Nhà văn trẻ Trần Minh Hợp:

Có giấc mộng lành dưới vòm me xanh

Thứ Sáu, 08/05/2015, 08:00
Đôi khi trưa hè, nằm dưới vòm me xanh ngát, nghe chú chim sẻ gọi bầy, anh chợt nhớ da diết những ngày tháng tập tành văn chương ở bút nhóm "Vòm me xanh" Báo Mực Tím. Mỗi người trong đại gia đình nhà Me đều có một biệt danh. Thuở ấy, cậu học trò miền biển cháy nắng ốm nhom nên mọi người gọi là Me Sếu. Rời "Vòm me xanh" yên ả, Me Sếu lóng ngóng ngày nào giờ đã trở thành giảng viên Trường Đại học An ninh nhân dân, chững chạc trên đường đời, chững chạc dặm đường văn... 

Cuộc giao lưu với nhà văn, Trung úy Trần Minh Hợp tại Trường Đại học An ninh nhân dân trở nên sôi nổi khi các sinh viên đặt nhiều câu hỏi liên quan đến tác phẩm "Giường tầng". Các chàng trai, cô gái khoác trang phục CAND không khỏi ngạc nhiên trước thế giới văn chương của người thầy hằng ngày dìu dắt mình trên giảng đường. Thế giới ấy không tót vời, xa lạ mà gần gũi và đáng yêu như chính cuốn truyện dài "Giường tầng" mà thầy ưu ái dành tặng lũ học trò nhỏ, dành tặng những ai từng học tập dưới mái trường an ninh và dành tặng mình.

Trong mắt sinh viên, thầy Trần Minh Hợp trẻ trung, hiền lành và thân thiện như một người anh. Thế nên câu chuyện thầy kể trong "Giường tầng" khiến lũ học trò như bắt gặp cuốn nhật ký sinh viên. Nhà văn Trần Thanh Hà, biên tập viên NXB Công an nhân dân nhận xét rằng: "Giường tầng" có thể được xem là truyện dài đầu tiên đi sâu vào đời sống của sinh viên an ninh được viết từ trải nghiệm của tác giả. Qua đó, giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về nền nếp sinh hoạt, tâm tư, lý tưởng của sinh viên trong môi trường đặc biệt này. Đó là những chuyện mà sinh viên an ninh nào cũng trải qua như: làm thế nào để có một cái nội vụ đẹp, chuyện hành quân đêm, cảm xúc lần đầu tiên được bắn súng, đi mùa hè xanh...

Nhà văn, Trung úy Trần Minh Hợp.

Đây là tác phẩm tham gia cuộc thi tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống (2012 - 2015). Trần Minh Hợp viết về chuyện đời thường của sinh viên an ninh bằng một lối văn rất dịu dàng, khơi gợi suy nghĩ của người đọc. Trong số các cây bút trẻ của lực lượng Công an thì Trần Minh Hợp là một hiện tượng vì giọng văn mới lạ, cách viết, cách tư duy lẫn nội dung phản ánh trong tác phẩm rất khác".

Ở tuổi 27, gia tài của Trần Minh Hợp đã có 6 cuốn sách, gồm: "Có gã trai đạp xe run lẩy bẩy", "Cô gái bán ô màu đỏ", "Cây dâu tình bạn", "Bó oải hương từ Provence", "Người buồn thuê", "Giường tầng". Anh từng đoạt Giải thưởng Nhà văn trẻ năm 2011 của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh với tác phẩm "Cô gái bán ô màu đỏ".

Thời còn trọ học cấp ba trên Phan Thiết, thấy mấy chị trong xóm trọ thường xuyên có tản văn, truyện ngắn đăng báo, Hợp thầm ngưỡng mộ. Cậu luôn ao ước một ngày cái tên của mình cũng nằm đường hoàng trên báo, hoặc nấp sau một bài viết nho nhỏ nào đó. Với học sinh quê nghèo, đó là một vinh hạnh còn lớn lao hơn cả được tặng một chiếc xe đạp mới cóng.

Nghĩ vậy, Hợp hì hục viết, ngày nào cũng vò đầu bứt tai mong "chế" ra cái gì đó thật hay gửi đến Trang viết Tuổi hồng của Báo Thiếu niên Tiền phong.  Hơn một năm ròng, nỗ lực của Hợp được đáp lại khi tên cậu liên tục nằm trong... hộp thư bạn đọc. Ít ra cũng đã thỏa mãn 50% ước mơ (tên đã nằm chình ình trên báo, dù ở góc cực kỳ chật chội và khó thấy).

Có công mài sắt có ngày nên kim. Khỏi phải nói Hợp sung sướng đến mức nào khi tạp bút "Cổ tích mùa đông" được chọn đăng. Mấy đứa bạn đùa: chắc thấy mày "lì" quá nên mấy anh chị biên tập "thấy tội". Nhưng phải nói, tạp bút "Cổ tích mùa đông" đã cho thấy cái nhìn trong trẻo, hồn nhiên nhưng không kém phần sâu sắc của một cậu học trò về đời sống thú vị quanh mình.

Sau một thời gian ghi dấu tên tuổi ở Trang viết Tuổi Hồng, Trần Minh Hợp tăng cường cộng tác với Báo Mực Tím. Ước mơ lúc này của cậu là trở thành một thành viên Me của bút nhóm "Vòm me xanh". Trở thành Me Sếu, Hợp có dịp giao lưu văn chương nhiều hơn với các bạn đồng trang lứa yêu văn chương, được các anh chị, cô chú trong gia đình Me dìu dắt. Và cũng tại nơi đây, Hợp lần đầu tiên được tiếp xúc với môi trường hoạt động văn chương chuyên nghiệp.

Phụ trách "Vòm me xanh" ngày ấy là chị Song Khê. Chị chỉ cho Hợp và các bạn cách triển khai nhân vật, khai thác đề tài. Các tác phẩm của Trần Minh Hợp lúc đó câu cú còn vô cùng lủng củng rườm rà, bạn Nguyễn Hoàng Vũ và Yến Linh phải đọc và góp ý cho Hợp liên tục. Từ những lần trao đổi, đi thực tế, câu cú của anh ngày càng tốt lên, các tác phẩm đã có cốt truyện mới lạ, cách khai thác trẻ trung, tình tiết bất ngờ... Cây bút trẻ Trần Minh Hợp dần phủ sóng dày đặc ở các ấn phẩm của Mực Tím, Sinh viên Việt Nam, Thiếu niên Tiền Phong đến các mục truyện ngắn của Báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ... Ước mơ về những cuốn sách trở lại với Hợp.

 Tủ sách Văn học Tuổi mới lớn của NXB Kim Đồng luôn khuyến khích những tác phẩm của tác giả trẻ nên cuốn sách đầu tay "Có gã trai đạp xe run lẩy bẩy" của Trần Minh Hợp có cơ hội ra đời. Đó là tập hợp các truyện ngắn từng in trên Báo Mực Tím. Như được đà, mỗi năm Hợp "sòn sòn" ra một cuốn.

Từ khi trở thành sinh viên Trường Đại học An ninh nhân dân, những truyện ngắn, tạp bút của Trần Minh Hợp khiến bạn đọc thích thú khi mang lại thế giới đầy thú vị, đặc thù của sinh viên Công an mà ít người biết. "Cuối tuần" viết về ngày cuối tuần ở trường, "Trên cầu dây văng" khắc họa những cuộc hẹn hò của sinh viên an ninh. Trang viết lớn lên theo tuổi đời nên Trần Minh Hợp đa phần viết về thiếu niên nhi đồng và sinh viên với những rung động đầu đời, tình bạn bè, tình thầy trò, gia đình, tình yêu quê hương...  Những câu chuyện trong ngần, trẻ trung, êm ả như những giấc mộng lành.

Bìa truyện dài "Giường tầng" của Trần Minh Hợp.

Ai đó vẫn nói rằng cày bừa trên cánh đồng ngôn ngữ là công việc cơ khổ. Với Trần Minh Hợp, điều đó đúng, nhưng chỉ đúng khi anh còn là cậu bé con tập tành làm văn dưới vòm me ngày nào. "Nghề văn là nghề dễ ảo tưởng. Hồi cấp ba, tôi khổ cũng vì vậy. Cứ nghĩ đăng được hai, ba truyện là mình đã ghê gớm, ai cũng biết mặt biết tên. Rồi cứ hì hục viết để tìm cách khẳng định mình. Giờ đây, với công việc giảng dạy hiện tại, tôi thấy đời sống rất đa dạng, văn chương không phải là tất cả. Nó chỉ là một phần của cuộc sống, giúp mình sống tốt hơn, chia sẻ hơn. Nên tôi viết rất tự nhiên, như một cách giãi bày, không gò ép hay tham vọng điều gì quá lớn lao".

Trải nghiệm lớn dần, anh không muốn bó buộc mãi trong đề tài quen thuộc, dễ dàng với mình. "Sống rồi hẵng viết", đôi chân anh bước ra khỏi sân trường để len lỏi vào từng phận người bất hạnh ngoài kia mà viết về họ, cảm nỗi vui, lẽ buồn của họ. Viết để thấy đời này bao nổi chìm thân phận, bao dáng dấp hình hài làm nên cõi người. Người viết cảm thấy mình nhỏ bé và sung sướng biết bao khi người đọc cũng cảm thấy mình nhỏ bé khi chứng kiến những phận đời như thế. Họ sẽ biết yêu thương, sống tốt hơn, đẹp hơn. Có lẽ vậy mà những tác phẩm về sau của anh bắt đầu có chiều sâu và trĩu nặng tâm tư dù vẫn với giọng văn ấy: trong trẻo, nhẹ nhàng và lãng đãng.

Truyện ngắn "Người đàn bà đợi tàu" được Trần Minh Hợp dành nhiều tâm huyết hơn cả. Truyện lấy bối cảnh của miền biển Bình Thuận quê hương anh để viết về sự chờ đợi mỏi mòn nơi sân ga của một người đàn bà có chồng lên tàu đi lính, hòa bình rồi mà mãi vẫn không thấy về. Đó là đề tài về chiến tranh và với Trần Minh Hợp, nó không hề dễ viết, đặc biệt khi chạm sâu nỗi buồn cha anh để thế hệ trẻ hôm nay cảm nhận. Trần Minh Hợp không muốn trang văn của mình chỉ đơn giản là cuốn nhật ký cảm xúc ướt át để giải tỏa, trưng trổ cái tôi như nhiều nhà văn trẻ hiện nay. Trang văn của anh phải đẫm lên mùi mồ hôi, mùi nước mắt, mùi khói bụi lẫn đất nồng ngai ngái...

Trần Minh Hợp khoác áo an ninh vì anh yêu màu lá, sắc xanh như mảnh vườn của cha, trang giáo án của mẹ. Đó là màu của sự bình yên, an lành như nhiệm vụ với nhân dân khi anh tự hào trở thành người chiến sĩ Công an. Và từ "Vòm me xanh", chữ nghĩa cho anh đôi hài vạn dặm để tô thêm màu xanh cho tuổi trẻ, gieo giấc mộng lành cho những mảnh đời tất tả ngược xuôi...

Mai Quỳnh Nga
.
.