Chuyện về chủ nhân “Nhân đạo thư quán”

Thứ Hai, 23/05/2005, 16:07
Với hơn 5 triệu cuốn sách đang có trong nhà, ông già chủ hiệu sách mang tên “Nhân đạo thư quán” ấy đang được “đề cử” là người có sách nhiều nhất Việt Nam.

Nhờ sự giới thiệu của anh Lương Ngọc Hùng - Giám đốc Công ty Du lịch lữ hành Vũng Tàu, chúng tôi mới được gặp ông Sanh “sách” - nhạc phụ của anh Hùng. Tên đầy đủ của ông là Nguyễn Hồng Sanh, sinh năm 1931, tại xã Phước Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Ông Sanh mê sách từ khi còn nhỏ.

Ông kể, hồi ấy, nhà nghèo, không có tiền mua sách, cậu bé Sanh thường mượn sách của những bạn học nhà giàu, với kỳ hạn một tuần. Trong một tuần đó, cậu bé Sanh “tốc ký” chép tay cho xong cuốn sách trước khi mang trả cho bạn. Tất nhiên, gặp những cuốn sách dày thì cậu phải kỳ kèo mượn lại vài ba lần, chép cho bằng hết mới thôi. Lòng yêu sách, mê sách đối với một cậu bé nhà quê như thế thật là hiếm có!

Mê sách, mong ước sau này lớn lên sẽ đi dạy học, truyền dạy những điều hay, lẽ phải, những tinh túy từ sách cho các em nhỏ. Điều mong ước ấy thật ra không quá xa vời đối với Nguyễn Hồng Sanh, bởi vì ông vốn là người thông minh, học giỏi. Tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Sài Gòn, Nguyễn Hồng Sanh trở thành ông giáo, dạy hai môn Văn và Pháp văn tại Vũng Tàu từ năm 1956 - 1975.

Năm 1960, khi còn đang dạy học, ông Sanh đã mở hiệu sách “Nhân đạo thư quán” vừa để thỏa thú chơi sách, vừa làm chỗ mua bán, cho thuê sách như một nghề tay trái kiếm sống. Cái tên “Nhân đạo thư quán” là xuất phát từ một sự gợi ý khi ông giáo Sanh đọc tờ báo L’Humanité (Báo Nhân đạo - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp).

Lúc ấy, tuy sống dưới chế độ cũ, nhưng tâm hồn, ý nghĩ của ông giáo Sanh luôn nghĩ về cách mạng. Ông mong ước hiệu sách của mình sẽ giúp ích cho nhiều người trong việc bồi dưỡng tâm hồn và trí tuệ theo tinh thần nhân đạo mà ông ấp ủ…Sau năm 1975, vẫn tiếp tục theo nghề giáo, ông Sanh là giáo viên dạy Văn cho Trường Bổ túc văn hóa cán bộ tại Vũng Tàu. Đến năm 1989 ông về hưu, “Nhân đạo thư quán” được khôi phục, vẫn ở địa chỉ 45 Nguyễn Trường Tộ từ đó cho đến nay.

Mê sách, đi đâu ông Sanh cũng “lùng sục” tìm sách, có bao nhiêu tiền trong túi ông cũng vét mua sách. Sách chất đầy, chật cứng trong căn nhà rộng 12m x 25m… Ông Sanh bật mí rằng: “Những cuốn sách quý thường được tìm thấy ở những hiệu sách cũ, đặc biệt là trong tủ sách gia đình của những nhà nghiên cứu, trí thức mà khi họ mất đi, gia đình không biết giá trị nên mang bán ve chai, thậm chí cho không…”.

Suốt một cuộc đời “ăn nằm” với sách, đối với ông Sanh có biết bao kỷ niệm buồn vui. Ông nhớ, cuốn “Các yếu nhân Đông Dương” (Phủ toàn quyền Pháp xuất bản - 1942), khi ông mua chỉ 20.000đ, nhưng khi bán lại được đến 450.000đ. Tất nhiên, việc bán một cuốn sách quý như vậy chỉ xảy ra khi ông biết người mua là một bậc trí giả, quý sách và cần sách.

Còn cuốn “Lầm than” của nhà văn Lan Khai (NXB Tân Dân - 1938) ông mua năm 1942 tại một hiệu sách cũ ở Sài Gòn, mãi đến năm 2001, có người cháu nội của nhà văn Lan Khai là ông Nguyễn Quốc Tuấn từ Hà Nội vào Vũng Tàu chơi, nghe bạn nói có ông Sanh “sách” hay lắm bèn tìm đến… Không ngờ ông Sanh “sách” đang giữ cuốn sách của nhà văn Lan Khai mà gia đình đang cất công đi tìm.

Cầm trên tay cuốn sách cũ, ông Tuấn mừng quá, sau khi trả cho ông Sanh một khoản tiền, đã khẩn khoản mời ông đi ăn trưa cho bằng được. Khi cuốn “Lầm than” được tái bản, ông Sanh đã nhận được sách biếu với lời đề tặng thật trân trọng…

Tiếng đàn kìm hòa điệu nhân gian

Không chỉ mê sách, ông Sanh còn “ghiền” thêm hai thứ là đờn ca tài tử và cờ tướng. Khi ông đang đọc sách, thì xin đừng ai đến làm phiền ông. Khi ông đang chơi cờ mà có người vào thuê sách, thì ông cho chờ mỏi mệt. Còn khi ông ôm cây đàn kìm thì mọi chuyện trên thế gian này đối với ông đều nhẹ bỗng…

Ông Sanh hồ hởi cho biết: “Tui làm chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lâu lắm rồi, mới “thôi chức” hồi năm ngoái. Nói về ngón đàn kìm, tui dám tự hào nói rằng mình là tay chơi tài tử có đẳng cấp. Ngoài ngón đàn, tui còn có thể soạn bài ca cổ, cải lương… Hiện nay, tui đã soạn được vài chục bài để mang ra phục vụ mọi người”.--PageBreak--

Tham quan gian nhà chất đầy sách của ông Sanh, chúng tôi tình cờ phát hiện ra những cuốn sách do chính ông dịch. Ông bảo: “Hồi đó, tui cũng có ý định trở thành nhà văn, dịch giả. Thấy có mấy cuốn hay dịch thử chơi vậy thôi, không ngờ được in. Nhưng rồi tui nhận thấy để làm nhà văn, dịch giả thật không dễ. Thôi, mình làm cái anh chơi sách sướng hơn, hợp với mình hơn!…”.

“Mỗi cuốn sách là một người bạn, người thầy!”

Khi trò chuyện với ông Sanh, chúng tôi thật sự cảm nhận được niềm hạnh phúc mà ông có. Ông là người mê sách. Nhưng cao hơn, ông tôn sách lên thành đạo, ông coi sách vừa là bạn vừa là thầy. Những người bạn không bao giờ quay lưng và những người thầy luôn tận tâm, nhẫn nại. “Đặc biệt, đó là những người bạn, người thầy mà mình có thể tìm đến lúc nửa đêm, gà gáy, nhưng không bao giờ… bị nhăn” - ông Sanh “sách” hóm hỉnh.

Nhưng chơi sách, bên cạnh niềm vui cũng có nỗi buồn lo. Với ông Sanh, buồn nhất là khi sách bị mối, mọt ăn. Hiệu sách của ông đã từng bị mối phá hư hàng ngàn cuốn sách. Không có cách nào chống mối hữu hiệu hơn bằng việc phải sống với sách, lật giở nó hàng ngày, di chuyển liên tục…

Mưa cũng là một nỗi lo. Ông Sanh cho biết, một lần nọ, mưa to, máng xối bể làm ướt khoảng 3 ngàn cuốn sách, khiến ông phải khổ sở phơi phóng sách suốt ba tháng trời…

Nói về cái hiệu sách của ông Sanh cũng có nhiều người bảo ông là “ông già gàn”. Bởi vì ngôi nhà mặt tiền ấy mà cho thuê thì kiếm được khá tiền, tội gì ông phải suốt ngày lúi húi, hì hụi với sách như thế.

Mỗi khi nghe vậy, ông Sanh mỉm cười: “Việc thu nhập từ hiệu sách của tui cũng rất ít. Nhưng tui vẫn duy trì hiệu sách ấy, vì tui thấy các em học sinh, sinh viên còn tìm đến. Với các em, bao giờ tui cũng ưu tiên, nhiều em không có tiền nhưng cần sách luyện thi đại học hay sách nghiên cứu thì tui tặng luôn. Với tui, hiệu sách này còn là một phần sống, một không gian không thể thiếu. Nó gắn với những kỷ niệm của cả một đời người…”

Trần Nhã Thuỵ
.
.