Cồn Hến mộng hoa sầu đông

Thứ Hai, 26/11/2018, 08:01
Mới đây, hay tin thành phố Huế sẽ dựng bức tượng Huyền Trân công chúa ở Cồn Hến; chúng tôi chợt giật mình, bởi đi kèm bức tượng còn có cụm tượng tranh bằng đá về văn hóa Chăm, cao tới 9 mét. Còn đâu cái êm đềm cô tịch, điểm dừng chân của một ốc đảo nằm giữa chốn đô hội kinh kỳ xưa. Lập đông. Hoa sầu đông rụng tím những nẻo đường. Hương bắp ngô phảng phất một nỗi niềm sông Hương...


Bài thơ từ bức ảnh xóm Cồn?

Cồn Hến hiện có tới gần 5.000 người sinh sống trên một diện tích chừng 30ha, thuộc phường Vỹ Dạ. Dân trong cồn muốn vào thành cổ đều phải đi qua cây cầu Phú Lưu vào phố Nguyễn Sinh Cung. Nếu bên kia sông, từ đường Trịnh Công Sơn muốn vào cồn phải đi đò.

Từ xa xưa, Cồn Hến được coi là đất rồng (Tả Thanh Long), án ngữ kinh thành Huế phía tả ngạn sông Hương, cách gần 3 cây số. Cồn được hình thành khu dân cư từ thời vua Gia Long (1802-1820). Chủ yếu người xã Phú Xuân đến sinh sống. Họ chuyên trồng ngô và làm nghề sông nước, soi cá, chèo đò, mò hến.

Nghề cào hến cũng hình thành từ đây. Miền sông nước xung quanh cồn có rất nhiều hến. Đây là nguồn mưu sinh chủ yếu cho người dân nghèo xóm Cồn. Dọc các ngả đường đều trồng cây sầu đông (cây xoan), để lấy gỗ làm nhà và củi đốt…

Bến đò Cồn.

Chúng tôi vào Cồn Hến đúng mùa hoa sầu đông rụng tím con đường chạy xuyên cồn. Đi trong niềm bâng khuâng, ai đó bỗng đọc mấy câu thơ của Hàn Mặc Tử: "Mơ khách đường xa, khách đường xa/ Áo em trắng quá nhìn không ra/ Ở đây sương khói mờ nhân ảnh/ Ai biết tình ai có đậm đà?".

Thì ra câu chuyện tình thơ và thơ tình của Hàn Mặc Tử khởi nguồn từ bức ảnh chụp hình người con gái chèo đò ở bến đò, do cô giáo Hoàng Thị Kim Cúc ở thôn Vĩ Dạ nhờ người em họ gửi tặng (1939). Bởi năm trước đó, hai người đã quen nhau ở Quy Nhơn, nơi Hàn Mặc Tử làm việc tại Sở Đạc điền do chính cha của Hoàng Thị Kim Cúc làm giám đốc. Sớm rung động ngay từ phút đầu gặp gỡ, thi sĩ đã tỏ tình và tặng sách cho Hoàng Thị Kim Cúc, nhưng chưa được thuận tình.

Hình như có khoảng cách đắn đo đầu tiên là thuộc về tư tưởng hướng đạo chăng? Người đẹp Hoàng Thị Kim Cúc theo đạo Phật, còn Hàn thi sĩ lại là người Công giáo. Chuyện chưa tới đâu thì mỗi người một ngả. Kim Cúc phải trở về quê thành Huế sinh sống. Một năm sau, khi hay tin Hàn Mặc Tử lâm trọng bệnh, nữ sĩ Hoàng Thị Kim Cúc đã gửi bức ảnh trên và viết thêm lời chúc sức khỏe,  cầu mong cho Hàn thi sĩ tai qua nạn khỏi.

Nhưng không ngờ, ngắm bức ảnh mà Hàn Mặc Tử xao xuyến, lòng hướng về Vỹ Dạ và bến đò Cồn Hến ngày nào. Bởi khi Kim Cúc rời Quy Nhơn về Huế, theo như người em kể lại, Hàn Mặc Tử có lần đã lén về Huế để thăm người tình trong mộng. Nhưng chàng chỉ dám nhìn qua cánh cổng, không dám đánh tiếng, rồi thầm lặng ra đi.

Có lẽ cũng bởi bi kịch về căn bệnh ập đến trước đó, ông đành ôm mối tình câm trở về Quy Nhơn chữa bệnh. Vậy nên, khi nhận được bức ảnh và dòng chữ của người đẹp, Hàn thi sĩ rất xúc động, viết ngay bài thơ "Ở đây thôn Vĩ Dạ". Sau này bản in chính thức là "Đây thôn Vĩ Dạ".

Hồn thơ sương khói bâng khuâng sầu muộn. Lời thương yêu sâu thẳm tự con tim bày tỏ kín đáo rụt rè. Hàn thi sĩ xem ảnh mà ngỡ gặp lại người trong mộng. Cái gợi của hình ảnh người con gái xinh đẹp thôn Vĩ Dạ xao xuyến khôn nguôi. Chúng tôi lặng đi khi được cô hướng dẫn viên xinh đẹp đọc lại bài thơ trong nỗi buồn ngọt ngào: "Gió theo lối gió, mây đường mây/ Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay…/ Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay?".

Hàn Mặc Tử mất tại nhà thương Quy Hòa (Quy Nhơn) năm 1941. Cô giáo Hoàng Thị Kim Cúc thương cho số phận cay đắng của Hàn thi sĩ, nhiều khi cũng day dứt về tình cảm lỡ làng và quá xót xa. Cô đã bày tỏ nỗi lòng mình bằng mấy vần thơ để đáp lại mối tình câm xưa. Như một nỗi hẹn trong vô thường rằng: "Hồn anh lẩn khuất ở đâu xa/ Hoa biết cùng ai thổ lộ ra/ Tuy sống giữa cảnh đời náo nhiệt/ Tình ai, ai vẫn cứ đậm đà" (ký bút danh Hoàng Hoa). Nữ sĩ Hoàng Hoa sống độc thân, cô đơn cho đến khi vào cõi năm 1989, tại thôn Vĩ.

Xóm Cồn có phố Ưng Bình

Hiện chính danh Cồn Hến gồm hai tổ dân phố 6A và 6B thuộc phường Vỹ Dạ, TP Huế. Dọc cồn có hai con ngõ chạy song song, dài đến vài cây số. Nhưng chỉ có một con đường cắt ngang ở giữa được mang tên phố Ưng Bình. Làng một phố. Những con đường xương cá hai bên gọi là kiệt. Có những kiệt dẫn ra bến cồn trên sông Hương đẹp như tranh thủy mặc.

Chúng tôi ai cũng ngẩn người vì những cảnh đẹp thơ mộng hiện ra bất ngờ. Nhưng mấy ai nhớ được cái tên Ưng Bình. Du khách tò mò tìm hiểu. Cô hướng dẫn viên mỉm cười kể một câu chuyện cũng bắt đầu từ những câu thơ của chính danh nhân nổi tiếng một thuở của thành Huế.

Nét đẹp Cồn Hến.

Đó là câu hò trên bến sông Hương do Hiệp tá Đại học sĩ Nguyễn Phúc Ưng Bình sáng tác. Chúng tôi ngỡ ngàng trước giọng hò của người hướng dẫn viên: "Chiều chiều trước bến Văn Lâu/ Ai ngồi ai câu, ai sầu, ai thảm/ Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông/ Thuyền ai thấp thoáng bên sông/ Nghe câu mái đẩy chạnh lòng nước non…". Đại học sĩ Nguyễn Phúc Ưng Bình được sinh ra từ thôn Vĩ Dạ (1877-1961) và là cháu ba đời của vua Minh Mạng. Ông là một nhà thơ và thầy tuồng nổi tiếng trong triều Nguyễn.

Sinh thời Nguyễn Phúc Ưng Bình là một người tài cao học rộng. Thuộc dòng hoàng thân quốc thích, tuy đỗ đạt hiển vinh, công thành danh toại, nhưng ông lại có tư tưởng chống Pháp nên thường đấu tranh bênh vực người nghèo.

Bi kịch trong tâm trí, làm sao thoát khỏi ách thống trị của giặc xâm lược nên thơ ông thường ẩn ức tâm trạng. Không những nổi tiếng về thơ ca, mà ông còn thâm sâu vững vàng trong nhiều lĩnh vực văn hóa cổ kim, nên giới nho sĩ thời đó đặt cho ông biệt danh "Ưng Bình Thúc Giạ Thị". Đặc biệt người dân thành Huế biết đến ông qua hàng trăm điệu dân ca.

Hàng chục làn điệu, câu hò của ông vẫn được phổ cập cho đến ngày nay. Không ai chèo thuyền trên sông mà không thuộc câu hò điệu lý quen thuộc từ trăm năm qua. Du khách đến thường được nghe những bài như "Đêm thất tịch", "Phong cảnh và nhân vật Vĩ Dạ", "Đầu lạ sau quen", hay các điệu hò Mái nhì…

Cô hướng dẫn viên càng nói về thơ ca, càng như say sưa hơn. Khi có người hỏi "Đầu lạ sau quen" nghe như hay hát trên các thuyền rồng, cô nói đúng rồi, và đọc ngay mấy câu, rằng: "Tới đây đầu lạ sau quen/ Quen người mở miệng cười quen tiếng/ Đào mận quen hơi, chuông vàng khánh ngọc quen lời…". Nghe đò đưa mà ngọt lịm cả làn da. Chúng tôi bỗng nhận ra Cồn Hến còn là mảnh đất thấm đẫm chất thơ. Chung quanh con đường hoa sầu đông càng như gợi nhớ đến tà áo tím bao đời nay nơi cố đô Huế. Những chiếc áo dài màu tím đã làm xao xuyến bao du khách tới đây. 

Cơm hến

Nói đến Cồn Hến là nói đến cơm hến. Nó trở thành đặc sản của Huế từ đời vua Thiệu Trị (1841-1847). Cái món quê kiểng nhỏ nhoi ấy mà lại được vua khen lạ, ngon miệng. Từ đó dân Cồn Hến ngày nào cũng gánh hàng vào thành bán. Phố phường tập nập vào tận cồn thưởng thức. Rồi cơm hến lên phố, thành hàng thành hiệu, với hương vị ngọt dịu, gọi mời.

 Lúc này, có mấy người phát hiện ra quán hàng "Bà Toàn", bán đủ các loại bánh Huế và cơm hến. Bà chủ nói như khoe: "Dân nghèo trước đây chỉ cơm với thịt hến luộc, chấm mắm ruốc". Bà còn nhấn nhá: "Thịt hến sào với hành thơm phức cuộn trong lá rau thơm, chấm mắm ruốc"… Chúng tôi ứa cả nước miếng thế là mấy người sà ngay vào ăn.

Được thể, bà chủ lại thủ thỉ, nguyên tắc bao giờ cũng phải hàng mới, đầu tiên phải hến tươi, nước mới và mắm ruốc mới. Một cô gái đi cùng đoàn còn đếm bát cơm hến có tới mười loại rau ăn vừa ngọt vừa mát. Nhưng tôi lại thú cái món gia vị ăn kèm. Nó sực lên mũi. Nóng lên mắt. Vã cả mồ hôi. Nhưng vì thế chăng cái vị hến, hương hến thấm vào đầu lưỡi và ngọt dịu trong cổ họng. Khi húp bát nước hến, thấy ấm nóng pha vị gừng thơm, được bà chủ múc lên từ bếp, làm ai cũng xuýt xoa khen ngon đã đời.

Vương Tâm
.
.