờ lại rất mong muốn tôi gia nhập lực lượng Công an nên tôi đã chiều theo ý ông cụ thân sinh. Lúc học trong trường, tôi có chơi với một số bạn học khoa Văn - Đại học Tổng hợp, mỗi khi đến chơi tôi cũng hay đọc các tư liệu, giáo trình văn học, rồi bắt đầu làm thơ và viết truyện thiếu nhi.

Ngày ấy, thơ tình vẫn được xem là thứ "hàng cấm" nên lúc đầu chỉ là làm thơ tặng bạn gái, về sau những bài thơ ấy cứ lan truyền trong sổ tay của các nữ sinh và tôi nhận được nhiều lời động viên, khuyến khích của bạn bè. Khi tốt nghiệp, tôi lại được giới thiệu về Phòng Sáng tác văn học thuộc Cục Công tác chính trị do nhà văn Lê Tri Kỷ làm trưởng phòng. Nói là Phòng Sáng tác văn học, nhưng hồi ấy ngoài anh Lê Tri Kỷ chỉ có anh Ngôn Vĩnh, anh Văn Phan và một số cộng tác viên. Cùng được tuyển với tôi năm ấy còn có chị Thu Trang, anh Bùi Minh Chức, họ tốt nghiệp Văn, Sử - Đại học Tổng hợp.

- Cố nhà văn Lê Tri Kỷ là người anh cả của các nhà văn trong lực lượng Công an. Ông không chỉ là một người tài năng, đức độ mà còn nổi tiếng là người nghiêm khắc trong việc rèn nghề cho thế hệ đi sau. Trên thực tế, ông đã được nhà văn Lê Tri Kỷ "kèm cặp" như thế nào?

+ Tôi còn nhớ, khi về nhận công tác, lần đầu tiên gặp nhà văn Lê Tri Kỷ, anh ấy có vẻ không hài lòng khi thấy tôi là một sĩ quan An ninh chứ không phải là người của văn chương như anh ấy mong đợi. Bởi thế, ngay từ đầu anh ấy đã giao hẹn: "Nếu sau một năm mà tôi thấy cậu không có năng khiếu, triển vọng với văn chương, tôi sẽ trả cậu về cho tổ chức...".

Cách dạy của anh ấy với tôi lúc bấy giờ giống như cách của các bác thợ rèn ở quê dạy cậu tiểu đồng từ cách nhóm lửa, quai búa thế nào để ra được con dao, cái liềm... Trong năm đầu tiên ấy, ban đầu cứ đầu tuần nhà văn Lê Tri Kỷ ghi ra các đầu sách để tôi đến thư viện tìm đọc, sau đó về kể cho anh nghe để thử xem tôi có yêu văn chương không. Đến giai đoạn 2 anh yêu cầu tôi đưa ra nhận xét về các tác phẩm ấy rồi hai thầy trò tranh luận với nhau. Về sau, anh cử tôi đi học lớp viết kịch của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.

Tôi cứ băn khoăn mãi là sếp cử mình đi học viết kịch để làm gì. Học xong, tôi cũng chẳng viết được vở kịch nào nhưng về sau này, tôi mới hiểu mà thực sự biết ơn những ngày tháng được theo học lớp học này đã cho tôi những kiến thức về "chương", "hồi", "thắt nút", "mở nút", cách xây dựng ngôn ngữ, tính cách nhân vật... Nó rất hữu ích cho tôi trong việc viết tiểu thuyết sau này. Mới thấy thủ trưởng của mình đúng là người tinh đời.

- Thưa nhà văn, vậy đâu là lý do xác đáng nhất của việc ông được giữ lại Phòng sáng tác Văn học sau 1 năm... thử việc?

+ Ngay khi nghe thủ trưởng giao hẹn thử việc 1 năm, tôi cũng lo lắng, áp lực. Ban ngày cần mẫn đọc, tối về nghiền ngẫm ý tưởng để viết một tác phẩm về ký ức tuổi thơ của chính mình. Đến kỳ hạn một năm, tôi đem nộp tác phẩm đầu tay "Lũ trẻ ngã ba Bùng" cho thủ trưởng. Một hôm, tôi nghe một anh bạn kể lại là trong một Hội nghị Cộng tác viên của Báo Công an nhân dân có nghe nhà văn Lê Tri Kỷ nói đại ý: "Tôi có đọc một tác phẩm của một anh bạn trẻ ở cơ quan tôi, anh ấy có biệt tài đã đưa tôi từ cánh đồng hoa đẹp này đến cánh đồng hoa đẹp khác, nhưng đọc hết 300 trang không biết đích đến là gì…". Thế là một hôm tôi mới mạnh dạn hỏi thủ trưởng xem ý kiến của ông về tác phẩm của mình thế nào. Ông bèn hỏi tôi: "Vậy tư tưởng chủ đề của tác phẩm cậu định hướng tới là cái gì, định phản ánh cái gì? Sao cậu xây dựng nhân vật xong, thả nhân vật ra cho nó hoạt động mà lại không điều khiển được nó?". Nhưng tôi được anh nhận ở lại. Đến năm 1982, tác phẩm được in 40 ngàn bản và cũng trong năm ấy, "Lũ trẻ ngã ba Bùng" được giải Ba cùng đợt với "Búp sen xanh" của nhà văn Sơn Tùng được giải Đặc biệt. Giải thưởng hồi ấy là 1 chiếc xe đạp, tôi đi nhận giải mà vui sướng, tự hào lắm! Có giai đoạn nó được trích đoạn đưa vào sách giáo khoa lớp 6 đấy.

- Cố nhà văn Lê Tri Kỷ không chỉ có ảnh hưởng to lớn đối với sự nghiệp viết văn của ông mà nghe nói còn có "định hướng" để tác thành cho mối lương duyên của ông với người bạn đời của mình. Điều này có đúng không thưa nhà văn?

+ Đúng đấy. Khi trẻ, lại sớm nổi tiếng nên lúc ấy tôi cũng có nhiều bạn gái thân mến, cũng có lưỡng lự lựa chọn. Khi biết chuyện tình yêu của tôi, chính nhà văn Lê Tri Kỷ can thiệp. Ông khuyên tôi nên lấy bà xã tôi bây giờ thì sẽ có hôn nhân bền vững. Anh ấy cũng chính là người đi hỏi vợ cho tôi đấy. Bởi vậy, vợ tôi rất yêu quý, và kính trọng anh ấy, đến khi anh ấy qua đời vợ tôi còn khuyên nên lập bàn thờ để thể hiện lòng biết ơn.

- Ông cũng được biết đến với hai tiểu thuyết "SBC xung trận" và "Hồ sơ chưa kết thúc", trong đó "Hồ sơ chưa kết thúc" sử dụng tư liệu từ vụ án nghệ sĩ Thanh Nga từng gây chấn động dư luận một thời. Để xây dựng tiểu thuyết này, ông đã có quá trình tiếp cận với hồ sơ vụ án như thế nào?

+ Lúc vụ án Thanh Nga xảy ra, tôi đang đi thực tế tại Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP. Hồ Chí Minh và đang viết bản thảo "SBC xung trận". Xảy ra vụ Thanh Nga, tôi được anh Trịnh Thanh Thiệp - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự lúc ấy cho tham gia một số việc như đi theo các trinh sát, thậm chí được tham gia "ghi cung" nên trong sổ tay lưu giữ được nhiều tình tiết liên quan. Kẻ giết Thanh Nga là tên Nguyễn Thanh Tân có gương mặt điển trai, mắt sáng, thông minh và là cử nhân tiếng Anh từng làm việc phiên dịch cho quân đội Mỹ. Mê truyện trinh thám nên tên Nguyễn Thanh Tân đã tổ chức vụ bắt cóc con trai nghệ sĩ Thanh Nga không thành công, dẫn đến giết chết nghệ sĩ Thanh Nga và trước đó là tổ chức vụ bắt cóc con của nghệ sĩ Kim Cương. Thật vui đến khi "Hồ sơ chưa kết thúc" ra mắt độc giả, nó trở nên nổi tiếng không mấy thua kém so với các tiểu thuyết đình đám bấy giờ như "Vụ án Hồ Con Rùa", "Ván bài lật ngửa"...

- Khi được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, ông mới 36 tuổi và là nhà văn thứ 2 của lực lượng Công an được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam? Cảm xúc của ông lúc đó thế nào?

+ Năm ấy tôi mới 32 tuổi. Năm 1988, tức là 2 năm sau khi cuốn tiểu thuyết luận đề "Sống để đời yêu" của tôi được in, nhà văn Lê Tri Kỷ đọc xong tác phẩm này đã quyết định giới thiệu tôi vào Hội Nhà văn Việt Nam. Với tôi, Hội Nhà văn Việt Nam lúc ấy là một ngôi đền thiêng, không dám mơ là có ngày mình được đặt chân vào đó. Khi biết tin, ông bác tôi cả đời làm thơ mà không nổi tiếng ví von: "thằng Tân đỗ trạng". Còn tôi, cầm tờ Báo Văn nghệ in danh sách Hội viên được kết nạp mà mừng run cả người.

- Thưa nhà văn Phùng Thiên Tân, trở lại tác phẩm "Sống để đời yêu" - tiểu thuyết dành nhiều tình cảm cho hình ảnh người chiến sĩ Công an - chắc hẳn ông đã dành nhiều thời gian thâm nhập, tìm hiểu rất kỹ công việc cũng như tâm tư tình cảm của người Cảnh sát khu vực?

+ Vào năm 1978 khi đang công tác ở Tp HCM, tôi có may mắn được cùng nhà văn Lê Tri Kỷ tiếp xúc, nghe và ghi chép những câu chuyện kể của khoảng 20 Cảnh sát khu vực ưu tú trên toàn thành phố để phục vụ chủ trương của cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn lúc bấy giờ là phải có những tác phẩm văn học nghệ thuật xứng đáng về lực lượng Cảnh sát khu vực - vốn được coi là sáng tạo đặc biệt của Công an Việt Nam. Những câu chuyện ấy theo tôi trong nhiều năm tháng cùng với những trải nghiệm thực tế đã ngấm dần để đến khi viết "Sống để đời yêu", tôi đã có cơ hội trình bày một quan điểm, một lối sống, một cách yêu thêm cuộc đời này!

Vừa rồi, khi tôi đọc lại để cho tái bản "Sống để đời yêu", chính tôi cũng ngạc nhiên về sáng tác này của mình.

- Xin cảm ơn Đại tá, nhà văn Phùng Thiên Tân!

Hà Anh (thực hiện)
.
.