Triển lãm "Hội họa Việt Nam - Một diện mạo khác":

Cuộc trở về muộn màng

Thứ Ba, 03/11/2015, 08:00
Họa sĩ Đào Hải Phong đã nói như vậy trong cuộc trò chuyện với tôi khi triển lãm "Hội họa Việt Nam - Một diện mạo khác" đang diễn ra tại Hà Nội. Dù muộn thì vẫn là cuộc trở về của những giá trị và là một sự thức tỉnh cho việc chúng ta sẽ ứng xử với hội họa nói riêng và văn hóa Việt nói chung như thế nào trong tương lai.

Khi nhà sưu tập tổ chức triển lãm

Nhưng có lẽ điều cần nói trước hết là lần đầu tiên chúng ta được thưởng lãm một triển lãm đặc biệt, không phải của họa sĩ mà của một nhà sưu tập. Ở các nước phát triển, điều này không lạ. Nhưng với nước ta, đó không chỉ lạ mà là hiếm. Bộ sưu tập này được Nguyễn Minh cất công lặn lội nhiều năm trong các cuộc đấu giá quốc tế mang về. Bạn bè gọi Minh là Minh "hâm". Không "hâm" sao được, trong khi người giàu đổ xô đi mua đất cát, nhà cửa, đổ tiền vào những thứ "sang chảnh" như chơi cây, chơi chó… thì Nguyễn Minh lại đổ tiền vào mua tranh, "mấy thứ lăng nhăng treo ở nhà".

Nhà sưu tập Nguyễn Minh (giữa) trong triển lãm bộ sưu tập tranh quý của mình.

Ngôi nhà 2 tầng của Nguyễn Minh ở Hà Nội sang trọng, không phải vì vẻ bề ngoài mà vì được treo đầy tranh. Họa sĩ Lê Thiết Cương tin rằng: "Từ một Minh Hàng Chiếu, Minh Hàng Chỉ vốn chuyên sưu tập đồ cổ và mua bán tranh trở thành một Nguyễn Minh - nhà sưu tập tranh, một người biết thưởng lãm và trân trọng cái đẹp, thì hơn cả một chữ "duyên" hay một "số phận", đó là phẩm cách một con người".

Nguyễn Minh kể, anh bắt đầu sưu tập tranh từ năm 1988, mua một vài bức để chơi. Rồi tình cờ, trong một chuyến ra nước ngoài đấu giá đồ cổ, nhìn thấy bức tranh của họa sĩ Lê Phổ quá đẹp. Bị cái đẹp dẫn dụ, Nguyễn Minh bỏ cả đồ cổ, dồn hết những đồng tiền cuối cùng để đấu giá được bức tranh đó mang về nước. "Tôi sưu tập tranh bắt đầu từ sở thích cá nhân. Nhưng càng đi sâu vào sưu tập, tôi càng có ý thức về việc đưa các tác phẩm đó về Việt Nam, bởi đó là những giá trị của dân tộc mình, dù bất cứ ai sở hữu thì cũng phải được ở trong nước. Trung Quốc có một thời khó khăn, họ cũng bán đi rất nhiều tranh, nhưng những năm qua, họ đi khắp nơi trên thế giới, bỏ bất cứ giá nào, mua những gì thuộc về văn hóa của họ đưa về đất nước. Tôi chỉ là cá nhân bột phát vì đam mê. Các sản phẩm văn hóa của mình lưu lạc nhiều, nhưng nhà nước chưa thực sự quan tâm. Nếu tôi là đại gia, có lẽ tôi sẽ có nhiều cơ hội hơn nữa…" .

Một diện mạo khác

Chúng ta cảm ơn Nguyễn Minh, vì anh đã mang về nước một gia tài quý giá. Trong kho tàng hơn 200 bức anh đang sở hữu, có nhiều tranh của 3 tác giả Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ. Họ là họa sĩ khóa 2, khóa 3 của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nhưng sớm sang Pháp định cư, sống và vẽ trên đất Pháp. Họ là những họa sĩ được ghi danh trên thế giới. Từ năm 2010, ý thức về việc lưu giữ những giá trị, Nguyễn Minh đã trực tiếp tham gia các phiên đấu giá quốc tế Christie's và Sotheby's và  cơ may, anh được sở hữu một bộ sưu tập giá trị gồm 12 bức của họa sĩ Lê Phổ, "Cô gái trong vườn", "Hái hoa hồng", "Bữa sáng", "Tĩnh vật"; 9 bức của họa sĩ Vũ Cao Đàm như "Thúy Kiều- Kim Trọng", "Mẫu tử"… và một số bức của họa sĩ Mai Trung Thứ.

Những bức tranh này đặt trong tương quan với sáng tác của các họa sĩ thời đó cho thấy một diện mạo khác của hội họa Việt Nam. Họ vẽ bằng hồi ức, bằng tưởng tượng. Và có lẽ, điều khiến chúng ta rung cảm, dù họ sống ở đâu thì tâm hồn họ vẫn hướng về cội nguồn, nơi họ sinh ra. Cả ba ông đều sinh ra ở những gia đình có chức sắc trong xã hội, họ có cốt cách của một tầng lớp. Đề tài của họ vẽ là những bữa tiệc, có thể là đời thường đối với người phương Tây nhưng với người phương Đông, ở thời điểm đó là một sự xa xỉ. Họ vẽ bằng cảm xúc mà họ thiếu.

Họa sĩ Lê Phổ là con của một người vợ thứ. Có thể sự gần gụi với mẹ không nhiều, nên ông luôn khát khao cảnh người phụ nữ chăm bẵm, bón mớm... khung cảnh rất thơ mộng như một giấc mơ.  Và các họa sĩ Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm ít nhiều chịu ảnh hưởng của trường phái nghệ thuật trừu tượng. Mặc dù vẽ  về những người mẹ, những em bé, những phụ nữ, nhưng chân dung của họ không cụ thể, hiện hữu một cách trực diện. "Có thể trong ý thức các ông cũng khao khát chạm tới trừu tượng, vì thời điểm đó, ở Châu Âu, phong trào trừu tượng đang phát triển mạnh. Vì các ông xuất phát từ phương Đông nên sự tiếp nhận đó phải mất một thời gian nữa. Cái tôi trân trọng là họ rất có bản lĩnh nghệ thuật. Họ dần dần, cân nhắc, từ tốn tiếp nhận con đường nghệ thuật đó chứ không ồ ạt như một xu hướng a dua theo phong trào" - Họa sĩ Đào Hải Phong nói. Anh cũng cho rằng, chính giá trị đó chúng ta phải tôn vinh họ, trân trọng họ và đây chính là bản sắc của họ.

Và sự thức tỉnh…

Cuộc trở về của những giá trị là một nỗ lực của anh Nguyễn Minh. Bởi trong các cuộc đấu giá tranh ở nước ngoài gần như vắng bóng người Việt. Anh cho rằng, kinh tế của chúng ta đang đi lên, nhưng văn hóa thì chưa hẳn. Bởi người có tiền chỉ nhăm nhăm mua nhà, mua xe, hàng hiệu, chứ ít ai bận tâm đến các giá trị nghệ thuật. Họa sĩ Đào Hải Phong cho rằng, cốt lõi vì người Việt chưa coi nghệ thuật là một giá trị. Và vì sao, trên thị trường quốc tế, tranh của Việt Nam bao giờ cũng rẻ nhất. Vì chúng ta chưa biết tôn vinh những giá trị của dân tộc mình.

Tác phẩm “Điểm tâm” của họa sĩ Lê Phổ.

Bộ sưu tập của Nguyễn Minh là một giá trị. Nhưng có lẽ, nó cũng là một sự thức tỉnh cho người Việt. "Anh Nguyễn Minh đã làm xong một việc, coi anh như một nhà khảo cổ đi tìm lại những giá trị đã mất. Nhưng chúng ta không nên bắt chước anh Minh đi làm nhà khảo cổ nữa mà lưu giữ ngay những tác phẩm của những người mà 50 năm nữa họ sẽ là những Lê Phổ, những Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm. Ai là người trong chúng ta sẽ làm việc đó? Sau anh Nguyễn Minh nên có những người có những câu hỏi đó. Chứ đừng chờ những họa sĩ hôm nay 20 tuổi, 30 tuổi, đến khi 80 tuổi, họ chết rồi và lao đi tìm tranh của họ khắp nơi, là một việc thiếu thông minh, mất thời gian, tiền của và khó chọn được những tác phẩm ưu tú nhất" - Họa sĩ Đào Hải Phong nói.

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng

Bất kỳ một quốc gia nào, một dân tộc nào trải qua những cuộc chiến tranh quá dài và sự phức tạp của các chính thể thì văn hóa rất ít cơ may, mặc dù nó là động lực sống còn của quốc gia, dân tộc ấy. Việc các bức tranh được lưu giữ trong các bộ sưu tập cho đến ngày hôm nay thì có thể nói, trước tiên vì chúng có giá trị thức tỉnh con người và những người thức tỉnh, đã bằng cách này hay cách khác gìn giữ chúng trong những điều kiện gần như không thể.

Họa sĩ Đào Hải Phong

Vì sao tranh của các tác giả Việt Nam thường bán ra nước ngoài. Vì người Việt rất hiếm khi mua tranh. Điều đó khiến công chúng thiệt thòi, nghệ sĩ thiệt thòi, nghệ sĩ không hay ho gì khi quay lưng lại công chúng của chính mình. Chúng ta đừng bao giờ ảo tưởng rằng, người nước ngoài họ sẽ tôn vinh chúng ta. Nhiều người vẫn hỏi tôi rằng, vì sao tranh của chúng ta đi đấu giá vẫn rẻ nhất vì chưa có ai trong nước bỏ số tiền lớn để mua. Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc đều có sàn đấu giá, người Hàn Quốc chỉ mua tranh của người Hàn Quốc, có những bức tranh được mua với giá rất cao nhưng chưa chắc về giá trị nghệ thuật đã bằng tranh Việt, nhưng vì họ cổ xúy, làm sang cho họ bằng cách tôn vinh họ. Ở Mỹ, các bảo tàng đều do các gia đình triệu phú đến hiến tặng những bộ sưu tập của họ và tên họ được đứng cạnh bộ sưu tập đó và đó chính là lưu danh. Tôi hy vọng sau triển lãm của anh Nguyễn Minh chúng ta sẽ có những suy ngẫm về việc ứng xử như thế nào với các giá trị văn hóa mà chúng ta đang có. Chúng ta thiếu những nhà sưu tập có những bộ tranh đương đại. Rất cần những người sưu tập có thể mua được những bức tranh của các họa sĩ mà sau này họ sẽ là danh họa Việt dù bây giờ họ chỉ trên dưới 30. Chúng ta đang chảy máu nghệ thuật mà chúng ta quá thờ ơ.

Khánh Linh
.
.