Tản văn

Chú tàu hỏa “tâm sự”

Thứ Tư, 16/06/2010, 09:16
Tôi là tàu hỏa, tàu hỏa Việt Nam. "Cụ tổ" tôi sinh ra ở mãi tận nước Anh cách đây dễ đã đến hai trăm năm. Nghe nói, khi mới chào đời, cụ vất vả lắm. Người ta làm om lên, bởi cụ tôi lúc mới sinh, trông đã vạm vỡ, vẻ ngỗ ngược. Khói nhả lên trời lại đen kịt, thử hỏi làm sao những người vốn quen đời sống thanh bình, cảnh sắc thơ mộng có thể chấp nhận nổi?

Hơn thế, không biết có phải vì ngày đông tháng giá (nước Anh vốn nhiều mưa tuyết), vẫn cứ phải mình trần trùng trục, gồng hết sức ra mà lao động, nên dòng giống nhà tôi đều mắc căn bệnh hen suyễn cả. Có lẽ gọi là "lao lực" thì đúng hơn. Đây như chính bản thân tôi, khi nghỉ thì chẳng nói làm chi, chứ khi chạy thì...

Các bạn thử tưởng tượng xem, họ xúc bón từng miếng than vào mồm tôi như tôi là một đứa trẻ. Họ nung đầu tôi nóng tưởng phát điên. Tôi cố nghiến răng chịu đựng, đôi khi răng xiết vào nhau kêu ken két, hơi nước thoát ra qua kẽ răng phập phì. Khi tôi dừng lại nghỉ, có lẽ các bạn thấy rõ, tôi mệt chừng nào. Tôi hổn hển, phì phò, rồi rống lên mà các bạn quen gọi là "huýt còi".

Dĩ nhiên, đôi khi tôi cũng tự bằng lòng với mình là mặc dù họ nhà tôi đã thuộc vào loại "đời cổ", nhưng ở Việt Nam này, xem ra người ta vẫn còn rất cần đến chúng tôi (cho nên, khi mới phong thanh dự án thay thế tôi bằng một người anh em "cùng cha khác mẹ" khỏe khoắn, "đẹp trai" hơn, nghe nói cũng nhiều người phản đối lắm đấy; họ sợ không "nuôi" nổi nó, vì nó "phàm ăn tục uống").

Cũng có người hỏi tôi: Cậu đi mãi trên một "vạch" cố định thế (ý họ nói đường ray) không chán à? Ồ, suy cho cùng rồi thì quen đi tất, như người ta lấy vợ ấy mà. Ví dụ như bởi cái "bà ray" này bà ấy "sít sịt" như thế nên tôi mới đi đến nơi về đến chốn được. Thì đấy, khi những ngón tay của bà ấy không nắm chắc lấy tôi (thử mất một ít thanh tà vẹt xem) người tôi không lảo đảo loạng choạng ư?

Tất nhiên, như tôi đã nói, nghề của họ nhà tôi vất vả lắm, ai nấy đều phải rất siêng năng. Thì gương cũ còn kia: Tôi có đứa em cùng cha khác mẹ là tàu điện. Nó tuy ăn uống sung sướng hơn tôi, làm lụng không vất vả bằng, chỉ loanh quanh chạy nhong nhong phố phường, nhưng rồi người ta thấy nuôi mãi nó thế cũng bất tiện (vả lại nó cũng không được khỏe) nên đã chuyển nó vào phục vụ trẻ em trong công viên.

Có lẽ việc này phù hợp với "cu cậu" hơn. Hôm vừa rồi chạy qua đường Lê Duẩn, thoáng nhìn thấy cu cậu từ xa, tôi đã phải hét lên "sướng nhé". Ngoài chú em tàu điện ra, tôi không biết hết những ai là anh em trong họ mạc, nhưng tôi tin đám xe cộ kia có đứa cùng chung một "cụ tổ" với tôi. Kể ra, cái sướng của chúng là có thể chạy nay đây mai đó. Có đứa trông dáng vẻ thì to lớn mà lại rất nhàn tản.

Tuy vậy, mỗi lần gặp tôi ở chỗ đường chắn, tôi thấy chúng đều ngoan ngoãn biết điều dừng lại cả. Có đứa lên tiếng còi chào. Có đứa mắt nhấp nháy vẻ thân thiện lắm. Những lúc như thế - xin thưa cùng các bạn - tôi thấy thật khoan khoái và hạnh phúc

Nguyễn Duy Lý
.
.