Cố NSND Trần Khánh: Anh đã hát và anh vẫn hát

Thứ Hai, 21/01/2008, 15:00
"Tôi là người thợ lò, sinh ra trên đất mỏ, trong những ngày cờ đỏ, bay trên núi Bài Thơ! Núi Bài Thơ ơi, núi Bài Thơ…" - Từ ngày nhạc phẩm này xuất hiện cho tới nay, tôi chưa thấy ai hát đằm thắm bằng Trần Khánh. Đơn giản vì từ năm 1944, mới 13 tuổi, chàng thiếu niên Hải Phòng Trần Khánh đã là chú bé liên lạc quả cảm trong tổ công tác đặc biệt của nhạc sĩ Văn Cao.

Người nghệ sĩ đa tài Văn Cao ghi nhận bằng giấy trắng mực đen: "Từ cuối năm 1944 đến tháng 4/1945, Trần Khánh lúc ấy còn nhỏ tuổi, được phân công làm nhiệm vụ mang sách báo tới các tổ công tác trong nội thành Hải Phòng.

Ngoài ra anh còn biểu diễn tuyên truyền các bài hát Cách mạng trong giới học sinh thành phố". Như vậy "chú bé liên lạc" bé loắt choắt mới 14 tuổi đã hát. Đến khi được tổ chức điều động ra vùng mỏ, vừa hoạt động công tác cách mạng bí mật, vừa hát. Hát dưới chân núi bài thơ, rồi Cọc 5, Cọc 6, Đèo Nai, Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều…

"Mặt Hồ Gươm vẫn lung linh mây trời, càng tỏa ngát hương thơm hoa thủ đô. Đường  lộng gió thênh thang năm  cửa ô, nghe tiếng gọi không quên niềm thương đau..." - Tiếng hát sâu lắng thao thiết làm bất cứ ai nghe cũng xao xuyến,  rưng rưng.

Với đại gia đình (NSND Trần Khánh, người đứng thứ 3 từ trái qua phải).

Chỉ là Trần Khánh. Đơn giản, vì ca sĩ hát trong phòng bá âm Đài Tiếng nói Việt Nam, cơ quan anh đã gắn bó suốt từ năm 1957 đến phút chót cuộc đời. Hát ở 58 phố Quán Sứ, trong tiếng máy bay không lực Hoa Kỳ gầm rú đánh phá thủ đô yêu dấu của chúng ta tháng Chạp năm 1972.

Hồi ấy, anh chị em văn nghệ sĩ vẫn trụ lại ở đài, chỉ ít người đi sơ tán. Giao ban buổi sáng trong hầm trú ẩm ngay sân Quán Sứ. Trên trời là tiếng báo động máy bay địch xâm phạm bầu trời Thủ đô, dưới hầm mọi người điềm tĩnh lắng nghe tin chiến sự mới diễn ra, đang diễn ra.

Những trái tim nghệ sĩ rung lên, bừng bừng lửa cháy. Nhạc sĩ Phan Nhân ngồi cuối hầm ôm đàn ghi ta, đắm chìm trong suy tưởng. Rồi những nốt nhạc đầu tiên bật lên. Anh khẽ hát: "Mặt hồ Gươm vẫn lung linh mây trời…". Dòng nhạc chan chứa trào tuôn. Đến câu cuối cùng, người nhạc sĩ miền Nam đôi mắt còn rưng rưng cảm xúc vọt ra khỏi hầm. Anh đi tìm Trần Khánh. Và hai người ngồi bên nhau thầm thì hát, ôm nhau nức nở. Lên phòng thu ngay, ráp với dàn nhạc.

Hát bên mâm pháo phụ vụ chiến sĩ.

Và cả đêm trắng 26/12/1972, ngay sau ngày Lễ giáng sinh, nhạc phẩm "Hà Nội niềm tin và hy vọng" đã tung lên sóng điện truyền đi khắp đất nước từ Bắc vào Nam, khắp cả hoàn cầu. Trần Khánh là người dễ xúc động, ít khi kiềm chế cảm xúc.

Nhưng khi thu thanh bài hát tuyệt vời này, anh đã dồn bao nhiêu niềm nghĩ, niềm yêu, niềm kiêu hãnh của người Hà Nội cùng sự căm giận tột cùng quân xâm lược vào giọng hát. Hơn 35 năm đã qua, nhưng mỗi lần nghe lại khúc ca này, thính giả vẫn dạt dào xúc cảm...

Bản hợp xướng "Ca ngợi Tổ Quốc" dài 15 phút, gần một trăm nghệ sĩ và thiếu nhi đội Sơn Ca Hà Nội tham gia hoành tráng. Một giọng lĩnh xướng bỗng vút cao trên đỉnh điểm của nhạc phẩm: "Tổ quốc đời đời còn ghi nhớ, những năm bốn mươi không bao giờ quên. Nam Kỳ khởi nghĩa... Tiếng trống Bắc Sơn...". Chao ôi, một thời đau thương, một thời lửa máu tràn ngập tâm hồn nghệ sĩ, động rung sâu thẳm lòng thính giả. Đó là Trần Khánh. Đơn  giản, vì người ca sĩ  ấy đã cất lên tiếng hát với bao kỷ niệm không thể quên  khi mới bước vào tuổi niên thiếu đi theo cách mạng...

"Hướng về Nam...Ai đã qua...đã qua"... Nghệ sĩ dẫn dụ người nghe vào cuộc hành trình qua những địa danh biết bao gợi nhớ về Bình Trị Thiên yêu thương. Nấc lên xót xa "lửa khói ngút trời...", "Ôi đau thương điêu tàn"... Ca sĩ đã mang cả tinh thần người lính đã từng chiến đấu trên chiến trường  Trung Trung Bộ cuối năm 1945 đến 1947, tận mắt chứng kiến bao cảnh làm trái tim chiến sĩ trẻ rớm máu vào từng lời ca đến xa xót, đau đáu lòng người. Trần Khánh đấy, không thể là ai khác. Những khoảnh khắc không thể quên trong đời nghệ sĩ...

Một giọng tê-no trời cho, cách mạng cho, cuộc đời ưu ái ban tặng. Vậy mà, đau buồn thay, tháng 7/1981, ca sĩ mất đột ngột vì tai nạn giao thông trên đường ra vùng than thân yêu, khi mới  tròn 50 tuổi. Tiếc thương vô cùng.

 Năm 1988, nghệ sĩ Trần Khánh được Nhà nước truy tặng danh hiệu NSƯT. Và đầu năm 2007, anh lại được truy tặng danh hiệu NSND.

Người đàn ông mang nghệ danh Trần Khánh đã dành trọn cuộc đời mình cho tiếng hát. Nay tiếng hát ấy vẫn  còn vang trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. "Người chiến sĩ ấy, ai đã gặp anh, không thể nào quên, không thể nào quên..!" -  Anh đã từng hát tuyệt  hay như thế. Và mọi người vẫn nhớ và yêu anh... như thế!

Vũ Hà
.
.