Cuộc thi “Tài năng biểu diễn múa” 2017: Vẫn còn những khoảng lặng

Thứ Bảy, 29/07/2017, 08:00
Sau gần 1 tuần tranh tài (từ ngày 14 đến 20-7-2017), cuộc thi “Tài năng biểu diễn múa” năm 2017 do Cục Nghệ thuật biểu diễn, Hội Nghệ sỹ múa Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp tổ chức đã khép lại. 


Theo đánh giá chung của Ban Tổ chức thì chất lượng thí sinh cuộc thi năm nay đồng đều, “lứa” diễn viên trẻ 9X đầy khát khao, tài năng đã hình thành và sẽ là nguồn lực quan trọng, chiếm lĩnh sân khấu múa trong tương lai gần. Tuy nhiên, cũng như sau những cuộc thi tài năng múa trước đó, nhiều người vẫn đặt câu hỏi, những tài năng múa sẽ đi về đâu và phải làm gì để “chắp cánh” cho những tài năng múa bay xa?

Làn gió mới từ dàn diễn viên thế hệ 9X

Nghệ thuật múa Việt Nam thường được “chia” thành các lĩnh vực: Biên đạo, huấn luyện, biểu diễn và lý luận phê bình múa. Thời gian qua, Hội Nghệ sỹ múa Việt Nam đã rất tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng để tổ chức những cuộc thi tìm kiếm tài năng múa trên các lĩnh vực.

Tuy nhiên, một đặc điểm chung của các cuộc thi là có sự gián đoạn khá dài. Cuộc thi “Tài năng biểu diễn múa” 2017 được tổ chức sau 9 năm gián đoạn. Trước đó, cuộc thi “Tài năng biểu diễn múa” năm 2008 cũng phải chờ đến 6 năm để được tổ chức trở lại. Có lẽ vì thế mà cuộc thi năm nay rất được chờ đợi, thu hút đông đảo diễn viên múa tham gia.

Cuộc thi “Tài năng biểu diễn múa” 2017 đã thu hút hơn 55 thí sinh đến từ các Đoàn nghệ thuật, trường múa, trường văn hóa nghệ thuật trên khắp mọi miền đất nước. Mỗi thí sinh phải trình diễn 2 tiết mục thuộc các thể loại múa như Ballet, Neo – Classic (tân cổ điển), múa đương đại, dân gian đương đại và dân gian truyền thống.

Hội đồng Giám khảo căn cứ vào các tiêu chí: Kỹ thuật, khả năng thể hiện ý tưởng của tác giả trong tác phẩm; hình tượng thẩm mỹ để đánh giá, tìm kiếm tài năng múa. Trong những ngày diễn ra cuộc thi, Hội trường Trường Cao đẳng múa Việt Nam đã trở thành “thánh đường” nghệ thuật cho những tài năng múa tỏa sáng.

Phần thi của thí sinh Nguyễn Ngọc Quỳnh Chi trong tác phẩm “Lụa”, Biên đạo Ngọc Anh, Âm nhạc Điệu lý Mỹ Hưng – dân ca Nam Bộ.

Theo đánh giá chung thì chất lượng thí sinh tham gia cuộc thi “Tài năng biểu diễn múa” 2017 khá đồng đều. Các em có tuổi đời và tuổi nghề trẻ, phần lớn thí sinh đều thuộc thế hệ 9X. Bằng tài năng và sự say mê, yêu nghề, lao động nghệ thuật nghiêm túc, các nghệ sỹ trẻ đã trình diễn xuất sắc những tác phẩm múa chất lượng.

Theo đánh giá của NSND Vũ Việt Cường, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo thì tác phẩm tham dự cuộc thi phong phú về thể loại và đề tài; trình độ của thí sinh đồng đều và chất lượng cao, đa dạng về phong cách. Những cái tên như Nguyễn Ngọc Quỳnh Chi (Vũ đoàn Arabesque), Đoàn Vũ Minh Tú, Phạm Thế Chung (Trường Trung cấp Múa TP Hồ Chí Minh), Tống Mai Len (Trường Cao Đẳng múa Việt Nam )… được đánh giá cao về kỹ năng múa điêu luyện, diễn xuất tinh tế và có khả năng truyền cảm hứng mạnh mẽ đến khán giả.

Một điều đáng ghi nhận trong cuộc thi “Tài năng biểu diễn múa” 2017 là các thí sinh đã mạnh dạn lựa chọn tác phẩm múa mới thay vì những tác phẩm “kinh điển” thường xuất hiện phổ biến trong những cuộc thi múa trước đây. Thay vì lựa chọn những tác phẩm múa “kinh điển” như “Cánh chim và ánh sáng mặt trời” (Biên đạo NSND Thái Ly), “Khúc biến tấu từ pho tượng cổ” (Biên đạo NSND Ứng Duy Thịnh), “Bên dòng Lô năm xưa” (Biên đạo NSND Công Nhạc), “Bến lụy” (Biên đạo NSND Anh Phương)..., các thí sinh đã lựa chọn các tác phẩm của đội ngũ biên đạo trẻ như Trần Ly Ly, Tuyết Minh, Xuân Chiến, Thùy Chi, Thanh Tùng, Trung Kiên…

Đặc biệt, có thí sinh còn tự dàn dựng và biểu diễn tác phẩm do chính mình sáng tác như Hoàng Thái Sơn (Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội) với tác phẩm “Tình bạn”, “Phạm Minh Tuấn” (Trường múa Thành phố Hồ Chí Minh) với “Độc thoại” và “Tình quê”, Phạm Như Thắng (Đoàn Văn công Quân khu 3) với “Tự truyện”… Đây là tín hiệu rất đáng mừng, tín hiệu vui về đội ngũ diễn viên múa trẻ tài năng, trí tuệ, “đa zi năng”.

Còn nhiều trăn trở…

Một số nghệ sỹ múa thế hệ 8X bày tỏ sự tiếc nuối khi cuộc thi “Tài năng biểu diễn múa” 2017 bị gián đoạn khá lâu. 9 năm là quãng thời gian quá dài với tuổi nghề của một diễn viên múa. Trong 9 năm đó, có diễn viên múa đã bước qua tuổi nghề đẹp nhất và không còn cơ hội để thử sức, tỏa sáng, khẳng định mình trên sân chơi tài năng. Không có được giải thưởng, danh hiệu trong cuộc thi sẽ là khó khăn không nhỏ cho diễn viên múa trên con đường phát triển sự nghiệp khi xét tặng các danh hiệu nghệ sỹ sau này. 

Cũng giống như những cuộc thi múa được tổ chức trước đó, cuộc thi “Tài năng biểu diễn múa” 2017 vẫn chủ yếu là sân chơi của những trung tâm đào tạo nghệ thuật múa lớn của cả nước như Trường Cao đẳng Múa Việt Nam, Trường Múa TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và một số đoàn nghệ thuật ở những thành phố lớn. Sự vắng bóng thí sinh từ những đoàn nghệ thuật “tỉnh lẻ” cho thấy, sự phát triển không đồng đều của bộ môn nghệ thuật này.

Bên cạnh đó, yếu tố truyền thông của cuộc thi cũng không thực sự được chú trọng. Nếu so với những cuộc thi tìm kiếm tài năng múa trên truyền hình thì cuộc thi “Tài năng biểu diễn múa” 2017 thua xa về chiến lược truyền thông, quảng bá cho cuộc thi.

Một trong những mục đích của cuộc thi là thông qua cuộc thi, các nhà quản lý nghệ thuật, các cơ sở đào tạo đánh giá thực trạng lực lượng biểu diễn múa, từ đó có những giải pháp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng tài năng, đóng góp xây dựng định hướng bền vững đối với các nghệ sỹ biểu diễn múa. Liệu những thí sinh tài năng bước ra từ cuộc thi này có thể trở thành thế hệ nghệ sỹ múa chiến lĩnh sân khấu trong tương lai? Rất khó để có thể đưa ra câu trả lời bởi việc đào tạo, nuôi dưỡng, phát triển tài năng múa vẫn là bài toán khó chưa có lời giải thỏa đáng.

Múa là môn nghệ thuật có đòi hỏi khắt khe với người theo đuổi nó. Đó không chỉ là tài năng, nhiệt huyết, đam mê mà người nghệ sỹ còn phải hy sinh nhiều cho công việc, dũng cảm vượt qua khó khăn khi chế độ, chính sách đãi ngộ với nghệ sỹ múa, phát triển nhân tài múa còn nhiều bất cập. Chúng ta vẫn chưa có những chương trình giảng dạy riêng để phát triển tài năng; thiếu chiến lược lâu dài để các tài năng múa phát triển.

Có thể nói rằng, cùng với sự phát triển của xã hội, nghệ thuật múa ngày càng hiện diện nhiều hơn trong đời sống cộng đồng. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật lớn nhỏ đều có sự xuất hiện của múa. Đây là tín hiệu rất đáng mừng bởi trước đây, khi nói đến múa, người ta thường nghĩ ngay đến bộ môn nghệ thuật trừu tượng, xa lạ với cuộc sống. Tuy nhiên, trên sân khấu chuyên nghiệp, vẫn còn thiếu vắng những tác phẩm múa có chất lượng nghệ thuật cao và những tài năng biểu diễn múa.

Một nền nghệ thuật muốn phát triển cần những tác phẩm hay và nghệ sĩ tài năng. Cuộc thi “Tài năng biểu diễn múa” 2017 là việc làm quan trọng và cần thiết để tìm kiếm tài năng, qua đó góp phần thúc đẩy nền nghệ thuật múa phát triển. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là những bước đi tiếp theo sau cuộc thi này. Thiết nghĩ, trước mắt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần chỉ đạo sát sao để Cục Nghệ thuật biểu diễn hoàn thiện quy chế tổ chức cuộc thi tài năng, tạo điều kiện tốt nhất cho các nghệ sỹ trên tất cả các loại hình sân khấu, trong đó có nghệ thuật múa có điều kiện bộc lộ sức sáng tạo của mình, cống hiến cho khán giả những tác phẩm nghệ thuật thực sự có giá trị.

Kết quả cuộc thi “Tài năng biểu diễn múa” 2017

* 7 Huy chương Vàng:

1. Nguyễn Ngọc Quỳnh Chi, Đoàn múa Arabesque, TP Hồ Chí Minh

2. Đoàn Vũ Minh Tú, Trường Trung cấp Múa TP Hồ Chí Minh

3. Hà Tứ Thiên, Đoàn Văn công Quân khu I

4. Phạm Thế Chung, Trường Trung cấp Múa TP Hồ Chí Minh

5. Nguyễn Minh Bảo Bảo, Trường Trung cấp Múa TP Hồ Chí Minh

6. Huỳnh Thị Quế Anh, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển, Phú Yên

7. Tống Mai Len, Trường Cao Đẳng múa Việt Nam

* Ngoài ra, Ban Tổ chức đã trao 12 Huy chương Bạc; Hội Nghệ sỹ múa Việt Nam trao 3 bằng khen cho “Diễn viên múa trẻ triển vọng”… Với thành tích xuất sắc, thí sinh Trần Văn Quý, Đoàn Ca múa nhạc CAND đạt Huy chương Bạc của cuộc thi.

Tường Phạm
.
.