Đại hoạ đến từ sự bất cẩn

Thứ Tư, 13/03/2013, 08:00

Lúc 0h30' ngày 24/2/2013, một vụ nổ kinh hoàng đã làm sập 3 căn nhà, làm chết 11 người, bị thương 3 người tại hẻm 384, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp HCM. Chưa hết bàng hoàng, dư luận lại thêm một phen khiếp vía: số thuốc nổ tang vật thu giữ được sau vụ án này lại tiếp tục phát nổ khi đang được lưu giữ tại kho của phòng Kỹ thuật hình sự Công an Tp HCM, đóng trên đường Trần Hưng Đạo, quận I. Ẩn họa tiềm tàng đã thật sự bộc lộ thành những tai vạ hiện hữu treo lơ lửng.

Sau tiếng nổ long trời, 3 căn nhà số 384/9, 384/7 và 384/7A đã thành một đống đổ nát. Toàn bộ 6 người trong gia đình ông Lê Minh Phương, Giám đốc hãng phim Lạc Việt ở số 384/9, nơi ông Phương thuê làm trụ sở hãng phim (đồng thời cũng là nơi  phát ra tiếng nổ) đều chết ngay tại chỗ. Thi thể bà Lê Thị Tuyết, em gái ông Phương bị cháy đen hoàn toàn. Hai căn nhà liền kề, mỗi căn có thêm 2 nạn nhân tử vong tại chỗ, một nữa người chết tại bệnh viện. Một số người khác nhờ trèo được sang sân thượng các nhà hàng xóm kế cận nên đã may mắn không bị những vụ sập nhà sau khi nổ đè chết.

Bà Nguyễn Thị Tân Xuân, 44 tuổi và con gái Hồ Kiều Anh, 17 tuổi thiệt mạng khi…tình cờ nghỉ lại qua đêm ở số nhà 384/7A. Bà Xuân công tác tại tạp chí Thị trường, đã chia tay với chồng. Cách đây khoảng 2 tháng, bà đã mua bảo hiểm nhân thọ, phòng khi có chuyện bất trắc với bản thân thì con gái bà cũng có được một khoản tiền để tiếp tục học hành, khôn lớn. Đêm 23/2, hai mẹ con bà Xuân đến thăm và ngủ lại tại nhà ông bà nội của cháu, bị vụ nổ chôn vùi…

Tai nạn quá thảm khốc nên khi được báo chí hỏi chuyện, phỏng vấn, những người trả lời đều không muốn nêu tên mình. Tên bộ phim mà ông Lê Minh Phương đang chuẩn bị "đạo cụ" cho các cảnh quay cũng được đề nghị không nhắc đến. Theo lịch, sáng 24/2, đoàn sẽ đi quay tại Vũng Tàu. Thuốc nổ và các thiết bị, công cụ liên quan, ông Phương đều đã chuẩn bị sẵn sàng. Tai vạ xảy ra khi ông và gia đình đang say giấc trên giường ngủ.

Điều tra ban đầu cho thấy vật liệu nổ là một khối lượng lớn thuốc nổ TNT. Loại thuốc nổ này không thể tự phát nổ, nếu chưa được gắn kíp nổ, hoặc còn để nguyên chưa pha trộn. Những người am hiểu về vũ khí, thuốc nổ đều cho rằng, để tạo ra một vụ nổ lớn đến mức làm sập cùng lúc 3 căn nhà, chắc chắn số thuốc nổ "đạo cụ" đã được ông Phương - chuyên viên kỹ thuật  -  nhồi sẵn thành khối nổ. Tại hiện trường, cơ quan công an còn thu giữ được một số vỏ đạn đã được tháo đầu đạn và lấy hết thuốc. Nếu chỉ với thuốc nổ TNT, khi nổ chỉ cho ra khói xám, cảnh quay lên phim sẽ không đẹp. Có thể khi chuẩn bị khối nổ, ông Phương đã nhồi thêm thuốc nổ đen được lấy ra từ các viên đạn, nhằm khi nổ sẽ cho khói màu đen đậm, ánh lửa bùng mạnh hơn, tạo hiệu quả hình ảnh đẹp hơn. Một vài người thuộc ê kíp làm phim của Hãng Lạc Việt còn cho biết thêm, trước đó, sau một lần quay, còn thừa 3 kíp nổ, trong đó có 1 kíp đã hở (có thể kích nổ bất kỳ lúc nào), thay vì tiêu hủy tại chỗ, ông Phương đã đem về cất để phục vụ cho lần quay sau.

Hiện trượng vụ nổ tại nhà ông Lê Minh Phương sớm 24/2/2013.

Trong tình trạng đã nhồi trộn và có thể đã gắn kíp nổ, nguy cơ rất dễ xảy ra. Chỉ cần một tia lửa từ tàn nhang, tàn thuốc hoặc từ ổ cắm điện bị lỏng phát ra, thuốc súng lấy từ đạn và kíp nổ hở cũng có thể bắt lửa và kích nổ toàn bộ khối thuốc nổ. Giả thiết này khá phù hợp với hiện trường: bà Lê Thị Tuyết, em gái ông Phương là nạn nhân được phát hiện ở gần nơi ông Phương cất giữ thuốc nổ nhất. Bà là nạn nhân duy nhất không chết khi đang trên giường ngủ. Bình thường, bà Tuyết làm công việc hầm xương, bán bún, thường dậy chuẩn bị củi lửa nấu nướng từ nửa đêm.

Chưa từng được đánh giá cao với những phim đã sản xuất, nhưng ông Lê Minh Phương được giới làm phim biết đến như một nhân tố hiếm hoi trong nghề dàn dựng các cảnh khói lửa, cháy nổ, gọi thân mật thành tên Phương "khói lửa". Ông tên thật là Trần Ngọc Lâm, sinh năm 1955 tại Đà Lạt. Thời trẻ, ông Phương tham gia quân đội và là một cán bộ quân khí, chuyên sửa chữa súng đạn nên khá am tường về các loại vũ khí, vật liệu nổ. Khi làm phim "Dưới cờ đại nghĩa" (dựa theo tác phẩm "Người Bình Xuyên" của nhà văn Nguyên Hùng), người ta phát hiện ra sở trường và mời ông tham gia. Bén duyên, ông Phương đã góp sở trường vào hàng loạt phim có cảnh cháy nổ như "Hải Âu", "Võ lâm truyền kỳ", "Bóng ma học đường", "Chàng Sửu làm du lịch", "Đất mặn"… Tự ông đã có hàng loạt mày mò, thử nghiệm để chế tạo ra nhiều loại súng ống giả bằng gang, bằng nhựa composit thay cho súng thật; đạn mã tử thay cho đạn có đầu đạn để thực hiện các cảnh quay y như thật nhưng độ an toàn cao. Ông cũng đã nghiên cứu dùng nhiều loại hóa chất khác thay thế thuốc nổ thật để quay phim, giúp giảm thiểu nguy hiểm. Nhưng các vật liệu thay thế có giá thành đắt hơn rất nhiều so với sử dụng thuốc nổ thật, súng đạn thật. Do đó, khi thành lập và làm Giám đốc Công ty phim Tháp Đôi, sau đổi tên thành Lạc Việt, ông Phương lại đành phải quay về với "hàng thật", do ông tự tay chuẩn bị, dàn dựng và tìm kiếm, chế tạo. Ông từng suýt bị bắt vì khoe đã thu gom được hàng trăm kg thuốc nổ TNT (từ nguồn bất hợp pháp). Một lần khác, kho chứa thuốc nổ của Hãng Lạc Việt từng bị nổ nhưng không có thiệt hại về người nên ông Phương cũng không bị truy cứu. Sinh nghề tử nghiệp, định mệnh đã không buông tha ông. Hơn nữa, còn có thêm cả chục con người - phần lớn đều là người thân của ông - đã bị tai bay vạ gió.

Bạn bè, đồng nghiệp, người quen biết ông Phương, những người làm việc liên quan đến điện ảnh đều…sởn tóc gáy. Chưa bao giờ có chuyện đoàn làm phim nào tổ chức xe cộ riêng để chở súng đạn thuốc nổ. Tử thần vẫn vô tư được chất lên xe bus, tốc hành chung cùng diễn viên, đạo diễn, thợ kỹ thuật, nhân sự hậu cần. Mức độ an toàn, khả năng phát nổ không ai quan tâm, chỉ giao hết vào tay một người.

Một số hãng phim nhà nước khi thực hiện một số phim nhựa quy mô về đề tài chiến tranh, bằng kinh phí lớn của nhà nước có hợp đồng chặt chẽ với các đơn vị quân đội khi dàn dựng các cảnh quay cháy nổ hoành tráng. Còn các hãng phim tư nhân hầu hết đều tự lo, nhất là khi quay các phim truyền hình nhiều tập với kinh phí thấp. Thuốc nổ, hóa chất, kíp nổ, đạn…đều được tìm kiếm từ những nguồn trôi nổi. Ngành Phòng cháy chữa cháy cũng chưa từng cấp giấy phép sử dụng chất cháy nổ cho bất kỳ đoàn làm phim nào bởi chưa từng có đơn vị, cá nhân nào đăng ký!

Tai nạn phim trường đã diễn ra không ít. Khi quay phim "Hồng hải tặc", lượng thuốc nổ quá liều đã hất tung nắp ca- pô xe hơi lên 20m khiến một diễn viên nhập viện. Phim "Đô la trắng", việc nổ không chính xác đã khiến kính đeo mắt của diễn viên bị vỡ, gây tổn thương….Tất nhiên, khán giả và các nhà quản lý đều không hề biết đến các tai nạn này.

Để nhanh, chính xác, các vụ nổ trong phim ở Việt Nam hiện nay đều được kích nổ bằng điện thay cho dây cháy chậm. Đầu miệng gắn kíp nổ thường được kỹ thuật viên trộn thêm thuốc đạn  để nhạy bắt lửa hơn. Nguy cơ tai vạ bất thình lình do đó sẽ cao hơn nhiều so với thuốc nổ dùng dây cháy chậm. Việc tạo khối nổ, gắn kíp thường được thực hiện ngay tại phim trường, trước từng cảnh quay. Nhưng ở Việt Nam làm gì có phim trường, đành thực hiện từ…nơi ở. Với những cảnh quay trong đêm, lúc mờ sáng, để…nhanh gọn, thuốc nổ thường được nhồi trộn trước và chở theo xe của đoàn. Thay vì tiêu hủy, nếu thừa, chúng thường được các "chuyên gia" cất lại để sử dụng trong lần sau. Cất "bom" trong nhà, ôm bom mà ngủ như ông Phương chắc chắn không phải là cá biệt. Đó chính là lý do dẫn đến vụ nổ tang vật thu được của ông Phương (tại một địa chỉ khác cách hiện trường vụ tai nạn chừng 200m) ngay tại kho của công an. Lý do: số chất nổ này đã được nhồi trộn trước.

Đang trong giai đoạn lạc hậu và tụt hậu kỹ thuật so với điện ảnh thế giới, người ta vẫn thường tự trào mà đề cao vai trò nhân tố con người. Nhưng vì sự an toàn và tính mạng, tài sản của cộng đồng thì chắc chắn sự nhiệt tình, say mê nghề nghiệp sẽ không được phép dùng để thay thế sự cẩn trọng, chính xác, an toàn của kỹ thuật cao. Lời chuông báo động đã nổ lên quá mạnh, quá bi thảm!

Nguyễn Đức
.
.