Còn đó những gia đình nghệ nhân

Thứ Năm, 30/01/2014, 08:00

Dọc dài đất nước, tính đi đếm lại cũng chỉ có đôi ba nhà được gọi là gia đình nghệ nhân. Tom chát theo nghiệp, nếp nhà của các gia đình nghệ nhân cũng lắm thăng trầm như số phận của nhiều di sản văn hóa dân gian.

1.Xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh từ xưa đến nay vẫn được xem là đất tổ của ca trù người Việt. Nơi đây vẫn còn điện xứ thờ tổ nghề ca trù. Chuyện kể dân gian lưu truyền, tổ nghề ca trù là Đinh Lễ, người làng Phủ Giáo, tổng Cổ Đạm xưa, trong một lần đi đàn hát ở Thanh Hóa, tiếng đàn tài hoa của chàng đã làm công chúa Bạch Hoa (còn gọi là Mãn Đào Hoa) bị câm bỗng bật tiếng hát.

Thành vợ thành chồng, hai người trở về Cổ Đạm sinh sống, lập nên gánh hát ca trù nức tiếng một thời. Ngày nay, cứ vào dịp 13 đến 16 tháng 3 âm lịch, Cổ Đạm lại mở hội hát ca trù, các giáo phường ca trù gần xa lại nô nức kéo về giỗ Tổ nghề. Những năm gần đây, ca trù Cổ Đạm vẫn nức tiếng cả nước với Câu lạc bộ (CLB) ca trù Cổ Đạm do vợ chồng Dương Thị Xanh và Trần Văn Đài chèo lái. Không ít người ví von gọi vợ chồng nghệ nhân này là "Đinh Lễ và Mãn Đào Hoa công chúa thời hiện đại".

Ca nương Dương Thị Xanh vốn con nhà nông, ngày ra đồng làm ruộng, tối tối chị lại sang nhà nghệ nhân Phan Thị Mơn, Phan Thị Nga… học hát. Nảy hạt, nhả chữ, ngâm nga đâu ra đấy, Xanh còn chăm chỉ ghi lại lời những bài hát ca trù cổ để truyền lại cho thế hệ trẻ. CLB ca trù Cổ Đạm do ca nương Dương Thị Xanh làm Chủ nhiệm ngay từ những ngày đầu tiên đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của chồng chị là kép đàn Trần Văn Đài.

Vợ chồng đào nương Dương Thị Xanh và kép đàn Trần Văn Đài.

Ba năm liên tiếp từ năm 2007 đến 2009, hai vợ chồng khăn gói ra Hà Nội theo học đàn hát hết giáo phường ca trù Thái Hà lại sang giáo phường ca trù Lỗ Khê. Không ít lần, cả hai vợ chồng đã giành Huy chương Vàng tại các kỳ liên hoan ca trù toàn quốc. Năm 2012, Dương Thị Xanh trở thành người trẻ tuổi nhất được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân và một năm sau đó, anh Trần Văn Đài cũng vinh dự được nhận danh hiệu nói trên.

Khắp cả nước, có lẽ duy nhất gia đình Dương Thị Xanh và Trần Văn Đài, cả vợ và chồng đều là nghệ nhân văn hóa dân gian. Nghệ nhân Dương Thị Xanh tâm sự, nhiều lần đi học ca trù hay tham gia Hội diễn, Liên hoan… cả hai vợ chồng chị đều đi nên con cái phải gửi về nhà ngoại. Dần dà thành nếp, cứ hễ nghe nói sắp có hội diễn hay Liên hoan ca trù ở đâu là mấy đứa nhỏ lại chuẩn bị đồ để về ngoại.

Lớn lên trong nhà nghệ nhân, chất ca trù ngấm vào tự lúc nào không hay, mỗi lần thấy bố mẹ cầm đàn đáy, gõ phách hát ca trù, mấy đứa con của chị Xanh và anh Đài lại làm quan viên, cầm chầu, thỉnh thoảng hứng lên còn khen chê tiếng đàn, nhịp phách của bố mẹ…

Nghệ nhân Hà Thuấn trình diễn hát then, đàn tính cùng hai cháu nội.

2. Khắp làng trên bản dưới ở huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang ai ai cũng biết đến gia đình nghệ nhân Hà Phan và Hà Thuấn. Vốn là người Tày, từ tấm bé, anh em Hà Phan, Hà Thuấn đã biết chơi then, làm tính tẩu… Cả hai đều đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam vinh danh là nghệ nhân. Một thời, then được xem là một loại hình mê tín dị đoan nên hình thức tín ngưỡng này đã không còn phổ cập như trước, ít nhiều mai một. Số nghệ nhân cao tuổi nắm bắt và có thể truyền dạy then hiện nay chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nhiều điệu then cổ, nhiều nghi thức diễn xướng dân gian gắn với then… cũng đã theo các nghệ nhân đi vào thiên cổ.

Sau khi nghệ nhân Hà Phan mất đi, hiện giờ chỉ mình nghệ nhân Hà Thuấn vừa tự tay làm tính tẩu, vừa truyền dạy cho hàng chục, hàng trăm dân bản chơi tính tẩu, hát then ở vùng Chiêm Hóa nói riêng và ở Tuyên Quang nói chung.

Sinh năm 1942, nghệ nhân Hà Thuấn kinh qua nhiều nghề từ giáo viên dạy vỡ lòng, trạm trưởng trạm y tế… Nhưng với người Tày tỉnh Tuyên Quang, tên tuổi Hà Thuấn được biết đến là ông then nổi tiếng nhất vùng. Điều thú vị là gia đình nghệ nhân Hà Thuấn có tới 3 thế hệ theo nghiệp hát then, chơi đàn tính. Con trai Hà Văn Chương và con dâu Hoàng Thị Lợi là đệ tử ruột của ông then Hà Thuấn. Các cô cháu gái như Hà Thị Thu Thảo, 15 tuổi và Nguyễn Thị Ngọc Ánh 14 tuổi… đều là những giọng ca hát then, chơi đàn tính nức tiếng trong vùng. Chẳng cần phải dạy, con cháu nghệ nhân Hà Thuấn cứ theo bố, theo ông đi làm then, chơi đàn tính mà thành nghề. Hiện mỗi tháng nghệ nhân Hà Thuấn luân phiên truyền dạy cho 3 CLB hát then, đàn Tính của xã và 1 CLB của huyện…

Không chỉ là người trình diễn, truyền dạy… hát then, đàn tính, nghệ nhân Hà Thuấn còn là tác giả viết lời của hơn 100 bài bản nổi tiếng, như: "Tình cờ vui nói chuyện tình yêu", "Người Tuyên Quang học tập làm theo Bác Hồ", "Ra đường nhớ luật Giao thông"… Trong một lần được gặp nghệ nhân Hà Thuấn, ông rất tự nhiên hát cho chúng tôi nghe những lời ca chân chất của bài "Ra đường nhớ luật Giao thông": "Khi qua trạm đèn đỏ đèn xanh/ Đèn đỏ ta đứng dừng chờ đợi/ Thấy đèn xanh ta lại được qua…".  Hơn thế, nghệ nhân Hà Thuấn còn tự tay làm những cây đàn tính cung cấp cho cả vùng. Ông hóm hỉnh cho biết: "Mình chỉ chỉnh sao cho đàn có tiếng tốt thôi. Chứ việc phơi quả bầu, làm cần đàn… con cháu trong nhà nó tự làm được hết à".

Ba thế hệ của Giáo phường Ca trù Thái Hà cùng trình diễn.

3. Trên "bản đồ" Ca trù của người Việt, thủ đô Hà Nội vẫn là địa danh có nhiều nhóm ca trù nhất. Mỗi nhóm ca trù của Hà thành có những nét đặc trưng, thế mạnh riêng nhưng độc đáo và có truyền thống nhất vẫn phải kể đến Giáo phường Ca trù Thái Hà. Bắt đầu khởi nghiệp từ cụ tổ ca trù của dòng họ là thủ khoa Nguyễn Đức Ý, người đứng đầu khoa thi năm Nhâm Tý 1852 và được bổ làm Tri huyện Hải Dương dưới triều vua Tự Đức, cho đến nay Giáo phường ca trù Thái Hà đã trải qua 7 đời theo nghiệp ca trù. Đây cũng là giáo phường ca trù thuộc diện "của hiếm" với đa số thành viên đều là người trong một nhà, có quan hệ huyết thống gần gũi. Với họ, ca trù không chỉ là một thú chơi tao nhã, mà là một nghề truyền thống, nét gia phong của dòng họ.

Giáo phường ca trù Thái Hà hiện vẫn có 3 thế hệ cùng trình diễn, với đủ cả thành phần gồm quan viên, kép đàn, ca nương. Nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi dù tuổi đã cao vẫn cầm chầu cho con trai ông là anh Nguyễn Văn Khuê chơi đàn đáy và con gái Thúy Hòa nảy hạt ca trù. Nếu đào nương Thúy Hòa được biết đến là đệ tử chân truyền của cố NSND Quách Thị Hồ thì nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi và kép đàn Nguyễn Văn Khuê là thầy dạy của nhiều nghệ nhân ca trù hiện nay. Trong khi đó, thế hệ thứ bảy của dòng họ này cũng đã trình làng những ca nương trẻ tuổi đầy tài năng là Nguyễn Kiều Anh và Nguyễn Thu Thảo. Tại Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2011, đào nương nhí Nguyễn Kiều Anh đã giành Huy chương Vàng khi mới 11 tuổi.

Được biết đến trong thời hiện đại là nhóm đầu tiên ra album riêng về ca trù, nhiều hoạt động của Giáo phường ca trù Thái Hà đã ghi những mốc son đáng nhớ cho ca trù. Đơn cử như riêng đào nương nhí Nguyễn Kiều Anh cũng đã khiến nhiều người phải bất ngờ khi đem giọng hát ca trù rất đặc trưng vào dự án World Music mang tên "Nguồn cội" của nhạc sĩ Quốc Trung với những tên tuổi như nhạc sĩ Nguyên Lê, nghệ sĩ Dhafer Youssef (Tunisia), Rhani Krija (Morocco/Đức) và ca sĩ Thanh Lam.

Mới đây, đào nương nhí này còn táo bạo đưa ca trù thi thố với nhiều thể loại âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn khác trên sân khấu Vietnam's Got Talent. Nguyễn Kiều Anh khẳng định: "Ca trù là một nghiệp truyền thống mà các thế hệ của dòng họ phải giữ gìn, theo đuổi. Nhưng trong thời hiện đại, nghiệp của dòng họ có thể sẽ rạng danh hơn khi mạnh dạn đưa ca trù vào nhiều không gian trình diễn khác nhau"

Phúc Nghệ
.
.