Cỏ xanh non tơ…xin chớ vô tình

Thứ Hai, 20/04/2009, 15:30

(Nhân đọc “Khúc tráng ca Thành cổ”)
Kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng Quảng Trị (1972-2009), những người lính giải phóng đã từng tham chiến tại chiến trường Quảng Trị đã có một việc làm đầy ý nghĩa: Gặp mặt và cùng nhau làm nên tập sách "Khúc tráng ca Thành cổ".

Một tập sách dày 500 trang với những bài ghi chép, hồi ức, kể chuyện, một số bài thơ, bản nhạc, bức ký họa, ảnh tư liệu… Mỗi bài viết là những câu chuyện xúc động, mô tả lại cuộc chiến đấu hào hùng của những anh bộ đội Cụ Hồ, thuộc các sư đoàn 304, 325, 3208, bộ đội địa phương Vĩnh Linh, Quảng Trị, huyện đội Hải Lăng…

Từ những hồi ức của các vị tướng một thời gắn với chiến trường Trị-Thiên như Trung tướng Lê Tự Đồng, Trung tướng Sùng Lãm… cho đến vài trang nhật ký của những anh chiến sĩ như Đào Chí Thành, một sinh viên khoa Toán của Đại học Sư phạm I, Hà Nội - chiến sĩ thuộc C14, E95, sư đoàn 325, nhật ký của Trần Quốc Hưng, sinh viên Đại học Sư phạm, chiến sĩ đại đội 2, E68, sư đoàn 304… tất cả đều đầy sức nặng và gây xúc cảm mạnh mẽ trong lòng người đọc bởi sự chân thực trong tâm hồn người lính và tính xác thực của các chi tiết, sự kiện trong chiến tranh mà chỉ những người trong cuộc mới biết và hiểu được.

Đây là hình ảnh người lính Lê Xuân Tùng, cựu sinh viên, nguyên chiến sĩ đại đội 3, D1, E101, sư đoàn 325 trong đêm cùng đơn vị vượt sông Thạch Hãn vào giữ Thành cổ: "Chiều tà chúng tôi được lệnh hành quân tiến về phía bờ sông. Giờ này địch oanh kích dữ dội. Chỉ mấy trăm mét thôi mà phải bốn, năm lần chúi đầu vào những hố pháo, hố bom, đống gạch vụn bên đường để tránh những trái pháo nổ đinh tai nhức óc, mảnh bay chiu chíu trên đầu. Sông Thạch Hãn đây rồi! Chúng tôi vừa nhảy xuống những đoạn hào dọc theo bờ sông thì chớp xanh lóc trên đầu, không nghe thấy tiếng nổ, nhưng ngực muốn vỡ ra, đất cát trùm lên người. Mặt đất dưới chân rung chuyển, vách hào đổ sập. Chui ra giữa đống cát bụi tôi thấy mình nằm trên mặt đất. Hầm hào biến mất. Lần đầu tiên chúng tôi hiểu thế nào là bom B52 ném trúng đội hình… Chờ cho bom pháo chuyển làn mọi người tranh thủ làm phao. Lại một đợt B52 nữa ném vào bờ nam sông. Nhiều trái rơi xuống lòng sông, dựng lên cả cột nước lớn...".

Cái khúc sông Thạch Hãn mà bộ đội Trung đoàn 101 dùng làm bến vượt qua sông nằm ngay thôn Đầu Kênh, thuộc xã Triệu Long, huyện Triệu Phong. Nơi Trung đoàn 101 giữ chốt suốt mùa hè đỏ lửa 1972, phía đông bắc Thành cổ Quảng Trị. Bây giờ nơi ấy vẫn có nhiều người qua lại trên con đường lớn, nhưng ít ai còn nhớ nơi đây đã từng phải hứng chịu hàng ngàn trái bom, trái pháo.

Đã có hàng trăm ca khúc hay của một thời đánh Mỹ. Những bài ca có sức mạnh dựng cả một dân tộc vượt qua bao thử thách khó khăn để đánh giặc, nhưng nhiều người lính tham chiến ở chiến trường Trị Thiên Huế mỗi khi nghe những giai điệu của bài hát "Cỏ non Thành cổ" của nhạc sĩ Tân Huyền, đã không cầm nổi nước mắt… "Cỏ non Thành cổ một màu xanh non tơ/ Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ… Người vợ nào, người mẹ nào ngậm ngùi nuốt lệ khi chồng con không trở về… Cỏ non xanh tơ, cỏ non xanh tơ xin chớ vô tình với người hy sinh cho hạnh phúc quê mình…".

Đinh Thế Huynh, một người lính trinh sát của sư đoàn 325, chốt giữ Thành cổ Quảng Trị, nay là ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân dân đã viết trong hồi ức của mình về những ngày chiến đấu giữa Thành cổ Quảng Trị anh hùng "Rừng bạt ngàn và cát trắng miên man, ở đâu trên mảnh đất Quảng Trị kiên cường này chẳng chất nặng xương máu và ân tình của đồng đội, đồng chí, đồng bào…

Trong dòng người đến với Quảng Trị hôm nay, có một người lính mang theo những nén nhang do chính vợ anh mua. Chị chưa một lần đặt chân đến Quảng Trị. Nhưng chị hiểu đối với anh cũng như với nhiều người lính khác, những người thật đáng sống, đã hy sinh… Anh thắp nén nhang tại Đài tưởng niệm cao 8,1 mét dưới chân cây thiên mênh cũng cao 8,1 mét".

Những con số ghi dấu 81 ngày đêm hàng vạn những người lính giải phóng đã căng mình ra để giữ từng thước đất Quảng Trị. Đất không còn là đất nữa. Là hồn thiêng sông núi. Là lòng danh dự, tự trọng của lòng dũng cảm trước sức mạnh bạo tàn…

Giá như một ngày đẹp trời nào đó, bạn gặp một quan chức hàng tỉnh, một vị bộ trưởng, một nhà doanh nghiệp lớn… đi trên những chiếc xe hơi sang trọng, xin bạn cũng đừng vội giận; và đừng buồn. Hoặc giả, bạn gặp một anh nông dân, da mặt sạm đen, đôi mắt hằn sâu vai vác cuốc đi bình thản trên những thửa ruộng đang kỳ nắng hạn, nước lụt trắng đồng.

Hoặc giả chỉ là một anh trai chở vợ vào mỗi sớm Hà Nội chưa tan sương, quanh anh núi rau, núi quả xếp cao bao phủ kín người. Hoặc giả chỉ là một anh xe ôm, đứng trầm ngâm dưới gốc cây sấu già chờ khách, đôi mắt trầm tư, ẩn chứa bao nỗi lo lắng, buồn phiền. Xin bạn chớ bất ngờ.

Tất cả những con người có danh và vô danh ấy, một ngày chưa xa, họ đã từng khoác lên mình bộ quần áo xanh màu lính trận. Trong đáy mắt sâu của họ thăm thẳm trong những giấc mơ, giật mình trở giấc giữa đêm khuya vẫn còn đó chớp lửa bom sáng lòa và dòng nước trong xanh của dòng Thạch Hãn ngày hè.

Nhiều năm sau, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bá Dương, một người lính của bộ đội địa phương Quảng Trị trong một đêm thơ, nhớ về ký ức giữ Thành cổ Quảng Trị anh vẫn không quên những người đồng đội của mình: "Đò xuôi Thạch Hãn… Ơi chèo nhẹ! Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi 20 thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm"

Đỗ Kim Cuông
.
.