Công bằng - nhìn từ hai phía

Thứ Sáu, 17/07/2009, 11:00
Ngày 2 tháng 7 vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch Nước công bố Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2010). Nhiều người tỏ ra đặc biệt quan tâm đến sự kiện này, nhất là với điều khoản quy định trong một số trường hợp cụ thể, các cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, tổn thất về tinh thần sẽ được Nhà nước bồi thường.

Từ những bàn luận khá xôm trò của cánh văn nghệ sĩ xung quanh việc triển khai, áp dụng điều luật này trong cuộc sống, tôi chợt có một ý nghĩ: Vậy thì, hãy nhìn theo cách ngược lại, trường hợp một số cá nhân vì nông nổi, nhẹ dạ (không tính tới trường hợp có động cơ xấu) đã vô tình có những phát biểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, làm sai lệch bản chất sự việc, gây ảnh hưởng xấu tới uy tín của các tổ chức, đơn vị..., thì phải áp dụng chế tài xử lý, xử phạt, buộc họ "bồi thường" như thế nào? Hình như đến nay, chúng ta còn quá nương nhẹ nhau trong vấn đề này, và bởi vậy, những cái sai kiểu trên xem chừng càng có cơ tái diễn...

Còn nhớ, sau ngày nhà thơ Nguyễn Việt Chiến bị bắt (vì lỗi tác nghiệp xung quanh việc đưa tin về vụ PM18), đã có một số nhà báo viết bài phản ảnh tình hình sức khỏe cũng như tâm lý của anh sau ít tháng trong trại tạm giam. Chắc là do không rành về Nguyễn Việt Chiến nên đã có một số cây bút viết đại thể rằng, chỉ sau ít ngày bị bắt mà mái tóc của nhà thơ đã chuyển từ đen nhánh sang... bạc trắng, khiến không ít người nghĩ, do chế độ sinh hoạt trong nhà giam quá khắc nghiệt nên sức khỏe của nhà thơ đã xuống dốc nhanh chóng, khiến anh "già nhanh" đến vậy. Một số đối tượng chống đối ở bên ngoài còn nhân chuyện đó gán tiếng xấu cho Lực lượng Công an trong việc quản lý và đối xử với các bị can.

Trong khi thực tế, nếu ai từng biết một chút về Nguyễn Việt Chiến đều thấy rõ là, Nguyễn Việt Chiến khi ấy đã ở tuổi xấp xỉ 60, và nếu không có quãng thời gian nằm "ngẫm ngợi" trong trại tạm giam thì mái tóc của anh cũng vẫn cứ... bạc trắng. Lý do đơn giản: Tóc Nguyễn Việt Chiến đã bạc tự lâu rồi. Sở dĩ anh không giữ được mái tóc xanh mướt mát ở ngoài đời là vì trong trại giam, anh không có điều kiện nhuộm tóc mà thôi.

Chưa hết, khi đề cập tới một số bài thơ Nguyễn Việt Chiến viết trong thời gian thi hành án, đã có cây bút, không biết do tiếp nhận thông tin thế nào, đã "công bố" bài thơ "Mẹ" của anh (với những câu như: "Mẹ ngồi hai vạt áo nâu/ Hương ba nén thắp, khói cầu nguyện bay") và dẫn giải, bình phẩm như thể đó là bài thơ nói lên nỗi niềm của người mẹ đang cầu nguyện cho con trai mình sớm thoát khỏi vòng lao lý, thoát khỏi "oan khiên cuộc đời". Họ viết mà không hay rằng, bài thơ này đã được Nguyễn Việt Chiến sáng tác cách đây gần... 20 năm, và đã được in ngay ở đầu tập "Mưa lúc không giờ" của anh (NXB Hội Nhà văn, 1992).

Một chuyện nữa (tuy rất khác về bản chất), là chuyện liên quan đến những thông tin xoay quanh việc Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) bắt giữ luật sư Lê Công Định về hành vi câu kết với các thế lực thù địch chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam (được quy định tại Điều 88 Bộ Luật Hình sự).

Điều lạ là, khi lệnh bắt Lê Công Định được thực hiện, một nữ nhà văn, trong khi chưa cần tìm hiểu xem Lê Công Định đã có hành vi vi phạm pháp luật thế nào (thậm chí, theo chị cho biết, chị chưa từng một lần tiếp xúc với luật sư này), đã ngay tắp lự có bài phát biểu trên BBC Việt ngữ, khẳng định Lê Công Định không có tội "Ông Định chỉ làm bổn phận tối thiểu của một luật sư có lương tâm và lương tri mà thôi".

Vậy thì xin hỏi nữ nhà văn, chị sẽ trả lời thế nào khi mà chỉ sau đó ít ngày, chính Lê Công Định đã có bản tường trình thừa nhận hành vi sai trái của mình: "Tôi thấy những việc làm trên của tôi đã vi phạm pháp luật Việt Nam. Tôi rất ân hận với những hành vi sai trái của mình. Tôi mong được Nhà nước xem xét cho tôi được hưởng lượng khoan hồng"?

Sao chúng ta không đặt câu hỏi: Làm thiệt hại tới uy tín của các cơ quan, đoàn thể, các đơn vị, tổ chức xã hội... như vậy, chúng ta sẽ "bồi thường" như thế nào? Và "bồi thường" như thế nào mới đủ?

Thiết nghĩ, càng là văn nghệ sĩ, trí thức, càng cần phải biết tự vấn mình sau những "pha" như thế?

Có vậy mới là công bằng

Trần Hữu Thanh
.
.