Tản văn

Chơi "đẹp"

Thứ Ba, 14/06/2011, 08:10
Một người làm thơ đến một nhà xuất bản xin tạm dừng xuất bản tập thơ của mình. Lý do mà người này đưa ra cũng dễ cảm thông: Phải bổ sung vào bản thảo 5 bài thơ "mới tinh". Rồi gặp ai, người này cũng nói giọng hồ hởi, phấn khởi, chen lẫn sự tự hào không một chút giấu giếm: "Tôi không ngờ thơ mình lại được nhiều người khen đến vậy. Mà toàn là người có tên có tuổi mới lạ chứ...

Họ bảo thơ tôi có nhiều tìm tòi, đổi mới và rất đáng đọc. Ông bảo làm thơ mà được nhiều người chú ý như thế thì có tuyệt vời không? Kỳ này, nếu tôi nộp hồ sơ xin vào hội, nếu được đảm bảo bằng mấy bài khen này, chắc chắn sẽ gặp nhiều thuận lợi".

Ngưng một lát, người này lại hỏi tôi: "Thế khi cho xuất bản một tập thơ mới, ông có làm như tôi không?".

Tôi nói giọng chất chưởng: "Tôi không có may mắn được nhiều nhân vật có tên có tuổi quan tâm như ông. Có lẽ thơ tôi không tìm tòi, không đổi mới và không đáng đọc. Là người vào hội rồi nên tôi cũng không cần đảm bảo bằng mấy bài khen ấy. Tôi cũng đã xuất bản 4, 5 tập thơ nhưng chưa bao giờ cho in vào sách bất cứ một lời khen nào. Bởi vì tôi muốn độc giả đọc thơ của tôi qua thơ tôi, không qua một "định hướng" hay "lời hướng dẫn" nào. Thêm nữa, tôi đâu có may mắn quen mấy ông ấy".

Như không nhận ra thái độ của tôi, người này lại tiếp tục "cởi lòng cởi ruột" một cách rất dễ thương: "Thì tôi sẽ dẫn ông đến giới thiệu với mấy ông ấy. Ở đời, bạn bè giúp nhau là chuyện rất bình thường".

Tôi hỏi: "Thế ông sẽ giới thiệu tôi thế nào? Thủ tục làm quen có dễ dàng không?".

Người này trả lời: "Tôi sẽ giới thiệu ông là một người rất yêu thơ, làm thơ lâu năm, chưa có cơ hội được những người có tên có tuổi để ý đến. Còn thủ tục làm quen thì cũng đơn giản thôi. Khởi đầu là ra quán bia và sau đó cũng kết thúc ở quán bia. Nếu ông biết cách chơi đẹp là ổn hết. Vài hôm nữa, ông đến nhà tôi nhé. Chắc chắn tôi sẽ truyền kinh nghiệm chơi đẹp cho ông. Đương nhiên là cũng phải tốn kém một chút. Rồi khi nào ông in tập thơ mới thì gửi bản thảo đến các vị ấy và xin các vị ấy mấy bài viết".

Tôi lại hỏi: "Thế nhỡ họ chê thơ tôi thì sao?".

Người này lại trả lời: "Làm gì có chuyện đó! Đã hiểu họ, đã chơi đẹp với họ thì làm gì có chuyện… chê".

Tôi băn khoăn: "Như thế thì còn gì là khách quan nữa? Không khéo lại bị người ta phán: Cánh hẩu với nhau có khác! Lúc nào cũng ôm nhau lấy được! Tôi mà rơi vào tình cảnh ấy, tôi ngượng lắm, ông ạ!".

Người này cười toáng lên: "Ông ngây thơ và hoang đường quá. Bây giờ lấy đâu ra sự khách quan. Mà có gì phải ngượng cơ chứ. Ai cũng ngượng như ông thì… Mà tiêu chí thế nào là thơ hay, cũng vô cùng lắm. Theo tôi, ông nên tự tin, đừng tự ti như thế".

May mắn tôi đã đọc thơ của người này. Nhìn chung là à ơi, không mới và khá rậm lời. Hay nói một cách khác: Thơ của người này thuộc "dòng" phổ biến như nhiều người đang sinh hoạt trong các câu lạc bộ thơ phong trào hiện nay. Tôi không trách người này. Nếu có trách thì chỉ trách mấy người đã khen thơ ông vì những lý do… ngoài thơ. Họ đã làm thế để làm gì nhỉ? Chả nhẽ chỉ để mỗi cái việc: Làm cho một cái thùng rỗng vốn đã kêu to lại có dịp kêu to hơn mà thôi

Đặng Huy Giang
.
.