Chơi dao sắc, có ngày đứt tay

Chủ Nhật, 10/05/2009, 10:00
Cùng với sự sinh sôi nảy nở không ngừng của các trang web cá nhân, có lẽ chưa bao giờ độc giả Việt Nam lại được chứng kiến (và cả tham dự) vào các cuộc cãi vã, đôi co, thậm chí là hạ nhục nhau, giữa những người làm văn chương nghệ thuật... nhiều như hiện nay.

Chỉ tính riêng hai tuần đầu của tháng tư, khi mà dư luận còn chưa bứt khỏi vụ họa sĩ Trịnh Cung - người vốn  được xem là bạn chí cốt của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - ở bài báo công bố trên một trang web hải ngoại đã bất ngờ có những lời lẽ xúc xiểm người bạn quá cố của mình, họ đã phải thêm lần "bận tâm" tới vụ tỉa tói, mạt sát nhau giữa nhà phê bình văn học Đông La và nhà văn Triệu Xuân - những người mà chỉ trước đó ít ngày còn cùng nhau ra... thông cáo báo chí: "Chúng tôi phấn đấu sao cho độc giả yêu văn chương đến với mình như người bạn đồng hành đi tìm vẻ đẹp tuyệt vời của văn chương rạng ngời chân, thiện, mỹ".

Điều lạ là trong cuộc "bêu" nhau trước bàn dân thiên hạ này, người nào người nấy đều mạnh miệng thề thốt, đều nhắc nhiều đến những chữ  Trời - Phật, lương tâm, và đều xem như mình "cực chẳng đã" mới phải lên tiếng nói về người kia, như thể nếu mình không lên tiếng là chưa trung thực với chính mình, là còn có lỗi với người đương thời (và biết đâu, với cả... hậu thế). Như thể người mà mình gắn bó, kết thân từ nhiều năm nay vốn dĩ là một người đầy lấm lem, tội lỗi, cần phải... cảnh giác.

Trong bài "Thư ngỏ của một kẻ thua thiệt" được tải trên trang web của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, nhà phê bình văn học Đông La đã "tố" nhà văn Triệu Xuân, Trưởng chi nhánh NXB Văn học tại TP Hồ Chí Minh đã có "hành vi cướp công và lừa đảo" đối với ông vì đã "quên phắt tất cả những lời hứa hẹn khi mời chào" ông tham gia tổ chức thực hiện ấn phẩm "Văn chương Hồn Việt" (xin chớ nhầm với tạp chí Hồn Việt của Trung tâm nghiên cứu Quốc học).

Không chỉ gói gọn trong phần việc liên quan giữa hai người thời gian gần đây, nhà phê bình Đông La còn cho thấy khả năng "thấu thị lòng người" của ông khi nhắc về một Triệu Xuân trong quá khứ: "Nhưng kinh nghiệm gần 10 năm qua với Triệu Xuân khiến tôi không yên tâm"; "sao mà tin được một người thường bất tín như Triệu Xuân"; "như lần trước, tôi cũng được Triệu Xuân mời làm biên tập đầu những năm 2000, tiền biên tập của tôi lên đến gần chục triệu mà Triệu Xuân lờ đi"; "chuyện nhập nhằng tiền bạc của Triệu Xuân không chỉ xảy ra với tôi, lần đầu tôi nghe tên Triệu Xuân là do anh Tuấn con Nhà văn Chiến sĩ tình báo Vũ Bằng bảo, Triệu Xuân đã ăn chặn tiền của gia đình khi in sách của bố ông; chuyện này đúng sai thế nào tôi không biết, nhưng chuyện ông anh cùng làng tôi là Nguyễn Ngọc Thu nhờ Triệu Xuân in tập thơ với giấy tốt nhất thì Triệu Xuân đã in bằng giấy phế phẩm, khiến ông anh tôi phải hủy toàn bộ thì không thể sai vì tôi là người trong cuộc; còn người này người kia nói Triệu Xuân vòi nhậu, xin tiền thì nhiều, trong đó có chính tôi...".

Đông La cho biết, viết về Triệu Xuân là ông muốn "viết ra một chân dung điển hình về loại công chức tìm mọi cách làm tiền và tiến thân bằng đủ mánh khoé".

Để "đáp trả" tức thời lá thư ngùn ngụt bi phẫn của nhà phê bình văn học Đông La, nhà văn Triệu Xuân cũng đã có bài viết "Đông La tráo trở" tải trên một số trang web.

Mặc dù ngay ở lời mào đầu, Triệu Xuân cố giữ sự điềm đạm: "Đông La đã đe dọa tôi nhiều lần kể từ ngày 2/4 khi mà 3 yêu sách của Đông La không được đáp ứng. Vì thế, tôi không bận tâm lắm về lá thư thể hiện sự tráo trở, bôi nhọ của Đông La với tôi. Tôi biết mình lâm cảnh làm ơn mắc oán, và tự nhủ: Trời Phật sẽ trừng phạt những ai sống trái đạo lý làm Người", song ông cũng không giấu được sự mỉa mai khi ở phần "Vài nét về Đông la" đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin kiểu như: "Năm 2004, Đông La xin vô Chi nhánh làm biên tập. Làm được ba tháng, xong thời gian thử việc. Sau khi xem xét kết quả mà Đông La thực hiện, Giám đốc NXB không đồng ý tuyển dụng, vì Đông La để lại quá nhiều lỗi"; "Lạ thay, mấy chục năm qua, cho đến nay Đông La đã 55 tuổi rồi, vẫn chưa có một cơ quan nào sử dụng tài năng xuất chúng ấy?". Cũng theo Triệu Xuân thì trước đó, đã có người cảnh báo ông rằng Đông La "hay trở chứng lắm", và chứng tật ấy gần như vô phương cứu chữa vì - theo lời người này - "tôi khuyên nhủ nó nhiều lần nhưng vô hiệu".

Ở đây, xin không bàn về sự đúng sai của những thông tin mà cả hai nhà văn Đông La và Triệu Xuân đã "dành" cho nhau, bởi để phân định điều này không dễ, khi mà một bên viện dẫn tới Trời - Phật ("Nếu tôi làm điều gì sai, xấu, sẽ có Trời Phật ra tay" - lời nhà văn Triệu Xuân; và "hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về những điều tôi viết sau đây" - cam kết của nhà phê bình Đông La), chỉ lấy làm ngạc nhiên là tại sao, mặc dù đã biết rõ những điểm "xấu" của nhau đến vậy, mà hai ông vẫn cứ phối hợp với nhau như thể những người bạn chí cốt, để rồi việc mới vận hành đã "tan đàn xẻ nghé", đã quay sang thóa mạ nhau, khiến không ít độc giả đã phải chịu những phen "cười mẻ bụng", cười "té ghế" (chữ dùng ở các comment của lethieunhon.com).

Có thể nói, trong trường hợp này, ý kiến của ông Thế Dũng góp ý với ông Đông La thật đáng để những người trong cuộc phải suy ngẫm: "Ông đã nghe nói Triệu Xuân thế này thế nọ thì bây giờ gặp sự cố, ông phải cắn răng mà chịu chứ. Ông nói ra chỉ khiến thiên hạ cười sự ngây ngô của ông mà thôi". Cũng vậy, đã có một số người "thương thay cho Triệu Xuân" vì đã "dám đánh bạn với Đông La".  

"Chơi dao sắc có ngày đứt tay" - Câu ngạn ngữ ấy có lẽ đúng với trường hợp cả hai nhà văn Đông La, Triệu Xuân chăng?

Phạm Nhật Linh
.
.