Đà Lạt rừng trong phố…

Thứ Ba, 23/10/2018, 07:48
Tôi đang nhâm nhi cà phê, đối diện với Đà Lạt trong mưa chiều tĩnh lặng. Mỗi khi cánh cửa mở đón không gian ba chiều thoáng rộng, xa tít tắp rừng thông reo trong gió nắng. Thỏa thuê ngắm Đà Lạt trong mưa, trong sương, trong 4 mùa lưu chuyển, trong hương Đà Lạt ùa ập như mây Sa Pa lảng vảng quấn quyện…


Lần nào đến "thành phố ngàn hoa", tôi cũng bị cuốn theo cảm xúc mới lạ, ngỡ ngàng. Một Đà Lạt được thiên nhiên ưu ái ban tặng lãng mạn và trữ tình. Một bình minh Đà Lạt lấp lánh nắng thủy tinh trong đồi thông vi vút gió reo. Một Đà Lạt phố trong rừng và rừng trong phố. Một Đà Lạt dấu yêu ùa ập, buồn mưa, nhưng vẫn đẹp đến nao lòng. Một Đà Lạt hoang hoải nhớ, hoang hoải thương, hoang hoải nỗi tơ vương dăng dện...

Tôi đang nhâm nhi cà phê, đối diện với Đà Lạt trong mưa chiều tĩnh lặng. Mỗi khi cánh cửa mở đón không gian ba chiều thoáng rộng, xa tít tắp rừng thông reo trong gió nắng. Thỏa thuê ngắm Đà Lạt trong mưa, trong sương, trong 4 mùa lưu chuyển, trong hương Đà Lạt ùa ập như mây Sa Pa lảng vảng quấn quyện…

Đà Lạt hấp dẫn bởi những hồ nước, thác nước tuôn dải ngân hà, rừng thông reo gió, con đường uốn lượn thang mây... Thiên nhiên hào phóng ban tặng Đà Lạt những cái tên hồ Xuân Hương, Than Thở, Lâm Tuyền… gắn với một huyền thoại kỳ diệu. Và ở đây, hoa là chủ nhân, hoa là thượng đế, hoa biểu tượng cho đất và người, hoa thân thiện, hoa mềm, ấm, mạnh như cỏ có thể mọc ở bất cứ nơi đâu với vẻ đẹp mê man, hoang dã.

Hoa trong cỏ. Cỏ đẫm hương hoa. Tôi mê mải ngắm những giọt nắng bình minh đậu trên từng giọt sương. Nắng thủy tinh xuyên nghiêng nghiêng trong cánh rừng thông. Một vạt hoa nắng lung linh. Hương thông thơm ngát quyến rũ…

Tôi cứ trăn trở, thao thiết với câu hỏi: Thành phố hoa ai đã đặt tên?

Nguyên Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng - Đại tá Nguyễn Đức Hiệp (thứ ba từ phải sang trái) chụp ảnh lưu niệm với các văn nghệ sĩ tại Đà Lạt.

Năm 2014, tôi dự Trại sáng tác văn học “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Chi hội Nhà văn Công an tổ chức ở Đà Lạt. Đại tá Nguyễn Văn Hiệp khi đó là Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng đã giải thích cho tôi. Hai chữ Đà Lạt được ghép từ chữ “Đạ” là nước; “Lạch” là người Lạch. Lạch là tên bộ tộc của dân tộc Kho sống ở phía Bắc tỉnh Lâm Đồng. Đạ Lạch - tên gọi con suối Cam Ly.

Cái tên Đà Lạt gắn với bác sĩ Alexandre Yersin - người Thuỵ Sĩ mang quốc tịch Pháp được nhà cầm quyền Pháp giao nhiệm vụ thám hiểm Tây Nguyên. Sau chuyến thám hiểm dài ngày, đúng 15 giờ 30 phút ngày 21/6/1893, bác sĩ Yersin đã đặt chân lên cao nguyên Lang Biang và vào thời khắc thiêng liêng đó, bác sĩ Yersin đã phát hiện ra xứ sở ngàn hoa với bao thiện cảm về con người và vùng đất này.

Một bước ngoặt lớn đã đến với Đà Lạt, biến vùng đất hoang sơ thành xứ sở thần tiên. Biến một thành phố chưa có tên trên bản đồ đã được nhiều quốc gia biết đến và đã được ghi tên trong Từ điển bách khoa của nhiều quốc gia trên thế giới. Lịch sử của xứ sở ngàn hoa diệu kỳ là vậy. Tượng đài bác sĩ Yersin được đặt ở nhiều nơi ông đã từng đến, như: Đà Lạt, Nha Trang, Hà Nội...

Từ lời hẹn ở Hà Nội, năm 2014, nhân chuyến công tác vào Đà Lạt, chủ nhân Khu du lịch đường hầm điêu khắc đất sét Trịnh Bá Dũng đã mời tôi đến thăm công trình và giới thiệu với tôi bức tượng Alexandre Yersin tạc rất đẹp: “Chị à, bác sĩ Alexandre Yersin chính là người tìm ra Đà Lạt. Em sẽ giới thiệu với chị lịch sử hình thành thành phố Đà Lạt…”.

Sau nhiều cuộc thám hiểm, điều tra, nghiên cứu đầy đủ về cao nguyên Trung kỳ, Đà Lạt được chọn xây dựng thành trung tâm nghỉ dưỡng và du lịch. Đà Lạt với vẻ hấp dẫn riêng có đã thu hút nhiều dòng người nhập cư rất tự nhiên. Các dòng người từ miền Bắc, miền Trung, miền Nam đến với Đà Lạt với nhiều lý do.

Do đất đai, khí hậu tốt, họ chọn Đà Lạt làm nơi sinh sống, lập nghiệp. Họ theo Vua Bảo Đại làm lính ngự lâm. Họ là thợ giỏi đến Đà Lạt do nhu cầu tuyển thợ giỏi xây dựng nhà cửa, dinh thự. Có người tìm đến nơi yên bình để lánh cuộc chiến tranh tàn khốc ở quê hương. Cũng có người trốn quân dịch đã tìm đến bà con ở đây nương náu…

Gia đình tôi từ Huế cũng trong dòng luân chuyển này đến Đà Lạt từ khi tuyến đường sắt từ Phan Rang - Đà Lạt dài 84km được người Pháp xây dựng hoàn thành năm 1932. Các cụ men theo đường tàu từ Huế sau 3 tháng mới đến thấu Đà Lạt. Từ những cư dân đầu tiên đến làm ăn sinh sống, người Huế đã dần hội tụ về đây và năm 1952 ấp Ánh Sáng ra đời…Từ đó, thấy điều kiện sống tốt, khí hậu mát lành, làm ăn thuận lợi, người dân ở các tỉnh thành đã mở rộng địa bàn sinh tụ, về đây làm ăn.

Do tính cần cù, chịu khó, lại khéo léo, nên họ làm ăn giỏi, hình thành những làng rau, làng hoa Đà Lạt nổi tiếng hôm nay... Trong quá trình biến động của lịch sử, những dòng hợp cư đến với Đà Lạt đã làm nên giá trị bản sắc văn hóa cùng nét tính cách riêng của người Đà Lạt. Bản sắc văn hóa này được tạo bởi sự tham gia, vun vén, làm đầy nét văn hóa của con người các dân tộc anh em cùng định cư ở đây.

Các văn nghệ sĩ chụp ảnh lưu niệm tại Đà Lạt.

Theo nhà nghiên cứu Lê Thị Nhuấn, người miền Bắc vào đây đã góp phần hình thành phong cách người Đà Lạt hiện nay. Người gốc Thừa Thiên - Huế chịu ảnh hưởng lễ nghi cung đình triều Nguyễn đã mang theo phong tục tập quán bền chặt, lưu giữ nhiều tập tục cổ truyền. Người Nghệ An, Hà Tĩnh thể hiện trong phong cách người Đà Lạt là ý chí, sức lao động, tạo được vị thế trong cộng đồng.

Cư dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên vào Đà Lạt mang theo sự thực tế, ít chú ý đến hình thức, điều kiện ăn ở, sinh hoạt, phục sức của họ luôn đặt nặng vấn đề bền chắc. Trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa, người Đà Lạt đã tự biết chắt lọc, thâu nhận, điều chỉnh những giá trị căn cốt, bản chất đẹp đẽ, tinh túy…

Văn hóa Đà Lạt vì thế được hình thành trên cơ sở hội tụ, chọn lọc, kết hợp hài hòa những giá trị văn hóa của cư dân bản địa với các vùng miền khác của Tổ quốc đến sinh sống, lập nghiệp “đó là sự chắt lọc, quyện hòa giữa tính thật thà, hồn nhiên của người dân tộc thiểu số bản địa với nét tế nhị, trọng lễ nghĩa của người miền Bắc; vẻ suy tư, trầm mặc, cẩn trọng của người Thừa Thiên - Huế; tính cần cù, cương nghị của người Quảng Nam, Quảng Ngãi; nét đôn hậu, phóng túng của người phương Nam; cách giao tiếp khéo léo của người Hoa và tinh thần cầu tiến, không cố chấp của người Pháp” (Lê Thị Nhuấn).

Hơn 125 năm hình thành Đà Lạt, thành tựu nổi bật nhất chính là nét văn hóa Con Người với phong cách đặc trưng là: hiền hòa, thanh lịch, thân thiện…Phong cách đó đã lan tỏa rộng khắp trong và ngoài nước, góp phần làm nên một Đà Lạt đầy quyến rũ.

Cư dân mọi vùng miền vào Đà Lạt đều mang theo văn hóa, lối sống, phong tục tập quán của quê hương mình đến đây và làm phong phú, đa dạng thêm văn hóa cho xứ sở ngàn hoa. Trang phục của người Đà Lạt đẹp trong sự giản dị, tinh tế, kín đáo, nhưng sang trọng. Áo dài, chiếc nón bài thơ xứ Huế cũng từ đó có điều kiện du nhập và trở thành phong cách của nữ sinh Đà Lạt. Nhà dân tộc học nổi tiếng người Pháp - G.Côn-đô-mi-nát đã phân tích và lý giải điều này “Họ mang sắc thái văn hóa quê hương mình đến cùng tô điểm cho bức khảm văn hóa Đà Lạt ngày thêm rực rỡ”.

Đà Lạt đẹp và thơ đã tốn bao giấy bút của văn nghệ sĩ. Những Cà phê Tùng, Diễm Xưa, Thung lũng tình yêu, Làng Cù Lần, Cao nguyên Lâm Viên lộng gió, đỉnh Lang Biang huyền thoại…thấm đẫm trong văn chương nghệ thuật. Đà Lạt giao duyên cuộc gặp gỡ định mệnh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với Khánh ly để từ đó “tân nhạc Việt Nam không còn như cũ nữa”.

Nhạc sĩ Hoàng Nguyên để lại cho Đà Lạt nhiều ca khúc bất hủ, như: "Bài thơ hoa đào", "Ai lên xứ hoa đào","Hoa đào ngày xưa", "Đà Lạt mưa bay"… Đà Lạt đã là thơ. Đà Lạt tràn trề cảm xúc thơ. Nhà văn Trần Ngọc Trác người Huế, sinh sống ở Đà Lạt và gắn bó với thành phố ngàn hoa này bằng nhiều cuốn sách nặng tình, nặng nghĩa, mới trải lòng mình để có "Duyên nợ Đà Lạt" (tập 1 +2) và canh cánh món nợ lòng đau đáu về mảnh đất cao nguyên này…

Lúc nào đến với xứ xở ngàn hoa cũng lưu chuyển trong tôi nhiều dòng cảm xúc tươi mới xen lẫn sự chạnh lòng, thoáng ưu tư trước sự biến đổi của Đà Lạt trước những tác động ào ạt từ bên ngoài làm xáo động nét thanh lịch, trầm lắng vốn có của Đà Lạt. Vì yêu Đà Lạt nên chúng ta thực sự buồn lo trước sự biến dạng văn hóa tộc người ở một bộ phận dân cư nơi đây. Sự tăng trưởng khá nhanh về dân số làm cho tính đa dạng trong cộng đồng dân cư Đà Lạt thêm phức tạp…

Đà Lạt đẹp đến nao lòng. Đà Lạt hội tụ được những giá trị văn hóa đích thực, nhân văn trên mọi vùng miền trong cả nước hài hòa trong sự tiếp nhận những tinh hoa văn hóa thế giới. Đà Lạt sinh ra những con người hiền hòa, thân thiện, nhân ái… Đà Lạt chỉ thực sự là một Đà Lạt bền vững khi hội đủ những yếu tố VĂN và NGƯỜI đích thực.

Lê Thịc Bích Hồng
.
.