Chuyên gia bóng bàn Nguyễn Trọng Trúc và mối tình đẹp với NSƯT Thúy Hoa

Thứ Hai, 22/07/2019, 08:51
Cuốn hồi ký "Bóng bàn - Một đời tôi đam mê" của chuyên gia bóng bàn Nguyễn Trọng Trúc vừa được NXB Thế giới ấn hành... 

Cả một đời gắn bó với bộ môn thể thao này, ông Nguyễn Trọng Trúc đã góp phần đào tạo nhiều vận động viên tài năng cũng như xây dựng nhiều giải đấu chuyên nghiệp. Thế nhưng, ít ai biết rằng, để hết lòng hết dạ với bóng bàn, ông Nguyễn Trọng Trúc luôn cần đến bàn tay thương yêu và tháo vát của NSƯT Thúy Hoa!

Ông Nguyễn Trọng Trúc (1943-2017) là một tên tuổi của giới thể thao Việt Nam. Ông từng giữ vị trí Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển bóng bàn Việt Nam nhiều năm, đồng thời ông cũng là người kiến thiết giải thưởng Cây vợt Vàng của môn bóng bàn nước nhà. Hồi ký "Bóng bàn - Một đời tôi đam mê" được ông Nguyễn Trọng Trúc hoàn thành những ngày tháng cuối đời, sau khi ông phát hiện mình bị bệnh nan y. Cả cuốn sách của ông Nguyễn Trọng Trúc giúp công chúng thấy được lịch sử phát triển của bóng bàn Việt Nam suốt nửa thế kỷ vừa qua.

Gia đình chuyên gia bóng bàn Nguyễn Trọng Trúc (ảnh chụp đầu thập niên 90).

Ông Nguyễn Trọng Trúc sinh ra ở phố Khâm Thiên - Hà Nội. Thuở nhỏ, ông là một cây văn nghệ và say mê đọc sách văn học mà ông thổ lộ "chính những quyển sách này đã bồi dưỡng cho tôi nhân sinh quan sống, lòng vị tha thương yêu con người, cách đối nhân xử thế với mọi đối tượng, kể cả đối thủ, kẻ thù".

Năm 13 tuổi, cậu bé Nguyễn Trọng Trúc bắt đầu làm quen với bóng bàn khi chuyển chỗ ở về số nhà 31 Hàng Chuối. Khoảng sân trước nhà 31 Hàng Chuối có một bàn bóng bàn, vậy là "tôi sau này nghĩ lại, duyên nợ với bóng bàn của mình có lẽ bắt đầu từ đây. Khi mà bạn được lớn lên bên cạnh một cái hồ bơi, bạn rất có thể trở thành vận động viên bơi lội. Còn khi bạn lớn lên bên cạnh cái bàn bóng bàn, thì duyên nghiệp với bóng bàn có lẽ cũng là điều dễ hiểu".

Năm 1960, Nguyễn Trọng Trúc được tuyển chính thức vào biên chế của Trường Thể dục Thể thao Trung ương, và theo đuổi bóng đàn đến hơi thở cuối cùng.

Vốn giản dị và khiêm nhường, hồi ký "Bóng bàn - Một đời tôi đam mê" chủ yếu để ông Nguyễn Trọng Trúc nói về bóng bàn Việt Nam với những trăn trở và hy vọng, mà rất ít thấy dấu vết cá nhân. Suốt 300 trang sách, chỉ vỏn vẹn khoảng 100 chữ, ông thổn thức về hậu phương vững chắc của mình: "Nghĩ lại mà thương vợ, thương con vô cùng. Nếu không có Thúy Hoa và các con, chắc tôi sẽ không đương đầu được với công việc và sự nghiệp của mình. Tôi phải cảm ơn và biết ơn Thúy Hoa rất nhiều!".

Người phụ nữ có cái tên gọi Thúy Hoa là một phát thanh viên nổi tiếng và xinh đẹp, đã mang lại cho chuyên gia bóng bàn một gia đình đầm ấm. Nghệ sĩ Ưu tú Thúy Hoa kể lại lần đầu tiên họ gặp gỡ: "Tôi còn nhớ rất rõ vào ngày 8/3/1978, chị Cánh - Thường trực ở cổng Đài gọi điện lên Tổ Nói (Tổ Phát thanh viên) Đài Tiếng nói Việt Nam và nói tôi xuống nhận hoa. Khi tôi xuống thì thật là bất ngờ là cả một góc Phòng Thường trực đầy hoa, nhưng rất tiếc không có ai để lại tên và địa chỉ để tôi có thể biết người đã tặng hoa cho tôi…".

Và người tặng hoa lại xuất hiện khi đi cùng người chú của Thúy Hoa trước cổng Đài Tiếng nói Việt Nam sau giờ tan ca: "Tôi rất ngạc nhiên tiến đến chào chú và chú tôi giới thiệu: "Đây là anh Nguyễn Trọng Trúc, Huấn luyện viên trưởng đội tuyển Bóng bàn Việt Nam!". Tôi cũng gật đầu: "Chào chú ạ!". Chú Khang liền chữa ngay: "Cháu chỉ gọi là anh thôi, đừng gọi là chú!".

Tôi bèn chữa lại: "Bạn của chú thì cháu phải gọi là chú chứ…". Sau màn chào hỏi rất nhanh như thế, chú Khang bảo tôi: "Thôi bây giờ cháu lên xe của anh Trúc đi, chú sẽ cùng anh Trúc đưa cháu về nhà!". Tôi cũng đành leo lên xe một cách miễn cưỡng…".

Mối tình giữa chuyên gia bóng bàn và phát thanh viên cách nhau 14 tuổi cũng không phải thuận buồm xuôi gió. Cũng có lắm tiếng bấc tiếng chì, cũng có lắm lời can gián bỉ bai, thậm chí hù dọa: "Hoa mà lấy anh Trúc thì sẽ khổ đấy vì anh ấy là người liêm khiết và chỉ đam mê công việc mà thôi!". Sau hơn một năm hò hẹn, họ quyết định đến với nhau.

Nghệ sĩ Ưu tú Thúy Hoa chia sẻ: "Tôi vẫn còn nhớ khoảng 3-4 lần gì đấy, bố của anh ấy đến nhà nói chuyện với ba má tôi để xin làm cưới sớm, nhưng khi ba má hỏi ý kiến thì tôi đều từ chối với lý do tôi chưa hiểu rõ về anh ấy. Và lần cuối cùng, bố anh ấy lại đến nói với ba má tôi rằng sắp chuyển vào Sài Gòn sống với con gái (chị gái hơn anh ấy một tuổi đang ở Sông Bé), và ba má tôi lại nói với tôi: "Thôi, con đồng ý đi, đừng để người ta đi lại quá nhiều như thế, ba má rất ngại".

Sau một thời gian ngắn suy nghĩ, tôi mới đồng ý. Tháng 8-1979, đám cưới của chúng tôi được tổ chức rất vui ở phòng cưới 2C Hàng Đường, trước sự chứng kiến của họ hàng, bè bạn thân hữu hai bên. Sau đám cưới, tôi về nhà anh ấy ở 31 Hàng Chuối và ở trong căn phòng xinh xắn trên lầu một. Căn phòng chỉ rộng 30 mét vuông nhưng rất đẹp, có sàn gỗ và đầy đủ tiện nghi, bên ngoài có ban công bao quanh, có cây hoàng lan rất to của nhà kế bên tỏa hương thơm ngát.

Trong căn phòng xinh xắn ấy, có một cái tủ kính rất to lưu giữ những kỷ vật về bóng bàn qua những lần đi thi đấu ở trong và ngoài nước. Ai đến cũng phải trầm trồ khen ngợi vì cách trang trí đẹp mắt. Nói chung, ngoài bóng bàn ra, anh ấy cũng là một người có khiếu thẩm mỹ về ăn mặc và cách trang trí nhà cửa, nên lúc nào nhìn thấy cũng tươm tất!".

Hai đứa con Nguyệt Ánh và Hoàng Anh lần lượt ra đời, giúp tổ ấm của Nguyễn Trọng Trúc - Thúy Hoa rộn ràng hơn mà cũng cam go hơn. Chồng thường xuyên thi đấu xa nhà, Thúy Hoa phải tự tay chăm lo cho cả hai đứa con thơ dại. Đầu năm 1986, lãnh đạo Sở Thể dục Thể thao TP Hồ Chí Minh đã ra Hà Nội xin chuyển chuyên gia bóng bàn Nguyễn Trọng Trúc vào phương Nam để giúp xây dựng phong trào thể thao.

Bìa cuốn hồi ký "Bóng bàn - Một đời tôi đam mê" của Nguyễn Trọng Trúc.

Ông Nguyễn Trọng Trúc dắt con gái lớn Nguyệt Ánh vào trước, rồi phát thanh viên Thúy Hoa cũng dắt con trai Hoàng Anh vào sau. Ở nơi làm mới là Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh, phát thanh viên Thúy Hoa trở thành một gương mặt được đông đảo khán giả mến mộ.

Nghệ sĩ Ưu tú Thúy Hoa là phát thanh viên nói giọng Bắc đầu tiên của Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh. Nhà gần cơ quan, mỗi ngày phát thanh viên Thúy Hoa đi bộ che ô đi làm, nhận được không ít sự tán dương của đồng nghiệp và những người xung quanh. Thế nhưng, phía sau nhan sắc rạng ngời ấy, là bao nhiêu lo toan của một người vợ có ông chồng đam mê bóng bàn.

Không thể không thừa nhận, chính phát thanh viên Thúy Hoa một tay vun đắp hết mọi chuyện trong gia đình, để chồng thoải mái với bóng bàn. Có lắm lúc, chuyên gia bóng bàn đứng ra tổ chức giải đấu mà lâm vào hoàn cảnh thâm thụt tài chính, thì phát thanh viên Thúy Hoa cũng đành lấy tiền dành dụm cho chồng trang trải nợ nần.

Chuyên gia bóng bàn Nguyễn Trọng Trúc là một người đàn ông may mắn, vì có được một người vợ nổi tiếng, xinh đẹp và khéo léo như Nghệ sĩ Ưu tú Thúy Hoa. Cô gái lớn của họ là Nguyệt Ánh cũng trở thành một MC quen thuộc với công chúng cả nước. Một trong những niềm vui của chuyên gia bóng bàn Nguyễn Trọng Trúc những năm cuối đời là cùng chơi đùa với cháu ngoại.

Ngày 29-11-2017, chuyên gia bóng bàn Nguyễn Trọng Trúc qua đời ở tuổi 74, mà chưa kịp nhìn thấy cuốn hồi ký của mình được ra mắt công chúng. MC Nguyệt Ánh nói về "Bóng bàn - Một đời tôi đam mê" của cha mình: "Tôi tin cuốn sách không chỉ là món quà với gia đình tôi mà còn là một cuốn cẩm nang rất có ý nghĩa về lịch sử môn bóng bàn Việt Nam nói riêng và cả nước nói chung với những độc giả yêu mến môn thể thao này. Không chỉ có những tình tiết thú vị trải dài suốt cuộc đời của một trong những bậc thầy của môn bóng bàn, tôi tin nó còn là nguồn động viên tinh thần rất lớn cho các thế hệ trẻ: Thành công sẽ đến với những người có đam mê, chịu khó học tập và nỗ lực, dù ngay trong những hoàn cảnh khó khăn nhất!".

Tuy Hoà
.
.