Xung quanh một số ý kiến về việc chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Hội nhà văn Việt Nam khoá VIII:

Có là "đẽo cày giữa đường"?

Thứ Tư, 21/07/2010, 08:53

Trong bài trả lời phỏng vấn của báo điện tử Tổ quốc, nhà thơ Dương Thuấn đề nghị: "Các ủy viên BCH nên cơ cấu đa số ở Hà Nội để họp hành và giải quyết các công việc sự vụ hàng ngày nhanh chóng và thuận tiện hơn, đỡ tốn kém kinh phí đi lại họp hành cho Hội...", trong khi nhà văn Đoàn Lê lại cho rằng: "Nên rải đều các ủy viên BCH Hội ra các vùng miền để mọi công việc của BCH đề ra được thông suốt tới từng hội viên".

Nào đâu chỉ có mình Hội Nhà văn là tiến hành đại hội trong năm nay, vậy mà suốt từ nhiều tuần qua, các ý kiến bàn thảo xung quanh việc tổ chức đại hội nghe chừng đã "xôm tụ" lắm! Thậm chí còn có những ý kiến nặng nề, gay gắt. Người ngoài thoạt nghe, cứ ngỡ hội này "có chuyện gì nghiêm trọng". Kỳ thực, nói là "có chuyện" thì dù ít dù nhiều, hội nào chẳng có. Chẳng qua là do cánh nhà văn vốn không như cánh nhạc sĩ, họa sĩ, điêu khắc..., họ giỏi "đường nói" hơn, lại sẵn công cụ báo chí trong tay, họ sá gì mà không... lên tiếng. Tuy nhiên, nói để mà nói, không hiếm ý kiến được tải trên một số trang web đã cho thấy tính khả thi trong những đề xuất của các nhà văn là... không nhiều. Chưa kể, nó dễ làm cho Ban Tổ chức có cảm tưởng nếu không cẩn thận, họ sẽ như người "đẽo cày giữa đường". Hoặc giả, như một cách nói dân gian khác: "Lắm thầy nhiều ma, lắm cha con khó lấy chồng"... 

Bao giờ cũng vậy, chuyện được quan tâm bàn luận nhất trước mỗi kỳ đại hội chính là chuyện nhân sự. Đại hội VII Hội Nhà văn Việt Nam qua đi đã để lại một sự ngạc nhiên đến khó hiểu khi số ủy viên Ban Chấp hành (BCH) được dự kiến là 15 người, song khi vào thực tế bầu bán, chỉ có 6 người trúng cử. 6 người cho một tổ chức có tới ngót 1.000 hội viên đã khiến Đại hội VII Hội Nhà văn Việt Nam được "ghi nhận" là một đại hội "phân tán" nhất, các nhà văn ít "chịu" nhau nhất. Từ thực tế ấy, đã có không ít ý kiến yêu cầu Đại hội Hội Nhà văn lần này phải gắng bầu cho đủ số ủy viên cần thiết. Còn bao nhiêu là "đủ", là "cần thiết" thì xem ra, mỗi người... một phách.

Nhà văn Đình Kính, trong ý kiến phát biểu trên trang web của Hội Nhà văn Việt Nam ngày 13 tháng 7 vừa qua đã cho rằng, BCH nhiệm kỳ này nên "có từ 19 đến 25 ủy viên là hợp lý". Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, trong bài viết được tải trên trang web của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn ngày 26/6 lại cho là "số lượng BCH 9 vị thì quá ít, 15-21 vị thì hơi nhiều, nên bầu 11 là đẹp nhất". Trong khi nhà văn Hoàng Quảng Uyên, ở bài viết được tải trên báo điện tử ViệtNamnet ngày 12/7 lại cho rằng, nếu đại hội chỉ bầu được... 3 người vào BCH thôi thì cũng không sao, "không nên ép, gợi ý, đề nghị hội viên bầu năm lần, bảy lượt mệt mỏi lắm!".

 

Một số nhà văn đã tham gia góp ý cho vấn đề nhân sự của Hội nhà văn Việt Nam khoá VIII. Từ trên xuống, từ trái sang: Nhà văn Hoàng Quảng Uyên, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, nhà thơ Dương Thuấn và nhà văn Linh Nga Niek Đam.

Vẫn theo nhà văn Đình Kính, không nên để đại hội trực tiếp bầu Chủ tịch Hội, vì "Để đại hội bầu Chủ tịch và BCH ngang quyền nhau, rất dễ xảy ra tình trạng Chủ tịch lấn lướt quyền hạn của BCH, thậm chí không tuân thủ ý kiến của BCH". Nhà văn Mai Vũ, trong ý kiến phát biểu trên trang web Hội Nhà văn Việt Nam ngày 12 tháng 7 thì lại cho rằng, nên để đại hội bầu trực tiếp Chủ tịch Hội, vì như vậy, Chủ tịch Hội "sẽ có uy tín hơn các ủy viên BCH". Đồng quan điểm với nhà văn Mai Vũ, nhà văn Hoàng Quảng Uyên cũng "xin được bầu trực tiếp Chủ tịch tại đại hội". Theo quan điểm của ông: "Một Chủ tịch đủ tài, đủ tâm, được tín nhiệm và trao cho thêm nhiều quyền hành sẽ có cơ hội, có đủ điều kiện làm cho hội viên dễ thở hơn...".

Về tiêu chuẩn cần có của một ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam, theo ý kiến của nhà văn Phạm Ngọc Chiểu vừa được tải trên trang web của Hội ngày 12 tháng 7 thì đó phải là người "có uy tín nhất định về sáng tác". Nhà văn Mai Vũ thì lại cho rằng: "Không cần bầu người có tài xuất sắc về văn chương, vì đây không xếp loại nhà văn" và vì "không phải ai văn chương giỏi cũng làm công tác Hội giỏi". Nhà thơ Thanh Quế, trong trả lời phỏng vấn báo điện tử Tổ quốc cũng nêu ý kiến: Ủy viên BCH không nhất thiết là nhà văn nổi tiếng, "nếu có thì chỉ 1, 2 người đứng đầu cho nó sang cái Hội". Ở điểm này, nhà văn Hoàng Quảng Uyên lại cho rằng, lãnh đạo Hội Nhà văn "phải là người giỏi chuyên môn", nghĩa là phải "là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng".

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, trong bài trả lời phỏng vấn báo điện tử ViệtNamnet hôm mùng 9/7 vừa rồi cũng cho rằng, ủy viên BCH Hội Nhà văn phải là người có uy tín về văn chương. Còn thế nào để đo được sự uy tín ấy, theo Nguyễn Thị Thu Huệ: "Nhà văn phải có tác phẩm, được người đọc và đồng nghiệp biết và có hiệu ứng trong xã hội. Riêng với dịch giả, cần có sự thẩm định bảo đảm của giám đốc nhà xuất bản đã xuất bản cuốn sách đó hoặc chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực dịch thuật, vì tình trạng dịch thuật hiện nay đang vàng thau lẫn lộn".

Ngoài đòi hỏi về chuyên môn, về khả năng điều hành, cũng có ý kiến yêu cầu ủy viên BCH Hội phải đảm bảo yếu tố sức khỏe. Thậm chí, để không ai có thể "ăn gian" được trong khía cạnh này, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ yêu cầu: "Nhà văn trước khi ứng cử bầu vào BCH, phải có giấy chứng nhận sức khỏe trên trung bình, không ủ bệnh nan y". Nhà văn Hoàng Quảng Uyên không chỉ yêu cầu Chủ tịch Hội Nhà văn nhiệm kỳ này phải có "sức khỏe tốt" mà còn "đặc biệt phải mưu cao"! Nhà văn Linh Nga Niek Đam, bên cạnh việc đề nghị giữ nguyên BCH nhiệm kỳ trước và "bổ sung thêm vài người nữa là được" cũng đòi hỏi ủy viên BCH phải "đặc biệt là có sức khỏe nữa". Theo chị, có như thế "thì mới đi đến được mọi miền được chứ".

Trong bài trả lời phỏng vấn của báo điện tử Tổ quốc, nhà thơ Dương Thuấn đề nghị: "Các ủy viên BCH nên cơ cấu đa số ở Hà Nội để họp hành và giải quyết các công việc sự vụ hàng ngày nhanh chóng và thuận tiện hơn, đỡ tốn kém kinh phí đi lại họp hành cho Hội...", trong khi nhà văn Đoàn Lê lại cho rằng: "Nên rải đều các ủy viên BCH Hội ra các vùng miền để mọi công việc của BCH đề ra được thông suốt tới từng hội viên".

Như vậy, chỉ sơ qua ý kiến của một số nhà văn, ta đã có thể thấy, để trở thành ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam khó khăn đến nhường nào. Tiêu chuẩn không chỉ rất cao, mà còn chồng chéo những đòi hỏi xem chừng dễ mâu thuẫn với nhau. Vẫn biết, các nhà văn của chúng ta vốn là những người giàu cá tính, luôn đầy ắp các ý tưởng. Vấn đề là họ đang đứng ở vị trí nào để nhìn ra? Ví như, tại sao lại phải chọn một BCH có từ 19 đến 25 người (như ý kiến của nhà văn Đình Kính); tại sao lại "nên bầu 11 là đẹp nhất" (như ý kiến của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý) và tại sao lại sẵn sàng chấp nhận trường hợp BCH chỉ có... 3 người (như ý kiến của nhà văn Hoàng Quảng Uyên). Tại sao không lo bầu cho được một BCH đoàn kết, làm việc nhịp nhàng ăn ý với nhau mà lại lo nếu Chủ tịch Hội và BCH ngang quyền nhau, "rất dễ xảy ra tình trạng Chủ tịch lấn lướt quyền hạn của BCH", hoặc mong Chủ tịch Hội "mưu cao", có thêm nhiều quyền hành (so với các ủy viên BCH khác) để "có điều kiện làm cho hội viên dễ thở hơn" (nói vậy chẳng lẽ ngoài Chủ tịch Hội ra, các ủy viên BCH khác đều chỉ là những người... gây khó cho các hội viên?).

Trách nhiệm hội viên khi tham dự đại hội là phải lựa chọn được một BCH đủ mạnh để có thể cáng đáng công việc của Hội, vậy tại sao chỉ mất ít thời gian bầu bán đã kêu "mệt", thử hỏi những người đứng trong một BCH lèo tèo vài ba người như vậy, họ sẽ còn mệt đến chừng nào?

Theo tôi, sở dĩ để xảy tình trạng mỗi người nói một phách như vậy cũng bởi, các nhà văn tiếng là hội viên song đa phần công tác ở các đơn vị bên ngoài, không phải ai cũng nắm bắt được "trúng" nhu cầu thực sự của bộ máy cơ quan Hội, của tổ chức Hội. Phải là những người làm việc trực tiếp ở những cơ quan này, cũng như thành viên BCH nhiệm kỳ cũ mới biết khóa tới Hội cần phải có bao nhiêu ủy viên BCH, và những người này có thể giúp họ được điều gì (như BCH Hội khóa VI có 9 ủy viên, trong đó chỉ 3 người là chuyên trách; họ xin các đại biểu tham dự Đại hội VII của Hội cho tăng số ủy viên lên ít nhất 15 người; đại hội đã biểu quyết thông qua nhưng khi bầu thì lại không thực hiện được nghị quyết trên. Rốt cục BCH Hội khóa VII không những không tăng mà còn giảm tới hơn... 60% so với dự kiến).

Theo dõi báo chí nhiều tháng nay, tôi thấy ý kiến của các nhà văn Ngô Thảo, Đình Kính, Dương Thuấn, Thanh Quế về việc số lượng ủy viên BCH đạt dự kiến hay không phụ thuộc rất nhiều vào cách thức điều hành của Đoàn Chủ tịch Đại hội và BCH nhiệm kỳ trước... là những ý kiến rất xác đáng. Chỉ tiếc là những ý kiến của những người "ở gần Hội" hoặc dày dạn công tác Hội như vậy chiếm tỉ lệ không đáng kể. Có thể vấn đề này chỉ được đưa ra bàn thảo trong ngày mở màn Đại hội, song kinh nghiệm cho thấy, nếu ta không chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước thì một kết quả ngoài dự tính (bầu không đủ thành phần BCH) như ở Đại hội VII là điều hoàn toàn có cơ lặp lại

Phạm Khải
.
.