Có “một nỗi buồn” về thị hiếu thưởng thức âm nhạc trong giới trẻ

Thứ Năm, 10/05/2018, 08:53
Ngày càng nhiều "ca khúc hiện tượng" xuất hiện, làm mưa làm gió trong giới trẻ. Phải chăng, thị hiếu thưởng thức âm nhạc của các giới trẻ hiện nay đang có vấn đề?


Ca khúc "Người âm phủ" và cái tên Osad (tên thật là Mai Quang Nam) đang gây bão trên cộng đồng mạng những ngày gần đây. Không có nhiều điều để viết về giá trị âm nhạc của ca khúc "Người âm phủ" cũng như "ngôi sao mạng" Osad. Điều đáng quan tâm là, ngày càng nhiều "ca khúc hiện tượng" xuất hiện, làm mưa làm gió trong giới trẻ. Phải chăng, thị hiếu thưởng thức âm nhạc của các giới trẻ hiện nay đang có vấn đề?

Những "ca khúc hiện tượng"

Tính đến thời điểm này, "Người âm phủ" vẫn là ca khúc đứng đầu bảng xếp hạng trên trang nghe nhạc trực tuyến Zingmp3. Trên youtube, ca khúc này cũng đã thu hút gần 20 triệu lượt xem. Rất nhiều ý kiến trái chiều được bàn tán trên các diễn đàn khiến "Người âm phủ" càng thêm "hot".

Ngay cả cái tên ca khúc, dường như chẳng liên quan gì đến nội dung cũng được "mổ xẻ". Có ý kiến cho rằng, "Người âm phủ" hay, mới lạ, độc đáo, đánh trúng tâm lý của các bạn trẻ. Tuy nhiên, ý kiến trái chiều thì cho rằng, "Người âm phủ" không có giá trị về mặt nghệ thuật, thậm chí là "thảm họa" âm nhạc mới xuất hiện.

Dù không được đánh giá cao về sáng tạo nghệ thuật nhưng ca khúc "Ngắm hoa lệ rơi" do ca sĩ Châu Khải Phong trình bày vẫn thu hút gần 50 triệu lượt xem trên youtube.

Nói "Người âm phủ" là thảm họa âm nhạc thì có lẽ hơi quá. "Người âm phủ" là một ca khúc được viết theo thể loại rap. Lời ca khúc là lời "tán gái" mà giới trẻ hiện nay thường gọi là "thả thính". Phần âm nhạc của ca khúc không có gì đáng chú ý. Nó diễn ra đều đều, không theo kết cấu có cao trào hay điệp khúc trong bài hát thường thấy. Chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng sức hút của "Người âm phủ" thì có lẽ, nhiều nghệ sỹ tên tuổi trong showbiz Việt cũng "phải ngước nhìn".

Có lẽ, ngay cả tác giả ca khúc - Osad, chàng sinh viên Đại học Bách khoa cũng không ngờ rằng "Người âm phủ" lại có sức khuynh đảo thị trường âm nhạc và cộng đồng mạng đến vậy. Cái tên Osad cùng những sáng tác trước đó của chàng trai trẻ này như "Củ lạc", "Yêu đương"… cũng được tìm kiếm với tốc độ chóng mặt trên mạng internet. Nhìn chung, những sáng tác của Osad có màu sắc riêng biệt. Đó là những ca khúc rap về chủ đề yêu đương của giới trẻ, có phần âm nhạc đơn giản, vui tươi, hài hước và dễ nghe.

"Cô gái M52" (sáng tác và biểu diễn của HuyR và Tùng Viu) cũng liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng Zingchat trong nhiều tuần liền. Nội dung ca khúc nói về nỗi lòng của chàng trai đem lòng yêu cô gái tuy không cao (cao 1m52) nhưng lại rất có duyên. Phần âm nhạc của ca khúc không có gì đặc biệt. Thậm chí, nhiều khán giả cho rằng, giai điệu ca khúc "Cô gái M52" rất giống với bản nhạc "Ơn nghĩa sinh thành" của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, chỉ có điều tiết tấu của "Cô gái M52" nhanh hơn.

Tính đến thời điểm này, ca khúc "Ngắm hoa lệ rơi" (sáng tác Duy Cường, biểu diễn ca sĩ Châu Khải Phong) đã thu hút gần chạm mốc 50 triệu lượt người xem trên youtube, đồng thời cũng là 1 trong 4 ca khúc được nghe nhiều nhất trên Zingmp3. Đây là một bản nhạc có giai điệu không mới, mang âm hưởng âm nhạc Trung Quốc, không được đánh giá cao về sáng tạo nghệ thuật.

Câu hỏi đặt ra là, vì sao những ca khúc không được đánh giá cao về mặt nghệ thuật lại thu hút rất lớn lượng người nghe, người xem… Lý giải điều này, nhiều bạn trẻ cho rằng, điều họ mong muốn nhất khi nghe nhạc chính là yếu tố giải trí. Chính vì vậy, các bạn trẻ không quan tâm quá nhiều đến giá trị nghệ thuật của ca khúc mà chỉ cần ca khúc có giai điệu dễ nghe, lời ca khúc dễ nhớ, dễ thuộc. Đặc biệt, vấn đề ca khúc đề cập không cần "đao to, búa lớn" mà chỉ cần đánh trúng tâm lý, vấn đề mà họ quan tâm.

Thị hiếu thưởng thức nghệ thuật của giới trẻ có vấn đề?

Không ít người cho rằng, thị hiếu thưởng thức nghệ thuật của giới trẻ hiện nay đang có vấn đề. Những sản phẩm âm nhạc "nhái", thậm chí là kém chất lượng lại trở thành món ăn tinh thần được đông đảo bạn trẻ yêu thích. Trong khi đó, có những sản phẩm nghệ thuật chất lượng, được đầu tư bài bản, nghiêm túc, đầy tâm huyết, trí tuệ của nghệ sỹ lại chật vật tìm đường đến với công chúng.

Yêu, ghét, "gu" thưởng thức nghệ thuật là chuyện cá nhân của mỗi người và không thể áp đặt, bắt mọi người phải cùng yêu thích một ca khúc hay sản phẩm nghệ thuật nào đó. Tuy nhiên, việc có quá nhiều bạn trẻ yêu thích một cách cuồng nhiệt những ca khúc không mang giá trị nghệ thuật lại đặt ra rất nhiều vấn đề đáng phải suy ngẫm.

Với ca khúc "Người âm phủ", cái tên Osad - Mai Quang Nam trở thành từ khóa hot được tìm kiếm nhiều trên internet thời gian gần đây.

Khi những ca khúc bị coi là "thứ cấp" chiếm lĩnh vị trí hàng đầu trong những bảng xếp hạng âm nhạc, dù đó là bảng xếp hạng âm nhạc trực tuyến cũng làm đảo lộn các giá trị nghệ thuật. Việc ghi nhận sự nỗ lực, cống hiến, sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sỹ trong thời đại công nghệ số cũng thay đổi. Từ hiện tượng này, chắc chắn không ít nghệ sỹ trẻ mới bước vào nghề thấy rằng, lao động nghệ thuật một cách nghiêm túc chưa hẳn đã là con đường đi đến thành công mà thay vào đó, cần phải có sản phẩm nghệ thuật biết "chiều lòng khán giả".

Điều này đã được minh chứng từ chính thực tế thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay. Không khó để điểm danh những ca khúc nhảm, nhạt xuất hiện trên mạng internet thời gian gần đây. Một trào lưu, câu cửa miệng của cư dân mạng kiểu như "anh không đòi quà", "não cá vàng", "quan trọng là thần thái", "vì anh là soái ca", "đẹp trai thì mới có nhiều đứa yêu", "đắng lòng thanh niên"… cũng trở thành nguồn cảm hứng cho ra đời ca khúc mới mà đôi khi nghe xong, hiểu được nội dung ca khúc cũng là… thành công của người thưởng thức âm nhạc. Tuy nhiên, với người sáng tác, hiểu được ca khúc hay không, không quan trọng mà quan trọng là ca khúc đó có được bao nhiêu lượt người nghe, xem, download và có trở thành hit hay không.

Thay vì tận tâm cống hiến và sáng tạo, một số nghệ sỹ trẻ lại tìm cách nổi tiếng bằng những chiêu trò ngoài nghệ thuật, bất chấp đó là những "trò lố" bị khán giả "ném đá" kịch liệt, thậm chí là đòi tẩy chay. Phải chăng đây cũng là hệ lụy từ việc các giá trị nghệ thuật bị đảo lộn, khi mà các sản phẩm nghệ thuật đích thực bị "lép vế" so với những sản phẩm kém chất lượng khác?

Một hệ lụy nữa cũng phải nhắc tới là sự tung hô của các bạn trẻ khiến những "hiện tượng mạng" ảo tưởng về bản thân mình. Kéo theo sự nổi tiếng với ca khúc "Người âm phủ", Osad được nhiều trang báo mạng săn đón, tin, bài về chàng sinh viên này xuất hiện tràn ngập trên mặt báo. Từ một nhân vật trong thế giới nhạc underground, Osad đường hoàng bước vào showbiz. Anh bắt đầu chạy show và được khán giả tung hô như những nghệ sỹ thực thụ. Không biết con đường nghệ thuật của Osad sẽ đi đến đâu và anh có xác định theo đuổi nghệ thuật một cách nghiêm túc hay không nhưng tôi cho rằng, vào lúc này, danh vọng và hào quang showbiz đang là tấm áo quá rộng cho tài năng của Osad.

Osad từng chia sẻ trên các phương tiện truyền thông về cách anh sáng tác một ca khúc mới đó là tìm beat trên mạng, viết xong hết lời rồi nhờ người phối khí để trở thành một bài hát mới hoàn chỉnh. Đây cũng là cách mà nhiều bạn trẻ yêu thích âm nhạc sử dụng để sáng tác ca khúc mới hiện nay. Cách sáng tác ca khúc thời công nghệ số đã phá vỡ quan niệm sáng tác truyền thống khi thậm chí người sáng tác không cần có kiến thức sơ đẳng về âm nhạc. Liệu những người sáng tác ca khúc nhưng thực chất chỉ là người viết lời, đọc lời theo tiết tấu có trở thành nhạc sỹ thực thụ?

Trong thời kỳ công nghệ số, "ca khúc hiện tượng", "ngôi sao mạng xã hội" xuất hiện là điều khó tránh khỏi. Những gì không có "bột" thì chắc chắn không thể "gột nên hồ". Vẻ hào nhoáng bên ngoài không thể che lấp "tài năng chưa tới" bên trong. Cái gì là "hiện tượng", "trào lưu" thì sớm hay muộn cũng sẽ bị thay thế bởi hiện tượng, trào lưu mới. Tôi vẫn mong muốn các bạn trẻ sẽ là những người nghe nhạc văn minh, có bản lĩnh và ý thức để góp phần vào sự phát triển nền âm nhạc Việt Nam trong tương lai.

Phạm Thiên Giang
.
.