Có một dòng phim đậm chất… Công an

Thứ Sáu, 19/08/2005, 07:21
Mấy năm trở lại đây, các nhà biên kịch, các đạo diễn đã hướng tới những đề tài nóng bỏng trong xã hội, được dư luận hết sức quan tâm như: tham nhũng, ma túy, đại dịch HIV, lối sống buông thả của một bộ phận trong giới trẻ, những cạm bẫy trong kinh doanh, đời sống thị thành… Hầu như tất cả những vấn đề nóng bỏng ấy đều có liên quan đến các hoạt động nghiệp vụ của lực lượng Công an trong việc giữ gìn an ninh trật tự.

Chính bởi vậy, hình ảnh người chiến sĩ công an xuất hiện trong điện ảnh ngày càng nhiều hơn. Đó cũng là cơ hội để người dân hiểu công việc, đời sống, tình cảm của những chiến sĩ công an, chia sẻ với họ những khó khăn, gian khổ, hiểm nguy mà họ phải đối mặt hàng ngày để làm tròn nhiệm vụ giữ gìn bình yên cuộc sống. Cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, các loại tội phạm trên nhiều lĩnh vực ngày một trở nên tinh vi, xảo quyệt hơn, cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác diễn ra từng ngày, từng giờ.

Các chuyên án là một kho tư liệu để các nhà làm điện ảnh khai thác, sử dụng làm chất liệu trong tác phẩm của mình. Nhiều tình tiết, nhân vật, sự việc có thật trong các chuyên án đã được các nhà làm phim đưa vào tác phẩm khiến cho phim trở nên lôi cuốn, giàu sức thuyết phục hơn. Hai trung tâm sản xuất phim truyền hình lớn nhất cả nước là Hãng Phim truyền hình Đài Truyền hình Việt Nam và Hãng phim truyền hình Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh, cùng với xưởng phim CAND đã góp phần hình thành một dòng phim công an đang ngày càng trở nên rõ nét.

Trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, không ít bộ phim đã trở nên nổi tiếng với đề tài… hình sự, phản gián như “Ván bài lật ngửa” của đạo diễn Khôi Nguyên; “Mối tình đầu” của đạo diễn Hải Ninh; “Dưới chân núi trắng”, “Vụ án hồ Con Rùa”, “Tội lỗi cuối cùng” của đạo diễn Trần Phương; “Lưỡi dao” của đạo diễn Lê Hoàng; “Người không mang họ” của đạo diễn Long Vân… Tuy nhiên, để hình thành một dòng phim về đề tài công an và hình tượng người chiến sĩ công an thì phải đợi đến khi “Cảnh sát hình sự” ra đời (năm 1997).

Xêry  phim “Cảnh sát hình sự” gồm 140 tập đã phát sóng mang đến cho khán giả truyền hình nhiều câu chuyện ly kỳ hấp dẫn, những tình huống éo le trong cuộc sống, những chiến công cũng như nhiều góc khuất, những mất mát hy sinh của người chiến sĩ công an trong khi làm nhiệm vụ. Hàng trăm tập phim được đưa vào sản xuất và phát sóng, dẫu còn nhiều ý kiến khen chê, song phải thừa nhận những việc làm đáng khích lệ của các biên kịch và đạo diễn ấy là, đã xây dựng được hình ảnh người chiến sĩ công an với chiều sâu nhân văn: sau những chiến công phải đổi bằng máu, nước mắt, thậm chí cả tính mạng của mình, họ vẫn là những con người bình dị, với những giấc mơ hạnh phúc bình dị, những buồn đau hết sức con người.

Trong 40 tập đầu của “Cảnh sát hình sự”, diễn viên Võ Hoài Nam đã vào vai chiến sĩ trinh sát Chiến đẹp trai, mưu trí, quả cảm, đã cùng tổ công tác lập nhiều chiến công. Cái chết của anh ở phần cuối bộ phim khi đối diện với bọn tội phạm nguy hiểm đã gây xúc động sâu sắc với khán giả mà dư âm của nó là việc hàng ngày “bà xã” của Võ Hoài Nam phải tiếp hàng trăm cú điện thoại của các cô gái trẻ từ khắp nơi gọi đến... hỏi thăm. “Phía sau một cái chết” (kịch bản Võ Duy Linh, đạo diễn Trọng Trinh) lại cho khán giả sự ngậm ngùi khi nhìn cảnh “gà trống nuôi con” của Trung tá Thanh Bình sau khi người vợ hiền và cũng là đồng đội của anh đã hy sinh anh dũng trong khi làm nhiệm vụ. “Cô gái đến từ Băng Cốc” của đạo diễn Mai Hồng Phong, “Một thế giới không có đàn bà” (kịch bản Bùi Anh Tấn, đạo diễn Vũ Minh Trí) lại cho khán giả hiểu thêm những khó khăn, gian khổ trong công việc của các cảnh sát điều tra trong quá trình phá án mà nếu chỉ nhìn chiến công của họ thì tưởng chừng như đơn giản.

Các nhà văn công an là những người có đóng góp không nhỏ vào việc hình thành nên dòng phim công an ngày một rõ nét. Nhà văn Hữu Ước với kịch bản phim “Tình thương và pháp luật”; “Đêm giông”, “Chuyện tình thời Siđa”; “Người con gái Đất đỏ”; nhà thơ Lê Hoài Nguyên với “Mùa hạ không quên”, “Con của sông Dinh”; nhà thơ Nguyễn Xuân Hải với “Những kẻ giấu mặt”, “Miền đồi ấm áp”; nhà văn Trần Tử Văn với “Xóm nước đen”, “Không thể siết cò”, “Đôla trắng”…

Với lao động nghệ thuật và những trải nghiệm của mình, sự gắn bó với lực lượng, họ đã góp phần hình thành nên diện mạo của dòng phim công an gắn với những đề tài nóng bỏng trong cuộc sống. Lực lượng Công an đã đưa ra ánh sáng những vụ án lớn, góp phần bảo vệ cái thiện, loại trừ cái ác ra khỏi đời sống, thì điện ảnh với chức năng của mình, không thể đứng ngoài cuộc. Dòng phim công an này đã thay lời những chiến sĩ công an Việt Nam mang đến cho khán giả những thông điệp của cuộc sống hôm nay.

Góp phần làm nên thành công của xêry phim “Cảnh sát hình sự” nói riêng và thành công của dòng phim công an nói chung, phải kể đến nhà văn công an Nguyễn Như Phong – người gần đây đã đem đến cho khán giả truyền hình 38 tập phim hấp dẫn. Là người “trong nhà”, lại có nhiều cơ hội tiếp xúc với những vụ án lớn, tác giả Nguyễn Như Phong đã khắc họa chân thực những vấn đề gai góc trong xã hội và sự nhập cuộc tài tình của lực lượng điều tra trong các chuyên án. Nếu như “Cổ cồn trắng” (đạo diễn Danh Dũng - Hồng Sơn) đề cập đến con đường phạm tội và những thủ đoạn tinh vi của một số tội phạm thuộc hàng ngũ trí thức thì “Bí mật của những cuộc đời” (đạo diễn Hồng Sơn) vừa được phát sóng  lại đề cập đến một đề tài nóng bỏng hiện nay: đó là những vụ án kinh tế lớn, những thủ đoạn bòn rút tiền của Nhà nước hết sức tinh vi.

Đằng sau những kẻ phạm tội ấy là những cán bộ thoái hóa biến chất, dung túng cho các đối tượng để trục lợi. Nhưng cuối cùng, những thủ đoạn, hại nước hại dân của chúng cũng không qua mặt được cơ quan bảo vệ pháp luật, những kẻ gây tội ác cũng phải bị trừng trị. Ngoài việc tập trung thể hiện các tuyến nhân vật phản diện, bộ phim cũng đã miêu tả sinh động sự gắn kết của Đội Cảnh sát hình sự trong việc phá án. Cách kể chuyện của tác giả theo dòng hồi tưởng của một tử tù đã để lại ấn tượng mạnh với người xem.

Trao đổi với nhà biên kịch Thùy Linh – người đã gắn bó khá sâu nặng với xêry phim “Cảnh sát hình sự”, chị cho biết: “Đề tài liên quan đến các vụ án hình sự, công việc điều tra tội phạm của các chiến sĩ công an Việt Nam có làm mãi cũng không hết được, bởi cuộc sống biến đổi từng ngày. Công an – người bảo vệ pháp luật và tội phạm - kẻ phải chịu sự trừng trị của pháp luật là hai thái cực không bao giờ tách khỏi nhau. Trong mỗi vụ án là số phận, là con người, là sự phản ánh một mâu thuẫn nào đó, một mặt nào đó của cuộc sống, của xã hội. Bởi vậy, dòng phim công an là dòng phim có tương lai, có tính thực tiễn rất cao và chắc chắn luôn có khán giả”.

Thực tế là, các đạo diễn và biên kịch của Việt Nam hiện nay cũng rất quan tâm đến đề tài hình sự có liên quan trực tiếp đến công việc của các chiến sĩ công an. Họ không “chủ động” trong việc tạo ra một dòng phim về công an, nhưng thành quả lao động của họ góp phần không nhỏ vào việc tạo dựng hình ảnh của người chiến sĩ công an thân thiện trong đời sống qua màn ảnh. Những bộ phim như “Lưới trời” (đạo diễn Phi Tiến Sơn) “Những cánh hoa mong manh” (đạo diễn Vũ Minh Trí), “Trên cổng trời không có hoa anh túc” (đạo diễn Nguyễn Hà Sơn), “Điệp vụ thứ nhất” (đạo diễn Nguyễn Quang) là những phim được giới chuyên môn đánh giá cao về chất lượng và Hội Điện ảnh trao giải. Điều này khẳng định, “tấn công” vào đề tài hình sự gai góc đang là một hướng đi đúng trong điện ảnh.

Khán giả truyền hình Việt Nam đang chờ đợi bộ phim “Đôla trắng” của đạo diễn Trần Cảnh Đôn (phim được hợp tác sản xuất giữa Hãng phim Vafaco và Hãng phim truyền hình TP. Hồ Chí Minh).

“Đôla trắng” được chuyển thể từ tiểu thuyết “Kế hoạch J.96” của Trần Tử Văn – một nhà văn công an rất có duyên với điện ảnh. “Đôla trắng” phản ánh một đề tài nóng bỏng hiện nay là tình trạng sử dụng ma túy và thuốc lắc trong thanh thiếu niên. Những băng đảng xã hội đen đã sử dụng những cô gái trẻ xinh đẹp, nhẹ dạ, lôi kéo họ tiếp tay cho chúng. Phim cũng là câu chuyện kể về những chiến công của lực lượng Cảnh sát Việt Nam với địa bàn điều tra không chỉ trong nước mà vượt ra ngoài biên giới. 10 tập phim còn thu hút sự quan tâm của khán giả bởi có sự “tái xuất” của ngôi sao điện ảnh Lý Hùng  trong vai cảnh sát Nguyễn Trực. (Lý Hùng là diễn viên từng được yêu mến qua các phim hình sự như “Lệnh truy nã”, “Hồng hải tặc”, “Kế hoạch 99”).

Đạo diễn Trần Cảnh Đôn hi vọng: “Phim sẽ mang đến cho khán giả một cái nhìn khác, mới mẻ, ấm áp với các chiến sĩ công an. Công việc của họ mang tính hình sự khô khan lạnh lùng, nhưng thực tế họ lại là những con người hết sức tình cảm với những yêu thương, giận hờn...”. Còn ở phía Bắc, Đài Truyền hình Hà Nội đang quay bộ phim truyền hình 10 tập “Mạnh hơn công lý” (kịch bản Khuất Vân Huyền, đạo diễn Nguyễn Quang); Hãng phim Truyền hình Đài Truyền hình Việt Nam cũng chuẩn bị bấm máy phim “Hồ sơ một tử tù” (kịch bản Nguyễn Đình Tú, đạo diễn Vũ Minh Trí). Hy vọng, những chiến công tầm cỡ quốc tế của lực lượng Công an Việt Nam sẽ được các nhà làm phim quan tâm, đưa lên màn ảnh, tạo ra những bước đột phá mới

Việt Hà
.
.