Cơ hội nào cho những thần tượng sau lũy tre làng?

Thứ Sáu, 14/07/2017, 08:51
Cô bé 10 tuổi Hiền Trân đến từ Cần Thơ vừa được trao giải nhất cuộc thi "Thần tượng tương lai" với số tiền thưởng 300 triệu đồng. Đây không phải lần đầu tiên một gương mặt đến từ tỉnh lẻ đăng quang sân chơi ca hát trên truyền hình. 


Trước đó, "Giọng hát Việt nhí" trao giải nhất cho cậu bé Hồ Văn Cường đến từ Tiền Giang,  "Thần tượng bolero" trao  giải nhất cho chàng trai Trung Quang đến từ Thanh Hóa, "Nhân tố bí ẩn" trao giải nhất cho cô gái Minh Như đến từ An Giang... Phải chăng cơ hội vàng đang gõ cửa những ca sĩ sinh ra và lớn lên bên lũy tre làng?

Bây giờ các cuộc thi ca hát thực sự chiếm lĩnh màn ảnh nhỏ. Cuộc thi này chưa chấm dứt thì cuộc thi khác đã khởi động. Dù có khác nhau chút ít về cách thức tham dự và tuyển chọn, nhưng điểm chung của các cuộc thi náo nức chỉ nhằm mục đích lôi kéo giới trẻ vào cơn hào hứng làm nghệ sĩ. Mở bất cứ kênh nào ở bất cứ ngày nào trong tuần cũng thấy thi thố đủ thể loại âm nhạc, từ nhạc trẻ cho đến nhạc… sến.

Đặc biệt, những đối tượng rất trẻ, lẽ ra cần được yên ổn học hành, cũng bị khuyến khích cất giọng hát mua vui cho thiên hạ. Chưa ai dám khẳng định, trào lưu ồn ào ấy bao giờ sẽ ngưng nghỉ, khi mà biên độ kích hoạt cứ lan dần sang cả lứa tuổi thiếu nhi, hết "Siêu nhí tranh tài" lại đến "Người hùng tí hon". Thật khó dự đoán, trong những âm thanh trầm bổng và những tràng pháo tay bất tận kia, có nụ cười đắc ý nào không, có ánh mắt ái ngại nào không?

Hiền Trân - quán quân "Thần tượng tương lai".

Tài năng nghệ thuật luôn quý hiếm, nhưng vầng hào quang hư ảo của sàn diễn lại có sức ma mị ghê gớm đối với mọi người. Dường như hình ảnh những ngôi sao ca nhạc giàu có và kiêu hãnh đã khiến những giấc mơ đổi đời bùng phát dữ dội. Ca hát bỗng dưng trở thành con đường có vẻ nhàn hạ và nhanh chóng để kiếm tiền, để sung túc.

Dẫu là ảo vọng, thì cũng không ai ngăn được dòng thác những thí sinh từ mọi miền quê đổ dồn lên đô thị để tham gia các cuộc thi ca hát trên truyền hình. Và thành công của cô gái nông thôn này lại giống như liều thuốc tăng động cho chàng trai tỉnh lẻ khác.

Cuộc thi "Nhân tố bí ẩn" chứng kiến sự đăng quang của cô gái 17 tuổi Minh Như đến từ An Giang. Chiến thắng của Minh Như chưa hẳn đã thuyết phục, vì chính một vị huấn luyện viên bản lĩnh là ca sĩ Thanh Lam đã đánh giá rất cụ thể: "Chúng ta cần tìm ra và tôn vinh những giọng ca mang hồn Việt chứ không chỉ dựa trên yếu tố hát hay, hát giỏi. Kiều Diễm rất xứng đáng giành chiến thắng. Tuy cô ấy còn trẻ nhưng đã biết sáng tác, dám hát những ca khúc mới. Tuy vậy, tôi hiểu mỗi cuộc chơi sẽ có luật riêng. Bản thân tôi cũng đã làm hết sức để tạo nên những thí sinh mang hồn Việt, là đại diện cho nền âm nhạc của quê nhà".

Tuy nhiên, "Nhân tố bí ẩn" cũng giống những cuộc thi ca hát khác trên truyền hình, đã lấy số phiếu bình chọn đầy cảm tính của khán giả làm thước đo. Giây phút xướng danh một quán quân mới của "Nhân tố bí ẩn", ấn tượng không phải nằm ở những giọt nước mắt của Minh Như mà nằm ở những gương mặt xúc động của những người thân của Minh Như dắt díu nhau từ An Giang lên Sài Gòn để cổ vũ cho con em mình.

Ôi những người dân quê hiền lành, những ánh mắt chân thành của họ, những nụ cười hồn nhiên của họ, những hy vọng mong manh của họ, chính là điều mà những người tổ chức "Nhân tố bí ẩn" cần để chứng minh cuộc thi có một giá trị nhất định trong đời sống văn hóa, dù tương lai của Minh Như vẫn là ẩn số.

Bản chất những cuộc thi ca hát trên truyền hình, phải hiểu như thế nào? Tất nhiên, những nhà lãnh đạo các Đài truyền hình đang ăn nên làm ra như VTV, HTV hay Truyền hình Vĩnh Long luôn khẳng định rằng mục đích tối thượng là tìm kiếm giọng hát hay.

Nghe qua thì có lý, nhưng ngẫm lại thì... buồn cười. Hầu hết các sân chơi tương tác đều mua format của các nước phương Tây, với tư duy rất thực tế về lợi nhuận. Ngay cả những công ty đứng ra tổ chức như Cát Tiên Sa, BHD hay Đông Tây đều không mấy ai dám mạnh miệng tuyên bố cái sứ mệnh phát hiện tài năng. Cái duy nhất họ quan tâm là số lượng người theo dõi và số lượng hợp đồng quảng cáo được ký kết. Do vậy, các cuộc thi ca hát trên truyền hình càng nhiều chiêu trò càng tốt, càng nhiều cái lạ thì càng ăn khách.

Dẫu hơi cay nghiệt, cũng phải xác định, cảm hứng thường trực của các sân chơi tương tác là khai thác hoàn cảnh riêng tư của thí sinh. Hoàn cảnh càng éo le càng thu hút, xuất thân càng dị biệt càng hấp dẫn. Tiêu chí duy nhất không phải giọng hát nữa, mà phụ thuộc rất nhiều vào những yếu tố nằm ngoài giọng hát. Trao giải cho một thí sinh ở Hà Nội hay Sài Gòn không thể nào bằng trao giải cho một thí sinh ở tỉnh lẻ, bởi vì chính cái phần thưởng kia sẽ góp phần lan tỏa thương hiệu cuộc thi sâu rộng hơn.

Tài không đợi tuổi, và anh hùng thì không hỏi xuất thân. Thế nhưng, nghề ca sĩ hiện tại không còn giống vài thập niên trước đây. Ngày xưa, chỉ cần một giải thưởng là có thể thành danh, còn bây giờ ngôi vị quán quân nhiều như nấm sau mưa.

Thí sinh ôm hoa chúc tụng và quà tặng lấp lánh rời khỏi bục vinh quang, nghĩa là phải bắt đầu cuộc phiêu lưu khác. Không một bầu show nào nhìn vào cái giải thưởng ca hát đạt được từ cuộc thi trên truyền hình, để trả mời ca sĩ và để trả cát-xê. Và các giọng ca sau lũy tre làng phải tận dụng cơ hội vàng của mình như thế nào?

Minh Như - giải nhất "Nhân tố bí ẩn"

Chàng trai Thanh Hóa - Trung Quang giành giải nhất cuộc thi "Thần tượng bolero", đã tranh thủ sức nóng từ ngôi vị quán quân để vào Sài Gòn lập nghiệp. Vì khi tham gia "Thần tượng bolero", Trung Quang nằm trong đội của ca sĩ Đan Trường, nên ông bầu của Đan Trường là Hoàng Tuấn đã mời Trung Quang làm ca sĩ độc quyền cho HT Production.

Vốn đang học khoa thính phòng tại Nhạc viện Hà Nội, Trung Quang bỏ ngang để chạy theo dòng chảy trữ tình, có phải một hành trình khôn ngoan không? Ông bầu Hoàng Tuấn nhiều tiền và nhiều kế thì trong gần 20 năm qua cũng chỉ tạo dựng thành công mỗi trường hợp Đan Trường. Nói trắng ra, cái phương pháp lăng-xê của ông bầu Hoàng Tuấn đã ít hiệu quả rồi. Thị trường ca nhạc hôm nay đòi hỏi những chiêu trò khác, những thủ thuật khác.

Ông bầu Hoàng Tuấn tiết lộ công ty của mình sẽ cho Trung Quang tập luyện thể lực, uống thuốc bổ sung canxi, vitamin để giúp chàng trai nhỏ thó này cải thiện chiều cao, lấy đà tấn công showbiz. Nghĩa là cái nét duyên riêng của Trung Quang sẽ biến mất, và có thể Trung Quang sẽ na ná cái đẹp ẻo lả của vài ca sĩ đang được chiều chuộng bởi thị hiếu đương thời.

Ơ hay, Trung Quang được khán giả ưu ái bình chọn hoàn toàn nhờ vào hình ảnh chàng trai nông thôn đơn giản cất giọng ca mùi mẫn khi hát "Đập vỡ cây đàn" hoặc "Con đường xưa em đi", chứ có phải nhờ Trung Quang chạy đua theo mốt Hàn Quốc giống như Sơn Tùng - MTP đâu!

Một sự thật không thể thờ ơ, muốn thành ngôi sao phải có tiền. Đó là lý do các ca sĩ đua nhau khoe khoang nhiều vàng lắm bạc. Hãy mường tượng, nếu Đàm Vĩnh Hưng hay Mỹ Tâm đi hát bằng xe đạp thì số lượng fan của họ sẽ tụt giảm một cách thê thảm. Ca sĩ Giang Hồng Ngọc đăng quang "Nhân tố bí ẩn  2015" đã thú nhận, sở dĩ cô không tỏa sáng được vì tài chính eo hẹp.

Bộc bạch của ca sĩ Giang Hồng Ngọc không phải lời nói đùa. Chàng trai Yasuy đoạt quán quân "Thần tượng âm nhạc 2012" đã chìm khuất nơi nào rồi. Ngược lại, ca sĩ Hương Tràm đoạt quán quân "Giọng hát Việt 2012" có sự hậu thuẫn từ kinh tế gia đình, mới có thể từng bước có được chỗ đứng trong giới giải trí.

Đành rằng, ca sĩ là cái nghề phải được ngụp lặn trong thị phi nơi phồn hoa. Thế nhưng, những giọng ca nhí từ nông thôn sau khi đăng quang vội vàng dịch chuyển lên Sài Gòn hay Hà Nội thì chưa hẳn là giải pháp tốt nhất. Cậu bé nghèo Hồ Văn Cường ở xứ Gò Công - Tiền Giang được ca sĩ Phi Nhung tài trợ lên Sài Gòn ăn học đến năm 18 tuổi, có thể coi là một bước ngoặt số phận.

Tuy nhiêu, liệu Hồ Văn Cường có phát huy được giọng hát mượt mà và giàu cảm xúc không? Hãy nhớ rằng, giọng hát mang âm hưởng dân ca của Hồ Văn Cường sở dĩ độc đáo bởi được nuôi dưỡng từ đất đai, từ khí hậu, từ môi trường chốn quê nhà. Một cái cây chưa kịp trưởng thành để có thể chịu đựng thử thách "tốt gỗ hơn tốt nước sơn", thì chỉ là một cái cành khẳng khiu phụ thuộc vào… màu nước sơn mà thôi!

Tuy Hòa
.
.