Có phải Bác Hồ đề thơ trên Vạn Lý Trường Thành?

Thứ Hai, 17/05/2010, 08:30
Vạn Lý Trường Thành là công trình kiến trúc thành lũy kỳ vĩ bậc nhất của Trung Quốc, là một trong bảy kỳ quan của thế giới xuất hiện ở thời kỳ cổ đại cách đây trên 2000 năm (thế kỷ thứ II trước Công nguyên). Năm 1987, Vạn Lý Trường Thành được UNESCO công nhận là di sản thế giới cùng với 20 di sản khác.

Bác Hồ đã có lần đến thăm Vạn Lý Trường Thành và có thơ về Vạn Lý Trường Thành. Báo Văn nghệ Công an số 126 đã in bài "Bác Hồ đề thơ trên Vạn Lý Trường Thành" của tác giả Quốc Thái, tiếc là còn một vài điểm chưa chính xác.

Thứ nhất, thời gian Bác đến thăm Vạn Lý Trường Thành là năm 1955 (chứ không phải năm 1958 như tác giả viết). Ngày 23/6/1955, Bác dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ lần đầu tiên thăm chính thức Trung Quốc. Trong lịch trình, phía bạn bố trí Bác thăm Vạn Lý Trường Thành tại cửa ải Cư Dung  trên tuyến Bát Đại Lĩnh (cửa ải là một trong bốn bộ phận của Trường Thành. Cửa ải được đặt ở nơi hiểm yếu, đầu mối giao thông).

Theo sách "Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc" của Viện Khoa học xã hội Quảng Tây, Trung Quốc và sách "Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh" của Giáo sư Hoàng Tranh, Trung Quốc đều ghi rõ: "Ngày 6/7/1955, Người đi thăm Vạn Lý Trường Thành, trên đường trở về ngồi trên xe lửa, Người đã làm thơ ghi lại cảm tưởng về công trình vĩ đại này".

Bác Hồ thăm Vạn Lý Trường Thành.

Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác cùng đi với Bác chuyến này, trong hồi ký cũng cho biết Bác Hồ làm bài thơ sau khi thăm Vạn Lý Trường Thành trên đường trở về. Như vậy, việc tác giả Quốc Thái viết: "Một tiếp viên kính cẩn dâng trước Hồ Chủ tịch một chiếc khay đẹp như ngọc thạch, trong đựng cây bút lông và nghiên mực tàu, ngỏ ý xin Người đề thơ tặng Vạn Lý Trường Thành làm kỷ niệm. Người mỉm cười đồng ý" và "Sau này, bốn câu thơ của Bác được chạm sâu vào đá nên nét chữ của Người vẫn được bảo toàn" là chưa chính xác.

Năm 1995, người viết bài này có dịp đến thăm Vạn Lý Trường Thành tại cửa ải Cư Dung, tuyến Bát Đại Lĩnh trong Đoàn Quốc hội Việt Nam do Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trung Quốc và người phụ trách Hội Vạn Lý Trường Thành hướng dẫn và giới thiệu. Bạn có đọc thơ của một số nhà thơ Trung Quốc. Khi trao đổi, người viết bài này đã bộc lộ đôi điều cảm nghĩ về các bài thơ viết về Vạn Lý Trường Thành và đọc bài thơ của Bác Hồ "Vịnh Vạn Lý Trường Thành", mọi người reo lên hảo, tuyệt hảo. Và như có một ý tưởng vụt đến, người phụ trách Hội Vạn Lý Trường Thành nói: Phải gắn bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào Vạn Lý Trường Thành.

Về bốn câu thơ của Bác "Vịnh Vạn Lý Trường Thành", nguyên văn chữ Hán, dịch âm Hán Việt như sau:

Thích thuyết Trường Thành vạn lý trường,
Đầu liên Đông Hải, vĩ Tây cương.
Kỷ thiên bách vạn lao động giả,
Kiến trúc tư thành trấn nhất phương.

Nhiều sách xuất bản ở Việt Nam và Trung Quốc đã in như thế. Tác giả bài báo nói trên dẫn sai câu 2 và câu 4. Câu 2: "Đầu liên Đông Hải, vĩ Tây cương" (nghĩa là đầu liền với đông Hải, đuôi đến biên giới phía Tây) lại được dẫn là: "Đầu bên Đông Hải, vĩ Tây Cương".

Cũng xin nói thêm, đọc một số bài viết khác đề cập tới bài thơ này, tôi thấy chữ Tây cương thường được viết hoa, như thể địa danh, kỳ thực Tây cương ở đây có nghĩa là biên cương (biên giới) phía tây. Đoạn cuối Trường Thành nằm ở Gia Dụ Quan, tỉnh Cam Túc, phía tây bắc Trung Quốc, ở đây không có địa phương nào mang tên Tây Cương cả. Câu 4: "Kiến trúc tư thành trấn nhất phương" (nghĩa là xây đắp thành này để trấn giữ một phương) chứ không phải trấn giữ bắc phương như tác giả Quốc Thái dẫn: "Kiến trúc tư thành trấn bắc phương".

Mấy điều xin được trao đổi cùng tác giả

Lê Xuân Đức
.
.