Có một hội chứng chối từ giải thưởng

Thứ Sáu, 19/01/2007, 15:00

Trong năm 2006 này, các “cổ động viên” của giới nghe nhìn đã không ít lần phải “đứng lên, ngồi xuống” bởi những vụ lình xình liên quan đến các giải thưởng văn học nghệ thuật. Đặc biệt, ở ngành văn, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, lần lượt cả 2 nhà thơ trẻ và già đều gặp nhau ở một quyết định, ấy là... chia tay với giải thưởng thường niên của Hội.

Việc chưa kịp lắng xuống, tại đất Đế đô nghìn năm văn hiến đã lại bùng lên một sự cố: một tác giả tuổi quá lục tuần đùng đùng nổi đóa từ chối không nhận giải thưởng chính thức của cuộc thi “Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” do Báo Người Hà Nội tổ chức. Người mà chúng tôi nhắc tới là ông Đàm Khánh Phương, tác giả chùm thơ đoạt giải Ba đã được Hội đồng Chung khảo công bố trên Báo Người Hà Nội cuối tuần số ra ngày 21/12/2006.

Với cái tít khá nặng nề, mang tính ám chỉ cá nhân “Giải thưởng Văn chương thủ đô đâu phải ao đánh giậm”, và độ dài kín đặc 5 trang giấy, với đủ các kiểu chữ, khi to, khi nhỏ, khi đậm, khi nghiêng... để nhấn mạnh, cùng các bản tài liệu được photo rõ ràng làm bằng chứng, điều trước nhất ông Phương muốn chứng minh: Đây là một giải thưởng nhôm nhoam, không phản ánh đúng thực chất. Và ông viện dẫn ra hàng loạt những cái tên theo ông là “sáng giá” như: Nguyễn Thụy Kha, Chử Văn Long, Nguyễn Hoa, Nguyễn Thanh Kim, Trần Nhương, Nguyễn Sĩ Đại... mà rốt cục cũng chỉ là “tay trắng” trong cuộc thi có nhiều tác giả “khó nhớ tên” tham gia và được giải này.

“Văn chương tự cổ vô bằng cớ”, quả là đọc những ý kiến trên của ông Đàm Khánh Phương, chúng tôi không dám lạm bàn. Phần vì lượng bài dự thi trên tờ báo này nghe nói rất nhiều (riêng phần thơ được đăng đã tới trên ngàn bài), phần vì bản thân ông Phương cũng có bài tham gia và giá trị giải thưởng không cao, cho nên chúng tôi e cách nhìn nhận của ông về kết quả cuộc thi chưa hẳn đã được khách quan. Tuy nhiên, có một điều không thể phủ nhận, là ông Phương đọc rất nhiều, rất kỹ, nếu không muốn nói ông là người theo dõi sát nhất diễn biến của cuộc thi này. Có vậy, ông mới phát hiện ra được có những bài của tác giả được giải từng được những người có trách nhiệm của bản báo “đọc rồi quên” mà đưa in trên báo mình tới... 2 lần.

Một điều đáng nói nữa, có lẽ ông Phương cũng là người thường xuyên qua lại chỗ Ban Tổ chức nên ông đã phát hiện ra việc... suýt nữa thì một vài cá nhân nào đó đã tự quyết định danh sách giải thưởng, thay vì phải lập ra Hội đồng Chung khảo (như trong thông báo thể lệ cuộc thi) và kịp phản ảnh với lãnh đạo cơ quan chủ quản để điều chỉnh. Ngay như việc báo in danh sách Hội đồng Chung khảo và đề “nhầm” hai chữ nhà thơ trước tên của nhà văn Cao Tiến Lê cũng là điều không phải ông Phương không “để mắt tới”. Cũng theo ông Phương thì việc in danh sách các tác giả được tặng thưởng cùng một khung với danh sách Hội đồng Chung khảo là không minh bạch. Vì thực chất tặng thưởng là do Ban Tổ chức chứ không do Hội đồng Chung khảo quyết định.

Về việc này, chúng tôi đã trao đổi với nhà thơ Bùi Việt Mỹ, ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội, Phó tổng biên tập Báo Người Hà Nội. Mặc dù rất buồn vì việc có liên quan đến cơ quan mình, song ông Mỹ cũng thừa nhận những điều nêu trên là có cơ sở.

Điểm thứ hai, tuy không phải là nguyên nhân chính song cũng được ông Phương “mổ xẻ” một cách quyết liệt, là việc Ban Tổ chức đã vi phạm thể lệ cuộc thi, “bội ước” với các cộng tác viên của báo.

Theo tài liệu mà ông Phương cung cấp, trong thông báo về thể lệ cuộc thi (đã được đăng trên Báo Người Hà Nội số ra ngày 6/8/2004) thì “Lễ công bố các tác phẩm trúng giải và trao giải vào dịp 10/10/2005 tại Hà Nội”, trong khi thực tế, cuộc thi đã phải kéo dài thêm hơn một năm nữa. Tất nhiên, là những người làm báo, chúng tôi hiểu nguyên nhân có thể vì đến thời điểm ấy, Ban Tổ chức chưa cảm thấy ưng ý với chất lượng bài vở dự thi và trông chờ ở độ dài thời gian?

Song cách nhìn nhận của ông Phương thì khác hẳn. Ông xòe cho chúng tôi xem nội dung những giấy mời tài trợ, theo đó, bên cạnh “trách nhiệm của bên B” (tức các nhà tài trợ của cuộc thi) là phải “trong thời hạn 5 ngày sau khi hợp đồng được ký kết, bên B chuyển cho bên A toàn bộ số tiền tài trợ...”, thì ở phần cam kết của Ban Tổ chức, ghi rõ: “Nếu một trong hai bên đơn phương hủy bỏ hợp đồng thì phải chịu trách nhiệm bồi thường mọi thiệt hại cho bên kia và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Ông Phương lý luận: “Tiền thì yêu cầu người ta phải chuyển ngay sau 5 ngày, trong khi mình thì tự tiện lùi cuộc thi tới cả năm trời mà đến một dòng nhỏ xin lỗi trên báo cũng không, thử hỏi xử sự như vậy có được không? Các nhà tài trợ không kiện là may”.

Cũng theo ý kiến của ông Phương thì thời gian công bố giải không phải không là mối quan tâm của các tác giả, nhất là những tác giả đã ở tuổi “gần đất xa trời”, và thực chất của việc lùi thời gian công bố giải cũng chỉ là để kéo dài thời gian xin tài trợ mà thôi.

Trở lại với vấn đề mà ông Đàm Khánh Phương cho là Ban Tổ chức đã “bội ước” với những người tham dự cuộc thi. Ông Phương đặc biệt nhấn mạnh tới việc thay đổi giá trị giải thưởng. Nếu như ở phần thể lệ cuộc thi, Ban Tổ chức cho biết các tác giả “nếu trúng giải sẽ được trao theo giá trị của giải” và giá trị của giải công bố dưới đó là: giải Nhất: mỗi giải 7 triệu đồng; giải Nhì: mỗi giải 4 triệu đồng; giải Ba: mỗi giải 2 triệu đồng và giải Tư: mỗi giải 1 triệu đồng. Vậy mà bây giờ, theo thông tin ông được biết: giá trị bằng tiền của mỗi giải lại bị đánh tụt xuống... còn non nửa!

Với vấn đề cơm áo gạo tiền, không ai có thể nói mạnh. Có thể đến thời điểm này, Ban Tổ chức cuộc thi đã gặp phải những khó khăn về tài chính? - Chúng tôi đặt giả thiết.

Ý các anh nói họ thiếu tiền? - Ông Phương lật ngược vấn đề - Thiếu tiền sao họ lại tăng số người được giải lên tới hơn chục vị?

Và ông Phương lại lật bật lần giở tờ thể lệ cuộc thi, vạch cho chúng tôi thấy danh sách vào giải sẽ là 34, trong khi những con số công bố trên Báo Người Hà Nội tới thời điểm vừa rồi lại lên tới... 47.

Vả chăng, có kiểu gì thông báo giải thưởng lại chỉ đăng tên tác giả và hai chữ “chùm thơ”? Còn “chùm thơ” đó gồm những bài gì, không thấy cho biết! Chẳng hóa ra trao cho tác giả chứ không phải trao cho tác phẩm?

Kết luận vấn đề, ông Phương cho rằng cách trao giải như vậy là mang tính “mặt trận”. Mà “mặt trận” theo kiểu ấy thì ông không muốn tham gia.

Đó là lý do để ông chối từ giải thưởng cuộc thi nói trên

.
.