Chưa "trúng" ý huyện

Thứ Ba, 06/09/2011, 08:00

Không phải nhà văn, nhà báo, nhưng mà tôi... viết bài. Không phải không có việc gì khác để làm nhưng ngòi bút như có ma lực, khiến tôi hì hục đam mê như đang làm những việc hệ trọng lắm. Và tôi cũng có những vui - buồn nghề nghiệp như một nhà báo thực thụ.

Cách nay ít ngày, tôi có vào một cửa hiệu thay cái lốp xe. Ông thợ hì hục làm, loáng một cái đã xong. Tôi trả tiền, đưa bằng cả hai tay, lòng thầm cảm ơn bác thợ cần cù, khéo léo. Định đi thì ông ấy bảo: "Uống hớp rượu đã! Mà này, trông anh quen quen, có phải anh là nhà báo không?".

- Đâu dám, thưa ông, có mà "báo cô".

Cả hai chúng tôi cùng cười

Rồi tôi tiếp: "Nói thật với ông, tôi chỉ là cộng tác viên có tham gia viết đôi bài".

- Thế thì đúng rồi. Anh tưởng nhân dân ít đọc báo sao? Tên anh là... Mấy bài báo của anh tôi còn lưu đây.

Nói rồi, ông thợ rót một chén "hoa hồng" đậm đặc cái vị cuốc lủi thơm nồng bắt tôi trăm phần trăm. Bất ngờ, ông bảo: "Thôi, lấy một nửa, còn lại coi như kỷ niệm". Tôi nói: "Ông làm đẫm cả mồ hôi. Công thì có, chứ lốp xe ông lấy đâu ra?" - Thôi, coi như chiêu đãi - Ông tiếp - Cứ viết cho hay vào là được!

Tôi chỉ biết cầm bàn tay thô ráp của người thợ, chạnh lòng nghĩ rằng, bài viết của mình có đáp ứng được lòng mong mỏi của người đọc hay không?

Lại cầm giấy, đạp xe xuống huyện. Thời bây giờ, cái xe đạp vào cơ quan cũng ngại. Tôi định viết bài dự thi cho báo. Anh Chánh văn phòng xem xong giấy tờ, rồi hỏi: "Thẻ đâu?".

- Báo cáo… tôi là cộng tác viên, hồi này các báo không cấp thẻ. Chỉ có giấy giới thiệu ...

- Thế thì không được! Nhà báo lớn còn chưa làm gì cho huyện, đôi khi còn "chọc", nói gì đến cộng tác viên. Sao không làm việc khác?

Tôi nóng mặt vì bị xúc phạm nghề nghiệp. Tiếp người cầm bút thế này thì khi tiếp dân anh ta còn "vặc" đến đâu? Tôi "vặc" lại: "Việc khác? Sao anh không chỉ làm văn phòng mà còn đụng vào mấy chục tấn thóc dự trữ vừa rồi...?".

Bị chạm nọc, không nói được, hay không thèm nói, anh ta lật ngược giấy giới thiệu của tôi, viết vào mặt sau và kèm dấu đỏ: "Không có thẻ, có hơi rượu, thiếu thiện chí với cơ sở, huyện không tiếp". Tôi giận run người nhưng vì công việc nên cố kìm chế, cầm giấy sang gặp Chủ tịch huyện. Anh này trước có học trường huyện với tôi. Xem cung cách tiếp khách, có vẻ "văn hóa" hơn đây. Anh ấy bảo:

- Tay văn phòng chưa có kinh nghiệm. Để rồi tôi "làm việc" với cậu ấy. Mà cũng chưa cần đi đâu, cứ về xã cậu mà viết, khối chuyện đổi mới. Tôi đang bận, à, để tôi ghi cho mấy chữ...

Lại cầm giấy, đạp xe về làng. Trưa hè, mồ hôi đầm đìa, định dừng xe nghỉ một lát thì mấy thanh niên trong quán chạy ra: "Hoan hô nhà báo đã về. Hôm qua đài đọc bài "Cột điện không dây" của anh, hay lắm. Viết tốt vào, chúng em khao. Đừng "bốc lên" chán lắm!".

Ít ngày sau, bài của tôi được đăng báo. Bất ngờ gặp Chủ tịch huyện, anh nói: "Bài cũng được nhưng nhiều chỗ chưa trúng ý huyện". Lại thế nữa, viết bài mà cứ phải "trúng ý huyện"? Y như cái đận tôi tôi viết bài về trường cấp II của xã, anh hiệu trưởng tìm gặp đã chẳng khen cho một câu, còn trách: "Tôi kể cho anh 5 giáo viên dạy giỏi, anh viết có 3, làm người ta thắc mắc mãi".

Thế đấy, thời bây giờ mà còn có những người tưởng báo chí chỉ làm mỗi cái việc là… thống kê thành tích cho họ

Xuân Đam
.
.