Chuyện kể của những người chỉ mơ... thất nghiệp

Thứ Ba, 31/12/2013, 08:00
Đại tá Dũng tâm sự: "Nghề nào cũng có lắm chuyện buồn, vui, với riêng nghề chữa cháy, vui nhất là được… thất nghiệp".

Nằm ở dải đất phía Nam Trung bộ, tỉnh Khánh Hòa không chỉ là xứ trầm hương mà còn là vùng đất nổi tiếng với "vàng trắng" của loài chim yến. Trong những năm qua, Khánh Hòa luôn tạo thế đột phá, đẩy mạnh nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao, tốc độ đô thị hóa phát triển mạnh, nền "công nghiệp không khói" thu hút hơn ba triệu lượt du khách trong và ngoài nước mỗi năm. Vùng đất này còn là nơi thu hút nhiều sự kiện văn hóa thể thao - du lịch mang tầm quốc gia và quốc tế. Để góp phần tác động tích cực trong công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, lực lượng Công an nơi đây đã ngày đêm nỗ lực bảo đảm ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, trong đó có những người lính Cảnh sát phòng cháy - chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC-CNCH).

1.Đại tá Nguyễn Đức Dũng - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (PC66) Công an Khánh Hòa quê ở Quảng Xương, Thanh Hóa. Theo lời khuyên của người cha là cán bộ tiền khởi nghĩa, năm cuối bậc phổ thông trung học, anh đăng ký vào Trường KH5 - Bộ Công an. Suốt quãng đời học sinh, lần đầu tiên cậu học trò chân quê được lên thành phố Thanh Hóa đi tàu lửa cùng 10 học sinh khác trong tỉnh ra Hà Nội. Nhìn phố phường bằng ánh mắt ngơ ngác vì lạ lẫm, nhưng lạ nhất là khi đến nơi, anh Dũng cùng nhóm bạn Thanh Hóa mới biết Trường KH5 là nơi đào tạo Cảnh sát PCCC - tiền thân Trường Đại học Cảnh sát PCCC bây giờ. Đại tá Dũng tâm sự: "Nghề nào cũng có lắm chuyện buồn, vui, với riêng nghề chữa cháy, vui nhất là được… thất nghiệp".

Triển khai đội hình chữa cháy.

Nói là vậy, nhưng muốn được "thất nghiệp", những người lính ở Phòng PC66 Công an Khánh Hòa phải thường xuyên chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng cháy. Thiếu tá, Phó trưởng phòng Hồ Chí Thanh cho biết, chỉ riêng tại Nha Trang hiện có 1.181 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó có 70 cơ sở trọng điểm là trụ sở cơ quan Đảng, chính quyền, chung cư, siêu thị, tổng kho xăng dầu… vốn là những nơi cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Thế nhưng ngoài chiếc xe thang chuyên dụng trị giá gần chục tỷ đồng, 16 xe chữa cháy còn lại đã và đang xuống cấp, trong đó có 4 xe Zin 130 quá già cỗi, cơ sở vật chất hạn hẹp, cán bộ chiến sĩ không có sân bãi tập luyện thao tác chữa cháy… trong khi đó địa bàn Khánh Hòa rộng, Tp Nha Trang là nơi tập trung nhiều cơ sở trọng điểm, nhà cao tầng.

Để chủ động phòng ngừa và ngăn chặn hiểm họa cháy nổ, trong những năm qua, Phòng PC66 Công an Khánh Hòa không chỉ chú trọng công tác kiểm tra, thẩm duyệt và thỏa thuận thiết kế - thiết bị PCCC các dự án, hạng mục công trình xây dựng, mà còn tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật về PCCC.

Từ công tác kiểm tra, Cảnh sát PCCC đã yêu cầu, kiến nghị nhiều cơ sở thay đổi thiết kế xây dựng, khắc phục những khiếm khuyết, đầu tư xây lắp, bổ sung thêm thiết bị PCCC tại chỗ, tổ chức huấn luyện nghiệp vụ cho các đội PCCC cơ sở, phối hợp đồng bộ với các lực lượng PCCC chuyên nghiệp, chuyên ngành quân đội, hàng không dân dụng tổ chức nhiều cuộc diễn tập, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đầu tư xây lắp 117 trụ cấp nước chữa cháy ở nội thành Nha Trang…

Cùng với việc tham mưu cho Ban chỉ đạo công tác PCCC và CNCH Khánh Hòa ban hành kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện xử lý các tình huống cháy - nổ lớn, kế hoạch điều tra cơ bản xác định cơ sở nguy hiểm cháy - nổ để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả, xác lập và triển khai phương án bảo vệ an toàn PCCC từ 65-70 chuyến tàu biển vào cảng Nha Trang chuyển giao cho Tổng kho Vĩnh Nguyên 170.000 -180.000m3 xăng dầu mỗi năm, Phòng PC66 Công an Khánh Hòa còn thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xây dựng phong trào quần chúng PCCC bằng nhiều hình ảnh trực quan sinh động, thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng.

Không chỉ chừng ấy, những người lính PCCC và CNCH ở Khánh Hòa còn phối hợp với Đài truyền Hình Việt Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa xây dựng hơn 30 phóng sự mỗi năm để cảnh báo, hướng dẫn các cơ sở và người dân PCCC trước những tình huống thường phát sinh. Đại tá Nguyễn Đức Dũng tâm sự: "Muốn thất nghiệp trong hoạt động chữa cháy, chúng tôi phải tích cực triển khai thực hiện công tác phòng cháy thường xuyên, liên tục bằng nhiều biện pháp".

Chữa cháy tàu thuyền ở cửa biển Vĩnh Trường, Tp Nha Trang.

2. Hiểm họa cháy nổ là sự cố rủi ro phát sinh bất ngờ, đột biến, nên cánh lính PCCC và CNCH luôn phải thường trực xuyên suốt ngày đêm để sẵn sàng cơ động chiến đấu khi có tình huống xảy ra. Lắm khi nửa đêm, mờ sáng đang ngon giấc ngủ phải bật dậy, thậm chí có lúc đang giữa bữa cơm ở nhà ăn tập thể phải vứt bát đũa, lao ra xe chữa cháy tăng tốc đến hiện trường.

Đại tá Nguyễn Đức Dũng chia sẻ: "Dù đã chuyển giao ca trực lãnh đạo đơn vị cho người khác, thế nhưng mỗi khi nghe tin có vụ cháy xảy ra, anh em trong ban chỉ huy không thể ngồi yên ở nhà". Do khoảng cách từ Nha Trang ra huyện Vạn Ninh hay lên miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh đều xa, nên ngoài Đội PCCC và CNCH tại Tp Nha Trang, Phòng PC66 Công an Khánh Hòa xây dựng hai Đội PCCC và CNCH tại Cam Ranh và Vạn Ninh. Dẫu vậy, với 126 cán bộ - chiến sĩ, quân số của Phòng PC66 Công an Khánh Hòa vẫn còn quá mỏng so với yêu cầu thực tế về nhiệm vụ công tác PCCC và CNCH trong tình hình mới. Thế nhưng, bằng tinh thần đoàn kết, vượt khó, năng động, sáng tạo trong công tác, trong những năm qua, cán bộ chiến sĩ Phòng PC66 Công an Khánh Hòa luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Cách đây hơn hai chục năm, khi Khánh Hòa ghi danh vào câu lạc bộ 500 tỷ, đô thị chưa phát triển mạnh như bây giờ, hoạt động đầu tư chưa thu hút nhiều dự án, mỗi năm trên địa bàn tỉnh này xảy ra 25-30 vụ cháy. Đến nay, Khánh Hòa đã thu ngân sách trên 11.000 tỷ đồng, tốc độ đô thị hóa phát triển mạnh, hoạt động đầu tư thu hút nhiều dự án, nhưng những người lính PCCC và CNCH đã kiềm chế không để số vụ cháy tăng quá 15% là một sự cố gắng đáng ghi nhận, so với năm ngoái số vụ cháy năm nay giảm 2, số người chết giảm 3, số người bị thương giảm 1.

Khi không xảy ra hỏa hoạn, nhiều người nhầm tưởng cánh lính PCCC và CNCH chỉ "ngồi chơi xơi nước". Thực tế không phải vậy. Thượng tá, Phó trưởng phòng Lê Văn Hùng cho biết, trong năm 2013, đơn vị đã thực hiện một khối lượng công việc khá lớn. Đó là tổ chức 514 buổi tuyên truyền pháp luật và biện pháp PCCC, thu hút 31.208 người; 71 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho 3.740 người tham gia, 2 Hội thao kỹ thuật nghiệp vụ chữa cháy cho 45 đội dân phòng, đội PCCC cơ sở, xác lập 21 phương án chữa cháy, thực tập 25 phương án PCCC và CNCH.

Ngoài việc kiểm tra 7 chuyên đề về xăng dầu; khu công nghiệp; khí đốt hóa lỏng, điểm trông giữ xe; các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, nhà hàng, quán bar, vũ trường; vật liệu nổ công nghiệp; chợ - trung tâm thương mại - siêu thị và 6 chuyên ngành: viễn thông, y tế, ngân hàng, giáo dục - đào tạo, điện lực, công an, Phòng PC66 Công an Khánh Hòa còn kiểm tra định kỳ, đột xuất 1.496 cơ sở, phát hiện và kiến nghị khắc phục 3.405 thiếu sót, kiểm tra PCCC 126 tàu du lịch, tàu biển ở 26 bến tàu nội địa, cảng biển, qua đó phát hiện 175 thiếu sót; thẩm duyệt PCCC 140 công trình, kiểm tra điều kiện về an toàn cháy nổ để cấp 780 giấy phép vận chuyển hơn 1.372 tấn thuốc nổ, 675.996 kíp, 700.497 dây nổ, 6.673 quả nổ, 5.900m dây cháy chậm và một số hàng nguy hiểm cháy, nổ…

3.Thừa biết những nỗi vất vả hiểm nguy trong công tác PCCC và CNCH, thế nhưng có nhiều sĩ quan ở Phòng PC66 Công an Khánh Hòa gắn bó với nghề 30 tới 36 năm như Thượng tá - cán bộ kiểm tra Trần Ngọc Đạt; Trung tá - Đội trưởng Đặng Văn Minh; Đại tá - Trưởng phòng Nguyễn Đức Dũng; Trung tá - Đội trưởng Trần Văn Khóa. Trong cánh lính trẻ, có nhiều chiến sĩ đã chọn nghề PCCC và CNCH để nối nghiệp cha. Đó là Thượng úy Trần Khánh Sơn, Trung úy Nguyễn Hòa Trung, Trung sĩ Trần Lê Trà My, Thượng sĩ Bùi Ngọc Quỳnh Như, Hạ sĩ Lê Hoài Nam… Hai thế hệ chung một con đường, họ cùng nỗ lực vươn lên thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ bình yên cuộc sống xứ sở trầm hương, giữ vững danh hiệu đơn vị quyết thắng, đơn vị văn hóa -  gương mẫu chấp hành điều lệnh CAND

Phan Thế Hữu Toàn
.
.