Gia đình nghệ nhân cuối cùng gìn giữ Nhã nhạc cung đình Huế:

“Của tin còn một chút này”…

Thứ Bảy, 05/10/2019, 08:00
Sau 15 năm mới có dịp trở lại Huế, tôi lại tìm đến gia đình nghệ nhân Lữ Hữu Viên (nghệ danh Viên Minh) - con trai của nghệ nhân Lữ Hữu Thi - người có lần tôi đã viết bài chân dung về người nghệ nhân cuối cùng trong ban nhạc lễ cung đình Huế.


Mảnh đất Huế vẫn luôn khiến nhiều người xao xuyến khi dừng chân bởi “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Hồn cũ lâu đài bóng tịch dương” với bao nhiêu chuyện để kể. Ngoài “đặc sản” ca Huế, nhiều người còn tìm đến với Nhã nhạc cung đình để hiểu thêm về một nét văn hóa xưa. Nhưng có vẻ như sau 16 năm được “hâm nóng” khi trở thành “Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu nhân loại”, đến nay người ta lại đang dần “lạnh nhạt” với Nhã nhạc cung đình Huế...

Sau 15 năm mới có dịp trở lại Huế, tôi lại tìm đến gia đình nghệ nhân Lữ Hữu Viên (nghệ danh Viên Minh) - con trai của nghệ nhân Lữ Hữu Thi - người có lần tôi đã viết bài chân dung về người nghệ nhân cuối cùng trong ban nhạc lễ cung đình Huế.

Khoảnh khắc "tứ đại đồng đường" trong gia đình nghệ nhân Lữ Hữu Thi cùng biểu diễn âm nhạc. (Ảnh tư liệu gia đình cung cấp).

Hôm tôi đến, cơ duyên làm sao lại đúng ngày giỗ của cụ Lữ Hữu Thi. Cụ Thi qua đời đã được 3 năm, hưởng thọ 106 tuổi - cái tuổi “thượng thượng thọ” rất hiếm hoi, nhưng vẫn để lại niềm tiếc thương, bởi cụ được coi là một “báu vật nhân văn sống” của kho tàng nhã nhạc cung đình Huế.

Hiện ngôi nhà nơi xưa kia cụ Lữ Hữu Thi ở vẫn được gia đình con trai là ông Lữ Hữu Viên cùng các con cháu sinh sống. Không gian sinh hoạt của gia đình có khang trang hơn khi tôi ghé thăm cách đây 15 năm, nhưng vẫn khá chật chội. Bóng người xưa đã khuất, song chỉ có không gian âm nhạc - nghệ thuật là dường như không hề thay đổi.

Khi cụ Lữ Hữu Thi còn sống, "tứ đại đồng đường" trong gia đình thường tụ họp vào các buổi tối để chơi nhạc như một nét văn hóa riêng có của gia đình trong suốt mấy chục năm. Giờ vị "nhạc trưởng" không còn, gia đình vẫn duy trì được việc làm này như "Của riêng còn một chút này", qua đó lưu giữ được những giá trị quý báu còn lại của Nhã nhạc cung đình Huế.

Theo lời kể của cụ Lữ Hữu Thi lúc sinh thời, cụ Thi sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc cung đình Huế. Ông nội cụ Thi là người mưu sinh bằng nghề nhạc lễ, rồi truyền lại cho cụ thân sinh của cụ. Được sống trong không khí âm nhạc từ nhỏ và được cụ thân sinh truyền dạy từ rất sớm, lại thông minh, có năng khiếu và ham học hỏi, nên cụ Thi đã chơi được một số loại nhạc cụ từ năm 8 tuổi. Sau này khi vào đội nhạc, cụ cũng là người chơi được thành thạo tất cả các loại nhạc cụ như đàn tam, đàn nguyệt, đàn tỳ bà, phách tiền, đàn nhị, trống bản, tam âm.

Như vậy, tính đến thế hệ hiện nay, các chắt nội của cụ Thi có một số người đã chơi thành thạo các bản nhạc do cụ truyền lại, thì gia đình đã có 6 đời gắn bó với Nhã nhạc cung đình. Có thể nói, đây là một gia đình hiếm hoi mà qua 6 đời vẫn giữ được nghề xưa, không có đời nào bị ngắt quãng. Năm 15 tuổi, cụ Lữ Hữu Thi đã được đưa vào làm việc trong dàn nhạc lễ của triều đình, thuộc đội Hòa Thanh. Cụ đã nhiều lần có mặt trong các buổi lễ lớn của triều đình nhà Nguyễn như lễ tế trời đất ở Đàn Nam Giao, lễ đăng quang, đại triều, lễ Thánh thọ, Vạn thọ...

Đáng nhớ nhất với cụ là các lễ tế Đàn Nam Giao được tổ chức vào các năm Tý - Ngọ - Mão - Dậu, trong đó lễ tế trời được tổ chức vào tháng 2 và lễ tế đất được tổ chức vào tháng 8 âm lịch. Lễ tế Đàn Nam Giao luôn được tổ chức rất trang trọng, uy nghiêm, với sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng và trước mỗi năm tế, triều đình luôn xuống chiếu giảm thuế khóa cho dân.

 Lễ tế Đàn Nam Giao cuối cùng được tổ chức vào năm 1942 (năm Nhâm Ngọ). Nhiều kỷ niệm, hình ảnh về nó vẫn được cụ Lữ Hữu Thi nhớ rất rõ ràng, mạch lạc để làm cơ sở dữ liệu quan trọng cho các cơ quan văn hóa khôi phục lại lễ tế đàn Nam giao trong các năm có chương trình Festival Huế sau này. Cụ Lữ Hữu Thi cũng là người có "công đầu" trong việc giúp đỡ Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Huế trong việc hoàn thiện hồ sơ trình UNESSCO công nhận Nhã nhạc cung đình Huế là “Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu nhân loại”.

Cụ cũng có hơn 10 năm cuối đời được mời làm "giảng viên hợp đồng" truyền dạy cho các học viên tại Nhà hát Duyệt Thị Đường với mức lương 2 triệu tháng (từ 2005 đến 2016). Ngoài ra, cụ cũng là một nghệ nhân hiếm hoi vừa chơi được nhạc lại tự chế tác ra các nhạc cụ để chơi, có dư còn để bán, nên các loại nhạc cụ đều rất chuẩn chỉ. Còn bây giờ, theo chia sẻ của nhạc công Lữ Hữu Ngọc - cháu nội cụ Lữ Hữu Thi thì các loại nhạc cụ truyền thống ở Huế đều được sản xuất tại Hà Nội và chuyển vào Huế.

Khi Vua Bảo Đại thoái vị cũng là lúc các đội Nhã nhạc cung đình tan rã, các nhạc công tứ tán khắp nơi tìm kế mưu sinh, thì cụ Lữ Hữu Thi có may mắn được cha truyền lại cho cả nghề chế tác bạc, vàng nên có nghề kiếm sống qua ngày.

Nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, gia đình có tới 10 người con, nên lúc rảnh rỗi cụ vẫn thường xuyên phải tham gia việc cúng tế ở các đền chùa, điện phủ, đình làng... để kiếm sống. Và cũng là vì niềm đam mê, yêu thích âm nhạc, nên cụ vẫn tập luyện hàng ngày và tiếp tục truyền dạy cho các con trai là Lữ Hữu Viên, Lữ Hữu Báu, Lữ Hữu Thiệu, Lữ Hữu Thành.

Từng chút từng chút một, mưa dầm thấm lâu, sau này cha con thường xuyên cùng nhau chơi nhạc để kiếm sống, chơi nhạc để có niềm vui vào mỗi buổi tối. Và đến khi có các cháu, các chắt thì những tối cha - con - cháu - chắt quây quần vừa tập vừa chơi như thế này vẫn liên tục diễn ra qua năm tháng...

Nhạc công Lữ Hữu Ngọc và cha là NNƯT Lữ Hữu Viên.

Anh Nguyễn Hữu Ngọc (sinh năm 1971) - con trai ông Lữ Hữu Viên, cháu nội của cụ Lữ Hữu Thi hiện đang là nhạc công tại Nhà hát Nhã nhạc cung đình Huế chia sẻ: "Nhã nhạc cung đình ngày xưa cụ dạy tôi, mỗi đêm chỉ được 1 câu thôi, phải tập đi tập lại nhiều lắm, rồi cụ đi chơi nhạc ở đâu thì dắt đi theo, chứ không như bây giờ người ta dạy đâu. Tôi mong muốn giữ được bản sắc riêng của Nhã nhạc, đúng như những gì cụ nhà tôi truyền lại, chứ không phải dạy bằng cách dịch ra bản nhạc với các nốt đồ, rê, mi, pha, son như hiện nay, hoặc dạy thật nhanh theo từng bài chỉ để đi biểu diễn".

Theo anh Ngọc, khi Nhã nhạc mới được công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu nhân loại” thì rất được quan tâm, có mở các lớp bồi dưỡng, mời nghệ nhân đến truyền dạy, nhưng bây giờ các lớp như thế này không còn nữa. Hiện các bản nhạc thuộc phần nhạc lễ (Đại nhạc và Tiểu nhạc) đã được sưu tầm và lưu giữ đầy đủ, nhưng người biểu diễn thì không có hoặc rất thiếu vắng. Việc biểu diễn cũng mất đi hồn cốt xưa, dù hiện nay việc biểu diễn Đại nhạc và Tiểu nhạc vẫn diễn ra mỗi ngày 2 lần tại điện Thái Hòa và Thế Miếu (trong khu vực Đại nội). Đó là điều cha con anh Ngọc cảm thấy rất buồn và lo lắng, nhưng cũng không biết phải làm thế nào.

Anh Ngọc có 2 người con chơi được nhã nhạc vì được cụ nội truyền dạy tận tình, song các con anh cũng nói là "Con chỉ chơi cho vui!" (vì các cháu đều học đại học cả), chứ không theo nghề cha ông được nữa. Anh buồn rầu nói thêm: "Cũng đúng thôi! Nói ra người ta cười, nhưng để sống được là phải làm thêm nhiều lắm, đi ca Huế trên sông, chơi nhạc ở các đám, kể cả đám ma, chứ trông vào đồng lương nhà nước thì không ai sống nổi!". 

Ông Lữ Hữu Viên - người con trai luôn sát cánh với cha trong việc lưu giữ, truyền dạy nhã nhạc cho biết, khi 16 tuổi ông đã cùng cha đi biểu diễn khắp nơi. Vừa học cha, lại vừa học bạn diễn. Suốt mấy chục năm ông gắn bó với nhã nhạc, với âm nhạc truyền thống dân gian chưa lúc nào rời.

Hồi tháng 5 vừa qua, ông Lữ Hữu Viên đã được phong danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT), sau người cha của mình 4 năm. Nhưng theo nhận định của một số nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian, cụ Lữ Hữu Thi là người hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân (NNND) chứ không thể nào chỉ là NNƯT được. Bởi vì tài năng cũng như những đóng góp của cụ trong việc lưu giữ, bảo tồn, truyền bá Nhã nhạc nói riêng và âm nhạc truyền thống nói chung là rất lớn.

Một nghệ nhân từng được coi là "Báu vật nhân văn sống" như cụ Lữ Hữu Thi cần có sự ghi nhận, tôn vinh đúng mức. Sự vinh danh ấy ắt hẳn còn là sự hãnh diện, tự hào cho một gia đình đã âm thầm nuôi dưỡng, gìn giữ văn hóa truyền thống trong suốt cả trăm năm qua...

Nguyệt Hà
.
.