Cũng là một kiểu "tra tấn"

Thứ Năm, 09/09/2010, 09:23
Lâu nay, không ít người làm thơ (trong đó có cả nhà thơ được dán nhãn mác lẫn người viết nghiệp dư) có thói quen: Hễ làm được bài thơ nào mới, họ bèn photocopy rất nhiều bản để phát tán khắp nơi, gặp ai cũng tặng, bất kể thơ mình ra sao, người ta có thích tiếp nhận hay không? Chưa dừng lại, họ còn bắt người khác phải nghe thơ của họ. Mà không phải chỉ đọc một hai bài, cao hứng, họ đọc luôn cả chục bài.

Dẫu người Việt ta rất yêu thơ, ai cũng có ít nhiều dòng máu thơ ca trong người, nhưng thời buổi bây giờ, thời gian quý hơn vàng, đâu phải ai cũng rảnh rỗi để nghe các vị "phun châu nhả ngọc"? Khổ nhất là hai đối tượng dễ bị các nhà sáng tác thơ "tra tấn" nhiều nhất: Một là phụ nữ và hai là các biên tập viên văn nghệ ở các tòa báo, nhà xuất bản. Một người làm thơ nọ, đã có tới vài chục năm làm thơ, viết đến mấy trăm bài nhưng tên tuổi vẫn còn lạ hoắc, nói năng láu táu, phong cách lăng xăng, cứ mỗi lần xuất hiện ở cơ quan là toàn bộ chị em phụ nữ phải "bèo dạt mây trôi", tìm mọi chỗ để "tản cư, sơ tán". Cô thì vào toalét, chị thì tót lên sân thượng nếu không kịp cửa đóng then cài. Túm được cô nào, anh ta tặng văn bản, miệng mở máy nhả thơ. Đối tượng nhấp nhổm, rồi ngáp dài, anh ta vẫn không tha.

Có những biên tập viên, rồi trên nữa là trưởng ban, là phó tổng biên tập, thậm chí có khi cả tổng biên tập cũng bị tra tấn như vậy. Công việc của họ luôn ngập đầu, thời gian đuổi sau lưng khiến họ không thể rảnh rang. Vậy mà luôn bị các "thi nhân" áp sát, săn đón để... tặng thơ, kèm nguyện vọng: đăng chùm nọ chùm kia, đăng bài giới thiệu tập thơ. Có khi họ mang quà cáp đến nhờ một vài tên tuổi, cây đa cây đề nào đó viết lời bạt trong tập, viết lời bình trên báo.

Chẳng những tra tấn bằng thơ, không ít vị còn "hành hạ" bằng truyện, bài báo. "Tôi mới viết được cái truyện này, độc đáo lắm, đọc các ông nghe". "Tớ vừa hoàn thành bài báo này, các cậu xem thế nào". Thế là họ đọc liền một mạch, chẳng cần nghĩ mọi người có nghe hay không. Tuy nhiên, lắm khi "khổ chủ" buộc phải bất lịch sự mà chìa tay ra bắt, rồi xin phép có cái hẹn phải đi để kẻ tra tấn mình đứng lên. "Khách quý" đi rồi, họ đóng cửa tiếp tục công việc, mà chẳng đi đâu hết!

Ai đẻ con ra cũng muốn có trách nhiệm nuôi nấng, chăm sóc nó chu đáo. Và dĩ nhiên là sẽ rất xót xa, khổ tâm nếu chúng bị bỏ rơi hoặc đối xử tàn tệ. Người viết cũng vậy thôi. Vậy nên cần thông cảm, thậm chí là trân trọng những "bà mẹ" như thế. Nhưng nhiều người lo cho "con" quá sá, đến mức làm mệt người tiếp nhận chúng. Có vị vừa gửi bài hôm trước, ngay hôm sau đã dăm lần bảy lượt alô đến hỏi kết quả và giục đăng. Thấy chưa yên tâm, còn đến tận nơi "chăm sóc". Rồi khi biên tập viên nói đã chuyển bài lên nấc trên, họ tìm gặp hết mọi chức sắc trong tòa soạn để hỏi cho ra "con mình" đang ở đâu, tình trạng ra sao, bao giờ xuất hiện trên mặt báo. Bài không thể đăng, họ hoặc là ấm ức, bực mình, hoặc là kèo nhèo, thuyết phục, đẩy tòa soạn vào thế khó xử, nhất đối tượng lại là những bậc cao niên, tên chưa có nhưng tuổi đã kếch xù. Có vị còn dọa nếu không đăng sẽ gửi thẳng Tổng biên tập.

Ai cũng yêu mình thôi (không tự yêu bản thân thì làm sao có thể yêu người khác). Đó là lẽ thường, chẳng có gì đáng nói. Nhưng yêu đến mức làm khổ người khác như nhiều văn nhân viết lách kể trên thì quả là hao tổn quá nhiều thời gian và sức khỏe của các đối tượng được họ chú ý "săn đón". Quy luật của văn chương là "hữu xạ tự nhiên hương". Chẳng có hương vị gì thì làm sao có thể bay đi, lan tỏa cho thiên hạ biết

Nguyễn Đình San
.
.