Cõi mộng tháng ba

Thứ Hai, 27/03/2017, 08:01
Mùa đông năm nay không lạnh. Nó khiến nhiều người thảng thốt nhớ rét... dù cái lạnh có thể làm người ta tê tái sống lưng, nhức buốt khớp gối hay đắng ngắt cõi lòng. Rồi tháng Ba đến. Tháng Ba mang theo mưa phùn, đem theo hơi lạnh và đem theo cả sự ướt át...


1.Sáng. Mưa phùn giăng giăng trên phố. Cô trùm tấm áo mưa loang màu hổ phách lên mình rồi nổ máy… Những giọt mưa li ti táp vào mặt. Cảm giác mịn, mát, lành lạnh. Một "cảm giác thật yomost!", cô chợt nhớ đến slogant của một sản phẩm đồ uống cho trẻ em và bật cười.

Nhưng rồi, cái cảm giác lành lạnh lại khiến cô chột dạ. Cô nghĩ đến căn bệnh viêm mũi dị ứng kinh niên của mình. Cô nhớ đến những trận hắt xì hơi như… súng liên thanh; đến cảnh nước mắt, nước mũi giàn giụa như đang xem phim ngôn tình… Thế nhưng cô không nỡ từ chối cái cảm giác được những giọt nước li ti táp. Mà nữa, hai má của thiếu phụ cận tuổi 40 đang cần được tưới những giọt khoáng xuân. Đó là chất dưỡng da của trời, của đất, của vũ trụ ban tặng.

Mưa phùn vẫn giăng giăng trên phố. Cô vẫn phơi mặt để đón những giọt khoáng xuân ấy. Cô hòa mình vào dòng người đang choàng áo mưa, đội "nồi cơm điện" để tận hưởng cái sự ướt át trong niềm khoái lạc của kẻ đã "bắt" được hương xuân muộn màng.

Cô còn AQ đến mức khi tiếc cho những người đang ngồi trong ô tô không được hưởng cái mát dịu của mưa xuân, cái khấp khởi bởi chút tình xuân và cả sự nuối tiếc khi xuân đến, rồi xuân sẽ đi. Liên miên trong niềm hoan lạc, mải miết theo dòng suy nghĩ nhưng rồi cô cũng đến được cơ quan với khuôn mặt đẫm nước, tóc tai dính bết.

Cô bấm thang máy, đi trên hành lang tầng 5 và nhìn xuống khoảng sân ở dưới đang đẫm nước mưa. Cô nhìn hàng cây suốt đời bị cái vòng kim cô là những cái chậu xiết chặt và nghĩ, chính mưa bụi tháng Ba đã giúp những cái cây cảnh kia được nới một chút khỏi cái vòng kìm hãm đáng ghét ấy. Giống như cô khi đi trong mưa bụi sáng nay đã tưới hương xuân, cái thứ hương mà đàn bà tuổi băm đời chót như cô đang tuột mất dần.

Hoa xoan tím trên các ngõ quê.

2. "Thế là chị ơi! Rụng bông hoa gạo". Câu thơ của Đoàn Thị Tảo, giai điệu của Trọng Đài và giọng hát của Mỹ Linh văng vẳng bên tai cô suốt cả buổi sáng tháng Ba mưa bụi. Câu hát đưa cô về miền ký ức tuổi thơ, về tháng Ba ở vùng quê với những bông hoa gạo đỏ rực trời. Hoa gạo đỏ ở đầu làng, hoa gạo đỏ bên bờ ao, hoa gạo đỏ ở giữa đồng.

Nếu không có tháng Ba, những cây gạo có lẽ sẽ bị bỏ quên. Màu đỏ như những chòm lửa khổng lồ giữa nền trời xám trắng của mưa bụi như một con dấu, đánh dấu vào thời khắc trong năm, đánh dấu một cái tên, vào sự tồn tại của hoa gạo.

Ký ức tháng Ba tuổi thơ của cô còn được đánh thức bởi hoa xoan. Những bông hoa tim tím, li ti là những cá thể để tạo nên những chùm hoa đẹp nao lòng người. Thứ hoa đẹp nhưng các bà, các mẹ ở quê đều rất "ghét". Ghét vì khi có hoa xoan sẽ có bọ xoan.

Đó là loại côn trùng nhỉnh hơn đầu tăm một chút, toàn thân màu xanh lá cây nhạt. Chẳng biết cả năm chúng giấu mình ở đâu, nhưng cứ đến mùa hoa xoan là chúng xuất hiện. Chúng bám trên những chùm hoa tím, lên những búp lá non. Khi đêm xuống, chúng theo ánh đèn bay vào nhà. Chúng đốt lên những đôi má bầu bĩnh của trẻ nhỏ, tạo ra những nốt sưng tấy nho nhỏ.

Đến giờ, khi đã qua cái thời làm bà mẹ bỉm sữa, nhưng cô vẫn chưa lý giải tường tận được những nốt đỏ trên má lũ trẻ ở quê những đận hoa xoan nở có đúng như cách nghĩ của các bà, các mẹ ở quê không...

Quê cô giờ không còn màu tim tím của hoa xoan khi tháng Ba về. Những đôi má phúng phính của trẻ nhỏ vì thế cũng không có những nốt đỏ. Nhưng trên đường, thi thoảng cô vẫn gặp hoa xoan mỗi đận tháng Ba. Đó là khi cô nhìn qua cửa kính xe khi chạy qua đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình hay đi lên mạn Vĩnh Phúc, Phú Thọ. Xoan được trồng ven bờ rào, ven bờ đường. Hoa xoan vẫn tim tím, vẫn nở vào mỗi dịp mưa phùn tháng Ba.

3. Khi đặt chân ra đô thành, tháng Ba mưa bụi ám ảnh trong cô màu trắng của hoa sưa. Những bông sưa nhỏ mọc thành chùm trắng muốt. Cánh sưa mỏng tang, rụng trắng sân ký túc xá Mễ Trì khiến thiếu nữ tuổi đôi mươi buồn đến nao lòng. Cô từng lặng ngắm những chùm sưa, từng dõi theo cánh sưa rời cành bay trong gió rồi lặng đậu xuống sân. Hoa sưa rụng thành lớp lớp, trắng muốt…

Hà Nội đẹp ngỡ ngàng mùa hoa sưa.

Sưa ở Hà Nội bây giờ nhiều lắm. Cứ tháng Ba là những cây sưa ở công viên tượng đài Lê Nin, trên phố Phan Đình Phùng, ở công viên Bách Thảo… bung nở. Màu trắng của sưa đánh thức ký ức của người đàn bà đã đi qua nửa đời người, đã nếm những đắng cay, tủi hờn và cả những ngọt ngào, hạnh phúc trong cô. Sắc trắng không tì vết bung giữa trời như liều thuốc mỗi khi tinh thần cô đi xuống. Nó giúp cô tin vào luật nhân quả, tin vào những gì tốt đẹp và tin vào chính mình.

Ký ức có vui, có buồn. Nhưng ký ức về loài hoa trắng này luôn đưa cô về thế giới của thanh tao, tinh khiết. Những ngày tháng Ba này, hoa sưa đang bung nở. Cô không phải nhờ cậy đến ký ức để nuôi dưỡng tinh thần đang xao động mà sưa đang hiển hiện trước mắt cô. Sắc trắng tinh khôi rồi sẽ vực dậy khoảng tâm hồn đang rơi vãi niềm tin của cô. Cô là thế, cô có niềm tin ở người, ở đời...

4. Hà Nội khởi động dự án 1 triệu cây xanh được cỡ một năm. Cây được trồng dày đặc trên các tuyến phố mới, được trồng xen kẽ trên những tuyến phố cũ. Sau nhiều ồn ào về việc thay thế những cây cũ bằng cây vàng tâm "rởm", Hà Nội đã thận trọng hơn khi lựa chọn cây cho phố xá của mình. Không chỉ vậy, Thủ đô còn rất lãng mạn khi lựa chọn những loài cây không chỉ cho màu xanh, cho bóng mát mà còn mang đến cho đời những sắc hoa: Phượng và ban.

Ban là loài hoa của Tây Bắc. Sự tích hoa ban kể rằng, có một người con gái Thái xinh đẹp, nết na yêu chàng trai tài hoa, tốt bụng. Thế nhưng, nàng bị cha ép lấy một người đàn ông khác. Không chịu khuất phục, người con gái ấy đã đi tìm người mình yêu. Nàng đi, đi mãi đến kiệt sức.

Nơi nàng nằm xuống sau đó mọc lên một loài cây. Loài cây nhanh chóng mọc ra khắp vùng Tây Bắc và bung hoa vào mùa xuân. Người ta lấy tên người con gái đặt tên cho loài hoa này. Cách lý giải về loài hoa có xuất xứ ở Tây Bắc khiến ai nghe qua cũng man mác buồn. Nhưng nó lại là biểu trưng cho tình yêu trong trắng, thủy chung của người con gái.

Thứ mà lịch sử nhân loại bao đời nay luôn hướng tới. Trước đây ở Hà Nội có rất ít hoa ban. Muốn ngắm hoa ban, người ta thường ra khu vực tòa nhà Quốc hội hoặc thoảng gặp ở góc sân ngôi biệt thự cũ trên phố Nguyễn Du. Nhưng tháng Ba này, người đi đường rất dễ gặp hoa ban. Chỉ có điều, vẫn còn có người chưa biết đấy là hoa ban. Điều này cũng dễ hiểu bởi đây là năm đầu tiên, ban xuất hiện nhiều trên các con phố.

Cô nhìn những bông hoa ban màu đỏ thẫm bung ra từ những khóe cành vẫn còn những vết chặt sắc gọn mà thán phục sức xuân mạnh mẽ của loài hoa này. Những cây hoa ban mới trồng được đưa về từ các vườn ươm nên bị chặt bớt cành. Ở "ngôi nhà mới", những cây hoa ban đã bén rễ, nảy mầm. Trên những "cánh tay" bị chặt bớt, những nhánh mới mọc ra. Và chắc chắn, cùng với thời gian, cành mới, nhánh mới sẽ trưởng thành, sẽ vươn vai, tỏa bóng mát. Nhưng điều kỳ diệu ở chỗ, trong lúc đợi hồi sinh, trưởng thành, ban vẫn bung hoa.

Những ngày này, trong làn mưa phùn tháng Ba, hoa ban đang khoe sức xuân của mình trên nhiều con phố. Nguyễn Du, Khâm Thiên, Lê Duẩn …, ban được trồng xen lẫn với cây bóng mát cũ như xà cừ, hoa sữa, bằng lăng… Còn trên những con phố mới như đường vành đai II, Võ Chí Công…, ban đang khoe sắc đỏ bên cạnh các bạn phượng được trồng cả dãy dài. Một năm, rồi hai năm…, với sức sống mãnh liệt và khát khao khoe vẻ đẹp tinh khiết, trường tồn, ban sẽ bung sắc đậm đà hơn. Khi đó, trong tiết mưa phùn, Hà Nội mãi là thành cõi mộng của những người đàn bà nặng lòng với tháng Ba…

Cao Hồng
.
.