Tản văn

"Cơ chế" lạ

Thứ Hai, 16/04/2012, 08:00
Một người làm thơ lâu năm cất công từ tỉnh lên Hà Nội bằng ôtô buýt. Đến tòa soạn báo gặp tôi, ông bảo ngay: "Tôi là người yêu thơ và từ nhiều năm nay, đã viết được nhiều bài thơ ngắn. Tôi chưa bao giờ đăng thơ trên báo anh. Từ khi có thơ đăng báo đến giờ, tôi chỉ được đăng lẻ từng bài, chưa được đăng chùm bao giờ. Tôi mong lần đăng thơ này sẽ khác…". Tôi nói thẳng với ông: "Tôi chưa thể nói trước với anh được điều gì. Tất cả phụ thuộc vào chất lượng bản thảo của anh thôi. Nhưng tôi sẽ đọc kỹ...".

Ông nọ tiếp lời: "Đành rằng là thế rồi. Nhưng tôi vẫn hy vọng…".

Một tuần sau, tôi gọi điện thoại cho tác giả nọ: "A lô. Tôi đã đọc cả chùm thơ của anh. Thơ anh nhìn chung vẫn còn nhiều lời và không mới. Đã thế, lại rất ít bài có cấu tứ. Theo tôi, đấy là hạn chế không tránh khỏi của những người làm thơ nghiệp dư. Trong chùm thơ này, tôi thấy có bài "Trở về mình" là khá hơn cả. Còn những bài khác thì chưa hoàn chỉnh lắm. Có bài có ý có tứ nhưng cách triển khai và thể hiện chưa ổn. Có bài có tình nhưng tác giả lại chưa biết tiết chế cảm xúc. Có bài chỉ được về chi tiết, không được về tổng thể. Có bài bị ảnh hưởng người này, người nọ. Riêng bài "Lý lịch" của anh giống người khác như đúc. Tôi nhớ cách nay đã mươi mười lăm năm, tôi có đọc của nhà thơ Trần Ngọc Thụ một bài chỉ có hai câu (tôi không nhớ rõ đầu đề, đã đăng trên báo Lao động vào thời điểm ấy): "Ông lão dắt trâu đi bừa / Là con ông lão ngày xưa đi cày". Nay, không hiểu anh nhớ nhầm hay bị "nhiễm" thơ mà lại cho sinh hạ một đứa con tinh thần giống đến nỗi không thể nào giống hơn nữa của một nhà thơ đi trước. Chưa hết.

Trong chùm thơ anh gửi tôi, còn có một bài giống hệt bài "Nếu hòn sỏi nói" của nhà thơ nổi tiếng người Đức Bertolt Brecht: "Nếu hòn sỏi biết nói nó sẽ nói/ Nếu ném tôi lên trời, tôi sẽ rơi về đất/ Nếu chiếc lá biết nói nó sẽ nói/ Nếu tôi rụng, tôi sẽ rơi về đất/ Nhưng nếu có một cô gái hôm nay rủ anh đi chơi thì anh đừng vội tin/ Vì đấy không phải là quy luật của tự nhiên". Thế anh có nhớ một lời khuyên của một nhà thơ người nước ngoài đã dạy như thế nào không? "Tôi ghét việc ăn cắp thơ văn như ghét cái chết. Cái cốc của tôi tuy nhỏ nhưng tôi chỉ uống nước trong cái cốc ấy".

Ở đầu dây bên kia, ông nhà thơ nọ trả lời, giọng hơi xẵng:

- Tôi biết... tôi biết... Anh không cần phải nói thêm nữa. Tôi đã nghe nhiều người nói như anh. Nhưng vấn đề tôi muốn nói với anh là tôi muốn đăng một chùm thơ cơ. Và nếu anh đáp ứng được nguyện vọng của tôi thì "cơ chế" thế nào nhỉ?

Qua điện thoại, tôi chưa kịp hiểu nghĩa của hai từ "cơ chế", thì vẫn ở đầu dây bên kia, ông nọ giải thích:

- Tức là đại loại tôi sẽ phải mua bao nhiêu tờ báo, rồi không lấy nhuận bút và sẽ chi thêm một khoản tiền gọi là tiền bồi dưỡng biên tập viên chẳng hạn. Thế anh không biết, có một số nơi đã làm như thế từ lâu rồi à? Đơn giản vậy mà anh cũng không hiểu sao?

Nghe xong, tôi chợt "à" lên một tiếng rồi lẩm bẩm một mình: Thì ra "cơ chế" mà ông nọ muốn nói đến, có nghĩa là như vậy. Dễ hiểu với người nhưng thật khó hiểu với ta. Rồi tôi nói với ông: "Vậy thì anh đã nhầm địa chỉ rồi. Anh có thể rút lại chùm thơ đã gửi và gửi đến một địa chỉ khác"

Đặng Huy Giang
.
.