Cổng trời – Nơi bắt đầu tình yêu nguồn cội

Thứ Ba, 06/12/2016, 08:15
Tôi sinh ra tại miền cao nguyên trắng Bắc Hà. Nơi ấy  có cổng trời hút gió. Tình yêu của tôi với cổng trời đã đi qua năm tháng: Những năm tháng thương yêu và nhớ nhung da diết.


Ông bà tôi kể lại rằng: Cổng trời đã có từ rất xưa. Nó được  sinh ra từ buổi hồng hoang mở đất. Ấy là khi có ông thần trụ trời đội đá nâng bầu trời lên cao, cao  mãi.

Đứng từ trên cao, nơi mây ngàn gió thổi mới thấy được sự hùng vĩ của thiên nhiên nơi đây. Bên phải là vách đá, xa xa phía trái là thung lũng.  Vách đá cao cao, sừng sững dăng  thành. Phía chân vách là con đường đá. Con đường đá xiên qua cổng trời, loanh quanh phía chân cổng trời. Con đường với cổng trời thủy chung son sắt trụ vững cùng thời gian nó gắn bó với cuộc sống lam lũ của đồng bào dân tộc vùng cao.

Vào buổi trưa, giữa thung lũng đầy nắng. Ánh nắng chói chang leo dần, leo dần cùng  thời gian. Nắng đã đặt những bước chân  lên những cung ruộng bậc thang, dát vàng lên cung ruộng để rồi đến chiều tối mới đến tận đỉnh cao này. Từ đây,  ta  mới thấy sự chênh vênh khi đồi núi lô xô, hang động, vách đá cũng chênh vênh nhuộm phủ lên mình các màu xanh đan xen. Màu xanh của  đá, màu xanh của rêu phong, màu xanh đậm của nương ngô non… 

Thế bằng của mảnh đất vùng cao chỉ có một đó là cung ruộng bậc thang. Ngàn đời người dân vùng cao đã kiến tạo lên nó và ngàn đời khai khẩn thêm nó. Ngoảnh sang bên kia cổng trời, ta thấy cái thế ôm ấp. Con đường ôm ấp rừng thông đại ngàn, dòng suối ôm vườn cây trĩu quả. Xa kia, những mái nhà cũng được cánh rừng ôm ấp chở che.  

Từng cung ruộng bậc thang leo dần theo độ cao của dốc. Cung ruộng ôm ấp sườn đồi, dãy núi. Ruộng bậc thang cũng xô nghiêng thế đất sát với căn nhà trình tường.  Tất cả là bức tranh thủy mặc: Màu trắng của nước, màu xanh của đá, của lá, của cây. Màu xanh đậm của cung ruộng cỏ voi lất phất trong ánh nắng buổi  chiều. Từng mái nhà xếp gọn ghẽ bậc đá từ khoảng sân. Căn nhà trình tường mái dốc ẩn hiện bên cây móc, cây đa… tất cả làm nên khung cảnh vùng cao.

Mơ hồ làm sao, trong trẻo làm sao, có bóng ai đang ngồi trên hòn đá tảng phía cổng trời. Chú ngựa dừng chân cùng chủ. Dây  buộc vào hòn đá bên  cạnh. Một cụ già đang vê thuốc. Ngửa mặt lên trời mà châm. Tiếng roát roát hào sảng, khói thuốc bay bay  lửng lơ trên đầu. Cái khoái  cảm ấy, chỉ có người miền núi cao đi  chợ về mới cảm nhận được sự  sung sướng ngất ngây vui say khi dừng chân bên lề đường tựa phiến đá châm thuốc hút.

Trên cổng trời Ma Thì Hồ- Mường Lay- Điện Biên.

Những buổi chiều nắng, khi mà nhiệt độ ở miền dưới  thung lũng nắng đến rát da thì tại cổng trời lại có gió. Làn gió lướt qua rồi biến mất. Tay ta sờ vào những thành vách dựng đứng, chất ngất mà lòng bàn tay lành lạnh. Cái cảm giác ấy tưởng chừng như vô thức nhưng lại có ý nghĩa. 

Hình như mặt đá cũng "đổ mồ hôi" thì phải. Mùa xuân, đứng trên cao cổng trời mà quay ống kính về thung lũng, cả  thị trấn đồng bằng đầy  sắc hoa. Nước về cung ruộng bậc thang trông xa như chiếc gương soi. Chiếc gương  cong cong, ôm ấp lấy bản làng trong sương, trong nắng. 

Trời lập đông, cổng trời mù mịt sương. Sương bay ra từ vách đá, sương lửng lơ trên đầu, sương đậu trên cành cây lá cỏ.  Nhìn sang bên phải, cả thung lũng như một dòng sông  sương  bồng bềnh trôi. Hình như có tiếng cười trong sương ... huyền ảo và mơ màng, vài ba thiếu nữ vùng cao đang xuống chợ sớm, tay ô, vai Lù Cở, vừa đi vừa trò chuyện.

Chiều chợ chủ nhật, ngựa men theo triền đồi, vách đá. Vừa lên tới đỉnh dốc, nơi cổng trời, họ ngả người trên bãi cỏ ven đường cho cơ bắp thư thái. Chú ngựa đã buộc kia rồi, ngồi dậy, lại nhồi thuốc. Tiếng điếu cày rít lên sùng sục. Đã đi bộ được nửa đường rồi còn gì. 

Chợt, từ trên cao, có tiếng chim luồn qua bụi ràng ràng. Tiếng chim ngô nghe rõ lắm, âm thanh rớt xuống vách đá. Âm thanh tiếng chim cuộn cùng làn khói thuốc bay bay. Trẻ con tìm trong bụi rậm con chim, chùm đùm đũm, những ông bố cười cười nói nói những câu chuyện không đầu không cuối bên tảng đá. Họ thản nhiên hút thuốc, thản nhiên nói câu chuyện về mùa màng về cái lý cúng rừng. 

Đâu đây làn điệu dân ca lại vang lên xen kẽ tiếng cười. Chị em phụ nữ ngồi lẳng lặng phiến đá phía dưới chênh chếch. Họ mở trong địu trong khăn vuông ra xem cái bút, quyển vở, nắm bỏng vừa đi chợ mua về.

Ông tôi kể lại rằng: Ngày trước, cổng trời chỉ có con đường mòn xuyên qua. Ngày trước, người dân đi bộ hơn là đi ngựa. Nhưng cứ đến chủ nhật là đi chợ. Không ai bảo ai đều vậy. Và không ai bảo ai khi đi chợ về đều nghỉ tại cổng trời rồi mới đi tiếp. Khi thì hút thuốc, uống nước,  có lúc nằm ngửa mình trên bãi cỏ ven đường. Những câu hát dân ca vu vơ cứ thế mà đối đáp lại. Bà tôi cũng mê say câu dân ca ông tôi đối đáp ở một chủ nhật nọ đã xưa lắm và thế là thành duyên.

Mùa hè, cổng trời vui lây.  Nhân dân ba thôn đem sản vật địa phương để bán. Những bí bao tử, dưa chuột, rau cải mèo, đậu Hà Lan… tất tật đổ dồn về đây.  Từng  mái lều, cái cao, cái thấp, căng bạt, cái lợp tạm bằng tàu lá cây móc, lá chuối. Cứ thế mà dựng tạm bên đường, dựa vào tảng đá lớn che mưa, che nắng. Hàng được trải ra  bạt xanh. 

Xe qua: Chào. Xe lại: Chào. Bạn đi xe máy đến nơi này, dù chỉ một lần sẽ nhớ mãi. Cái không khí chộn rộn được mua hàng được nói hết lòng mình, được trả giá, được hút thuốc, được uống nước miễn phí… còn gì vui thú bằng. Ở đây là ngã năm của con đường mòn. Ở đây là ranh giới của ba thôn bản. Trên bản đồ quy hoạch cấp xã, cổng trời đã là dấu chấm. Dấu chấm đó phân chia ranh giới. Dấu chấm đó hội tụ mọi niềm vui .

Ở đây, giọt nắng  hoàn toàn khác với cái nắng vùng đồng bằng hay thung lũng kia.  Nó  dìu dịu, man mác, theo gió theo mây về. Ở đây, nhiệt độ cũng chênh dễ đến năm độ có dư so với vùng thị trấn. Cả không gian  cổng trời  cũng mang trong mình những chỉ số hoàn toàn khác với vùng thị trấn, hay chợ của phố Huyện vùng cao. 

Có thể đúc kết: Dưới kia nắng, trên này râm. Dưới kia có gió, trên này lặng im.  Ở đây, khí hậu  như xoa trên má ta cái khăn mát của một nhà hàng, rắc trên tay chân ta cái hơi lạnh của gió tự nhiên.  Điểm khác biệt chỉ có cổng trời là mù đến nhanh và cũng tan đi rất nhanh.

Tôi dựa vào cổng trời như dựa vào ngực người ông. Ngẩng mặt, cổng trời cao chót vót. Cả không gian lồng lộng gió ngàn và những nghĩ suy cũng được tiếp sức một nguồn năng lượng mới. Nguồn năng lượng ấy là cảm giác mát mẻ hay là sự lung linh dìu dịu  của ánh nắng mặt trời. Tất cả là sự bừng tỉnh, kích thích các giác quan. 

Tôi luôn giữ kỷ niệm tại cổng trời là những buổi tôi  đi học vào mùa đông. Chúng tôi được chui ra từ màn sương, màu khói bay từ phía cổng trời. Màu khói, màu sương đã vẽ chúng tôi từ phía cổng trời. Nhưng nhớ nhất với đám trẻ con chúng tôi là những ngày hè đi  bẫy chim trên đỉnh đèo  hút gió. 

Tôi  đắm chìm trong nhiều kỷ niệm với cung bậc khác nhau. Nó lửng lơ như ở trên đầu, nhưng cũng có lúc nó lẩn sâu trong  giấc mơ bé bỏng. Cổng trời là tuổi thơ của tôi, là nhịp sống quê tôi nơi vùng cao. Những phiến đá xếp bên cạnh đường ở đó chứa những gì? Nó như quyển sách lưu giữ trong tôi những kỷ niệm khi về trường. 

Với tôi cổng trời đã là bầu trời riêng, rất riêng. Từng tiếng chim rơi nghiêng từ vách đá hay khánh nhạc leng keng  gieo trên con đường… tất cả đã gieo trong tôi một sức sống, nhịp sống. Tất cả đã là dòng ánh sáng, dòng âm thanh đi suốt trong tôi qua những chặng đường. Tôi đem giọt  nắng cổng trời vào giấc ngủ như lưu giữ trong mình một ngọn lửa.

Cổng trời như gáy của một cuốn sách mở ra những điều kỳ diệu.  Cũng như vùng đồng bằng, dòng sông đã bồi đắp lên miền châu thổ hai bên là vườn tược bãi bồi.  Cổng trời - Cái nơi đìu hiu, hút gió mang sắc thái vùng cao, nặng ân tình vùng biên ải. Với tôi, ở nơi này  đã mở ra những điều kỳ diệu. Đó là ký ức tuổi thơ, bắt chim, thả trâu và cả những buổi chiều nằm trên tảng đá để đợi mẹ về.

Cổng trời sẽ không bao giờ khép lại những trang cuối mà luôn luôn mở. Gió đại ngàn thổi hất lên mơn man đến từng chân tóc. Gió cao nguyên đã mở ra trang sách từ phía cổng trời. Trang sách bằng đá có mây mù bao phủ, có giọt sương long lanh trên cánh hoa treo trên vách đá, có tiếng chim từ trên cao rớt xuống… Ở đó có bao nhiêu những câu chuyện cổ tích đời thường. Ở đó có tuổi thơ của tôi và cả tình yêu của ông bà tôi cũng bắt đầu từ đó.

Đỗ Văn Dinh
.
.