Có một Nguyễn Đình Tú mới

Chủ Nhật, 04/12/2016, 08:02
Chỉ từ thế hệ nhà văn 7x về sau, Văn nghệ Quân đội mới lấp lánh một diện mạo mới, hình ảnh mới, không khí mới, đương đại hơn, gần với hơi thở cuộc sống hơn. Và người đi tiên phong trong việc làm thay đổi cách nhìn của mọi người vào các nhà văn mặc áo lính, tôi cho rằng, đấy là nhà văn Nguyễn Đình Tú...


1.Nguyễn Đình Tú lại ra sách. Chẳng cần hẹn vẫn lên. Chim vào mùa thì làm tổ. Nguyễn Đình Tú không cần chờ mùa vẫn ra sách. Hay với anh, năm nào cũng chỉ có một mùa, mùa… ra sách. Chỉ khác, lần này không phải “vệt” tiểu thuyết với những xung đột, dư chấn, mổ xẻ sắc lẻm về tâm lí – hình sự - xã hội quen thuộc. Anh cúi mình xuống để chơi với thiếu nhi.

Nói như Nguyễn Đình Thi, là: Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa. Sau thành công của cuốn truyện thiếu nhi đầu tiên, Ba nàng lính ngự lâm (2014), in và tái bản ngay sau đó không lâu, lần này Nguyễn Đình Tú gửi đến độc giả nhỏ tuổi cuốn sách Chú bé đeo ba lô màu đỏ, dày dặn hơn, cả về dung lượng chữ lẫn sức dung chứa của câu chuyện.

PGS.TS Bùi Thanh Truyền nhận định: “Những cuộc chơi kì thú thường đi liền với ít nhiều phiêu lưu, mạo hiểm. Việc rẽ vào địa hạt văn chương cho tuổi thơ của Nguyễn Đình Tú có thể xem là chuyến du hí như thế. Đây không giản đơn chỉ là tính đa dạng của đề tài, sự biến ảo, linh hoạt trong lối viết, mà trên hết là sự đắm đuối, hết lòng với tuổi thơ, với văn học cho thiếu nhi nước nhà ở cây bút quân đội này”.

2. Năm 2000, nhà văn Nguyễn Đình Tú đầu quân về Văn nghệ Quân đội, sau nhà văn Đỗ Bích Thúy khoảng vài tháng, cũng là sau thời điểm hai người chia nhau giải Nhất và Nhì cuộc thi truyện ngắn 1998 – 1999 trên tạp chí này. Anh chị là thế hệ nhà văn 7x đầu tiên của ngôi nhà văn chương số 4 Lý Nam Đế.

Trước đấy, cảm tưởng phía trong cánh cổng của ngôi nhà cổ trầm mặc và những cây đại già trầm ngâm, từ thời Pháp, được Tổng cục Chính trị ưu ái dành cho Văn nghệ Quân đội làm trụ sở, là vương quốc riêng, là khu tự trị. Nhiều bạn trẻ mê chữ nghĩa nhìn vào tòa soạn, tưởng tượng các nhà văn ở trong đấy mà hân hoan ngưỡng vọng xen lẫn sợ sệt run rẩy rồi đi qua, vương lại tiếc nuối.

Đúng như lời nữ sĩ Tự hát, Xuân Quỳnh, từng nói: Văn nghệ Quân đội là trụ sở thứ 2 của Hội Nhà văn. Thậm chí “tinh tuyển” hơn. Với tên tuổi qua các thời kì như: Vũ Cao, Thanh Tịnh, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Thu Bồn, Lê Lựu, Hữu Thỉnh, Vương Trí Nhàn, Khuất Quang Thụy, Trung Trung Đỉnh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Bình Phương v.v…

Chỉ từ thế hệ nhà văn 7x về sau, Văn nghệ Quân đội mới lấp lánh một diện mạo mới, hình ảnh mới, không khí mới, đương đại hơn, gần với hơi thở cuộc sống hơn. Và người đi tiên phong trong việc làm thay đổi cách nhìn của mọi người vào các nhà văn mặc áo lính, tôi cho rằng, đấy là nhà văn Nguyễn Đình Tú.

3.Có lẽ cái tên Nguyễn Đình Tú thật sự gây hiệu ứng với truyền thông phải từ tiểu thuyết Nháp. Dù trước đấy anh đã có vài tập truyện ngắn, như Điệu mambo hư ảo, Khúc mùa thu, rồi truyện dài Cánh rừng không yên ả và tiểu thuyết Hồ sơ một tử tù, Bên dòng Sầu Diện. Cuộc vượt cạn của tác giả để Nháp có được hình hài như độc giả tiếp cận đầy chật vật. Nhiều nhà xuất bản lắc đầu. Lý do: sex quá. Cuối cùng Nháp vẫn ra đời, sinh mổ, vì phải “mổ” đi đôi ba chỗ để nhà xuất bản có thể cấp phép. Và rồi người khen, kẻ chê. Các báo tới tấp bình luận. Tác giả trả lời phỏng vấn mệt nghỉ.

Nháp chính là cú “đột phá khẩu” mở ra thế giới tiểu - thuyết - kiểu - Nguyễn Đình Tú, tiểu thuyết tâm lí – xã hội – hình sự. Bởi ngay sau đấy là Phiên bản và Kín, ra đời trong kế hoạch mỗi năm một tiểu thuyết của anh.

Nguyễn Đình Tú được “định dạng” là nhà văn viết bạo, viết khỏe. Càng ngày càng nhuyễn. Thuở mới lớn, tôi đã từng mê tiểu thuyết Người không mang họ của Xuân Đức. Cuốn sách này nổi đình nổi đám, nói như ngôn ngữ giờ có thể gọi là best seller một thời, chạm đến giới tội phạm một cách gay cấn, lẫn đôi chỗ miêu tả cảnh làm tình được xem là táo bạo. Nhưng so với Phiên bản, Kín, Nháp của Nguyễn Đình Tú, Người không mang họ li kì hơn, biến hóa hơn, táo bạo hơn, và cũng cài cắm kĩ thuật hơn, kể cả trong miêu tả sex.

Trong khi bộ ba “xe - pháo - mã” Nháp, Phiên bản, Kín chưa hết ồn ào thì Nguyễn Đình Tú tung ra Hoang tâm, rồi Xác phàm, lần lượt chạm đến chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc, kéo theo sự ngỡ ngàng của độc giả và đồng nghiệp. Như thể anh muốn khẳng định: Với nhà văn, chẳng có gì là bất khả.

Mọi đề tài đều có thể chạm đến, bởi nhà văn có một thứ quyền năng, là tưởng tượng. Và có nhiều cách để nhận ra “mùi” của chiến trận, dẫu chưa từng trải nghiệm. Lịch sử sẽ chẳng bao giờ “ngủ đông” nếu như thế hệ trẻ còn trăn trở, còn cục cựa.

Đồng thời, cũng với Hoang tâm và Xác phàm, Nguyễn Đình Tú chứng minh được rằng, chẳng đề tài nào là khô khan, chẳng đề tài nào là cũ mòn, bằng cách viết, nhà văn đều có thể thổi hồn đương đại, thổi tâm thế của người trẻ vào những điều xưa cũ. Đấy chính là điều để phân biệt, để thấy, nhà văn đứng trên người chép sử thông thường.

Bìa cuốn sách “Chú bé đeo ba lô màu đỏ” - Tác phẩm mới nhất của nhà văn Nguyễn Đình Tú.

4. Sinh ra và lớn lên tại Hải Phòng, trong gia đình chẳng ai dính dáng đến văn chương. Ngay từ thời sinh viên, Nguyễn Đình Tú đã manh nha tiếp cận đường văn bằng giải thưởng Tác phẩm Tuổi xanh của báo Tiền Phong, cả thơ lẫn truyện ngắn. Cầm tấm bằng cử nhân Luật, anh thi tuyển vào Viện Kiểm sát Quân khu 2. Đậu. Thêm một năm đi học chuyển đổi. Thành quân nhân.

Rồi Tổng cục Chính trị tổ chức lớp bồi dưỡng viết văn đầu tiên, đến giờ vẫn là duy nhất, cho toàn quân. Nguyễn Đình Tú là một trong những học viên trẻ nhất của lớp. Từ lớp học này, cộng với giải Nhì cuộc thi truyện ngắn ở tuổi 26 đã bốc anh khỏi nghề Luật. Bước rẽ mà chắc chắn trước đó chàng trai đất Cảng chưa từng nghĩ đến.

Nếu như các thế hệ nhà văn ở Văn nghệ Quân đội trước đây hay bị đóng khung bằng hình ảnh chỉn chu giản dị với quân phục, có phần khuôn phép và nghiêm ngắn, như nghĩa đen của cụm từ: nhà văn mặc áo lính thì bắt đầu từ Nguyễn Đình Tú trở về sau, quân phục thường hay được mang ở các buổi lễ khánh tiết. Bây giờ, kể cả khi xuống đơn vị, các nhà văn trẻ quân đội hay mặc thường phục. Trẻ trung và năng động. Nhìn cách ăn mặc và cách sử dụng các sản phẩm công nghệ, ít ai nghĩ họ lại là người lính, người lính viết văn.

Sự năng động của Nguyễn Đình Tú được thể hiện rõ ở cách anh quảng bá tác phẩm văn chương. Xa rồi thời văn chương là thứ hữu xạ tự nhiên hương. Giờ là thời của truyền thông, thời của thương hiệu. Văn chương không nằm ngoài quy luật ấy. Sách mới liên tục lên kệ. Chỉ đầu tuần cuối tuần đã thấy những cuốn sách mới đẩy sách ra trước đó ít ngày vào góc. Nên quảng bá thật cần thiết. Vấn đề là quảng bá như thế nào mà thôi.

Điều này thì Nguyễn Đình Tú “thạo một cây”. Trên mạng xã hội, trên báo giấy, báo hình. Không phải ai cũng đủ nhanh nhạy và thông minh để tương tác với người đọc được như anh. Trước Nguyễn Đình Tú, ở Văn nghệ Quân đội, chỉ có nhà văn Chu Lai. Nhưng Chu Lai gắn liền với hình ảnh người lính, những câu chuyện lính, bụi bặm kiểu lính chiến. Còn Nguyễn Đình Tú đương đại hơn, “đá” được nhiều sân hơn, biên độ rộng hơn.

4.Điều dễ thấy nữa là tác phẩm của Nguyễn Đình Tú được giảng viên/ sinh viên/ học viên kéo vào trường đại học khá nhiều, làm đối tượng nghiên cứu cho các khóa luận tốt nghiệp, luận văn thạc sĩ, rồi lại được nhà sản xuất phim/ đạo diễn kéo lên màn ảnh nhỏ và màn ảnh rộng. Hồ sơ một tử tù chuyển thể thành phim truyền hình dài tập với tên gọi Lời sám hối muộn màng. Cánh rừng không yên ả chuyển thể thành phim truyền hình Thung lũng tử thần. Ồn ào nhất là Phiên bản chuyển thể thành phim điện ảnh Hương Ga, tạo ra cơn sốt truyền thông và sốt phòng vé liên tục trong khoảng thời gian dài.

Người ta thấy một Nguyễn Đình Tú bước ra ngoài trang sách, bắt đầu lấp lánh sắc thái của showbiz, không còn đơn thuần đóng cửa vùi trong chữ như hình ảnh nhà văn trước giờ mọi người mặc định nghĩ. Lấp lánh showbiz, nhưng Nguyễn Đình Tú không trượt theo hướng đấy. Anh tỉnh. Và lí trí. Sinh năm 1974. Từ tuổi 40 Nguyễn Đình Tú đã ở vị trí Phó tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nhưng đùng cái, vừa rồi tôi nghe tin Nguyễn Đình Tú xin thôi cương vị lãnh đạo. Điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử gần 60 năm của tờ tạp chí này.

Hỏi anh thì anh bảo: “15 năm trước, mình vừa đủ chán nghề luật để chuyển sang nghề văn. Còn bây giờ, mình vừa đủ chán làm quản lí ở một cơ quan văn chương để chuyển sang làm cán bộ sáng tác - một kiểu nhân viên đặc biệt của cơ quan này. Mình xin rút khỏi vị trí Phó tổng biên tập đơn giản chỉ là vì muốn sống một cách thong thả hơn để được… làm một nhà văn thôi”.

Dường như, quyết định này, thêm phần tô đậm hình ảnh mới về nhà văn mặc áo lính ở con người Nguyễn Đình Tú.

Văn Thành Lê
.
.