Cuốn sách lạ về những số phận đặc biệt

Thứ Hai, 05/12/2011, 08:00
Cuốn sách "Sự hồi sinh từ trong tuyệt vọng" vừa được NXB Công an nhân dân ấn hành là một cuốn sách lạ về những số phận đặc biệt. Có lẽ, đây là lần đầu tiên, một cuốn sách tập hợp những câu chuyện do chính những con người lầm lỗi đang trong thời gian thi hành án tại các trại giam trong cả nước viết ra dưới dạng tự truyện, hưởng ứng cuộc thi "Sự hối hận và niềm tin hướng thiện" do Tổng cục Cảnh sát thi hành án Hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Bộ Công an) phối hợp với NXB Công an nhân dân tổ chức.

Cuộc thi "Sự hối hận và niềm tin hướng thiện" sau hơn 5 tháng phát động đã khép lại với nhiều điều ngạc nhiên: Có tới hơn 23 nghìn phạm nhân ở hầu khắp các trại giam trên cả nước tham gia với hơn 150 ngàn trang viết. Điều đó cho thấy nhu cầu được viết những điều sâu kín, thể hiện sự ân hận về những lỗi lầm, tội ác do mình gây ra và cả niềm tin vào một ngày mai tươi sáng hơn. Đầu tháng 11 vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi "Sự hối hận và niềm tin hướng thiện". Buổi lễ đã diễn ra hết sức đặc biệt: Lần đầu tiên có một cuộc thi mà tất cả những cá nhân đoạt giải thưởng đều không thể có mặt bởi họ đều trong thời gian thụ án tại các trại giam. Cuộc thi này, ngoài sự đặc biệt của nó còn được đánh giá là một cuộc thi mang đậm tính nhân văn, bởi nó đã cho những con người từng phạm tội lỗi, có khi là tội lỗi tày trời và đang phải chịu sự trừng phạt của pháp luật có cơ hội được trải lòng, được nói lời sám hối và nói lên khát vọng được hoàn lương.

Từ nguồn bản thảo phong phú, Ban tổ chức đã chọn ra 420 bài viết có chất lượng đưa vào vòng trong. Cuối cùng, 2 giải Nhất đã được trao cho phạm nhân Trần Thị Hoàng Mai (Trại giam Thanh Xuân - Hà Nội) với tự truyện "Bước về phía mặt trời" và phạm nhân Đặng Văn Thế (Trại giam số 6 Nghệ An) với bài viết "Lời sám hối của một tử tù". Bốn giải Nhì thuộc về: Phạm nhân Nguyễn Thị Quỳnh Ngọc (Trại giam số 5 - Thanh Hóa) với bài viết "Sự hồi sinh từ trong tuyệt vọng"; phạm nhân Huỳnh Thị Vân Khanh (Trại giam số 5 - Xuân Lộc) với bài viết "Cảm ơn cuộc đời"; phạm nhân Hà Thị Lan Anh (Trại giam số 4, Phú Sơn - Thái Nguyên) với bài viết "Gục ngã và đứng dậy"; phạm nhân Nguyễn Mạnh Tùng (Trại giam của Công an tỉnh Phú Thọ) với bài "Bố ơi, hãy đến thăm con". Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 8 giải Ba và 15 giải Khuyến khích cho các cá nhân.

Tuy giá trị giải thưởng không lớn nhưng đó chính là nguồn động viên vô cùng to lớn đối với các phạm nhân. Nhiều ý kiến cho rằng, điều này giống như một sự "khoan hồng" đối với họ, giúp họ giữ vững niềm tin vào cuộc sống, yên tâm cải tạo, đợi đến ngày được trở lại đời thường để làm lại cuộc đời. Viết được ra, cũng như nói được ra những lỗi lầm của mình là điều khó khăn với bất kỳ ai. Vì thế, tham gia cuộc thi này cũng là một lần để các phạm nhân dũng cảm đối diện với lỗi lầm của mình. Có dám đối diện thì mới vượt qua được chính mình, vượt qua mặc cảm tội lỗi.

Một buổi họp của ban giám khảo cuộc thi.

Những bài viết của các phạm nhân trong cuốn sách "Sự hồi sinh từ trong tuyệt vọng" thu hút sự quan tâm của người đọc bởi sự chân thực của các câu chuyện, những chi tiết, biến cố xảy ra trong đời thực của họ. Cô gái đoạt giải Nhất của cuộc thi Trần Thị Hoàng Mai đã có một cuộc đời đẫm nước mắt bởi thiếu đi tình yêu thương của mẹ từ thuở mới lọt lòng khi cha mẹ ly hôn. Khi Mai lớn lên, người bố sau khi tái giá, Mai lại phải trở về sống với mẹ. Mai phải ở chung nhà với cha dượng là một kẻ nghiện rượu và rồi y đã giở trò đồi bại với con gái riêng của vợ khi ấy mới 16 tuổi. Cuộc đời Hoàng Mai trải qua nhiều biến cố, nhiều đắng cay tủi nhục, nhất là từ khi chính mẹ đẻ của cô "dẫn mối" để cô trở thành tiếp viên rồi gái bán hoa, rồi nghiện ngập, nhiễm HIV và... sinh con khi trong túi không có một đồng... Những dòng cuối cùng trong bài viết dài 36 trang đánh máy của Mai là những lời cô dành cho mẹ: "Và dòng sau cùng này, xin được gửi cho người mẹ của tôi đang ở nơi ngõ nhỏ giăng giăng đầy những giàn hoa giấy hồng: Mẹ ơi! Dù có thế nào con cũng vẫn là đứa con mẹ đã sinh ra! Hãy một lần rộng lòng với con...". Trần Thị Hoàng Mai viết chân thực, giọng văn đầy cảm xúc. Nhiều đoạn đã khiến người đọc ứa nước mắt xót xa cho cảnh ngộ đáng thương của cô. Hẳn là, với tự truyện này, lòng cô cũng nhẹ nhõm đi nhiều bởi cô đã viết ra những lời gan ruột, đau đớn nhất.

Đặng Văn Thế là một "tử tù đặc biệt". Anh ta đã trải qua hơn 11 năm biệt giam, trải qua những đêm ròng không ngủ bởi sợ rằng đó sẽ là đêm cuối cùng trong cuộc đời. Thế nhưng, sau hơn bốn ngàn ngày đêm sống trong sợ hãi, hoảng loạn, tuyệt vọng, cuối cùng anh ta đã nhận được ân xá của Chủ tịch nước, giảm án xuống mức chung thân. Thế coi như mình được khai sinh lần thứ 2. Bởi vậy, Thế đã viết những dòng sám hối như là một cách để tri ân những người đã dành cho anh ta sự sống. Đó là cha mẹ, anh chị em, là những quản giáo. Nó trở nên đặc biệt khi Đặng Văn Thế đã dành cho các giám thị, quản giáo ở Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An những tình cảm vô cùng đặc biệt như với những người cha, người anh ruột thịt trong gia đình. Đó là những người đã nâng đỡ tinh thần cho Thế, giúp anh ta vượt qua những cơn khủng hoảng tinh thần, những trận ốm đau để đợi đến ngày có sự khoan hồng của pháp luật.

Với "Lời sám hối của một tử tù", Đặng Văn Thế viết vô cùng mộc mạc. Thế chỉ mới học hết lớp 4, tay phải lại bị tật phải viết bằng tay trái nên chữ xấu không ai đọc được. Vì thế viết xong, anh ta phải nhờ bạn tù chép lại. Rảnh rỗi, Thế còn làm thơ, câu chữ mộc mạc song ở đó là niềm tin, là sự sám hối, là sự cảnh tỉnh trước hiểm họa ma túy - chất độc dã man mà anh ta từng dính líu, buôn bán để đến một ngày bị tuyên án tử hình...

Đọc cuốn "Sự hồi sinh từ trong tuyệt vọng", bạn đọc có thể bắt gặp một số nhân vật quen mặt của báo chí, truyền hình, trong đó, ngoài tử tù Đặng Văn Thế đã vài lần xuất hiện trên các ấn phẩm của Báo Công an dân còn có Nguyễn Thị Quỳnh Ngọc - một phạm nhân từng khiến giới báo chí tốn nhiều giấy mực bởi cô từng là một người mẫu nổi danh có thâm niên hàng chục năm trong nghề với nhiều chuyến đi diễn nước ngoài. Ngọc là một người mẫu hiếm hoi tốt nghiệp Học viện Quan hệ Quốc tế. Trước khi trở thành một kẻ phạm tội với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cô còn kịp bảo vệ Luận án thạc sĩ. Phải vào tù, bỏ lại con thơ trong khi chồng vừa mất; mẹ đẻ qua đời mà không thể chịu tang - đó là nỗi đau khổ lớn nhất của Ngọc. Là người có học thức, cộng với sự ăn năn, hối tiếc chân thành nên những gì Ngọc viết ra đã khiến người đọc có cái nhìn nhân ái, thiện cảm với cô hơn. Ngọc tin rằng: "Không bao giờ là quá muộn để gột sạch quá khứ đau thương và làm lại từ đầu...", rằng "Hạnh phúc không mỉm cười với những người không biết đứng dậy sau vấp ngã. Quá khứ rồi cũng qua, tất cả sẽ trở lại êm đềm và phẳng lặng. Giờ đây tôi không còn đau khổ nữa. Tôi sẽ nở một nụ cười vào mỗi buổi sáng để đón bình minh tương lai phía trước ngập tràn niềm vui...".

Việc những bài viết trong cuộc thi "Sự hối hận và niềm tin hướng thiện" được in thành cuốn "Sự hồi sinh từ trong tuyệt vọng" và phát hành rộng rãi là một cách để người đọc tự rút ra bài học cho mình sau khi đọc những lời "trần tình" của những người vì nhiều nguyên do đã từng lâm vào cảnh tù tội. Điều đặc biệt là, từ cuộc thi và sự ra đời của cuốn sách đã mở ra một phương hướng mới đối với Tổng cục Cảnh sát Thi hành án Hình sự và Hỗ trợ Tư pháp (Bộ Công an), trong đó mô hình thành lập Tủ sách "Niềm tin hướng thiện" ở các trại giam hiện đang nhận được nhiều ý kiến ủng hộ. Phát động phong trào đọc sách, học tập theo những tấm gương lao động, cải tạo tiến bộ đồng thời giáo dục phạm nhân, nâng cao khả năng hòa nhập với cộng đồng khi họ mãn hạn tù luôn là một phần việc quan trọng, đầy tính nhân văn của các cán bộ quản lý trại giam. Bởi vậy, khi cuốn sách "Sự hồi sinh từ trong tuyệt vọng" đến tay bạn đọc, đặc biệt là các "độc giả đặc biệt" trong các trại giam, chắc hẳn các tác giả sẽ nhận được nhiều sự sẻ chia, đồng cảm...

Nguyệt Hà
.
.