Chuyện lạ xoay quanh tượng vàng Oscar

Thứ Năm, 13/03/2008, 09:00
Sáng 25/2 vừa qua, tại Nhà hát Kodak, Los Angeles (Mỹ) đã diễn ra lễ trao giải thưởng điện ảnh thường niên lần thứ 80 của Viện Hàn lâm Điện ảnh và Khoa học Mỹ (gọi tắt là Oscar). Sau đây là một số chuyện lạ xoay quanh bức tượng mà bao minh tinh màn bạc hằng mơ ước một lần trong đời được với tới này.

Giải Oscar là một bức tượng nhỏ bao gồm phần gốc bằng kim loại đen được mạ vàng và britannium. Toàn bộ bức tượng cao vỏn vẹn 34 cm, nặng 3,85 kg, có hình dáng của một hiệp sĩ được điêu khắc theo phong cách Art Deco. Chàng hiệp sĩ này cầm gươm và đứng trên một cuộn phim có năm cánh tượng trưng cho các nhánh gốc của Viện Hàn lâm bao gồm diễn viên, biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất và kỹ thuật viên.

Người có ý tưởng tạo ra bức tượng Oscar là Cedric Gibbons - chỉ đạo nghệ thuật của Hãng MGM và là một trong các thành viên đầu tiên của Viện Hàn lâm. Người cụ thể hóa ý tưởng của Gibbons là nhà điêu khắc George Stanley. Ông đã tạo ra một phiên bản bằng vàng để từ đó Alex Smith chế ra bản tượng bằng thiếc và đồng được mạ vàng với tỉ lệ 92,5 phần trăm thiếc và 7,5 phần trăm đồng. Ngày nay, mỗi năm có khoảng 50 - 60 bức tượng Oscar được sản xuất bởi công ty  với sự kiểm soát chất lượng rất nghiêm ngặt, các bản tượng lỗi trong quá trình sản xuất lập tức được cắt đôi và nung chảy.

Dù chàng hiệp sĩ giờ đã là ông lão 80, nhưng nguồn gốc cái tên "Oscar" hiện vẫn còn gây tranh cãi. Trong cuốn tự truyện của mình, Bette Davis cho rằng, chính bà là người nghĩ ra cái tên này, bà đặt nó theo tên người chồng đầu tiên, chỉ huy dàn nhạc Harmon Oscar Nelson. Một người khác được coi là đã khai sinh ra cái tên Oscar là Magaret Herrick, một thư ký của Viện Hàn lâm.

Khi lần đầu tiên nhìn thấy bức tượng năm 1931, cô đã nói rằng bức tượng này trông giống ông chú Oscar của mình. Nhà báo Sidney Skolsky cũng có mặt ở đó đã lập tức chộp lấy cái tên này để làm nhan đề cho bài báo của ông: "Một nhân viên đã yêu mến đặt tên cho bức tượng nổi tiếng là Oscar". Ngày nay cả hai cái tên Oscar và Giải thưởng Viện Hàn lâm đều được đăng ký tên thương mại để tránh các vụ kiện tụng hoặc tranh chấp có thể xảy ra.

Kể từ năm 1950, Viện Hàn lâm Điện ảnh và Khoa học Mỹ đã ra quy định về việc chủ nhân của các bức tượng Oscar và người thừa kế của họ không được phép bán bức tượng, trừ trường hợp bán lại cho chính Viện Hàn lâm với giá tượng trưng là… 1 USD.

Nếu người được chọn trao giải từ chối vinh dự này thì Viện Hàn lâm sẽ giữ lại bức tượng. Quy định trên đã gây ra nhiều tranh cãi, bởi nó đồng nghĩa với việc người được trao tượng vàng Oscar lại không được sở hữu hoàn toàn giải thưởng của mình. Đã có trường hợp cháu trai của nhà sản xuất phim Michael Todd đã cố bán bức tượng Oscar của ông mình cho một nhà sưu tập. Còn đạo diễn lừng danh Steven Spielberg đã mua được tới 3 tượng Oscar chính hiệu lần lượt vào các năm 1996, 2001 và 2002 để chúng không trôi nổi trên thị trường.

Gần đây nhất, năm 2006, một cuộc đấu giá tượng vàng Oscar trên mạng đã kịp thời được hủy bỏ vì là... đồ giả. Nó được ghép lại từ hai khối riêng biệt rất tinh vi, khó lòng phát hiện bằng mắt thường. Tuy nhiên phần trên của tượng giả nặng hơn tới 500g so với tượng vàng Oscar "xịn". Xưa nay chuyện mất cắp tượng vàng Oscar cũng đã có nhưng làm giả ông hoàng Oscar như trường hợp này thì quả là chưa có tiền lệ.

Vụ mất cắp lớn nhất xảy ra năm 2000, khi 55 bức tượng vàng đã "bốc hơi" trên đường vận chuyển tới lễ trao giải. 53 chiếc trong số đó đã được tìm thấy. 2 chiếc còn lại cho đến nay vẫn bặt vô âm tín. Willie Fulgear, người đã phát hiện và trả lại 1 bức tượng, đã được thưởng 50.000 USD Mỹ cùng 2 tấm vé đến dự lễ trao giải.

Một số người giành giải Oscar như Whoopi Goldberg, William Hurt và Orson Welles cũng đã bị kẻ trộm chôm mất tượng. Duy chỉ có nữ diễn viên Margaret O' Brien là tìm lại được bức tượng bị đánh cắp sau đằng đẵng 20 năm trời.

Hội đồng nghệ thuật từng chấp nhận đổi tượng cũ lấy tượng mới trong một số trường hợp hy hữu. Đó là Gene Kelly với bức tượng ban đầu bị hỏng trong một vụ cháy và người thứ hai là Jack Lemmon với lý do bức tượng bị gỉ!

Lương Lê Giang
.
.