Có thật nhạc sĩ Trinh Công Sơn "bịa" ra từ "cốm sữa"?

Thứ Năm, 16/01/2014, 08:00
Thường sau mỗi ca khúc lại có thêm một lời bình, một phân tích đánh giá rất ngắn gọn về nội dung nghệ thuật hay về tác giả của ca khúc ấy. Chúng ta ai cũng biết rằng, hẳn những người làm chương trình muốn người nghe dễ hiểu và hiểu sâu hơn tác phẩm và tác giả. Điều đó rất tốt nếu như những lời bình, những nhận định hay và đúng. Còn như những lời bình, những nhận định dở và sai thì thật là tai hại, rất phản cảm, gây khó chịu cho người nghe...

Trong chương trình ca nhạc phát trên sóng VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam vào hồi 22h30', ngày 2/11/2013 có một loạt ca khúc với chủ đề về mùa thu Hà Nội. Phải nói là rất tuyệt vời. Tự thân các ca khúc đã quá hay, lại được các giọng ca là những ngôi sao hàng đầu trong làng ca nhạc Việt Nam biểu diễn nên những người yêu nhạc trong cả nước chỉ còn biết lặng yên mà nghe, mà thưởng thức, mà trầm trồ, mà tâm phục khẩu phục. Nghe xong cứ bần thần cả người. Tiếng đàn, nốt nhạc cuối cùng đã chấm dứt, giọng ngân của ca sĩ đã lắng xuống mà dư âm của nó cứ lan tỏa, lan tỏa mãi. Cảm ơn Đài Truyền hình Việt Nam đã cho chúng tôi một bữa tiệc âm nhạc như thế.

Nhưng có điều này cần phải nói thêm, phải xem xét lại. Ấy là sau mỗi ca khúc lại có thêm một lời bình, một phân tích đánh giá rất ngắn gọn về nội dung nghệ thuật hay về tác giả của ca khúc ấy. Chúng ta ai cũng biết rằng, hẳn những người làm chương trình muốn người nghe dễ hiểu và hiểu sâu hơn tác phẩm và tác giả. Điều đó rất tốt nếu như những lời bình, những nhận định hay và đúng. Còn như những lời bình, những nhận định dở và sai thì thật là tai hại, rất phản cảm, gây khó chịu cho người nghe.

Tôi xin lấy ví dụ khi nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha nói: "Không ở đâu như ở Việt Nam, mùa thu không chỉ của đất trời... của thiên nhiên, mùa thu còn là mùa thu cách mạng nữa". Nhận xét như vậy thì quả là rất đúng, ngắn gọn và dễ hiểu. Còn nói như ca sĩ Hồng Nhung trong ca khúc "Nhớ mùa thu Hà Nội" của Trịnh Công Sơn thì thật là khó lọt tai người nghe. Chị kể rằng ngày đầu hát ca khúc ấy, hát đến câu "Cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua" biết nó hay vậy thôi chứ chưa hiểu "Cốm sữa" là gì. Chị đã tìm gặp Trịnh Công Sơn để hỏi, anh Sơn trả lời: "Do anh ngồi ăn cốm ở vỉa hè, thỉnh thoảng một vài lá sữa rụng xuống, một làn hương thoảng qua và anh bịa ra thế".

Ca sĩ Hồng Nhung biểu diễn ca khúc "Nhớ mùa thu Hà Nội" của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Tôi hoàn toàn thất vọng và không thể tin có chuyện như thế bởi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là người rất tài giỏi trong việc sử dụng ngôn từ trong ca khúc của mình, nhất là trong ca khúc "Nhớ mùa thu Hà Nội". Này nhé, ngay từ những câu đầu tiên:

Hà Nội mùa thu
Cây cơm nguội vàng
Cây bàng lá đỏ
Nằm kề bên nhau
Phố xưa nhà cổ
Mái ngói thâm nâu

Này nhé:

Hồ Tây chiều thu
Mặt nước vàng lay
Bờ xa mời gọi
Màn sương thương nhớ
Bầy sâm cầm nhỏ
Vỗ cánh mặt trời

Như thế đấy, nếu tách phần nhạc ra, những khổ thơ trên đã đủ hay đạt đến độ toàn bích rồi. Nhất là nó lại chính xác đến từng milimet.

Còn câu "Cốm sữa vỉa hè/ Thơm bước chân qua" tôi xin nói thế này: Tôi vốn gốc gác nông dân, sinh ra và lớn lên ở nhà quê. Quê tôi là làng Thanh Hương thuộc tỉnh Thái Bình, một làng nghề làm cốm từ rất lâu rồi. Ngày xưa khi lúa nếp ngoài đồng (nếp cái hoa vàng) qua thời kỳ đông sữa, chớm bắt đầu vào mẩy, tức là lúa nếp còn rất non, người ta cắt về để làm cốm. Cốm ấy vừa có màu xanh tự nhiên rất dẻo lại thơm, ăn ngon lắm. Nhưng làm thế thì khó lắm, mất thời gian và hao lắm. Giá thành cốm sẽ lên rất cao.

Ngày nay vì lợi nhuận người ta làm cốm bằng thóc nếp già. Làm xong rồi nhuộm màu. Nếu nhuộm màu bằng lá gừng non hoặc lá bàng non còn khá, chứ nhuộm bằng phẩm màu hóa chất thì nguy hiểm lắm. Không còn cốm sữa đâu. Và hơn thế nữa, trong những áng văn thơ thời kỳ chống Mỹ, tôi đã gặp hai lần như thế này: Một là tùy bút "Đường chúng ta đi" của nhà văn Nguyên Ngọc (ký bút danh Nguyễn Trung Thành), một tùy bút hay như một bài thơ, ở đấy nhà văn Nguyên Ngọc đã ví von mùi hương lúa đang làm đòng thơm như sữa của người mẹ trẻ. Thật là một so sánh độc đáo và thú vị. Hai là trong một liên khúc thơ của Nguyễn Đức Mậu trên Văn nghệ Quân đội có những câu:

Còn lúa ở nơi nào lúa ơi
Tôi khát đặt bàn chân lên gốc rạ
Ước được cắn hạt lúa vừa ngậm sữa
Ôi mùi bùn sắc cỏ vùng đai

Cho nên Trịnh Công Sơn, ông dùng cái từ "cốm sữa" là ở cái ý nghĩa như thế. Rất tinh tế và vô cùng chính xác. Còn cái hương của hoa sữa nó chỉ thơm nồng nàn trong ca khúc của Hồng Đăng hay thơm trong các bài thơ của các nhà thơ thôi. Còn ngoài trời, thú thật nó nồng nặc không dễ ngửi đâu.

Đây là những thiển ý của tôi, một người mê nghe hát. Vẫn biết rằng đến bây giờ khó có ai hát ca khúc "Nhớ mùa thu Hà Nội" của Trịnh Công Sơn hay bằng ca sĩ Hồng Nhung. Mong có nhà ngoại cảm nào thật tài năng nối được âm với dương, tôi xin gặp Trịnh Công Sơn để hỏi cho ra nhẽ

Hoàng Đức Anh
.
.