"Con mắt bão" và sự tri ân một vùng đất

Thứ Hai, 02/04/2012, 08:00

Không phải vô cớ mà "Con mắt bão" đang được quay tại một vùng cửa biển lại là một sức hút khó cưỡng khiến chúng tôi lặn lội về với trường quay. Đưa chúng tôi vượt phà Dương Áo, qua sông Văn Úc để đến khu vực trường quay sát biển của xã Vinh Quang - Tiên Lãng, đạo diễn Văn Lượng cho cảm giác là trong đầu anh những ngày này mọi suy tư chỉ dành cho "Con mắt bão".

1. Kỷ niệm theo đoàn phim Hải Phòng của đạo diễn Văn Lượng ra đảo Cát Bà mùa hè năm 2005 vẫn cho tôi ấn tượng về một phong cách làm phim cầu kỳ, đầy dụng công. Bẵng đi có tới 7 năm không thấy Xưởng phim Truyền hình Hải Phòng (HFS) làm phim, đùng một cái tôi lại nhận được tin về một bộ phim sử thi hoành tráng do Hải Phòng đang dựng cảnh ở cửa biển Vinh Quang, Tiên Lãng - nơi cũng là "tâm bão" của vụ Đoàn Văn Vươn đang nóng bỏng các mặt báo.

Chẳng liên quan gì đến vụ cưỡng chế đất xảy ra với anh em ông Đoàn Văn Vươn, bộ phim này không câu khách bằng sự kiện giật gân, bằng những pha nóng bỏng, sexy mà muốn chinh phục người xem bằng một chữ TÌNH! Tình người và tình yêu đất đai, thôn xóm muôn thuở.

Đạo diễn Văn Lượng hào hứng kể: Phim sử thi "Con mắt bão" là một dự án mới của năm 2012, do HFS - Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng sản xuất, với phần 1 (15 tập) về giai đoạn 1960 - 1975 và phần 2 (30 tập) về giai đoạn 1976 - 2000. Phim do nhà văn Nguyễn Khắc Phục viết kịch bản, được thực hiện bởi ê kíp gồm NSƯT - đạo diễn Văn Lượng; NSƯT - quay phim Vũ Quốc Tuấn; họa sĩ Hoàng Chí Long. Dàn diễn viên là sự kết hợp giữa kinh nghiệm và tuổi trẻ, giữa Hải Phòng và Trung ương cùng một số địa phương khác… Với sự đầu tư của thành phố Hải Phòng, các ban, ngành, với ê kíp thành danh ấy, cái Văn Lượng muốn là phim đồng điệu, hài hòa, cân đối giữa chất tráng ca, bi ca và anh hùng ca, điều mà ít nhiều trong các phim trước của anh đã có nhưng vì nhiều lý do chưa được tập trung đúng mức và "đẩy" tới tầm như phim này.

Đạo diễn Văn Lương đang chỉ đạo diễn xuất.

"Con mắt bão" là phim sử thi không chỉ vì mô tả Hải Phòng qua nhiều giai đoạn, nhiều sự kiện lịch sử. Thông qua cái phông nền ấy, chính việc mô tả các số phận mới là điều mà đạo diễn Văn Lượng muốn "người xem thấy cái "chất" "Sông Đông êm đềm" ở Hải Phòng nó như thế nào!". Tâm huyết của Văn Lượng là mảng chuyện về nông thôn. Đó là cả một cuộc vật lộn với chính đồng đất quê hương khi nhiều đảng viên ở Hải Phòng mò mẫm trong giai đoạn đầu tìm cách khoán chui (còn được gọi vui là... "khoán mặc kệ" để tăng năng suất lúa) ngay giữa những tháng ngày chống Mỹ khốc liệt ấy.

Những năm tháng ấy ở Hải Phòng không chỉ khốc liệt bởi bom đạn, đói nghèo, chết chóc mà còn là sự hy sinh, quả cảm, sự đấu tranh quyết liệt mà day dứt của những con người hết lòng yêu thương mảnh đất này. Đó là cuộc đấu tranh trong chính nội bộ gia đình ông Bí thư xã tên Bậc, nhà có 4 đảng viên thì 3 người, vì lý do này lý do khác, người buộc phải xin ra khỏi Đảng, người bị kỷ luật. Trong đó, ông Bậc tâm huyết, quyết đoán nhưng bảo thủ.

Một bà vợ suốt đời cắm mặt vào băm bèo, nuôi lợn nhưng yêu ghét rõ ràng, khi cần có thể chống đối tất cả để "cái bụng của chồng con no". Anh con trai là Bình (Thuyền trưởng tàu không số), có một số phận bi tráng. Cô con gái là Lựu (Trung đội phó trung đội nữ dân quân) rất mạnh mẽ ngoài trận địa nhưng cả tin trong tình yêu và dễ bị lợi dụng.

Đạo diễn Văn Lượng cũng tâm đắc một nhân vật không hoàn toàn phản diện, rất khó phân biệt rành rẽ tốt xấu trong con người như Đức (Xã đội trưởng), kẻ tán tỉnh Lựu để hạ bệ ông bố là Bí thư của cô… Lột tả thành công những nhân vật ấy không đơn giản, nhưng - như Văn Lượng giải thích: "Vì thế chúng tôi muốn làm bộ phim này không chỉ là ngợi ca một quá khứ tốt đẹp của Hải Phòng mà cái chính muốn cho người xem mọi miền hiểu cả cái xấu tốt, đặc biệt là yêu và tin đến cực đoan... Họ sẵn sàng hy sinh tất cả chỉ khi họ tin là họ đúng. Đó chính là cái rất riêng của người Hải Phòng xịn".

2. Khi chúng tôi xuống trường quay, đạo diễn Văn Lượng dẫn ra túp lều dựng cho nhân vật Lựu ở và sinh con, nơi bạt ngàn những cây cổ thụ. Đêm ấy, chờ mực nước triều đạt đúng ý, anh và nhà quay phim Vũ Quốc Tuấn mới thực hiện cảnh quay góc âm cô Lựu đẻ con. Nền căn chòi được lột bỏ một góc để đặt lên một tấm kính lớn cường lực màu trắng. Nhân vật bò lết, vật vã trên tấm kính ấy trong cơn chuyển dạ giữa trời dông gió. Chỉ có quầng lửa đỏ của bếp than góc lều, một giọt máu… rồi vệt máu loang… và gương mặt của người đàn bà trong cơn đau đẻ cô đơn bò tiến vào, tiến vào thẳng ống kính… Đó là một trong những cảnh quay khó nhưng hay và ấn tượng nhất của phim.

Những cảnh ấn tượng như cảnh tàu không số của Bình bị 4 tàu địch quây, rồi anh cho nổ tung tàu để đảm bảo bí mật tuyệt đối; cảnh bom Mỹ phạt cụt ống khói Nhà máy Xi măng Hải Phòng,… đều khiến Văn Lượng và êkíp làm phim mất ăn mất ngủ. Để thực hiện nhiều cảnh khó trong đêm tối, giữa trời giá rét nơi cửa sông Văn Úc, cả êkíp làm phim đều mặc quần ủng - loại quần các chị nông dân vẫn lội đồng đi cấy bằng cao su, xỏ vào cạp lút tới tận ngực - dầm giữa biển để dựng cho chân thật.

Sát cánh cùng đoàn phim, anh Đỗ Ngọc Toản - phụ trách ánh sáng chính của phim - phải thốt lên: "Chúng tôi đi làm phim nhựa rất nhiều nhưng bối cảnh như chòi cô Lựu hay hầm trung đội của đạo diễn Văn Lượng quả là kinh điển".

Trên trang web hfs.vn chúng tôi được xem clip casting vai Lựu với cái tên "Đi tìm cô Lựu thứ 41". Quả thật họ đã dụng công tìm trong các gương mặt nữ trẻ khắp nước một cô gái mang bản sắc vùng cửa biển đúng như phim cần. Diễn viên Dương Hồng Nhung (Nhung Kate) khi nhập vai Lựu cho rằng với cô, đây là vai diễn khó nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, qua đây, cô thấy mình đã trưởng thành vượt bậc về diễn xuất. Nước da cô chuyển màu nâu sau những ngày dầm mình vào nước biển. Và cô đã khóc suốt đêm sau một cảnh diễn.

"Một trong những vai chính mà tôi rất đồng cảm và dồn nhiều công sức thị phạm và dàn dựng là Lựu" - đạo diễn Văn Lượng chia sẻ - "Cô ấy thuộc số những diễn viên "xịn", nhập cuộc hết mình trong phim. Tôi đã ứa nước mắt khi quay trường đoạn Lựu đóng cảnh nếm đất giữa biển bãi mênh mông nơi cửa biển. Hồng Nhung (Lựu) đã cho cả vốc đất vào mồm, nước mắt hòa lẫn với đất. Tôi đoán lúc đó cô ấy diễn như lên đồng chắc vì thấy được vị mặn mòi của biển hòa vào sự cay đắng của số phận nhân vật".

Người dân Hải Phòng rất yêu điện ảnh. Hiểu được tâm lý ấy nên HFS coi trọng việc đào tạo diễn viên tại chỗ làm chỗ dựa cho sự phát triển lâu bền. Đạo diễn Văn Lượng chia sẻ: "Để tìm các gương mặt mới, HFS mở đợt tuyển chọn và đào tạo diễn viên truyền hình. Bởi HFS theo quan niệm diễn viên được xem như một trong những mấu chốt để tạo tiền đề thành công cho tác phẩm. Cả chục em đã tham gia bộ phim này ngay sau khóa học và luyện tập 2 tháng, trong đó có những vai phụ khá ấn tượng như nữ dân quân Chanh - cô gái thổi sáo trên trận địa pháo Đồng Bể; Tần - nữ pháo thủ thích hút thuốc lào, anh dũng hy sinh ngay trên ụ pháo quê nhà…".

Và để diễn viên nhập vai chân thực, một số diễn viên đã được đạo diễn yêu cầu thay đổi "tông" và tạng diễn cho phù hợp hơn với nhân vật. Chẳng hạn nghệ sĩ Viết Liên (gương mặt quen thuộc không chỉ với các phim của HFS) trong vai Bí thư xã Bậc được yêu cầu thay đổi cách diễn, tăng chất dữ dội, khốc liệt, kết hợp hài hòa phẩm chất một đảng viên có tri thức lãnh đạo với sự cần cù của nông dân cùng tính cách tiểu nông, gia trưởng...

3. Không ít lần, bên căn lều dã chiến sát mép biển, ngay cạnh chòi đếm bom, gió biển lạnh thổi ào ạt, tôi chứng kiến cảnh đạo diễn Văn Lượng cùng quay phim Vũ Quốc Tuấn tranh luận hàng giờ với chuyên gia để dựng cảnh Nhà máy Xi măng thời những năm 1970 sao cho chân thực và hiệu quả.

Văn Lượng vẫn vậy, chịu khó, khiêm tốn học hỏi, luôn "tri bỉ tri kỷ" và đặc biệt đam mê nghề nghiệp, không bao giờ bỏ cuộc. Anh là người có cá tính, giàu ý tưởng sáng tạo. Anh đã đạo diễn nhiều phim và dần khẳng định phong cách sáng tạo cùng tên tuổi. Cái khó của Văn Lượng là hướng tới sự hài hoà cả trong sáng tạo, cả trong các mối quan hệ nghề nghiệp khi anh không thuộc tạng người "dĩ hòa vi quý". Nhưng Văn Lượng lại luôn hướng đến sự hài hòa, ăn ý (ensemble) và đồng điệu giữa người cầm trịch và cộng sự, giữa kịch bản văn học và phát sinh trên trường quay, giữa ý tưởng dự án và sáng tạo thực tế…, và anh đã thành công. Hơn thế, với cái "chất" và cá tính mạnh kiểu kẻ sĩ Bắc Hà, sự dám nghĩ dám làm trước các dự án phim (cả phim truyện và phim tài liệu) của anh luôn là "cục nam châm" đối với những người yêu và trọng các tác phẩm anh tạo ra. Vì thế, dù gai góc, nhiều trải nghiệm hơn thì với tôi, "Con mắt bão" vẫn là một tác phẩm điện ảnh giàu chất thơ và đầy tính nhân văn.

Rời biển Vinh Quang, Tiên Lãng chiều đầu xuân, bỏ lại sau lưng những đầm bãi sú vẹt kiên cường trong giá rét khắc nghiệt đầu sóng ngọn gió, trong tôi vẫn ám ảnh lời tâm sự của người đạo diễn ấy: "Ai đã từng qua cái đói đến quặn ruột thắt gan mới hiểu được mơ ước về bát cơm thơm và cánh đồng vàng ở những vùng đồng chua nước mặn quê tôi. Bộ phim này tôi muốn làm để tri ân những người đảng viên thôn quê dám mạnh dạn "đi sớm" (dám làm những việc ngày ấy còn bị quy là "ăn cắp" - ăn cắp một thước đất của hợp tác xã để chia cho dân cày cấy), dám nhận phần thua thiệt về mình để lo cho cái ăn cái mặc của dân, mà dân ở đâu xa, đó chính là mẹ con cái Thị, bà Bủn, anh cu Son,… ở quanh họ và là họ cả thôi… Tất nhiên có một phần bố mẹ và chính tôi thời ấy".

Ngày mai trận chiến "Con mắt bão" lại dàn ra ở Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa... Rồi các anh lại sẽ vượt thác lên đèo để có được những cánh rừng nguyên sinh cho cảnh phim. Tôi nghĩ đến tóc Văn Lượng đã bạc thêm sau những đêm trường và tin "Con mắt bão" không chỉ kịp lên sóng vào mùa hè này, mà thấy có cơ sở để tin rằng phim của một người luôn hướng tới những giá trị cổ điển, những ước mơ bình dị của người đời sẽ đến được những tâm hồn đồng điệu…

Vũ Ngọc Thanh
.
.