Chuyện buồn của… tượng

Thứ Sáu, 13/07/2007, 16:00
Ở nước ta, tượng đài nào được dựng lên đều có chuyện không về khía cạnh chất lượng nghệ thuật thì cũng bị coi là yếu kém về chất liệu dựng tượng. Nhưng có lẽ nổi bật lên trong bức tranh toàn cảnh về tượng đài ở nước ta và nhất là ở các thành phố lớn là sự nghèo nàn về đề tài, hình tượng và lúng túng về chủ trương.

Cách đây không lâu người ta bàn tán nhiều đến hình tượng dễ bị suy diễn nhiều chiều của 3 mũi tên đồng trên tượng đài “Chiến thắng Ngọc Hồi”, tại cửa ngõ phía nam Hà Nội, bên đường Quốc lộ 1A. Họ vạch ra cái sái của hướng chỉ 3 mũi tên đồng và cho là tượng đài này nên thay đổi.

Mới đây nữa, dân tình lại xôn xao về chuyện rò rỉ chất liệu đồng của tượng “Lý Thái Tổ”, mặc dù công trình này được khánh thành chưa bao lâu. Mà đâu có hết, cả tượng đài "Công nhân Việt Nam" ở Cung Văn hóa Hữu nghị, bức phù điêu "Mùa đông 1946" tại chợ Đồng Xuân cũng bị chảy máu… xanh.

Vậy là, tượng đài nào được dựng lên đều có chuyện không về khía cạnh chất lượng nghệ thuật thì cũng bị coi là yếu kém về chất liệu dựng tượng. Nhưng có lẽ nổi bật lên trong bức tranh toàn cảnh về tượng đài ở nước ta và nhất là ở các thành phố lớn là sự nghèo nàn về đề tài, hình tượng và lúng túng về chủ trương.

Chuyện tượng đài ở Hà Nội đã được dư luận xới lên nhiều lần và các nhà chuyên môn bàn thảo đến nát nước nhưng vẫn chậm chạp, nửa vời. Ấy là việc làm thì cứ làm nếu có đầu tư của Nhà nước. Tiền chùa mà, không cần tính tới hiệu quả đối với người dân. Vì chẳng phải đền bù giải tỏa, nên tiền đến tay là dựng tượng thôi. Thí dụ để thay tượng đài "Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh" ở đền Bà Kiệu, người ta cho dựng một tượng đài lớn hơn, cũng với đề tài đó với cái tên "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" ở vườn hoa Hàng Đậu.

Chưa hết, cũng với hình tượng đó, dù có mang tên khác, người ta còn dựng một phù điêu bằng đồng ở cạnh chợ Đồng Xuân. Ai cũng nghĩ rằng tượng đài ở đền Bà Kiệu sẽ bị đập đi để xây một tượng đài khác. Nhưng tất cả đều tồn tại. Nghĩa là cùng một nội dung và hình tượng khá giống nhau, ba công trình này chỉ cách nhau có một hai phố. Vậy có nhất thiết không khi bỏ ra gần hai chục tỉ đồng để làm thêm như thế?

Những công trình tượng đài lớn khác ở Hà Nội thì có thể đếm trên đầu ngón tay như tượng đài "Chiến sĩ" ở đồi Sóc Sơn, tượng đài "Chiến thắng Ngọc Hồi" ở Thanh Trì, tượng đài "Quang Trung" ở Gò Đống Đa. Riêng tượng đài "Chiến sĩ" mặc dù mang tính binh chủng phòng không chuyên ngành, nhưng xem ra có vẻ yên ổn hơn cả về hình tượng và vị trí đặt. Tượng "Quang Trung" và tượng đài "Chiến thắng Ngọc Hồi" lại bị thiếu hụt về không gian phô bày.

Ấy là chưa nói đến tượng còn có khả năng bị "thanh toán" để thay một hình tượng mới phù hợp với ý nghĩa lịch sử hơn trong quần thể khu di tích “Chiến thắng Ngọc Hồi” được mở rộng trong tương lai. Vậy là quá ít tượng đài được xây dựng cho xứng tầm với thủ đô Hà Nội. Nhất là hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội đã cận kề, nhưng các dự án về tượng đài chắc còn nhiều khó khăn. Đó là một điều thật đáng tiếc.

Đất nước ta có một lịch sử hào hùng. Hà Nội là một địa linh nhân kiệt với nhiều dấu ấn lịch sử huy hoàng rất cần có những tượng đài để ghi lại những biểu tượng của quá trình phát triển dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Nhưng trong tất cả các bản quy hoạch đô thị hiện đại và nhất là của Hà Nội đều không thấy phần quy hoạch cho tượng đài. Chính sự thiếu hụt về chủ trương này đã dẫn đến việc các nhà điêu khắc giỏi phải bó tay. Họ chỉ loay hoay làm ít tượng nhỏ, hoặc tham gia làm các vườn tượng lẻ tẻ ở nơi này nơi khác.

Ngay cả đến dự án làm vườn tượng ở Công viên Tuổi trẻ ngày nào cũng bị đổ vỡ, sau đó phải chuyển hết về bán cho khu du lịch Tuần Châu. Hiện nay ở Hà Nội coi như có hai vườn tượng, một đã cũ ở Công viên Bách thảo, và vườn tượng mới bày ở bên đền Ngọc Sơn. Nhưng nếu quan sát mới thấy lộn xộn làm sao. Chẳng ai quan tâm, có tượng đổ từ bao giờ cũng chẳng người chăm sóc. Hoặc có tượng bị rạn nứt, bị phá thủng cũng chẳng ai đoái hoài. Tượng đài lớn đã ít, lại còn bị trùng lặp hoặc khó hiểu, hoặc bắt chước y chang nước ngoài… Chẳng lẽ đó là hình ảnh nghèo nàn của ngành điêu khắc thủ đô.

Cách đây hơn hai tháng (8/4/2007) tỉnh Quảng Trị đã làm lễ khánh thành tượng cố Tổng bí thư Lê Duẩn trong công viên cùng tên. Mới hay có rất nhiều địa phương đã chú ý tới tượng đài và không gian cho nó. Có thể ghi nhận các tượng đài đạt tới sự thành công với đúng nghĩa của nó như tượng đài "Chủ tịch Hồ Chí Minh" ở Nghệ An, tượng đài "Lý Tự Trọng" ở Hà Tĩnh, "Anh hùng Núp" ở ngã ba Hoa Lư, Pleiku, tượng đài "Chiến thắng Điện Biên Phủ" ở Điện Biên, tượng đài "Mẹ dũng sĩ" ở Đà Nẵng… Tuy vậy, đó vẫn chỉ là những hiện tượng đơn lẻ và ít ỏi ở một số địa phương. Riêng ở thủ đô Hà Nội và TP HCM thì tượng đài còn quá ít và yếu kém về nghệ thuật.

Đánh giá hiện tượng này, nhà điêu khắc Trần Tuy có lần đề cập:

- Tôi biết có rất nhiều tác giả muốn được thể hiện các ý tưởng của mình, nhưng bởi không có điều kiện. Điều quan trọng hơn là không có một không gian thực sự thích hợp để những tác phẩm sáng tạo ra không bị bỏ quên.

Vậy một không gian thích hợp ấy ở đâu ra? Ai sẽ tạo ra chúng. Có lẽ cần phải đánh động ý thức không gian tượng đài cho các nhà kiến trúc đô thị và các quan chức liên ngành. Bởi không nên chỉ chăm chăm giải phóng mặt bằng, giao cho các nhà đầu tư để xây các ngôi nhà cao chót vót sính lợi và khô cứng. Chúng ta cũng chẳng nên tự hào gì quá lắm về những lô nhà vài chục tầng đền bù hoặc được bán với giá cao, trong khi đường phố thì trống trơn, thiếu vườn hoa, thiếu tượng đài làm đẹp cho thành phố.

Lẽ dĩ nhiên quan tâm tới không gian tượng đài cũng chỉ cần ưu tiên những vị trí có điều kiện tôn vinh giá trị thẩm mỹ tượng đài một cách tương thích với bố cục kiến trúc dân sinh hoặc những không gian quảng trường lịch sử. Điều này ta thấy rõ như tượng đài dựng ở Hà Nội đều bị thiếu hụt về không gian bởi lẽ các tượng đài này đều quá lớn so với vị trí hiện tại.

Tượng đài "Quang Trung" là một điển hình về sự mất cân bằng về không gian với độ lớn của tác phẩm. Tượng đài "Chiến thắng Ngọc Hồi" cũng gặp sự khuất lấp về tầm nhìn và cấu trúc hình tượng. Ngay cả bức tượng đồng “Lý Thái Tổ” cũng là lớn so với không gian được đặt ở vườn hoa Lý Thái Tổ…

Ta có thể coi bức tượng “Lãnh tụ Lênin” ở vườn hoa Vạn Xuân là thành công về mặt không gian cho tượng đài. Từ phía nào, người đi đường cũng đều có đủ tầm nhìn tới bức tượng bởi không gian tương thích của nó. Bệ tượng cao và tượng vừa đủ lớn tương thích với môi trường sống cho tác phẩm. Những sinh hoạt dân sinh và hoạt động văn hóa chung quanh bức tượng tạo nên sức sống cho tượng đài và ý nghĩa lịch sử của hình tượng được tôn vinh.

Vậy không gian tượng đài ở đây còn phải quan tâm cả tới môi sinh thực tế, tránh tình trạng như tượng đài "Quang Trung", tượng quá lớn với không gian kiến trúc và xung quanh là cảnh chợ búa, rác rưởi ô nhiễm.

Ở nhiều nước trên thế giới, ngoài những tượng đài lịch sử lớn, còn những tượng đài dân sinh, tượng đài danh nhân đều có độ lớn tương thích với không gian cho nó. Ngay cả trên đường phố hay trong chợ cũng có những tượng đài gần gũi với hơi thở của đời sống. Người dân cảm nhận được sự giao lưu thân tình của bức tượng. Tượng đài trở nên như người bạn đồng hành trên mỗi bước đi.

Để làm được những điều đó trên đường phố hay quảng trường ở Hà Nội cần có sự bắt tay giữa các nhà quy hoạch đô thị và các nghệ sĩ điêu khắc. Bệnh dựng tượng đài với tư duy bao cấp cũ chỉ đẻ ra những bức tượng đầy chất quan liêu mà thôi. Tốn tiền mà vẫn mang tiếng là "coppy" là thế.

Các công trình dân sinh hiện đang có tốc độ phát triển đến chóng mặt. Đặc biệt các đô thị mới sẽ là các khu văn hóa vệ tinh của Hà Nội đang mọc lên từng ngày. Nhu cầu phát triển này là tất yếu và diện tích của thủ đô sẽ được mở rộng gấp nhiều lần hiện nay. Nên chăng cần có một cơ quan tư vấn phối hợp giữa không gian kiến trúc và tượng đài. Cần có một hội đồng chuyên môn đích danh, bỏ phiếu xét duyệt công khai trong các cuộc thi tượng đài.

Hy vọng chỉ đến lúc đó các bức tượng sẽ không bị mẻ và các bức tượng đồng không bị chảy máu… xanh. Và, tất nhiên khi ấy chúng ta sẽ có những tượng đài đẹp xứng tầm với thủ đô ngàn năm yêu dấu...

Vương Tâm
.
.