Chuyện tác quyền của "Vua phóng sự đất Bắc"

Chủ Nhật, 17/07/2005, 08:19

Vũ Trọng Phụng qua đời khi mới 27 tuổi. Ngoài những tác phẩm văn chương đặc sắc nhà văn còn để lại một mụn con gái có tên Vũ Mỵ Hằng, bấy giờ mới 1 tuổi. Sau này, người con gái duy nhất của nhà văn may mắn kết hôn với một người chồng hết lòng trân trọng sự nghiệp của nhạc phụ. Cũng nhờ thế mà công tác sưu tầm, nghiên cứu và lưu giữ các tác phẩm của nhà văn họ Vũ được quy củ hơn nhiều gia đình nhà văn khác.

Trong dòng văn học hiện thực trào phúng Việt Nam đầu thế kỷ XX, Vũ Trọng Phụng thuộc lớp nhà văn đi tiên phong. Ông được người đương thời vì nể, suy tôn là “Vua phóng sự đất Bắc”. Con người tài hoa và bạc mệnh ấy đã thể hiện tài năng và sức lao động nghệ thuật đến kinh ngạc; nhưng sau khi ông qua đời, công việc gìn giữ di sản vật chất và tinh thần của ông lại là những chuyện không phải ai cũng  biết.

Vui buồn chuyện tác quyền của nhà văn Vũ Trọng Phụng

Trong một cuộc họp về bản quyền tác giả văn học Việt Nam mới đây, nhà văn Hoàng Quốc Hải có kể lại: Ngày trước, khi nghe nói về quyền tác giả của tác phẩm văn học nghệ thuật là bảo hộ suốt đời tác giả cộng với 50 năm sau khi nhà văn qua đời, chị Vũ Mỵ Hằng đã ứa nước mắt vì đến năm 1989 thì tác phẩm của cha chị đã hết thời hạn được hưởng tác quyền. Nhà văn Vũ Trọng Phụng qua đời quá sớm, việc thực hiện nghiêm chỉnh công tác bảo vệ bản quyền ở nước ta lại quá muộn. Đến khi những người sử dụng tác phẩm có ý thức hơn về tác quyền thì dấu chấm hết thời hạn là một giới hạn buồn. May sao, các cán bộ làm công tác quản lý văn hóa và bảo vệ tác quyền thời điểm đó đã quan tâm đặc biệt đến trường hợp của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Nhờ vậy, thời hạn còn được hưởng quyền tác giả của gia đình nhà văn đã được công nhận thêm 30 năm (tính từ năm 1989).

Biết việc gia hạn thêm 30 năm này, nhiều người yêu văn chương hết sức phấn khởi và đồng loạt cho rằng như vậy mới là đúng. Người yêu quý gia đình nhà văn đã nói: Không phải là vấn đề tiền bạc nhưng người cha rất mực tài hoa và đoản mệnh ấy đã không thể nuôi con từ khi ấu thơ thì niềm vui hưởng tác quyền lúc con gái nhà văn nhiều tuổi lại có giá trị tinh thần lớn lao. Tính đến nay, gia đình nhà văn cũng chỉ còn được hưởng tác quyền hơn 10 năm nữa.

Năm 1994, Hãng phim Giải phóng đã cử đại diện ra tận Hà Nội gặp gia đình nhà văn Vũ Trọng Phụng để xin phép sử dụng và trao tiền bản quyền tác phẩm “Kỹ nghệ lấy Tây”. Số tiền một triệu đồng tác quyền được trao năm ấy là một số tiền lớn và nó đã giúp vợ chồng con gái nhà văn tìm về quê gốc họ Vũ, tìm mộ cụ thân sinh ra nhà văn để tu sửa. Nhưng cho đến nay, 11 năm đã trôi qua, Hãng phim Giải phóng vẫn chưa dựng phim “Kỹ nghệ lấy Tây”, khiến cho những người nhận tiền ngày nào không khỏi “áy náy”!

Tuy nhiên, cũng có những chuyện buồn: Đoàn kịch Phú Nhuận do NSƯT Hồng Vân làm quản lý đã dựng vở “Số đỏ”. Nhưng lại không hề hỏi qua gia đình nhà văn. Khi ông Sơn liên lạc thì được chị Hồng Vân chuyển giấy mời đi xem. Theo người phụ trách đoàn kịch này thì tiền tác phẩm đã được trao cho tác giả kịch bản L.C.T. Ông Sơn đã liên lạc với tác giả kịch bản nhưng hơn một năm trôi qua vẫn chưa thấy ông này “động tĩnh”.

Chuyện buồn nữa là bộ phim “Bẫy tình” của Hãng phim Phương Nam dựa theo 2 tiểu thuyết của nhà văn vũ Trọng Phụng (có trong danh sách 27 tác phẩm được Bộ Văn hóa - Thông tin cho phép bảo hộ thêm 30 năm,) đã phát hành rộng rãi mà gia đình nhà văn cũng chưa hề được thông báo. Trên bìa đĩa VCD có in đủ thông tin nói trên. Không hiểu tại sao vẫn chưa thấy gì… Được biết, Trung tâm bảo vệ Bản quyền tác giả Văn học Việt Nam đang có kế hoạch làm việc với gia đình nhà văn và các bên nói trên để yêu cầu thực hiện đúng luật bản quyền.

Và chuyện về người con rể hiếu thảo

Có nhà văn cao tuổi đã nói với bạn bè: Giá như những người con đẻ của mình được một phần như con rể cụ Vũ Trọng Phụng thì cũng là có phúc lắm rồi. Năm 1996, bà Vũ Mỵ Hằng qua đời. Từ đó đến nay, một mình ông Nghiêm Xuân Sơn lo lắng những trọng việc liên quan đến mộ phần nhà văn và họ Vũ, đến việc bảo quản, gìn giữ bản gốc các tác phẩm, xây nhà lưu niệm, nhà thờ với nghi thức vinh danh cho nhà văn. Tất cả các việc làm của ông nhất nhất không vì trông chờ vào tiền của Nhà nước hay tổ chức nào. Ông tự lo lắng, gom góp tiền bản quyền được nhận và tiền công sức lao động của mình suốt đời để làm.--PageBreak--

Khi được hỏi: Ông đã làm những việc như vậy là vì sự kính phục tài năng của nhà văn Vũ Trọng Phụng hay là vì tình yêu lớn dành cho vợ thì ông trả lời giản dị, nghẹn ngào: “Lẫn vào nhau, không phân biệt được đâu”. Tìm câu trả lời cũng bằng không nếu như bạn biết thông tin trong nhà thờ họ Nghiêm của ông (do ông làm trưởng họ) chính ông đã dành một phần trang trọng để thờ họ Vũ của vợ và thờ nhà văn Vũ Trọng Phụng. Ông còn xây dựng một nhà lưu niệm nhà văn Vũ Trọng Phụng tại quận Bình Thạnh, Tp.HCM.

Có những người sinh một bề con gái biết chuyện này sẽ yên tâm hơn rất nhiều và tin rằng đạo hiếu không lệ theo con trai hay gái mà còn do phúc đức, tài năng để lại. Khái niệm xưa “rể khách” là sai trong trường hợp này. Tôi hỏi ông Vũ Hoàng Tuấn - con trai nhà văn Vũ Bằng thì được nghe nhận xét: “Anh Sơn là một người con rể đặc biệt. Anh còn có điều kiện và dành hết tâm lực cho việc hiếu nghĩa bằng cách gìn giữ, tôn vinh văn nghiệp của cha vợ. Không mấy ai làm được thế!”.

Riêng một chuyện đặc biệt này nữa cũng đã khiến chúng tôi ngỡ ngàng quá đỗi. Khi chúng tôi đến với gia đình cháu ngoại của nhà văn Vũ Trọng Phụng ở Hà Nội, chúng tôi đã bất ngờ được đứng chắp tay khấn ngay trước mộ phần của nhà văn và 4 thân nhân nữa trong gia đình, trong đó có mộ phần của bà Vũ Mỵ Hằng. Ông Sơn cho biết: Gia đình chúng tôi vào Nam từ năm 1984 và việc sống chung cùng mộ phần của các thân nhân là một việc không lạ với trong đó. Nhưng lý do chính lại là chúng tôi muốn con cháu và hậu thế của gia đình một lòng tôn phụng và không được phép nguôi quên “ông cụ”. Với mộ phần ngay sát nhà trong khuôn viên gia đình thế này là một sự giáo dục cần thiết. Và dù có nghèo đói đến đâu, dù cho các cơn sốt nhà đất đến  mức nào thì con cháu cũng khó dám bán đất, bán nhà.

Chúng tôi được biết, mộ phần của nhà văn đã được Bộ Văn hóa - Thông tin cho phép và Hội Nhà văn Việt Nam cùng tổ chức chuyển về đây năm 1984, còn cốt của các thân nhân khác cũng được quy tập về từ vài chục năm trước. Nhưng điều lạ là tại sao mộ của bà Vũ Mỵ Hằng, con gái nhà văn mới qua đời năm 1996 thì lại được chôn ngay trong nội thành Hà Nội như vậy (cạnh đình Giáp Nhất, Nhân Chính, quận Thanh Xuân). Và tôi đã tìm ra được lời giải đáp. Một tình yêu lớn, một người thật sự sâu sắc mới có được quyết tâm làm và có cách làm như thế. Ông muốn cho vợ mình được nằm bên cha mẹ, cùng được thắp nén nhang thơm khi người nhà cũng như khách văn đến thắp nhang trên mộ người cha nổi tiếng. Ân tình ấy, ý nghĩa ấy giúp ông thực hiện việc hỏa táng vợ và đưa lọ tro di hài về chôn sâu, rồi xây mộ tưởng nhớ. Âu thế cũng là vẹn lý vẹn tình. Nhưng dù sao vẫn là những chuyện đặc biệt.

Tại quán “Số đỏ” của gia đình cháu ngoại Vũ Trọng Phụng, các tao nhân mặc khách đến nhâm nhi chén rượu còn có thể thắp nén nhang tưởng nhớ trên mộ phần Vũ Trọng Phụng. Ông Nghiêm Xuân Sơn còn đang đau đáu một việc sẽ làm trong năm nay, đó là dựng tượng nhà văn Vũ Trọng Phụng trong khuôn viên gia đình và lập Quỹ Văn học Vũ Trọng Phụng bằng chính tiền tác quyền của nhà văn và tiền của gia đình để trao cho những cây bút trẻ cần khuyến khích tài năng

Nam Anh
.
.