Công tác lý luận, phê bình múa: "Chén đắng" ai uống?

Thứ Hai, 15/12/2014, 08:00
Nghệ thuật múa đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa nghệ thuật. Nó gần như không thể vắng mặt trên sân khấu, dù là đứng riêng với tư cách một loại hình, một tác phẩm nghệ thuật hay chỉ là góp phần để tô điểm, minh họa. Trong những dịp lễ tết, hội hè và sự kiện long trọng đều có các tiết mục múa. Thế nhưng, khán giả đại chúng không mấy ai cảm thụ hết nét đẹp của loại hình nghệ thuật độc đáo này. Bởi hoạt động phê bình múa - nhịp cầu giữa công chúng và tác phẩm - không chỉ ngại va chạm mà còn đang đi thụt lùi khi đội ngũ nhân lực ngày càng thiếu hụt đến mức báo động.

Hoạt động phê bình múa có tồn tại?

Đó là trăn trở mà NSND Thái Phiên (Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam) đang tìm lời đáp. Ví von tự trào của NSND Thái Phiên và những người cầm bút phê bình múa không khỏi chua xót: "Người làm lý luận, phê bình múa là "động vật quý hiếm" của ngành, đang có nguy cơ tuyệt chủng". Trong danh sách 600 hội viên của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, số hội viên đăng ký chuyên ngành Lý luận chỉ có 17 người. Trong số đó, chỉ có vài ba người là hoạt động thực sự và hầu hết đã tuổi cao sức yếu. Thế hệ lão làng thì như thế trong khi đội ngũ kế cận gần như không có.

NSND Thái Phiên cho biết ngành Lý luận, phê bình múa của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội gần 40 năm thành lập nhưng chỉ mở được một khóa đào tạo duy nhất (niên khóa 2001-2005) với 12 sinh viên. Con số quá khiêm tốn càng lui dần về số 0 khi các cử nhân ra trường đều không tìm được việc làm, phải rẽ sang ngành khác mưu sinh. Trường mở thêm khóa 2 nhưng không có thí sinh dự thi nên đành phải hủy bỏ. Nhìn vào chuẩn đầu ra của ngành Lý luận, phê bình múa cho thấy chuẩn đầu ra của sinh viên khá cao. Để trở thành nhà phê bình múa, ngoài việc sinh viên phải nắm vững kiến thức chuyên môn như các trào lưu, xu hướng phát triển của nghệ thuật múa trong nước và trên thế giới; hệ thống động tác, tính chất, phong cách, nét văn hoá đặc trưng của các ngôn ngữ múa…, họ còn phải giỏi nghiệp vụ báo chí, lý luận phê bình âm nhạc, thẩm mỹ sân khấu…

Tạp chí "Nhịp điệu" - cơ quan ngôn luận của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, dù đã ưu tiên, khuyến khích các tác giả viết bài có tính lý luận, phê bình nhưng cũng không có đất cho mục phê bình vì không tìm ra người viết. Phải đỏ con mắt mới tìm được vài bài phê bình có chính kiến, mang tính xây dựng, khách quan. Nhuận bút cho bài phê bình lại quá ít ỏi trong khi việc gặp rắc rối, bị phản ứng, "ném đá" thì nhiều vô kể nên chẳng mấy ai mặn mà.

Nghệ thuật múa phát triển mạnh mẽ trong khi công tác lý luận, phê bình vẫn chưa theo kịp.

Trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9, BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI có đoạn: "Tăng cường giáo dục nghệ thuật, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho nhân dân…". Đây là trách nhiệm của văn nghệ sĩ nói chung và đặc biệt, của người làm công tác phê bình nói riêng. Thế nhưng, hiện nay, khán giả đi xem một vở múa, nhất là múa đương đại và múa cổ điển châu Âu như ballet, thời lượng chương trình chưa hết một nửa thì họ đã lục tục ra về. Đỉnh cao của múa là kịch múa (vũ kịch), khán giả cũng khó có thể nắm bắt nội dung xuyên suốt tác phẩm qua ngôn ngữ hình thể. Những vở múa ít người, diễn tả sự giằng xé của nội tâm, thì khán giả lại càng… bó tay. Múa có đặc thù riêng là dùng ngôn ngữ hình thể thay cho lời nói, cảm xúc nên tính biểu cảm của nó có những quy định, ước lệ riêng. Nhiều khán giả không hiểu pha xoạc chân, bay trên không của diễn viên hay điệu bộ lững thững của diễn viên rồi bỗng chốc lại múa máy điên loạn… nghĩa là gì? Không được định hướng, nên dù nghệ thuật múa hiện diện khắp mọi nơi nhưng công chúng vẫn xem múa như một bộ môn phụ họa. Họ không hiểu được cái hay, cái đẹp của múa với tư cách là một môn nghệ thuật độc lập.

Phê bình múa manh mún, tự phát

Lực lượng phê bình múa hiện nay chủ yếu là các nhà báo. Là dân "ngoại đạo", thiếu kiến thức chuyên môn nên dĩ nhiên các bài viết về múa của họ trên trang báo vốn đã ít ỏi lại càng chưa thể sâu sát, thậm chí là lệch lạc vì mang đậm cảm tính cá nhân. Nhận xét, đánh giá chỉ xoay quanh trang phục, vở có bao nhiêu người, dàn diễn viên ra sao, bài múa có đều không… Cũng có bài phân tích về nội dung, tư tưởng, hình thức cũng như xu hướng sáng tác của vở diễn nhưng con số còn khiêm tốn. Nếu chê thì lại bôi đen, "vơ đũa cả nắm". Cũng có số ít các biên đạo kiêm nhiệm công tác lý luận, phê bình. Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn, các biên đạo này vẫn ít dựa vào các tiêu chí nghệ thuật và tiêu chí khoa học của phê bình để phân tích.

NSND Ứng Duy Thịnh ngao ngán khi hiện nay các tác phẩm múa có tư duy nông cạn,  sao chép của tác phẩm này một chút, sao chép tác phẩm kia một chút để xào nấu trong tác phẩm của mình đang trở thành "chuyện thường ngày ở huyện". "Thường đến mức nó trở thành hồn nhiên trong quá trình tác nghiệp". Ngay cả vụ tác phẩm đoạt Huy chương trong Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc là sản phẩm "sao y" tác phẩm nước ngoài cũng ồn ào mấy năm trời mới giải quyết xong. Bởi thông thường, sau cuộc thi múa, hội diễn, không hề có cuộc tọa đàm nào để giới chuyên môn ngồi lại trao đổi, bàn luận về những vấn đề, vướng mắc chuyên môn.
Không có định hướng của phê bình, các tác phẩm múa đương đại thường trở nên khó hiểu trong mắt công chúng (ảnh chỉ mang tính chất minh họa).

Các vở múa hời hợt, làm động tác theo nhạc, thậm chí nhầm lẫn theo kiểu "râu ông nọ cắm cằm bà kia" như vở múa Ê Đê lại sử dụng chất liệu múa Ba Na; múa Thái thì lại dùng chất liệu múa của dân tộc Tày… nhiều nhan nhản nhưng diễn xong rồi, các nhà phê bình không lên tiếng thì cũng coi như chuyện thường. Chưa kể, nhiều màn múa phụ họa cho các chương trình ca nhạc hiện nay chỉ cốt khoe thân thể bốc lửa với trang phục phản cảm. Có thể nói, nghệ thuật múa đang phát triển mạnh mẽ, thế nhưng nó giống như khu vườn hoang, không có người cắt tỉa, phân luống, bắt sâu, nhổ cỏ... Do đó, việc thiếu hụt các tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao, tràn lan các tác phẩm dễ dãi, tùy tiện là điều hiển nhiên.

NSND Thái Phiên thừa nhận: "Trong thời gian qua, công tác lý luận phê bình múa vẫn còn manh mún, tự phát, thiếu chất lượng. Thiếu những bài viết có giá trị đích thực mang tính định hướng, khích lệ, động viên ngành múa. Chủ yếu vẫn là những bài viết khen, chê chung chung, còn né tránh, nể nang, ngại va chạm. Nhìn chung, công tác lý luận phê bình múa trong thời gian qua chưa phát huy được đúng vai trò, tác dụng trong việc định hướng các hoạt động nghề nghiệp và hướng dẫn công chúng thưởng thức nghệ thuật múa".

Có thể nói so với các hoạt động nghề nghiệp như diễn viên, biên đạo thì người làm công tác lý luận, phê bình gặp rất nhiều áp lực. NSND Thái Phiên chia sẻ: "Khen mà khen đúng cũng chưa hẳn đã làm vừa lòng tất cả mọi người, huống hồ chê không chỉ rất dễ mất lòng đối tượng được bàn luận mà có khi còn bị chỉ trích bởi những người thiếu thiện chí, thiếu cái nhìn khách quan. Dẫn đến, nhiều nhà phê bình mới vào nghề có thể sẽ không còn đủ can đảm và sự hăng say tham gia vào hoạt động phê bình, thậm chí bỏ nghề....". Điều đó đòi hỏi bản lĩnh nghề nghiệp, trình độ chuyên môn và cái tâm của người làm công tác phê bình. Bởi có dám uống "chén đắng" đó, cả người phê bình và người bị phê bình mới có thể cùng nhau khắc phục hạn chế, tìm tòi, tạo dựng những tác phẩm hay, giàu giá trị tư tưởng phục vụ công chúng.

Vực dậy nền phê bình múa còn nằm ở khâu đào tạo. Ngoài bồi dưỡng, việc tạo điều kiện cho sinh viên ngành lý luận khi ra trường có được việc làm với thu nhập ổn định và tu nghiệp ở nước ngoài là điều cấp thiết hiện nay. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì tre già mà măng mãi không thể mọc. Các cấp, các ngành quản lý và cơ quan có thẩm quyền phải có sự hỗ trợ để công tác lý luận phê bình múa phát triển. Diễn đàn để những nhà chuyên môn phê bình cũng cần được mở rộng với chế độ nhuận bút, đãi ngộ thông thoáng, tương xứng với công sức lao động của tác giả.  NSND Chu Thúy Quỳnh cho biết: "Khâu lý luận, phê bình vốn là khâu mà ngành múa phải hết sức quan tâm bởi tính đặc thù, người ngoài ngành khó viết và lực lượng người viết trong ngành mỏng. Những năm qua, Hội Nghệ sĩ Múa đã cố gắng tìm mọi biện pháp để thúc đẩy như tăng cường việc xét hỗ trợ, đầu tư cho các nghệ sĩ có đề tài viết sách, viết công trình, kịch bản; đưa vào hệ thống giải thưởng hằng năm cho các tác giả lý luận, báo chí với tinh thần khuyến khích, động viên".

Phan Thi Uyên
.
.