Chuyện ghi lại ở một nhà tù độc nhất vô nhị

Thứ Sáu, 05/10/2012, 08:00

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) vừa có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng tiến hành việc bảo tồn và tu bổ di tích Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt (cùng với việc lập hồ sơ di tích đặc biệt cho di tích Vườn quốc gia Cát Tiên). Theo kế hoạch, tỉnh Lâm Đồng sẽ dành khoản kinh phí 14,7 tỷ đồng cho công tác này. Phần thiết kế bản vẽ thi công tu bổ và tôn tạo do Công ty cổ phần Tu bổ di tích và Thiết bị văn hóa thuộc Bộ VHTT&DL đảm trách.

Gần 3 năm trước, vào tháng 12-2009, Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt đã được công nhận Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Tập thể cựu tù chính trị Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt và 3 cá nhân cựu tù từng bị giam cầm tại nhà lao này là Mai Thanh Minh, Đặng Bảo Xy và Ngô Tùng Chinh được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt được chính quyền Sài Gòn lập ra hồi đầu năm 1971 tại phường 9, Đà Lạt (Lâm Đồng) với tên gọi "Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt". Thực chất đây là nơi chính quyền Sài Gòn dùng để giam giữ những tù nhân chính trị cách mạng nhỏ tuổi (từ 12 - 15 tuổi). Trung tâm này được đặt dưới sự giám sát trực tiếp của Tổng nha Cảnh sát. Đầu năm 1971, đợt đầu tiên địch đưa 126 tù nhân thiếu nhi từ Nhà lao Kho Đạn (Đà Nẵng) và một vài nơi khác về đây để giam giữ. Tiếp đến, khoảng cuối năm 1971, địch tập hợp tất cả các tù nhân là chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi bị giam giữ ở các Nhà lao Côn Đảo, Chí Hòa và nhiều nhà lao khác ở miền Nam đưa về giam tại đây, tổng cộng hơn 600 người, trong đó có khoảng 200 tù nhân nữ.

Đồng chí Huỳnh Đức Hòa - Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng (thứ hai từ trái sang) thăm Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, nơi đồng chí từng bị chế độ Mỹ, ngụy giam cầm với tư cách tù nhân chính trị.

Ý đồ của chính quyền Sài Gòn là tách những tù nhân nhỏ tuổi ra khỏi những tù nhân lớn tuổi để đội ngũ tù binh nhỏ tuổi mất đi phương hướng đấu tranh. Tuy vậy, ý đồ của địch đã thất bại. Các chiến sĩ nhỏ tuổi trong Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt vẫn tiếp tục đấu tranh một cách ngoan cường. Cựu tù nhân Mai Thanh Minh (người gốc Hòa Hải, Hòa Vang, Đà Nẵng), Anh hùng LLVTND cho biết: "Tôi lúc đó còn nhỏ nhưng đã nếm trải nhiều trận đòn thù từ Nhà lao Kho Đạn ở Đà Nẵng, tiếp đến là các Nhà lao Côn Đảo, rồi Chí Hòa và sau đó là Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt. Những ngày đầu đặt chân đến đây, tôi đã tìm cách liên lạc với một số anh em bạn tù được đưa từ miền Trung vào, trong đó có anh Huỳnh Đức Hòa (hiện là Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng). Từ sự "móc nối" đó, phong trào đấu tranh của những tù nhân nhỏ tuổi tại Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt đã được đẩy lên bước cao hơn… Những ngày đầu đưa anh em tù thiếu niên về đây giam chung, bọn cai ngục bắt anh em phải xếp hàng để điểm danh rồi chào cờ ba que, nhằm dằn mặt. Và, cũng ngay trong những ngày đầu ấy, những tù nhân nhỏ tuổi đã phản đối quyết liệt…".

Bấy giờ, tại Trung tâm có viên cai ngục tên là Xăm Pôn nổi tiếng tàn ác. Xăm Pôn từng đi lính cho Pháp, có thâm niên trong việc "cai ngục" ở Nhà tù Côn Đảo trước khi chuyển về Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt. Tại buổi điểm danh và chào cờ đầu tiên, thấy những tù nhân phản đối quyết liệt, Xăm Pôn xông vào đánh tù nhân với một thái độ hết sức hung bạo. Những tưởng với trận đòn quá tay, đám trẻ con sẽ "lập lại trật tự". Nhưng thật không ngờ, y đã bị "đám trẻ con" đánh trả một cách quyết liệt, bằng bất kỳ vật dụng gì vơ được. Cuộc ép buộc tù nhân điểm danh và chào cờ đầu tiên của địch coi như thất bại.

Về sau, địch càng tăng cường việc đàn áp. Chúng dùng tới cả thủ đoạn "Dùng tù trị tù". Trong tù có Nguyễn C. vốn là một chiến sĩ của ta nhưng về sau đã chiêu hàng, làm tay sai cho địch. Trong nhà lao, hắn thường xuyên nghe ngóng tình hình của tù nhân để trình báo với địch. Về sau, hắn còn thẳng tay đánh đập anh em một cách dã man dưới danh nghĩa trưởng ban trật tự. Ban lãnh đạo của tù nhân đã bàn bạc và đi đến quyết định trừ khử tên chiêu hàng. Đêm 23/1/1973, đúng như dự kiến, khi tên C. đang trong nhà tắm, tù nhân Trần Viết Hùng xông vào và ôm chặt lấy hắn. Tiếp đến, các anh Huỳnh Ngọc Huệ, Mai Thanh Minh, Nguyễn Đăng Được, Nguyễn Mẹo… xông vào và dùng mọi vật dụng có thể để hạ tên phản bội. Tuy nhiên, do tên C. to lớn nên đã chống cự quyết liệt và thoát được vòng vây với những vết thương khá nặng, phải mất đến ba tháng nằm viện mới hồi phục.

Có lúc, địch đàn áp dữ  dội, phong trào đấu tranh của anh em tù nhân gặp rất nhiều khó khăn. Để củng cố tinh thần mọi người, tập thể lãnh đạo tù nhân đã đề ra nhiều phương án đối phó với địch. Hình thức tự mổ bụng tập thể và tuyệt thực nhiều ngày liền được mọi người đặc biệt lưu tâm.

Những cựu tù của Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt thăm lại nơi giam cầm trước đây. 

Vừa phát động đã có rất nhiều người xung phong, nhưng cuối cùng, ban lãnh đạo đã chọn 5 người sẵn sàng thực hiện việc tự mổ bụng là Mai Thanh Minh, Nguyễn Văn Thu, Thái Bá Tro, Bùi Văn Hiệp và Nguyễn Văn Út. Ông Mai Thanh Minh xúc động nhớ lại: "Hồi còn ở Nhà lao Côn Đảo, tôi đã từng chứng kiến một nữ tù nhân chính trị sau khi tuyệt thực mười ba ngày đã tự mổ bụng mình để phản kháng lại kẻ thù. Đó là một trong những tấm gương để tôi noi theo. Ở Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt, khi bàn chuyện mổ bụng tập thể, tôi đã nghĩ đến tấm gương của nữ tù chính trị nọ; nhưng có điều, làm thế nào để mổ bụng mà… không phải hy sinh tính mạng mới là điều quan trọng".

Sau các hướng dẫn cách mổ bụng sao cho không thiệt mạng, một kế hoạch đã được vạch sẵn. Khoảng 16h ngày 21/11/1971, rất đông lính bảo an chuẩn bị tấn công các tù nhân. Anh Nguyễn Văn Thu, một trong năm người được chọn đứng ra tuyên bố: "Nếu nhà cầm quyền Sài Gòn đàn áp tù nhân, chúng tôi sẽ mổ bụng phản đối!". Năm chiến sĩ quả cảm đều mặc đồ pijama trắng toát với mục đích khi máu đổ sẽ là màu tương phản gây được sự chú ý càng lớn.

Địch xông vào đánh các tù nhân. Anh Nguyễn Văn Thu rạch bụng trước. Tiếp đến là anh Thái Bá Tro, rồi đến lượt Mai Thanh Minh. Hai người còn lại là Bùi Văn Hiệp và Nguyễn Văn Út không kịp tự mổ bụng vì bị địch dùng gậy tấn công tới tấp. Ông Mai Thanh Minh nhớ lại: "Lưỡi dao sắc ngọt cứ thế cứa vào da thịt. Lòng căm thù đã làm cho tôi không còn biết đau là gì. Đến lúc cả đống ruột lòi ra ngoài, tôi ngất lịm trong vòng tay đồng đội. Một tên trung úy thấy thế lấy cái bát úp lên phần ruột lòi ra trên bụng tôi…".

Một chuyện đáng nhớ khác là những chuyến vượt ngục để trở về và tiếp tục chiến đấu. Đã có 7 chuyến vượt ngục trong những năm nhà lao này tồn tại (từ 1971 - 1973). Lần vượt ngục đêm 7/5/1973 được xem là… ngoạn mục nhất! "Có 13 người tham gia nhưng chỉ lọt ra ngoài và về được căn cứ 11 người; hai người còn lại là Ngô Bê và Trần Công Khanh bị lạc đường nên đã bị địch bắt trở lại…" - Ông Đặng Ngọc Chúng, một trong 13 chiến sĩ tham gia cuộc vượt ngục nhớ lại.

Trong nhà giam, để đề phòng tù nhân vượt ngục, trên tất cả các trần nhà, địch đều cho giăng dây kẽm gai nối với điện cao thế. Sau khi bí mật khoét trần, các tù nhân nhỏ tuổi xé quần áo bó tay và chân để cách điện rồi trèo lên và lọt ra ngoài. Cuộc vượt ngục diễn ra đêm 7-5 nhưng mãi đến 14-5, toàn bộ 11 người mới bắt được liên lạc với căn cứ và đã được anh Phạm Báng - Đội trưởng Đội Công tác, cùng với một đơn vị đặc công (đơn vị 850) đưa về chiến khu ở đông bắc Đà Lạt…

Dù chỉ tồn tại không đến ba năm nhưng Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt đã trở thành nơi lưu giữ rất nhiều bằng chứng về tội ác của Mỹ, ngụy. Ngục tù này còn là chứng tích của tinh thần bất khuất của những chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi nhưng kiên trung vô hạn với sự nghiệp giải phóng dân tộc!

Khắc Dũng
.
.