Có một "Vườn Kiều" của ông "vua lợn"

Thứ Sáu, 06/05/2005, 07:46

Nuôi lợn là nghề “gia truyền” của gia đình, mà lão Khoát chính là một “chuyên gia” nuôi lợn mát tay, mau ăn, chóng lớn, mắn đẻ… có thể nói là “không có đối thủ”. Từ cuối những năm 70, tên tuổi lão Khoát đã nổi tiếng khắp cả nước. Thế nhưng, giải thưởng mới nhất lão nhận được lại xuất phát từ một khu vườn nghệ thuật: vườn kiều.

Ngày 17/2/2005, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã quyết định trao giải Nhất cuộc thi “Phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động, học tập” cho tác phẩm nghệ thuật “Vườn Kiều” của ông Phạm Văn Khoát, tức Bá Khoát. Đây có lẽ là lần đầu tiên giải thưởng tác phẩm nghệ thuật được trao cho... một khu vườn. Nhưng, điều gây ngạc nhiên lớn hơn là khu vườn nghệ thuật ấy được tạo dựng bởi bàn tay của một lão nông, từng được người trong vùng truyền xưng là “Vua lợn”...

Từ… “vua lợn”

Lão Khoát sinh năm 1933 tại thôn Vạn Lê, Ninh Văn, Ninh Bình. Năm 1941 cả gia đình lão di cư vào Nam, định cư tại phường Bình Đa, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai. Tuy thuộc thành phố Biên Hòa nhưng đây lại là khu vực “vùng ven”, với khung cảnh y hệt một làng quê thuần phác. Mảnh đất rộng trên 4.000m2 mà gia đình lão Khoát sở hữu được như một “duyên may”, sau bao năm cày cuốc. Bởi, lúc đầu khi vào Nam, gia đình lão rất nghèo, phải thuê đất để canh tác chứ làm gì có tiền mua.

Nuôi lợn là nghề “gia truyền” của gia đình, mà lão Khoát chính là một “chuyên gia” nuôi lợn mát tay, mau ăn, chóng lớn, mắn đẻ… có thể nói là “không có đối thủ”. Từ cuối những năm 70, tên tuổi lão Khoát đã nổi tiếng khắp cả nước. Làm ăn thành công, lão Khoát “vận động” những người thân thích trong họ tộc của mình vào Nam để gia nhập… “làng lợn”. Những ai vào trước sẽ được cắt chia mỗi người 1.000m2 đất và “khuyến mãi”… một dãy chuồng lợn.

Không chỉ bó hẹp trong phạm vi gia đình, họ tộc, lão Khoát còn thành lập tổ hợp Thanh Bình để thu hút những người thích chăn nuôi đến đấy để có việc làm, nỗ lực lao động, tìm kiếm hy vọng làm giàu. Từ tổ hợp Thanh Bình, năm 1981 tiến lên Tập đoàn chăn nuôi 45, năm 1990 trở thành Hội Chăn nuôi Đồng Nai.

Năm 1992 lão Khoát được Viện KHKTNN Việt Nam tặng danh hiệu “Người nuôi lợn giỏi" cấp quốc gia. Năm 1993, Đài Truyền hình Đồng Nai thực hiện bộ phim tài liệu “Vua nuôi heo”, nói về hoạt động thành công trong nghề nuôi heo của gia đình lão mà lão là nhân vật chính. Cũng trong năm 1993 “Vua nuôi heo” đoạt Huy chương Bạc thể loại phim tài liệu ở Liên hoan phim toàn quốc tổ chức tại Đà Lạt. Từ đó, gặp lão Khoát ở đâu mọi người cũng gọi bằng cái tên “thân thương” là “Vua heo”.

Từ “Vua heo” là cách gọi của người miền Nam, còn với những người quê Bắc thì vẫn gọi lão là “Vua lợn”. Và, chính lão Khoát cũng “tự họa” mình là một ông “Vua lợn” đầy hạnh phúc, bởi đã “hưởng lộc” của rất nhiều người: “Đón xuân cứ đến cuối hằng năm/ Quà tết nghĩa tình đến cả trăm/ Đâu phải quan quyền làm chức lớn/ Chỉ là “Vua lợn” lắm người thân/ Ngày nay nhiều người còn thương mến/ Ngày trước truyền nghề họ kiếm ăn…”.

Gọi lão Khoát là “Vua lợn” quả không ngoa. Không chỉ chăn nuôi giỏi, mà lão Khoát còn tự mày mò, nghiên cứu chế biến nhiều sản phẩm thức ăn gia súc chất lượng cao. Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng từng nghe tên, biết tiếng lão Khoát. Năm 1998 ông đã đích thân đưa những người trong “Hội Mễ cốc Hoa Kỳ” đến thăm cơ sở chăn nuôi, sản xuất của gia đình lão Khoát và đặt vấn đề phía Hoa Kỳ sẽ bán bắp, đậu nành cho Công ty TNHH chăn nuôi và sản xuất thức ăn gia súc Thanh Bình.

Công ty Thanh Bình do người con trai thứ hai Phạm Văn Bình làm Tổng giám đốc là một trong những công ty chăn nuôi, sản xuất thức ăn gia súc hàng đầu Việt Nam hiện nay. Thừa hưởng những kinh nghiệm quý báu từ bố, Giám đốc trẻ Phạm Văn Bình có những bước đột phá kỹ thuật, táo bạo, đổi mới trong kinh doanh. Thanh Bình là doanh nghiệp đầu tiên đứng ra mua bảo hiểm cho những ai… ăn gà của công ty, trong thời buổi dịch cúm gia cầm. Bản thân Phạm Văn Bình cũng vinh dự nhận được giải “Sao đỏ” năm 2003…

Đến ông chủ "Vườn Kiều"

Trong khu vườn rộng mênh mông, chúng tôi tha thẩn dạo bước cùng ông “Vua lợn”. Nhưng, lão Khoát bảo, bây giờ ít người gọi ông là “Vua lợn” mà chuyển sang gọi là “ông chủ vườn Kiều”. Quả thật, trước khi đến đây chúng tôi không thể hình dung “Vườn Kiều” là như thế nào. Bây giờ thì đã rõ. Vườn Kiều được bắt đầu tự hòn non bộ, nơi Kim Trọng - Thuý Kiều gặp nhau: “Lần theo núi giả đi vòng/ Cuối tường dường có nẻo thông mới rào”… Rồi một mô đất lùm lum, lơ thơ cỏ úa: “Sè sè nắm đất bên đường/ Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh”. Bên… mộ Đạm Tiên là một khóm hồng: “Mây tần khóa kín song the/ Bụi hồng lẽo đẽo đi về chiêm bao…”. Một cái giếng sen bên vạt cúc: “Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân”. Đẹp nhất là một bờ dâu xanh rì: “Bóng dâu đã xế ngang đầu/ Biết đâu ấm lạnh biết đâu ngọt bùi”…--PageBreak--

Gần 80 câu Kiều được trích dẫn ra, “đặt” vào những cây, hoa, bối cảnh… trong khu vườn nhằm minh họa cho Truyện Kiều. Tất nhiên, khu vườn cũng không thể thiếu tượng thi hào Nguyễn Du, Thúy Kiều, Kim Trọng, Từ Hải v.v… Và, có cả … nhà Hoạn Thư, Am Các Tự, Liễu Chương Đài v.v… Đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, chúng tôi hỏi lão Khoát vì đâu mà có một “Vườn Kiều” độc đáo đến như vậy? Lão Khoát tủm tỉm cười, bảo chúng tôi cứ nhìn ngắm cho thỏa thích đi.

Đến khi ngồi bên bàn trà, lão mới “trình bày” câu chuyện: “Chẳng giấu gì các anh, tôi vốn bị bệnh tim nặng từ khi còn trẻ. Để chữa bệnh tim, tôi không uống thuốc mà chữa bằng cách… đi ra biển. Mỗi năm tôi có tổng cộng từ 15-30 ngày ra biển. Tắm biển, phơi nắng, hóng gió, đi bộ, hít thở không khí trong lành để “thanh lọc” cơ thể, nạp thêm năng lượng… Trong mỗi lần đi ra biển như vậy, vật tôi thường mang theo bên mình là một cuốn Truyện Kiều. Ban đầu chỉ đọc để “thư giãn”, nhưng dần dà thích, rồi say mê… Tôi thuộc làu Truyện Kiều từ lúc nào không biết. Khi thuộc rồi thì ôn, luyện, mua thêm sách nghiên cứu Kiều về đọc, tìm hiểu chú giải điển tích. Hiện tôi đang chuẩn bị in cuốn “Chú giải 104 điển tích Truyện Kiều… bằng thơ”. Còn về khu “Vườn Kiều” này là do tôi nghĩ ra cả đấy. Tôi thấy Phạm Duy đã phóng tác Kiều bằng nhạc, Trương Quân đã minh họa Kiều bằng tranh, Vũ Đình An minh họa Kiều bằng hợp xướng v.v… Còn mình? Mình phải làm một cái gì đó “hơi lạ” một chút. Thế là từ năm 1995, tôi bắt tay vào việc minh họa Truyện Kiều bằng… vườn cây cảnh tại nhà!”.

Ở Việt Nam những người mê Truyện Kiều như lão Khoát không phải là hiếm. Nhưng việc nghĩ ra, bắt tay vào “thiết kế” một khu vườn để làm sống lại các nhân vật, bối cảnh, không khí trong Truyện Kiều như  lão Khoát quả là rất đặc biệt. Chúng tôi hỏi: trong khi xây dựng “Vườn Kiều” lão có gặp khó khăn gì không? Thì lão Khoát lại tủm tỉm cười: “Cũng có chút khó khăn nhưng không đáng kể. Khó nhất là “dựng” lại cho đúng Kiều. Ví dụ câu: “Bụi hồng lẽo đẽo đi về chiêm bao”, mình minh họa bằng khóm hoa hồng thì cũng chỉ là tượng trưng theo “phương án một”. Bởi, các nhà nghiên cứu Kiều đã đưa ra “phương án hai”, cho rằng: “Bụi hồng” còn có nghĩa là bụi trần… Còn cây cảnh, thì thú thật là có những cây tôi cũng chịu thua. Ví dụ để minh họa cho câu: “Người lên ngựa, kẻ chia bào/ Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san”… làm sao tìm, trồng được những loại cây hàn đới, ôn đới trong khu vườn nhiệt đới này?…”.

“Cầm đường ngày tháng thanh nhàn"

Trong Truyện Kiều, lão Khoát tâm đắc nhất hai câu: “Cầm đường ngày tháng thanh nhàn/ Sớm khuya tiếng nhạc tiếng đàn tiêu dao”. Lão Khoát bảo, dù làm quan lớn hay làm bất cứ việc gì thì phải tìm lấy sự thanh nhàn, phải biết tin người, biết giao việc cho người khác… Cứ lấy chuyện nuôi lợn của lão làm ví dụ. Tính đến nay, lão đã vận động, đưa hơn 500 hộ nghèo quê Ninh Bình vào Biên Hòa sinh sống, làm ăn. Ban đầu lão giúp vốn, truyền đạt kinh nghiệm. Những người làm ăn khấm khá, muốn “trả ơn” lão thì chỉ có một cách là… giúp đỡ cho người khác (!). Cứ thế, hiện nay “làng lợn” của lão Khoát đã có hơn 100 người là tỉ phú. Một con số thật kinh ngạc…

Làm ăn giỏi, giàu có, đi đó đây trong nước và thế giới cũng khá nhiều, nhưng trông lão Khoát vẫn y hệt một lão nông chất phác, hồn hậu. Quần xà lỏn “lò xo”, chân đi dép nhựa, cứ thế lão vừa dẫn chúng tôi đi tham quan “Vườn Kiều” vừa say sưa đọc Kiều. Lão cũng “khoe” với chúng tôi cả một tủ sách về Kiều, trò chuyện về những mối tâm giao với Nguyễn Quảng Tuân, Phạm Đan Quế, Trần Mạnh Hảo, Lưu Trọng Văn v.v… Dường như, ở đâu có người mê Kiều, am hiểu Kiều là lão Khoát tìm đến “thọ giáo”. Chưa hết, trong “Vườn Kiều” của mình, hằng năm vào ngày 16/9 Dương lịch, lão Khoát cùng các thi hữu tổ chức giỗ Nguyễn Du. CLB thơ ca Long Bình cũng lấy “Vườn Kiều” làm điểm sinh hoạt hằng tháng…

Trong câu chuyện dông dài với lão Khoát, chúng tôi phát hiện ra những điều thú vị rằng: lão là người rất hay làm thơ, “đụng” vào đâu cũng ra thơ, thơ có cả trong… báo cáo điển hình chăn nuôi giỏi: “Một tốt nghề nghiệp kinh nghiệm giỏi/ Hai tốt chuồng trại tiện thoáng thay/ Ba tốt giống nạc mau tăng trọng/ Bốn tốt thức ăn chất lượng đủ/ Năm tốt thị trường giá cả cao” (5 tốt). Và, tuy là người thường “đi đầu” trong việc làm ăn cũng như các hoạt động khác, nhưng bao giờ lão cũng giữ chức phó, chứ nhất định không làm “sếp trưởng”. Lão Khoát tủm tỉm: “Tôi thì suốt đời chỉ làm phó”. Không biết việc hay thơ và chỉ làm phó có phải là “bí quyết” để “cầm” sự thanh nhàn của lão Khoát hay không? Chỉ thấy rằng, dù đã ở tuổi thất thập, lại bị bệnh suy tim nặng, nhưng trông lão Khoát hãy còn “gân” lắm!

Trần Nhã Thuỵ
.
.