“Cơn sốt” sách cho người lớn... tô màu

Thứ Ba, 26/07/2016, 08:19
Nhiều báo chí có uy tín quốc tế đang bình luận rôm rả về trào lưu mới xuất hiện trong ngành xuất bản sách: nhu cầu sách cho người lớn tô màu tăng mạnh và trở thành cơn sốt. 


Theo nhà sách trực tuyến lớn nhất thế giới Amazon, trong năm 2015, hàng tuần và hàng tháng, sách tô màu thường chiếm vị trí thứ 3-5 trong danh mục 20 sách bán chạy. Đỉnh điểm doanh thu sách tô màu thường đến vào những dịp lễ giáng sinh hoặc đón mừng năm mới. Mặt hàng mới này vẫn được quảng bá bằng khẩu hiệu bất hủ "sách là tặng phẩm ý nghĩa nhất", nay có thêm sự "ăn theo" của những bộ sáp, bút chì, bút dạ để tô màu.

Theo nhận định của giới chuyên gia, đó mới chỉ là khởi đầu của một "đại dịch" có sức lây lan rộng khắp.

Phát kiến tuổi 30

Sách tô màu dành cho người lớn khác dành cho trẻ em như thế nào? Nguyên lý thì vẫn thế thôi - ấy là dùng các màu sắc khác nhau tô vào trong những đường nét in sẵn - nhưng khác nhau cả ở hình thức, cả ở nội dung. Người đưa ra niêm luật là một nữ họa sĩ tuổi còn rất trẻ: Johanna Basford, sinh năm 1983 tại Scotland, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Nghệ thuật Thiết kế (DJCAD) năm 2005, chuyên ngành thiết kế vải lụa, cho đến năm 2013…

Vào tuổi 30, nữ họa sĩ tình cờ liên lạc được với một biên tập viên của Nhà xuất bản Laurence King ở Anh để họ chú ý đến nhiều ý kiến khen ngợi trong blog của cô, từ đó nảy sinh ý tưởng ấn hành loại sách tô màu dành cho người lớn. Nhà xuất bản đã không lầm: Cuốn "Khu vườn bí mật" gần 100 trang in những minh họa trắng đen - thể hiện những kỹ thuật "xe chỉ luồn kim", cỏ cây hoa lá chim muông… bằng những đường nét uốn lượn, đan cài ràng rịt, giàu chi tiết - chỉ trong vài tháng đã bán hết một triệu bản, mở đầu loạt ấn phẩm cho người lớn tô tranh.

Tiếp theo, "Khu rừng bị phù phép", "Đại dương mất tích" (2015) và gần đây "Rừng sâu thần bí", "Lễ giáng sinh của Johanna" (2016) lần lượt ra đời. Đến nay, tổng số sách tô màu của Johanna Basford bán được trên toàn thế giới đã vượt quá 10 triệu bản và nhà xuất bản nói là đã "được dịch ra ba chục thứ ngữ". Tất nhiên, các nước khác chỉ cần dịch phần Lời tác giả, còn các hình vẽ thì khỏi cần.

Hai nữ tác giả sách cho người lớn tô tranh đang ăn khách: Johanna Basford (Anh) và Daria Song (Hàn Quốc).

Loại sách này tìm được người hâm mộ ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương và tràn ra ngoài ranh giới Âu - Mỹ: ở Trung Quốc - là loại sách ăn khách nhất năm 2015 và bán hết khoảng 3 triệu bản, còn ở Hàn Quốc - nửa triệu bản. Trung tâm Nghiên cứu ngôn ngữ Phần Lan hằng năm liệt kê các từ ngữ mới xuất hiện và phổ biến, kết quả năm 2015 đã phải đưa vào danh mục từ "aikuisten varityskirja" (có nghĩa sách tô màu dành cho người lớn) - chứng tỏ dân Phần Lan cũng mê mẩn thú vui này.

Thú vui tràn thế giới

Thành công thương mại của họa sĩ Johanna Basford kéo theo hàng loạt người bắt chước và kế tục với phong cách nghệ thuật của riêng mình. Vùng địa lý của tác giả và khách hàng mua sách người lớn tô tranh ngày càng mở rộng. Tờ Independent đưa ra danh mục sách tô màu hay nhất, chủ yếu là ấn phẩm của Anh, Mỹ, nhưng cũng có một tác giả châu Á: Daria Song, nữ giảng viên trẻ của Trường nghệ thuật Kaywon, Hàn Quốc.

Với khuôn khổ hiện được ưa thích, các nhà xuất bản in cả nét vẽ của những họa sĩ, nhà thiết kế nổi tiếng như Alexander Girard (họa sĩ Mỹ, 1907-1993) hoặc tập hợp những hình nét kiều diễm từ các cuốn sách về sinh vật học để người lớn tô màu sao cho phát lộ chú sóc trong cành lá, cá bơi trong sóng nước…

Đề tài tranh tô màu vượt khỏi nhiều ranh giới, khi là cỏ cây hoa lá, khi là chim, bướm, muông thú, khi là mẫu áo quần, khi là những thành phố New York, Paris, London, Sankt Petersburg, những danh lam thắng cảnh với vài lời chú dẫn ngắn gọn… Có sách tô màu minh họa những sự tích tôn giáo và cũng có cả loại dành cho… "18+", từ sách Ấn Độ cổ biên khảo về tình dục "Kama Sutra" tới những hình vẽ gợi dục xuất hiện ở Brazil, Mỹ, Bồ Đào Nha, Đức…

Các tác giả không bỏ quên ngành kinh doanh giải trí: ở Mỹ có sách tô màu về cô ca sĩ xinh đẹp Taylor Swift từng ẵm nhiều giải thưởng Grammy, ở Anh có sách vẽ diễn viên Eddie Redmayne từng đoạt tượng Oscar, các nhà làm phim tung ra loại sách tô màu theo tác phẩm của mình: cậu học sinh trường đào tạo phù thủy Hary Potter, thám tử Sherlock Holmes với tài tử người Anh Benedict Cumberbatch, phim giả tưởng "Trò chơi vương quyền", và cả loạt phim truyền hình kinh dị "Xác sống" nữa..

Có cả lợi lẫn hại…

Sách tô màu thu hút khá đông tầng lớp sinh viên, bà nội trợ, người hưu trí, doanh nhân, nhưng nhiều hơn cả vẫn là phụ nữ và lứa trung niên (30-40 tuổi), dân thành thị có thu nhập kha khá. Họ tô xong tranh, bày ra hoặc đưa lên mạng internet để bình phẩm với nhau, chọn những bức đẹp nhất. Họ còn kháo nhau những loại bút màu "ngầu" nhất, mở đường cho các nhà xuất bản tung ra thị trường những bộ bút màu, bưu thiếp, khung tranh... 

Ở nhiều thư viện Mỹ, người tô tranh nhóm họp thành những câu lạc bộ, đua nhau sáng tác và tổ chức triển lãm, bán tranh. Thư viện công cộng thành phố Dallas mỗi tháng bán được gần 1.500 bức. Và nảy sinh một vấn đề thú vị: Với những bức tranh được tô màu hoàn chỉnh thì ai là người được giữ quyền tác giả đây?

Nảy sinh một vấn đề nữa: Họa sĩ tranh phần của nhà văn trên thị trường sách. Ban đầu, sách tô màu còn bị coi là sách hạng hai, cùng với thời gian, nó lấn chỗ "sách đích thực" trong bảng vinh danh sách ăn khách.

Sự lợi hại của sách cho người lớn tô tranh cũng dấy lên những dư luận trái chiều. Một luồng cho rằng sách tô màu dành cho người lớn có ích, giúp thư giãn, quên ưu phiền và bộ não được nghỉ ngơi… Có không ít người coi đó là một phương thuốc mới chống căng thẳng, chống trầm cảm, nên thu hút sự quan tâm của giới chuyên gia tâm lý học và thần kinh học.

Giới chuyên gia cho rằng việc tô màu có mang lại một số hiệu quả nhất định: giảm bớt căng thẳng đầu óc, gia tăng khả năng tiếp nhận thông tin, kích thích lối tư duy theo hình tượng. Cho nên ở Mỹ và hàng loạt nước châu Âu, bác sĩ bắt đầu khuyên bệnh nhân chơi trò tô màu như phép trị liệu bổ sung để chữa trị những cú sốc nặng, đau đầu, tai biến mạch máu não, suy giảm trí nhớ ở người già. Sách tô màu được gắn với khái niệm "trị liệu bằng nghệ thuật".

Tuy nhiên, luồng dư luận khác lại cho rằng thú chơi này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến trí não, trào lưu người lớn chơi tô màu thường dẫn tới hội chứng tâm lý trẻ em ở người lớn (thuật ngữ y học: Kidult).

Người khen - kẻ chê nào mà chẳng giữ cái lý của mình, chỉ biết rằng loại sách in cho người lớn tô tranh đang tiếp tục có những phiên bản mới và được mua tơi tới, giúp thị trường sách đang thiu thiu theo màn hình phẳng lại có một đợt sóng dâng trào…

Đăng Bẩy
.
.